Lối đi hạnh phúc

“Tôi mong muốn có thể giúp những người khuyết tật Việt Nam tự tin hơn, dám nói lên tiếng nói của mình, có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để hòa nhập tốt hơn”

Lối đi hạnh phúc

“Tôi mong muốn có thể giúp những người khuyết tật Việt Nam tự tin hơn, dám nói lên tiếng nói của mình, có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để hòa nhập tốt hơn”

Thông qua công việc, mình sẽ hỗ trợ cho cộng đồng người khuyết tật. Mình có thể chia sẻ được những câu chuyện thành công có thể giúp người khuyết tật có được cái nhìn cũng như sự hiểu biết, những kiến thức, kỹ năng để họ có thể hòa nhập tốt hơn trong tương lai.

Đó là khát khao cháy bỏng của anh Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1984, quê ở Bến Tre, người đã xuất sắc nhận được học bổng Thạc sĩ của chính phủ Úc vào năm 2016.

Ngay khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, trường KHXH nhân văn Tp.HCM, anh Tùng đã làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD)- đơn vị thực hiện hỗ trợ miễn phí, toàn diện mọi hoạt động cho người khuyết tật: trao học bổng, cung cấp các khóa học đào tạo kỹ năng, các chương trình học tập giao lưu, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng lực cho người khuyết tật.

Anh Tùng nhớ lại : "Lúc học Đại học gặp khó khăn trong đi lại và điều kiện cơ sở vật chất, lúc đó trường Đại học khoa học xã hội nhân văn cơ sở cũ không có thang máy. Khoa Anh được bố trí ở tầng cao cho nên đối với người khuyết tật đi lại rất khó khăn, hàng ngày phải leo bộ lên tầng 2,3, trong khi nhà vệ sinh lại ở tầng 1. Cho nên tôi phải hạn chế uống nước và hạn chế vận động."

Từ chính những trải nghiệm của bản thân, thấu hiểu những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt khi hòa nhập xã hội, anh Tùng mong muốn có thể làm gì đó để cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật khi theo học đại học, hay khi hòa nhập cộng đồng. Đó cũng là động lực giúp anh Tùng quyết tâm xin học bổng Thạc sỹ chuyên ngành Người khuyết tật với mục đích nâng cao kiến thức, kĩ năng cho bản thân, đồng thời, giúp đỡ những người bạn, đồng nghiệp cùng cảnh ngộ khác.

Theo anh Tùng, so với cách đây hơn chục năm, hiện hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM dù có nhiều cải thiện, song vẫn chưa thực sự thân thiện với người khuyết tật.

Một số nơi, người ta làm đường dốc cho xe lăn đi lên. Tuy nhiên, để ngăn các xe máy đi lên, họ làm những thanh chắn. Điều này vô tình tiếp cận lại thành không tiếp cận vì người khuyết tật không thể di chuyển. Các khu vui chơi giải trí cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng dành cho xe lăn.

Công trình tiếp cận cho NKT vận động chưa đồng bộ, nơi có, nơi không

Chính phủ, các Bộ ngành đã xây dựng một số Quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng công trình dành cho người khuyết tật.

Những năm gần đây, các công trình xây dựng mới đã chú trọng đến việc thiết kế, xây dựng những hạng mục hỗ trợ người khuyết tật. Tuy nhiên, một số công trình còn mang tính hình thức, không theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, người khuyết tật rất khó tiếp cận.

Nhiều trạm dừng xe bus chưa bố trí đường tiếp cận, vị trí cho người khuyết tật

Một số công trình mới chỉ tập trung cải tạo hạ tầng tiếp cận đối với người khuyết tật vận động, thiếu các hạng mục hỗ trợ người khiếm thị như tấm lát nổi, các bảng chữ nổi Braille.

Việc cải tạo một số những công trình cũ chưa đúng theo quy chuẩn: vòng cua thường quá ngắn, đường tiếp cận quá dốc hoặc quá dài. Nhiều đường dẫn thậm chí có độ dốc lớn nhưng không có tay vịn, khiến người khuyết tật không thể tự đi xe lăn lên.

Ở Úc, người khuyết tật các dạng vận động, khiếm thị, khiếm thính đều dễ dàng tiếp cận hệ thống giao thông nói chung và giao thông công cộng nói riêng, mà không cần sự trợ giúp của những người xung quanh.

