Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Vay tiền qua App, hiểm họa không lối thoát

Phóng viên - 23/11/2020 | 5:33 (GTM + 7)

Rõ ràng việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản. Tuy nhiên, nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông và kênh VOVGT đã phản ánh rất nhiều về những App vay tiền với lãi suất cắt cổ và đòi nợ theo kiểu giang hồ.

Tuy nhiên, đến nay các app này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn tinh vi hơn trước đây. Dù đã nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều người đã vướng vào cái bẫy mà những đối tượng này tạo ra.

Vậy phải chăng cơ quan chức năng không vào cuộc hay có khó khăn gì trong khâu xử lý những app này? Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận với các gói vay vốn hay chưa?

Mối nguy từ những App vay tiền với lãi suất cắt cổ và đòi nợ theo kiểu giang hồ

Những App vay tiền ắt hẳn không còn quá xa lạ với mỗi người sử dụng điện thoại thông minh hiện nay vì chúng được quảng cáo nhan nhản trên các kho ứng dụng hay các trang mạng xã hội. “Vay siêu tốc, nhận tiền chỉ sau 30 phút, lãi suất thấp nhận ngay trong ngày...”Đây là những gì mà các App này giới thiệu.

Tuy nhiên, một khi người vay không thanh toán đúng thời hạn thì các App  bắt đầu giở các “chiêu bài” của mình như liên tục giới thiệu những app vay tiền tương tự khác với mục đích vay App này trả App kia.

Anh Trần Lâm Sanh lỡ sa chân vào hệ thống vay tiền này và đến nay anh đã vay tổng cộng 20 App trên điện thoại với số tiền phải trả lên đến 120 triệu:

“Mình vay khoảng 20 App nhưng thực chất là mình vay app này khi đến hẹn là nó sẽ xuất hiện thêm một cái App nó giới thiệu cho mình, rồi mình vay App đó mình trả ngược lại, nhưng mà số tiền vay sau sẽ không đủ để trả cho App trước nên là mình phải vay 2 App mới đủ để trả. Từ từ đến này là gần 20 app nên tôi thấy tôi sợ. Nếu mà tính tiền được nhận là cỡ 55 triệu, còn tiền mà trả theo đúng số của họ là cỡ 110 triệu – 120 triệu”.

Không chỉ biến con nợ nhỏ thành con nợ lớn, các App cho vay này còn  chẳng khác gì với vay tín dụng đen, nếu bên vay trả nợ không đúng hạn thì sẽ gặp những rắc rối khôn lường.

Người đứng sau những ứng dụng này dùng đủ mọi thủ đoạn để đòi tiền, từ gọi điện hăm dọa đến đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội gắn thêm mác lừa đảo cho người vay; thậm chí dùng vũ lực nếu các biện pháp kia không hiệu quả.

Thế nhưng một khi bạn đã hoàn tất thanh toán số nợ gốc thì vẫn chưa chắc bạn đã thoát ra khỏi “vòng vây” của những app vay tiền này.

Chỉ một vài ngày sau, chính bạn hoặc người thân của bạn sẽ nhận được những cuộc điện thoại khủng bố đòi nợ liên tiếp như trường hợp Chị Nguyễn Thị Linh:

“Tôi vay chỉ có 500 nghìn thôi, đến nay nó đã tính 1.610.000 đồng rồi. Tôi tính thanh toán nhưng mà không có được xóa nợ gốc, một vài ngày sau tôi vẫn bị gọi lại, có khi một tháng sau vẫn bị gọi lại và gọi phiền luôn cả gia đình nữa”.

Một trong những tin nhắn đe dọa đến nạn nhân vay qua app.
Một trong những tin nhắn đe dọa đến nạn nhân vay qua app. 

Trước thực trạng này, lực lượng công an đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi qua app.

Tuy nhiên đến nay, các App vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ và có phần thách thức cơ quan chức năng:

Nhân viên tổng đài của một App vay tiền khẳng định:

“Công ty vẫn đang hợp tác với lực lượng chức năng để điều tra và chưa có khẳng định nào nói là công ty em là tín dụng đen hết. Thì hiện tại các bộ phận CSKH bên em vẫn hoạt động bình thường”

Có thể thấy việc xử lý dứt điểm các App này là không hề đơn giản. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết,  lực lượng công an đã trấn áp rất mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, do nhu cầu vay vốn của người dân rất cao, nên các hoạt động cho vay qua app hay tín dụng đen vẫn còn đất để hoạt động:

“Cho đến hiện nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng rõ ràng tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh”.

Để chấm dứt hoạt động cho vay qua App và sự biến tướng của nó, Bộ trưởng công an đã đề nghị cần khẩn trương có những hướng dẫn để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Bên cạnh đó, từ phía các Ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận đến các gói vay vốn cần thiết, Bộ trưởng Tô Lâm nói:

“Về ngân hàng cần đa dạng hóa hình thức cho vay tiêu dùng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Hoặc là sẽ xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet. Trong khi tội phạm đã tận dụng rất tốt thì chúng ta lại chưa thể tận dụng được vấn đề đó”.

