Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Va chạm giao thông: Quyền lực ở nắm đấm hay sự vị tha?

Phóng viên - 26/04/2021 | 15:12 (GTM + 7)

Gần đây, nhiều vụ va chạm nhỏ trong giao thông dẫn tới bạo lực, thậm chí án mạng. Mâu thuẫn bộc phát nhất thời nhưng hậu quả lại rất kinh hoàng? Cần làm gì để đẩy lùi cách hành xử côn đồ khi tham gia giao thông?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thanh niên đánh dã man nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương

“Hôm đó tôi có đi cùng gia đình, có đèo theo con nhỏ. Vô tình mình không xi nhan khiến cho xe đằng sau họ lao lên. Ngay lúc đó tôi đã có lời xin lỗi rồi, người này tỏ ra bực sau đó buông những lời nói khó nghe. Người này đang say máu, không chấp nhận lời đó và thâm chí giơ tay tát thằng vào đầu tôi”.

Vừa rồi là chia sẻ của anh Lê Trung, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, là nạn nhân của một vụ bạo lực sau va chạm giao thông. Anh Trung chia sẻ, vẫn biết va chạm khó tránh dù ai đúng ai sai khi tham gia giao thông, thế nhưng, hành động tát nhau như vậy là điều không thể chấp nhận.

Trước đó, dư luận hết sức phẫn nộ trước hành vi côn đồ của một thanh niên sau va chạm giao thông ở Bình Dương. Dù là va chạm nhỏ, không ai bị thương tích, xe không hư hỏng nhưng thanh niên này đã đạp liên tiếp vào mặt đối phương và dùng hung khí đánh liên tiếp vào đầu của nạn nhân gây vết rách trên đỉnh đầu dài hơn 4 cm.

Hay như trường hợp nhóm thanh niên sau khi va chạm giao thông với 1 phụ nữ mang thai tại đường Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi va chạm, một trong các thanh niên này đã dùng gậy 3 khúc bằng sắt được cất trong xe, vụt liên tiếp vào một người dân chứng kiến vụ việc, sau đó tiếp tục dùng gậy đập phá chiếc xe của người này rồi rời khỏi hiện trường.

Đề cập những vụ việc này, một số thính giả cho biết:

“Con người với con người, ứng xử của mình quá kém”

“Việc tham gia giao thông quá đông dẫn đến ý thức càng ngày càng kém”

“Trên đường đi tham gia giao thông gặp rất nhiều vụ taxi, xe tải va chạm với nhau, sử dụng đến đấm đá, tôi thấy rất phản cảm, thiếu ý thức”.

“Họ chưa có nhận thức đúng đắn mà chỉ xử lý theo cảm tính và không có suy nghĩ gì cả. Làm cho mức độ nghiêm trọng của tai nạn đó càng nghiêm trọng hơn”.

“Bản thân tôi là người dân và tôi không hiểu nhà nước có chế tài quản lý như thế nào. Tôi hoàn toàn có quyền kiến nghị trên các cấp thẩm quyền cao hơn, cần phải có chế tài để xử lý”.

Thanh niên cầm gậy dọa đánh người can ngăn sau mâu thuẫn tham gia giao thông (Ảnh: báo Giao thông)
Thanh niên cầm gậy dọa đánh người can ngăn sau mâu thuẫn tham gia giao thông. Ảnh: báo Giao thông

Trao đổi với VOV Giao thông, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Như Chính phân tích, đặc điểm chung của các thủ pham trong những vụ xô xát, án mạng sau va chạm giao thông là chúng ứng xử rất tùy tiện, không có phép tắc và giới hạn đạo đức.

Nguyên nhân một phần vì bị ảnh hưởng bởi tàn dư xã hội cũ. Vì vậy, trong ứng xử giữa người với người cần có sự tôn trọng và phải được giáo dục ngay từ trong gia đình và nhà trường.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc thực thi pháp luật chưa được chặt chẽ nên dẫn đến việc có một số người khi ra đường cũng không quan trong việc người khác nghĩ gì. Những trường hợp này pháp luật cần xử lý nghiêm. Cần tăng cường đạo đức ngay từ trong gia đình, nhà trường phải quan tâm, không phải chỉ hô khẩu hiệu chung chung mà cần học bằng những bài học thực tiễn, từ những tình huống trong cuộc sống”.