Theo số liệu từ Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, hiện cả nước có 1.132 xe buýt sàn thấp trên tổng số khoảng 10.000 xe buýt, chiếm 10% đoàn phương tiện. Trong đó, Tp.HCM hiện có 311 xe buýt sàn thấp trên tổng số 1.817 xe, đạt tỷ lệ 17%. Hiện Hà Nội và Tp.HCM đã và đang tiếp tục đầu tư và phát triển thêm nhiều phương tiện tiếp cận như xe buýt nhanh, xe buýt điện; tại các trạm dừng, nhà ga của tàu điện trên cao, tàu điện ngầm đã bố trí các đường tiếp cận dành cho xe lăn, thang máy, đường dẫn hướng, hệ thống chỉ dẫn bằng âm thanh….tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia giao thông dễ dàng hơn.

Nhiều nước phát triển sử dụng xe buýt có thiết bị nâng hạ giúp người sử dụng xe lăn đi lại dễ dàng

Đa phần, người khuyết tật khi sử dụng các phương tiện GTCC đều cần sự hỗ trợ của những người xung quanh. Theo anh Tùng, phương tiện taxi ở Việt Nam chưa có thiết kế hỗ trợ người đi xe lăn, nên phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của lái xe taxi.

Thế nhưng, có những tài xế taxi rất nhiệt tình giúp đỡ, nhưng có không ít người cảm thấy khó chịu khi gặp khách là người khuyết tật.
“Lúc đó họ không tỏ thái độ một cách quyết liệt, nhưng mà qua cái nhìn, ánh mắt của họ, hay những lời nói vu vơ, khiến mình cảm thấy khá bị tổn thương.” Anh Tùng nói.

Ngày càng nhiều xe buýt sàn thấp, có trang thiết bị hỗ trợ NKT được đưa vào sử dụng ở Việt Nam

Người khuyết tật của Việt Nam đang được coi là người yếu thế trong xã hội, họ ít có cơ hội được tham gia, được lên tiếng về những vấn đề mình đang gặp phải.

Điểm khác biệt lớn nhất của Việt Nam so với các quốc gia phát triển là vị trí và cách nhìn nhận vai trò của người khuyết tật trong xã hội.

Người khuyết tật ở Việt Nam, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa do điều kiện khó khăn, hạn chế về mặt kiến thức, họ không có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài cho nên không mấy tự tin. Một tỷ lệ lớn người khuyết tật luôn ở thế bị động và là đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến vị thế của họ. Cộng đồng chưa nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị, khả năng của họ.

Ở các nước phát triển, người khuyết tật tự tin hơn và có tiếng nói, có vai trò trong xã hội nhiều hơn. Họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là những người đóng góp hỗ trợ lại cho cộng đồng.

Sau khi hoàn thành khóa Thạc sĩ, anh Tùng dành 5 năm làm việc tại DRD để tiếp tục các dự án hỗ trợ NKT, trong đó có dự án hỗ trợ một số trường đại học cải thiện hạ tầng cho sinh viên khuyết tật. Anh cũng là người truyền cảm hứng cho nhiều SV khuyết tật vươn lên trong cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.

Việt Nam đã ký công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật, đồng nghĩa, toàn xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo quyền bình đẳng người khuyết tật. Chính phủ cũng đã ban hành Luật Người khuyết tật và những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm hỗ trợ Người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Anh Tùng cũng như nhiều người khuyết tật mong muốn:

Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong quá trình thực thi các chính sách, tăng chế tài xử lý đối với những chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các công trình hỗ trợ người khuyết tật không đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Người khuyết tật được tham gia và có tiếng nói trong quá trình thiết kế, xây dựng các công trình xây dựng để các công trình phát huy hiệu quả thực sự.

Một xã hội thân thiện khi cơ sở hạ tầng giao thông thân thiện đối với tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Đây là điều cần thiết cho sự phát triển của xã hội.

Yếu tố quan trọng nhất, theo anh Tùng, các nhà quản lý, người dân, cộng đồng xã hội cần thay đổi về nhận thức, đánh giá về khả năng, giá trị và đóng góp của người khuyết tật. Cần nhìn nhận họ giống như các thành phần khác trong xã hội và đảm bảo các quyền lợi công bằng như các thành phần khác.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các Bộ ngành đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật thông qua việc ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật. Hiện nay, những chính sách này đang được thực hiện ra sao? Có những vướng mắc bất cập gì? Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo có nhan đề: Hạ tầng giao thông cho người khuyết tật: Khung pháp lý đầy đủ, vì sao thực hiện khó?
Nhóm tác giả
Nội dung: Trang Công Tiến, Phạm Trung Tuyến, Đỗ Minh Hồng, Tăng Hải Hà, Đỗ Anh Thư
Biên dịch: Phoebe
Đồ hoạ: Nguyễn Cường, Quang Huy, Mai Phương
Ảnh, clip: Trọng Nghĩa, Hồng Lĩnh, Phúc Tài, Lê Tùng
Thiết kế UI/UX: Uyển Hương
Lập trình viên: Nguyễn Cường