Vì vay hàng chục ứng dụng qua app nên hằng ngày anh Tín thường xuyên nhận được điện thoại nhắc nợ. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Vì vay hàng chục ứng dụng qua app nên hằng ngày nạn nhân thường xuyên nhận được điện thoại nhắc nợ. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Rõ ràng việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản.

Tuy nhiên, nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Vậy để dẹp nạn tín dụng đen núp bóng “App vay tiền” này không chỉ dừng lại bằng việc bắt bớ của lực lượng công an, mà gốc rễ là từ phía các Ngân hàng chính thống cần tạo điều kiện người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các gói hỗ trợ vay vốn. 

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: "Vay tiền qua App, hiểm họa không lối thoát”.

Thời gian qua, sau những đợt đấu tranh, truy quét của lực lượng công an và sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận, nạn tín dụng đen hoành hành đã có phần lắng dịu.

Tuy nhiên, lợi dụng công nghệ thông tin, mạng internet, nhiều đối tượng lại xoay hương triển khai hoạt động cho vay qua app khá rầm rộ.

Hình thức và bản chất cho vay qua app của các đối tượng này cũng không khác gì tín dụng đen. Đó là cho vay với lãi suất” cắt cổ”, đòi nợ thì theo kiểu khủng bố, xã hội đen.

Điều đáng nói là đã có rất nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin đã không thoát ra được vòng xoáy này. Cho vay qua app nguy hiểm ở chỗ, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tiện lợi.

Món vay nhỏ, linh hoạt, thời gian vay không dài. Người vay chỉ cần dùng điện thoại thông minh tải app về, thực hiện các lệnh khai báo và trao quyền truy cập vào danh bạ cho các đối tượng là được vay.

Dễ dàng như vậy nhưng với lãi suất và phí ngất ngưởng khiến người vay trở thành con nợ của rất nhiều app; là luôn trong tâm trọng âu lo, sợ hãi.

Nếu chưa kịp trả nợ sẽ liên tục bị điện thoại, nhắn tin, khủng bố tinh thần hoặc bêu xấu công khai danh tính, hình ảnh, đời tư trên mạng xã hội.

Nhiều người vì vướng nợ nần do app đã lâm cảnh túng thiếu trầm trọng; gia đình, nhà cửa tan nát; đau xót hơn đã có trường hợp kết thúc mạng sống của mình để mong thoát nợ.

Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, có đại biểu cũng đã chất vấn và đề cập đến vai trò của các ngành chức năng như Công an, ngân hàng và chính quyền địa phương về thực trạng cho vay qua app đang lộng hành. Điều này cho thấy đã đến lúc cần siết chặt hoạt động biến tướng này càng sớm càng tốt trước khi để nó có thể kéo theo các hiệu ứng dây chuyền;gây mất ổn định đời sống nhân dân và nền kinh tế đất nước.

Theo đó, trong công tác quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành sớm các văn bản quy phạm pháp luật; tạo hành lang pháp lý phù hợp để ngăn chặn hoạt động này. Giúp ngành chức năng không bị lúng túng trong khâu xử lý.

Thực tế hiện nay, hình thức cho vay qua app vẫn tồn tại là do các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để lách luật hoạt động.

Trong khi nhà nước chỉ quy định lãi suất trần cho vay; riêng phần phí là 2 bên tự thỏa thuận nên các đối tượng đã lợi dụng để thu phí cao ngất ngưởng, có trường hợp phí gấp 3- 4 lần.

Đó là chưa kể, cho vay qua app là sự tự nguyện lại được thực hiện trên không gian mạng giữa các bên nên sẽ rất khó phát hiện và xử lý nếu không có người khai báo, tố cáo.

Cùng với việc hình thành các khung pháp lý để điều chỉnh, lực lượng chức năng cũng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn. Theo đó, ngành công an tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý rốt ráo các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng cho vay qua app để đe dọa, bắt chẹt người vay.

Ngành ngân hàng cần đa dạng hóa các hình thức cho vay tín dụng vừa và nhỏ; hình thức, thủ tục cho vay cũng cần đơn giản, tiện lợi để người có nhu cầu dễ tiếp cận vốn vay.

Riêng đối với người vay cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các lời chào cho vay qua app của các đối tượng. Cần tìm hiểu kỹ, chỉ vay qua app ở các tổ chức tín dụng được ngân hành nhà nước cấp phép.

Khi yêu cầu khai báo các thông tin đời tư, cá nhân cần hết sức thận trọng, để tránh gặp rủi ro nhất là các đối tượng xấu lợi dụng. Đặc biệt là khi bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen cần thu thập chứng cứ trình báo với cơ quan chức năng và nhờ pháp luật can thiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển chóng mặt, tạo ra các hình thức giao dịch tín dụng linh hoạt, trong đó có cả hoạt động cho vay và đi vay dễ dàng thuận lợi; đáp ứng được nhu cầu.

Cho vay qua app vì thế sẽ còn được lựa chọn trong thời gian tới. Vấn đề lúc này là cùng chung tay để hành động đẩy lùi các hoạt động biến tướng, không hợp pháp.

Tránh tình trạng thả nổi để vay qua app trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với mỗi người khi vướng nợ./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //