Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Vượt sông 'gieo chữ' mùa dịch

Phóng viên - 01/10/2021 | 11:13 (GTM + 7)

Xác định, không để một học sinh nào vì khó khăn mà không thể học tập trong bão dịch, hội đồng sư phạm trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã tổ chức một phương án dạy và học đặc biệt mang tính nhân văn đó là “ Giáo viên vượt sông

Giáo viên qua phà đến tận nhà học sinh dạy thêm. Nguồn: Bảo Kỳ/báo Dân Trí

Gia đình em Lê Thị Huỳnh Như – học sinh lớp 7, trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh thuộc vào diện đặc biệt khó khăn. Cha đi làm thuê tận Bình Dương nhưng vướng đợt dịch COVID 19 phải thất nghiệp, mẹ mới sinh em bé được 3 tháng. Gia đình không có nguồn thu nhập nên con đường đến trường của em tưởng chừng gãy đỗ vì không có tiền mua sách tập và càng không có tài chính mua thiết bị học trực tuyến.

Đang lúc thắt ngặt, gia đình Huỳnh Như vỡ òa mừng vui vì được cô giáo mang bài tập đến tận nhà giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Kim Chối – Bà Ngoại của Huỳnh Như, ngụ tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh xúc động chia sẻ: “Như ham học lắm mà không có tiền mua tập vở, nhờ thầy cho và cô giáo vào nhà dạy dùm, tôi mừng lắm. Mẹ nó tính cho nó nghỉ rồi đó, may sao có Thầy Cô đến giúp. Mấy Cô giúp cháu được cháu, tôi mang ơn lắm. Cha nó đi làm mướn ở Bình Dương và dịch này cũng thân sơ thất sở. Đang xin nhà nước cho về mà chưa biết khi nào về được nữa”.

Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh là ngôi trường vùng sâu, xa nhất của địa bàn TP Cần Thơ. 4 khối học với 812 học sinh, con đường đến trường còn ngăn sông lụy phà. Toàn trường có 52 học sinh không đáp ứng được thiết bị học tập trực tuyến. Hội đồng sư phạm nhà trường đã đồng lòng giúp đỡ học sinh trên mọi phương diện. 

Đối với 52 học sinh không có thiết bị học tập, trường đã vận động được nguồn tại trợ trước mắt 10 chiếc máy tính ( điện thoại) để trao đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhóm còn lại được giáo viên bộ môn soạn bài giảng cô đọng các kiến thức trọng tâm của nội dung bài học và in thành tài liệu gửi bưu điện vận chuyển đến nhà học sinh.

Sau mỗi tuần, bộ phận giao nhận sẽ đến nhà học sinh để lấy lại những bài tập và chuyển đến cho giáo viên bộ môn. Chi phí giao nhận tài liệu nhà trường hỗ trợ tối đa cho học sinh. Nếu học sinh tiếp thu chậm, không hiểu bài, giáo viên đến tận nhà giảng dạy như một hình thức kèm cập. 

Riêng đối với học sinh có thiết bị học tập nhưng lại khó khăn về vấn đề wifi và dung lượng Internet thì nhà trường đã phối hợp với VNPT Vĩnh Thạnh tặng cho các em những thẻ sim miễn phí. Với học sinh không có phương tiện thiết bị nhưng lại có bạn học cùng khối gần nhà thì nhà trường cũng đã vận động cha mẹ học sinh để ghép 2 bạn dùng chung thiết bị và học cùng với nhau chung một nhóm. Hiện, trường đã ghép được 6 nhóm để các em dễ dàng trao đổi kiến thức với nhau. 

Cô Trương Ngọc Bích đến nhà học sinh trung bình 2 lần/tuần để dạy thêm nếu các em tiếp thu bài chậm. Nguồn: Bảo Kỳ/báo Dân Trí

Dẫu biết hiệu quả của hình thức học trực tuyến sẽ không bằng học trực tiếp và đối với học sinh khó khăn thiếu thiết bị thì càng thiệt thòi. Nhưng Thầy Cô giáo luôn quyết tâm không để học sinh của trường đi chậm hay bỏ lại phía sau.

Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết kế hoạch tiếp theo để bồi dưỡng những học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến sau khi tình hình dịch bệnh ổn định: “Tình hình dịch bệnh được kiểm soát được thì trường sẽ tổ chức cho các học sinh này thành một lớp riêng, phân công giáo viên dạy phụ đạo cho các con để các con theo kịp kiến thức với các bạn học trực tuyến. Xuất phát từ cái tâm của người Thầy, không để một học sinh nào vì khó khăn mà không được học. Nếu một em không có điều kiện học tập trong khi các bạn trang lứa đều đi học hết mà Thầy Cô lại không quan tâm nữa thì đứa trẻ đó rất buồn, phụ huynh cũng buồn mà người làm giáo dục mình cũng rất là buồn.

Chính hoàn cảnh khó khăn, nhưng hiếu học của học sinh là động lực để Thầy Cô giáo không quảng ngại nắng mưa, xa xôi đến tận nhà học sinh giao tài liệu và dạy kèm. Một ưu điểm của việc đến tận nhà dạy kèm là hình thành thêm tính tự tin, quên đi tự ti trong chính năng lực và cảm xúc của học sinh. Nếu như trong lớp học tập trung, nhiều học sinh chưa theo kịp bài vẫn im lặng vì ngại hỏi thêm giáo viên thì giờ đây, học sinh hoàn toàn chủ động nhờ giáo viên giúp đỡ nếu không hiểu bài.

Trong cái khó lại lộ rõ cái hay, cô Trương Ngọc Bích – giáo viên bộ môn Toán , trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh chia sẻ: “Có một số bé học khá thì mình gửi bài rồi giảng sơ thì bé đọc qua bé hiểu, còn số bé chậm thì mình đến nhà 1 tuần/ 2 lần, có thể đến nhà dạy nhiều hơn tùy thuộc vào năng lực của mỗi bé. Khi đến nhà mình mới thấy tội nghiệp bé nhiều hơn, những bé chẳng những khó khăn vì không có thiết bị học online mà tới bàn học, chỗ học tập cũng không có. Tới nhà mình càng thương bé hơn và không quảng ngại xa xôi lặn lội đi tới nhà các em."

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ xác định, đối với các em học sinh nghèo thiếu thiết bị học trực tuyến, sở chỉ đạo các trường trên địa bàn thành phố lập ra nhiều phương án để hỗ trợ cho các em như: tổ chức giao và nhận bài giảng, tài liệu học tập cho học sinh.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng “Thư viện điện tử”. Thay vì cho mượn sách, các trường sẽ cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng hoặc trợ giúp mua giá rẻ để có thể tham gia lớp học trực tuyến, không để học sinh nào bị “bỏ rơi”, nhất là các em ở khu vực vùng sâu, vùng xa: “Các quận, huyện cũng đã triển khai đến các trường, trên tinh thần là các trường phải chủ động, vì học trò của mình, mình phải chủ động mới nắm được hoàn cảnh của từng em.

Phía Sở cũng cố gắng hỗ trợ cho các em học sinh tất cả mọi mặt, bảo đảm là các em không có ai bị ở lại phía sau. Khi mà đến trường học trực tiếp lại thì chúng tôi cũng có chỉ đạo là tập hợp những học sinh này lại để củng cố, ôn tập, bồi dưỡng thêm các kiến thức trong quá trình học trực tuyến, để các em bắt kịp với các bạn có đầy đủ điều kiện hơn”.

Giáo viên bộ môn soạn giáo án bài tập và gửi về cho học sinh. Nguồn: Kim Cương/Báo Doanh nghiệp Việt Nam

Kể từ khi tiếng trống khai giảng năm học mới 2021 – 2022 ở Cần Thơ vang lên bằng một hình thức đặc biệt thông qua truyền hình, tất cả Thầy Cô giáo và học sinh của Cần Thơ cũng bắt đầu một học kì mới chưa có tiền lệ. Nhưng với ý chí quyết tâm không để học trò thiệt thòi dù ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tập thể Thầy Cô giáo của trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh đã dành hết thời gian để chòng chành, gập gềnh đi trên những con đường vòng vèo đến tận nhà dạy thêm cho học sinh.

Gieo chữ đã là cao quý, nhưng vượt sông để gieo chữ cho học sinh nghèo thời dịch bệnh lại càng trân quý hơn tấm lòng của thầy cô giáo. Đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của tập thể nhà trường là sự hưởng ứng của quý phụ huynh và tinh thần chăm học học của học sinh.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //