Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xử phạt bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi: Hãy biết từ chối có trách nhiệm

Phóng viên - 14/09/2020 | 15:52 (GTM + 7)

Việc Chính phủ ra quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi bán, cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi có thể nói muộn còn hơn không, trong bối cảnh các “hàng rào” tiếp cận đồ uống có cồn ở nước ta vẫn chưa chặt chẽ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Do khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn hạn chế, tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện, nên người dưới 18 tuổi, chưa đủ tuổi vị thành niên được các định chế xã hội bảo vệ khỏi tác động của chất kích thích, đồ uống có cồn.

Sau khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua, các Nghị định hướng dẫn cụ thể vấn đề xử phạt cũng được xây dựng. Mới đây, Nghị định 98 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/10/2020 quy định phạt 500 nghìn – 1 triệu đồng với hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi.

Động thái này nhằm hạn chế khả năng tiếp cận vốn khá dễ dàng của giới trẻ đối với đồ uống có cồn.

Rượu bia đang là một thứ khá quen thuộc trong đời sống giới trẻ. Ảnh: Tiền Phong

Những hàng quán tấp nập, những cuộc vui thâu đêm gắn liền với đồ uống có cồn đã là hình ảnh không mấy xa lạ. Rượu bia đang là một thứ khá quen thuộc trong đời sống giới trẻ. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng rượu bia trong độ tuổi từ 14 – 21 chiếm tới hơn 70%.

Trước thực trạng này, nhiều quy định về việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi đã có hiệu lực. Thế nhưng, hầu hết người bán hàng còn rất thờ ơ, không biết đến hoặc cố tình không tuân thủ.

Có mặt và trải nghiệm trực tiếp tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), phóng viên VOV Giao thông chỉ cần đặt mua, người bán hàng đều đáp ứng mọi mặt hàng, bao gồm cả rượu.

Điều đáng nói, theo nhân viên bán hàng tại đây, khách mua rượu bia chủ yếu là những người trẻ và học sinh cấp 3. Các em rất thích bia, các loại rượu nhẹ, nước hoa quả lên men có độ cồn cao 4,5% nhằm mục đích liên hoan: 

“Những chai Strongbow học sinh cấp 3 thường mua uống đấy, nó uống phải 2-3 chai mới say chứ uống 1 chai không ăn thua được”.

Khảo sát tại một số cửa hàng bán lẻ rượu bia khác trên địa bàn Hà Nội, đa phần người bán hàng đều không hỏi và không thể kiểm soát được độ tuổi của người mua, còn người mua lại có rất nhiều lý do để biện hộ cho hành vi của mình.

Xác định sẽ phải đối mặt với khó khăn về việc nhận định sao cho đúng tuổi, hỏi tuổi cho hợp lý hay từ chối mà không ảnh hưởng đến kinh doanh, phần lớn các chủ cửa hàng có bán rượu bia khi được phóng viên hỏi vẫn khẳng định: sẽ tuân thủ quy định. Rõ ràng, tính khả thi của Nghị định 98 vẫn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của những người kinh doanh.

Một số thính giả bày tỏ quan điểm với VOV Giao thông:

“Do môi trường của từng gia đình, họ không có khái niệm hạn chế trẻ em đến vị thành niên, thanh niên uống bia rượu, không thể kiểm soát được, nó a dua theo bạn bè khi đi chơi, hội nhóm, liên hoan, cũng không có cơ quan nào kiểm soát được vấn đề này”…

 “Dùng trong thời điểm như thế nào, dùng ra làm sao chứ để cấm tuyệt đối thì không cấm được”.

“Làm thế nào để phân biệt được đã đến vị thành niên để bán hay không bán? Không phải lúc nào cũng có thể xuất trình chứng minh nhân dân của người ta được”.

