Ông Võ Quý, sinh năm 1964, công tác tại một cơ quan báo chí tại Hà
Nội.
Nhưng, một biến cố không ngờ đã xảy đến…
Năm 2000, bị bong võng mạc do cận thị nặng, ông Quý không còn nhìn
thấy ánh sáng, dù chỉ một tia le lói:
Giống như đang đi trên đỉnh núi, rồi tự nhiên không nhìn thấy gì và rơi xuống vực. Cảm giác mình rơi mãi, không biết đáy ở đâu và tan xác lúc nào. Lắm đêm đang ngủ, giật mình tỉnh dậy và không nhìn thấy gì, hét ầm lên: tại sao không bật đèn. Nó khủng hoảng lắm. Cuộc sống đang huy hoàng, đang đi làm. Đến khi mù, nghỉ làm, cuộc sống cực kỳ bi đát. Tý nữa thì phát điên.
Cảm giác “bất lực” đến với người đàn ông gầy gò, nhỏ nhắn khi di chuyển trên quãng đường mà trước đây chỉ mất 2 phút đi bộ.
Khủng hoảng nhất là thời gian đi bộ cùng với chiếc gậy gỗ đơn sơ. Dù quãng đường từ chợ Gạo về chỉ vỏn vẹn 300m nhưng chú cắm vào và làm đổ đến chục cái xe máy dựng trên vỉa hè. Lúc đó thấy cuộc đời chán thật. Mà giày thì cứ xúc cống thôi, ngày xưa cống chưa khô như bây giờ, cứ đi 3 tháng là mất toi 1 đôi giày như không.
Thử thách chỉ thực sự đến khi ông bước chân ra khỏi ngôi nhà của
mình.
Những vết sẹo chằng chịt trên 2 ống đồng là vết tích trên hành trình
đi học, đi làm:
Ống đồng nát bét vì va vào bô xe máy dựng giữa đường. Cầm gậy đi bộ dưới vỉa hè chỉ cần bước trượt phát là chạm vào bô xe máy. Kinh nghiệm khi nhìn thấy người mù, ống đồng họ nát băm băm những vết sẹo ngang - những người có sẹo nhiều là người ta tiếp cận ngoài đường nhiều. Những người chân trơn tru thì nghĩa là họ không ra nổi đường, rất là khủng khiếp.
Tại Hà Nội, nhiều năm trở lại đây, vỉa hè được “thay áo” bằng việc lát đá tự nhiên. Những đường lăn, các vị trí hạ hè dành cho người khuyết tật di chuyển cũng xuất hiện. Tuy nhiên, người khuyết tật hầu như không thể hoặc rất hiếm khi sử dụng được phần đường này.
Tình trạng ô tô, xe máy đỗ tràn lan trên vỉa hè Tình trạng tương tự: hàng quán, xe cộ chiếm dụng vỉa hè cũng xảy ra trên nhiều tuyến đường khác mới được lát đá tự nhiên, từ những vỉa hè nhỏ chỉ đủ một vài xe máy như: Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đến những vỉa hè rộng đỗ được vài ba hàng ô tô như: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,…
Một số quận nội thành của Hà Nội đang dẹp trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng vỉa hè cho người khuyết tật vẫn đang là “ước mơ” xa vời.
Thừa nhận thực tế này, Ông Đinh Đăng Hải, cán bộ dự án Thành phố sống tốt của Tổ chức Health Bridge của Canada nói:
Chỉ riêng Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã làm rất nhiều hạ tầng dành cho người khiếm thị trên vỉa hè nhưng chưa hoàn chỉnh. Đôi khi những vạch này đi thẳng vào cột điện hoặc không dẫn vào lối sang đường. Mọi người chỉ mới đi loanh quanh trên vỉa hè. Các đường dốc, cầu bộ hành không có kết nối đường dốc lên thì họ cũng không thể sang đường.
Sau cú sốc những tưởng khó vượt qua với những tháng ngày đau đớn, buồn tủi, song được những người bạn thân và gia đình động viên, an ủi, dần dần ông Quý cũng lấy lại sự cân bằng, vượt qua mặc cảm và tâm niệm phải sống cho có ý nghĩa:
Nhờ có bạn bè thay nhau vào, đèo đi ăn sáng, uống bia, trông đồ, uống cafe và tả khung cảnh xung quanh mới vực dậy được. Gia đình thì lúc nào cũng yêu thương, hỗ trợ hết mình
Vượt qua rào cản và với ý chí quyết tâm, ông Quý bắt đầu tự học bảng chữ cái nổi và luôn cập nhập công nghệ hiện đại bằng thính giác và cảm nhận từ tay.
Ở Hội người mù quận Hoàn Kiếm, ông được giới thiệu tham gia các lớp học tập huấn định hướng di chuyển tiếp cận giao thông tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù
Ông được học các kỹ năng sinh hoạt, tham gia những hội nghị, cuộc họp hỗ trợ người khuyết tật và cả lớp sơ cấp chính trị.
Từ khi tham gia Hội người mù, với tính ham học, người mù có gì là chú học bằng tuốt tuột. Đầu tiên là phải học chữ nổi, mình tự học. Học xong, cán bô Hội người mù thấy mình ổn cho học trung tâm phục hồi chức năng trẻ. Từ đấy, mới học định hướng di chuyển. Đó là hành trang để hoạt động ngoài xã hội như bây giờ là phải trải qua thời kỳ như thế. Dù là đảng viên, nhưng vẫn học lại lớp sơ cấp chính trị do Hội người mù tổ chức. Nhưng nếu không có ý chí sẽ nản
Bắt nhịp cùng với xã hội, ông quyết tâm theo học các khóa đào tạo thuộc các dự án dành cho người mù, người khiếm thị như tẩm quất, xoa bóp để mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.
Mỗi ngày, nhà ông có cả chục lượt khách ra vào. Người đi, người khác lại đến, khách hàng ai lấy đều vui vẻ. Khách là người nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ông đều chữa miễn phí.
Từ một người mắt sáng trở thành khiếm thị, ông Võ Quý đồng cảm với những thiệt thòi của người khuyết tật.
Ông luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Ông đến từng nhà vận động, khuyến khích người khiếm thị tham gia các hoạt động.
Ông mong họ bớt mặc cảm, tự tin đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống
Khi bắt đầu vào Hội người mù mới thấy nhiều người còn trình độ năng lực sức khoẻ thì sao người ta tham gia được mà mình không tham gia thì chú mới tham gia đấy chứ. Và khi đi vận động người mù thì mình dùng chính tấm gương của mình, mình vận động người ta là tôi ngày xưa cũng thế. Lúc mới bị mù cũng thế để vận động tham gia Hội. Mà lắm ngừoi trẻ còn hoạt động tưng bừng hơn mình nhiều.
Câu chuyện của ông Võ Quý là một trong rất nhiều trường hợp của người khiếm thị tại Việt Nam, với những nỗ lực không mỏi mệt, đóng góp từng bước chân trên con đường giúp xã hội ngày một tốt đẹp. Nhưng, nếu những trở ngại giao thông được xoá bỏ, đó sẽ là cầu nối giúp họ đến gần hơn với ước mơ của mình, trở thành những người có ích và tạo nên những kỳ tích bằng chính nỗ lực, cố gắng.
Người khuyết tật chỉ mong muốn tất cả những chính sách, luật hay bộ ngành liên quan đến vấn đề xây dựng, vấn đề tiếp cận giao thông, cần thực hiện đúng và lắng nghe tiếng nói của chính những người khuyết tật. Làm luật phải có thực thì đúng khi đó mới không có rào cản. Tôi tin chắc rằng không có người khuyết tật, bởi nếu không có rào cản thì họ không khuyết tật.