Trong khi đó, Giáo sư Hoàng Chương, chủ nhiệm dự án văn hóa giao thông nhận định, thời buổi ngày nay, văn hóa xin lỗi đang dần trở nên hiếm hoi. Đặc biệt, lời xin lỗi rất ít khi được phát ra sau các sự cố va chạm giao thông. Dường như, người tham gia giao thông vẫn chưa có thói quen xin lỗi và chịu trách nhiệm về hành vi của mình, mà vẫn có lối suy nghĩ bảo thủ “Càng sai, càng cãi to để lảng tránh trách nhiệm”. Chính điều này là “mồi lửa” cho những vụ bạo lực.

“Hành vi của anh sai thì anh phải sửa. Sai nhỏ thì xin lỗi, sai lớn thì nhận lỗi và đền bù. Tất cả việc này thì các nước phát triển họ đều làm được và xử lý hết sức nhẹ nhàng, hiếm khi xảy ra đánh nhau sau va chạm”.

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, một trong những yếu tố gây nên xung đột sau va chạm là ai cũng muốn trở thành người phán xử trong khi thực tế, theo quy định họ có không chức năng nhiệm vụ đó. Cụ thể, theo pháp luật Việt Nam, lỗi vi phạm giao thông đều là lỗi vô ý. Vì vậy, việc xảy ra va chạm giao thông là điều nằm ngoài ý muốn của các bên khi tham gia giao thông. Khi xảy ra va chạm, người điều khiển giao thông cần phải bình tĩnh để có hướng xử lý, vì ai đúng, ai sai sẽ có cơ quan chức năng phân xử.

“Lỗi đúng sai chưa thể bằng mắt thường hay đứng đó mà phân định được mà phải chờ cơ quan có thẩm quyền là lực lượng CSGT. Khi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra còn có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cho nên nóng giận quá dẫn đến việc xô xát thì đây là việc không nên. Đôi khi chúng ta là ngừi bị thiệt hại do va chạm giao thông nhưng nếu hành hung họ, mình từ người đúng trong va chạm giao thông thì lại trở thành người sai và phải chịu trách nhiệm. Rất nhiều vụ việc đã xảy ra trên thực tế rồi”.

Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong thời gian công tác, ông từng chứng kiến rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra dù mâu thuẫn chỉ xuất phát từ những va chạm rất nhỏ trên đường.

“Vì đường sá hoặc lỗi khách quan gây nên va chạm, vì vậy cần bình tĩnh xem xét lại thiệt hại, có thể mời bảo hiểm vào. Thứ hai là không nên tự áp đặt quá mức, dùng sức mạnh để uy hiếp người yếu thế hơn bồi thường quá mức thực tế. Nên bắt tay hòa giải với nhau để vừa đảm bảo ATGT, tránh ùn tắc, vừa đỡ gây phiền toái cho các lực lượng khác”

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cũng nhận thấy, trong hầu hết các trường hợp, những người dùng bạo lực sau va chạm đều lựa chọn nạn nhân là người yếu thế hơn, ít khi thấy họ dám đương đầu với những người có bề ngoài rắn rỏi và khó bị bắt nạt.

Tài xế xách mã tấu nói chuyện sau va chạm giao thông
Tài xế xách mã tấu nói chuyện sau va chạm giao thông. Ảnh: Thanh niên

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: “Quyền lực ở nắm đấm hay sự vị tha?”

Một trong những phân cảnh hay nhất trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Stephen Spielberg là đoạn hội thoại giữa doanh nhân Schindler và sĩ quan SS - Amon Goth trong phim “Bản danh sách của Schindler”.