Nghị định 98 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/10/2020 quy định phạt 500 nghìn – 1 triệu đồng với hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng đánh giá, việc ban hành quy định về xử phạt hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi rất phù hợp với các điều khoản của Luật phòng chống tác hại rượu bia.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của một chuyên gia đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, thúc đẩy ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng,liệu việc thực hiện Nghị định này có được tiến hành một cách nghiêm ngặt, lâu dài?

Ông lấy ví dụ từ Nghị định 100 khi mới ban hành cũng đã được các ngành chức năng thực hiện sát sao, nhưng đến nay lại đang có sự thụt lùi. Các quán bia vẫn đông khách, vẫn xảy ra tình trạng thực khách điều khiển phương tiện trong khi say xỉn, thậm chí là gây tai nạn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Tất cả các văn bản nghị định pháp luật được đưa ra thì phải kèm theo những chế tài mạnh mẽ.Chế tài mạnh mẽ quy định trên văn bản trên giấy tờ rồi thì phải có cơ quan thực thi thật nghiêm minh, đúng pháp luật. Nếu chúng ta không làm chặt chẽ, không làm nghiêm minh thì tính khả thi là thấp”

Bác sĩ An nhấn mạnh, thời gian qua, việc thực thi Luật phòng chống tác hại rượu bia đã gặp phải không ít cản trở, tác động từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia. Vì vậy, các ngành chức năg phải lường trước những khó khăn nhất định khi thực hiện Nghị định 98. Đồng thời với đó là việc chú trọng, quan tâm tới vấn đề truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, qua đó tạo nên sự thay đổi về hành vi.

“Việc thay đổi hành vi này rất là khó. Vấn đề thứ hai, điều khoản đưa ra trong Nghị định 98 thì cũng rất khó có thể kiểm soát được. Vì có những loại có nồng độ cồn nhưng không tên là rượu bia, nên trẻ em vẫn bị “bập” vào, ví dụ như Strongbow, Spirit, cũng chả kém gì bia, cũng gây say nhưng rất khó để kiểm soát chặt chẽ”.

Trong khi đó, dưới góc độ luật pháp, Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, để đánh giá được tính khả thi cũng như hiệu quả của một quy định pháp luật thì phải xem xét kết quả sau khi quy định đó chính thức có hiệu lực. Nhưng có thể khẳng định ngay, đây là một quy định rất tiến bộ, phù hợp với sự phát triển hiện nay.

“Trước đây khi mà Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời thì đã có quy định cấm. Tuy nhiên, chưa xây dựng được chế tài đối với lại là hành vi này. Đây là một sự cố gắng của các cơ quan làm luật và chắc chắn sẽ được dư luận ủng hộ”

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi là một trong những quy định thể hiện sự tiến bộ trong vấn đề bảo vệ trẻ em, tránh trẻ em trước những tác hại của rượu, bia cũng như là làm cho người lớn nhìn nhận lại một cách đúng đắn đối về hành vi.

Ví dụ, trước đây người lớn có thể nhờ con em mình đi mua rượu bia, nhưng bây giờ làm vậy sẽ có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Từ việc hành vi người lớn thay đổi thì chắc chắn những người dưới 18 tuổi cũng sẽ thay đổi hành vi.

Dù vậy, một vấn đề được quan tâm là mức xử phạt 500 nghìn-1 triệu đồng được cho là chưa đủ mạnh:

“Không cứ là ban hành ra là để nhằm xử phạt, mà chúng ta đưa ra định hướng cho những người dưới 18 tuổi ý thức được hành vi sử dụng rượu, bia của mình là vi phạm pháp luật. Sau đấy nữa là ảnh hưởng đến quyền lợi của những người bán, nếu mà anh bán rượu bia cho những người như vậy thì anh sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Quy định này hướng tới mục đích tương lai nhiều hơn là việc xử phạt trên thực tế”.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Hãy biết từ chối có trách nhiệm”.

Việc Chính phủ ra quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi bán, cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi có thể nói muộn còn hơn không, trong bối cảnh các “hàng rào” tiếp cận đồ uống có cồn ở nước ta vẫn chưa chặt chẽ.

Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ dưới 16 tuổi. Và khoảng trống luật pháp bảo vệ trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi khỏi lạm dụng rượu bia cũng đã được khỏa lấp thông qua Nghị định 98 sẽ có hiệu lực từ 15/10/2020.

Cũng như khi mua thuốc ngoài tiệm phải có đơn bác sĩ, hình ảnh người mua rượu bia phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân với chủ quán có lẽ sẽ không còn lạ lẫm trong một tương lai không xa.

Đâu đó có ý kiến rằng, giống việc cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, giám sát hành vi tương tự với rượu bia rất khó thực hiện do không đủ nguồn lực từ tài chính đến con người để phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, luật pháp luôn hướng tới mục tiêu đầu tiên là “đánh” vào ý thức, và chỉ khi người dân tự giác, có ý thức tuân thủ, khi đó, quy định pháp luật mới đi vào đời sống.

Các chế tài dần siết chặt với cơ sở cung cấp, bán lẻ rượu bia là bước đi cần thiết để gióng lên hồi chuông về trách nhiệm của những đơn vị này với sức khỏe cộng đồng.

Họ cần doanh số, cần lợi nhuận? Không ai cấm! Nhưng khi một chai rượu bán ra không đúng đối tượng có thể dẫn tới một vụ TNGT, những hành vi mất kiểm soát leo thang sau đó, thì tiền bạc cũng không thể bù đắp lại được hậu quả.

Truyền thông tác hại của rượu bia những năm qua đã tập trung về người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, thì nay cũng cần hướng tới người sản xuất buôn bán mặt hàng này. Họ cần ý thức được rằng, cái lắc đầu của mình trước một khách hàng chưa đủ tuổi trưởng thành là một hành động đầy nhân văn, hy sinh lợi nhỏ vì ích chung.

Kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển: Chỉ một vi phạm liên quan tới việc cung cấp thuốc lá, rượu bia, chất kích thích cho trẻ vị thành niên, cơ sở bán hàng sẽ lập tức bị rút giấy phép hoạt động. Pháp luật bảo vệ trẻ em, người chưa trưởng thành rất nghiêm khắc. Vì chính nhóm tuổi này là lớp kế cận, người điều hành xã hội trong tương lai gần. Bảo vệ họ là bảo vệ “sức khỏe” của xã hội.

Ở Việt Nam, vấn đề phức tạp hơn khi ngay cả một tiệm tạp hóa, gánh hàng nước không đăng ký kinh doanh cũng có thể bán đồ uống có cồn. Sự tùy tiện là dễ hiểu ở cả phía người bán và người mua.

Quy định mới trong Nghị định 98, vì vậy, nên được xem như một “phát pháo” tiên phong, một vạch kẻ ban đầu, để chỉ rõ lằn ranh giữa đúng và sai với các nhà cung cấp, cửa hàng bày bán rượu bia. Nó sẽ là tiền đề để các nhà làm chính sách tiếp tục đưa ra những quy định ràng buộc, chế tài rõ ràng hơn, quy trách nhiệm cụ thể hơn cho từng hành vi nhằm hạn chế sự tiếp cận với đồ uống có cồn của giới trẻ.

Chưa cần xét tới có khả thi hay không, riêng việc lần đầu tiên đưa ra mức phạt đối với hành vi bán rượu cho người chưa trưởng thành đã là một đột phá mà rất nhiều lần nội dung này gây dậy sóng nghị trường hàng thập kỷ chưa làm được.

Cùng với Luật phòng chống tác hại của rượu bia, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan được ban hành cho thấy: Việt Nam đang thực sự tuyên chiến với vấn đề lạm dụng rượu bia./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Sáng nay (25/3), giá vàng SJC quanh mốc 80 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần giảm mạnh.

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Năm 2010, Chính phủ lấy ngày 25/03 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội làm dấu mốc quan trọng khởi đầu phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

// //