Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xử phạt qua camera vẫn 'nguội': Vì sao chưa lượng hóa nguyên nhân?

Phóng viên - 11/05/2021 | 6:23 (GTM + 7)

Như VOVGT đã đề cập trong chương trình Diễn đàn 91 mới đây, tỷ lệ xử phạt thành công với vi phạm được phát hiện qua camera ở TP.HCM đang ở mức khá thấp, và đây cũng là tình trạng chung tại nhiều địa phương...

Với các nguyên nhân được chỉ ra như phương tiện khi mua, bán, cho, tặng không sang tên đổi chủ hoặc người đang sử dụng thay đổi chỗ ở… 

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ nêu ra các nguyên nhân mà chưa lượng hóa được tỉ lệ các nguyên nhân đó, thì việc tìm kiếm giải pháp trúng và hiệu quả sẽ gặp khó khăn. Cần làm gì để cải thiện tình trạng này? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chỉ khi phân tích đầy đủ các dữ liệu về nguyên nhân khiến người vi phạm trốn tránh trách nhiệm, cơ quan chức năng mới đề ra giải pháp khắc phục phù hợp (Ảnh: TTXVN)

Là một trong những địa phương đi đầu cả nước áp dụng hình thức phạt nguội các hành vi vi phạm TTATGT qua hệ thống camera, song đến nay, hiệu quả xử phạt vẫn khá thấp. Cụ thể, năm 2018, số người đến chấp hành quyết định xử phạt chỉ đạt khoảng 50%. Tỷ lệ này trong các năm 2019, 2020 cũng chỉ đạt mức tương tự.

Với hơn 4.600 trường hợp vi phạm giao thông bị phát hiện qua hệ thống camera, trong đó 3.445 trường hợp đã bị xử lý, phạt tiền gần 7,5 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, Đại úy Hà Sinh Lộc, Đội chỉ huy giao thông và đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, hiệu quả ghi nhận trực quan là sự thay đổi ý thức giao thông: 

"Chuyển biến tích cực nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Đa phần người tham gia giao thông đã có ý thức việc tiếp nhận thông báo qua các trang mạng và qua thông báo gửi đến địa chỉ và đã lên để xử lý. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng khác để đảm bảo việc người tham gia giao thông lên nộp phạt".

Tuy nhiên, đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, trong số này, không ít trường hợp người vi phạm từ những năm trước.

Tại TP.HCM, như đã đề cập, tỷ lệ này còn ảm đạm hơn. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021, đơn vị ghi nhận hơn 35.600 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh.

Tuy vậy, mới chỉ có hơn 5 nghìn trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, đạt tỷ lệ 14,28%, hơn 85% trường hợp vi phạm chưa nộp phạt.

Ngay cả các trung tâm đăng kiểm, “chốt chặn” cuối cùng để buộc người vi phạm phải nộp phạt trước khi tiến hành đăng kiểm cũng chưa thể “chặn” hết. Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc trung tâm đăng kiểm 29-03S (Hà Nội) lý giải:

"Vẫn bị lọt một số trường, hợp, chẳng hạn họ bị phạt nguội thì họ còn đi đăng kiểm trước hạn, nghĩa là theo quy định sau 30 ngày không có phản hồi của chủ phương tiện thì công an mới gửi thông tin sang đăng kiểm, thì nhiều người họ còn đi khám trước, trước khi Công an gửi sang đăng kiểm".

Điều đáng chú ý, dù tỷ lệ phạt nguội đạt thấp, song, đến thời điểm này, chưa có những con số cụ thể về tỉ lệ các nguyên nhân dẫn tới thực tế này. Trong khi, muốn có giải pháp khắc phục hiệu quả, thì sự chi tiết của dữ liệu đầu vào là yêu cầu trước hết.

Dẫn kinh nghiệm của một số nước, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho biết, nhiều nước áp dụng mô hình trung tâm điều khiển giao thông thông minh có chức năng ghi nhận các trường hợp vi phạm, CSGT sẽ tra cứu, sang lọc, đối chiếu mức phạt để gửi đến người vi phạm.

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn cho rằng, chỉ khi phân tích đầy đủ các dữ liệu về nguyên nhân khiến người vi phạm trốn tránh trách nhiệm, cơ quan chức năng mới đề ra giải pháp khắc phục phù hợp:

"Chúng ta phải xây dựng mọt cơ chế thống nhất giữa Trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị, CSGT và bên đăng kiểm . Chừng nào chúng ta có hệ thống thông cả về pháp lý và kỹ thuật thì khi đó chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề về phạt nguội".

TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, lâu nay, cơ quan chức năng mới chỉ ra những nguyên nhân khiến tỷ lệ phạt nguội đạt thấp, song việc phân tích tỷ lệ các thông tin, các nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ này lại chưa được công bố.

TS Phạm Việt Cường cho rằng, việc lập kế hoạch, chiến lược đều phải dựa trên bằng chứng, nhưng khi bằng chứng không rõ ràng, từ việc che mờ biển số, phương tiện không chính chủ chiếm tỷ lệ như thế nào… sẽ rất khó cho việc hoạch định chính sách để cải thiện, nâng cao tỷ lệ phạt nguội qua camera:

"Nếu muốn giải quyết được việc này rõ ràng phải có những thông tin như năm nay tôi gửi ra 1 nghìn hay 1 triệu phiếu phạt nguội nhưng chỉ thu được 10% chẳng hạn, còn 90% không giải quyết được. Khi chúng ta biết được vấn đề đang ở đâu thì chúng ta mới khắc phục được. Chứ hiện nay mới chỉ nói không làm được vì một vài lý do, nhưng cụ thể lý do đó như thế nào, tại sao và tỷ lệ như thế nào thì hiện nay không ai có cả".

Với thực trạng hiện nay, khi các nguyên nhân chỉ được gọi tên một cách chung chung, rất khó để phát huy hiệu quả của các “mắt thần” trong giám sát vi phạm giao thông

Việc áp dụng hệ thống camera giám sát để phạt nguội các hành vi vi phạm TTATGT là xu thế tất yếu để đảm bảo công bằng và giảm thiểu sự can thiệp của con người.

Tuy vậy, cũng như câu chuyện về thống kê số liệu TNGT, muốn giảm tai nạn thì giải pháp đưa ra phải dựa trên các nguyên nhân, nhóm nguyên nhân đã được phân tích, xác định tỉ lệ tương đối rõ ràng. Hệ thống phạt nguội muốn cải thiện hiệu quả, cũng cần đi theo cách đó.

Hãy đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: Khó có giải pháp trúng đích khi thiếu dữ liệu đầu vào

Phạt “nguội” là một bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động theo dõi, kiểm soát và xử lý đối với vi phạm hành chính về TTATGT, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đã được triển khai thành công tại rất nhiều quốc gia, tạo nên thay đổi rõ nét. Tuy vậy, ở nước ta, dù được áp dụng nhiều năm, đến thời điểm này có những địa phương có tỷ lệ phạt nguội qua camera rất thấp, dưới 20%.

Lực lượng chức năng đã có nhiều cải tiến nhằm cải thiện tình trạng này như: phối hợp với lực lượng công an địa phương đưa thông báo đến tận nhà người vi phạm, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm lên mạng internet để người dân dễ dàng tra cứu… nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thậm chí, nhiều đề xuất cũng được đưa ra, trong đó có việc tước giấy phép lái xe có thời hạn trên hệ thống của CSGT mà không cần trực tiếp tạm giữ. Khi người xử lý vi phạm, lực lượng CSGT chỉ cần tra cứu trên hệ thống sẽ nắm rõ thực trạng giấy phép lái xe của người vi phạm.

Đặc biệt, Cục CSGT cũng kiến nghị hình thức xử phạt qua tài khoản, qua thẻ ghi nợ… song đến thời điểm này vẫn chưa được áp dụng.

Trong khi đó, một trong những biện pháp được nhiều chuyên gia đưa ra là phân tích các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả xử lý phạt nguội đạt thấp lại chưa được thực hiện. Các ý kiến này cho rằng, chỉ khi có nguyên nhân rõ ràng, mới có giải pháp khắc phục phù hợp.

Chẳng hạn, nếu phần lớn trường hợp phiếu thông báo phạt nguội không đến tay người vi phạm là do nhiều phương tiện chưa sang tên đổi chủ, CSGT có thể tiến hành rà soát, đến từng phường xã thực hiện sang tên đổi chủ như đã từng thực hiện một cách hiệu quả với mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Sau khi đã tạo điều kiện tối đa cho việc sang tên đổi chủ, có thể mở đợt cao điểm xử lý các trường hợp không sang tên đổi chủ khi mua, bán, cho tặng phương tiện. Khi đó, không có lý do gì để chủ phương tiện trây ì, chậm sang tên đổi chủ.

Ngoài ra, với việc rà soát và cấp căn cước công dân gắn chíp đang được thực hiện một cách khẩn trương trên toàn quốc, cơ quan chức năng cũng dễ dàng cập nhật dữ liệu của người dân gắn với phương tiện họ đang sở hữu, kể cả địa chỉ cụ thể. Khi những dữ liệu này liên tục được cập nhật, bổ sung, không khó để các thông báo phạt nguội đến đúng địa chỉ cần thiết.

Ngay cả việc một số trường hợp cố tình “lách luật”, đăng kiểm trước khi thông báo phạt nguội được phía công an cung cấp sang cơ quan đăng kiểm, hoặc chờ đến khi quyết định xử phạt hết thời hạn hiệu lực cũng có thể được ngăn chặn khi cơ quan chức năng có dữ liệu cụ thể để từ đó đề xuất giải pháp ngăn chặn.

Cục CSGT đang lập đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính, trước mắt cơ quan chức năng sẽ tập trung lắp đặt tại các tuyến cao tốc và ‘phủ sóng’ thiết bị này trên quốc lộ 1, sau đó đến các tuyến cao tốc. Nhiều trường hợp vi phạm sẽ được ghi nhận.

Điều đó cho thấy, việc ứng dụng công nghệ vào giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đang ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Song với thực trạng hiện nay, khi các nguyên nhân chỉ được gọi tên một cách chung chung, rất khó để phát huy hiệu quả của các “mắt thần” trong giám sát vi phạm giao thông.

Điều quan trọng là phải xác định các nguyên nhân đó theo tỉ lệ, mức độ, phân loại, để giải pháp có tính trọng tâm, không dàn trải, làm từng bước và giải quyết từng nguyên nhân/ nhóm nguyên nhân theo thứ tự ưu tiên.

Có bột mới gột nên hồ. Việc phân tích kỹ và lượng hóa nguyên nhân – trong trường hợp này, giống như “bột” để tạo nên giải pháp thay đổi kết quả xử phạt nguội theo hướng tích cực hơn./.
 

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

// //