Viên chỉ huy quân phát xít Đức thắc mắc vì sao không thấy Schindler say bao giờ, phải chăng sự kiểm soát tuyệt đối đó tạo nên quyền lực cho ông. Với gương mặt nghiêm nghị, đôi mắt chân thành, Schindler đáp lại: “Đó không phải quyền lực, kiếm soát và bắn giết vô cớ không phải cách thị uy sức mạnh. Khi nhà vua tha tội chết cho một tên trộm, ban phước cho hắn. Đó mới là quyền lực!”

Câu nói này của Schindler đã giúp một phần ác quỷ trong Amon Goth bị tác động. Nhiều người trong trại tập trung Kraków đã may mắn thoát lưỡi hái tử thần trong giai đoạn thay đổi tính cách của tên tội phạm chiến tranh. Hắn đã nói “ta thứ tội cho người” thay vì rút súng như thường lệ bắn lao động Do Thái khi người này phạm lỗi nhỏ nào đó.

Chính phong thái lịch lãm, sự ân cần, vị tha của Schindler đã giúp ông thu phục được nhân tâm, khiến ngay cả sĩ quan khét tiếng SS phải cảm phục và học hỏi.

Đời sống thực tế cũng có những câu chuyện tương tự. Có những tình huống, sức mạnh không đơn thuần là dọa nạt, là nắm đấm. Một sức mạnh thực sự phải đủ sức giải quyết tình huống theo cách tốt nhất, ít gây thiệt hại nhất. Đó là “sức mạnh mềm” theo định nghĩa ngày nay.

Một vụ va chạm giao thông xảy ra mà mâu thuẫn chưa thể giải quyết ngay do không thể xác định được nguyên nhân chính xác. Khi lâm vào hoàn cảnh này, mọi sự đe nẹt, thói du côn đều đẩy sự việc đi xa ngoài tầm kiểm soát. Nó không giúp ích gì trong việc chiếm lợi thế và giải quyết tình huống triệt để.

Nghịch lý là ngày nay, những kẻ thích giở nắm đấm ra giải quyết va chạm thường xuyên bị bêu mặt lên mạng xã hội, sau đó khi làm việc với cơ quan chức năng đã phải xin lỗi công khai và bồi thường cho nạn nhân. Xã hội hiện đại với những công cụ như camera trên xe hơi, điện thoại thông minh ở khắp nơi đã phần nào giúp minh định căn nguyên của những va chạm, ẩu đả trên đường, “lột mặt” những kẻ ưa thói hung hăng, côn đồ, thích bắt nạt người yếu thế.

Ngược lại, những người nắm được “sức mạnh mềm” có thể linh hoạt, khéo léo trong giao tiếp. Họ, bằng kiến thức vững về luật giao thông đường bộ, phông văn hóa giáo dục tốt cũng như tính cách nhường nhịn, ôn hòa có thể dễ dàng hóa giải khó thành dễ, căng thẳng thành nhẹ nhàng, thậm chí hóa thù thành bạn.

Bên cạnh những vụ ẩu đả, chửi bới, thậm chí án mạng sau va chạm, cũng có những hình ảnh đẹp như: hai tài xế cùng ngồi uống nước tán gẫu bên vệ đường chờ bảo hiểm đến giải quyết va chạm; nữ tài xế xe sang không nỡ bắt đền người lái xe ba bánh khi bị đâm đổ gạch lên capo.

Cá biệt, có những lý do không ngờ khiến sự việc không bị leo thang. Đơn cử như vụ chủ xe sang Porsche Panamera bị xe máy đâm vỡ đèn, móp ba đờ sốc, chi phí sửa chữa ước tính 130 triệu. Chủ xe đã bỏ qua và tự lo liệu chi phí vì đôi nam nữ đi xe máy nói năng lịch sự và trông đáng thương.

Chính những hành động vị tha ấy, chứ không phải sự giàu có của chủ xe khiến nhiều người bội phục. Chính sự thiện tâm và sẵn sàng tha thứ trong khả năng, chứ không phải thái độ hiếu chiến, trịnh thượng làm nên quyền lực cho họ. Một thứ quyền lực không va vời và đáng khâm phục./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Ngày 20/4, tại TP.HCM, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai” với nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự nhằm chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị.

// //