Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ứng dụng công nghệ để tiêm chủng đạt hiệu quả cao nhất

Phóng viên - 13/07/2021 | 6:10 (GTM + 7)

Việc ứng dụng công nghệ có vai trò quan trọng như thế nào trong chiến dịch này? Kinh nghiệm nào của các quốc gia trên thế giới có thể áp dụng cho Việt Nam?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hiện nay chủ yếu là để theo dõi phản ứng sau tiêm 72 giờ tiếp theo và xem kết quả tiêm và làm tiền đề cho hộ chiếu vaccine về sau

Theo thông báo UBND TP. Hà Nội, thành phố yêu cầu người dân tại các quận huyện đăng ký tiêm chủng vacccin phòng COVID-19 qua phần mềm Sổ sức khỏe điện tử.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai đăng ký tiêm chủng tại một số địa phương, nhiều người dân vẫn chưa biết đến ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Một số hộ dân sống tại một chung cư trên địa bàn phường Mộ Lao, Hà Đông vẫn đang thực hiện việc đăng ký tiêm chủng bằng các bản đăng ký giấy, thay vì sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để đăng ký, dù nhà ai cũng có smartphone.

Anh Nguyễn Công Dũng không tránh khỏi băn khoăn:

"Hiện nay tổ dân phố 14 đang triển khai đăng ký theo hình thức theo giấy, đi đến từng hộ gia đình, chưa thực sự ứng dụng CNTT vào việc đăng ký này. Nếu mà sử dụng bản giấy, để triển khai đến từng hộ gia đình và như vậy điều này rất ảnh hưởng vì diễn biến tình hình dịch bệnh rất là phức tạp".

Theo một số người dân, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hiện nay chủ yếu là để theo dõi phản ứng sau tiêm 72 giờ tiếp theo và xem kết quả tiêm và làm tiền đề cho hộ chiếu vaccine về sau.

Tại TP.HCM, trước chiến dịch tiêm chủng đầu tiên, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có tin nhắn nhắc nhở người dân đi tiêm khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm trong 24h và hướng dẫn, phân giờ cụ thể cho các nhóm đối tượng tiêm.

Tuy nhiên, thời gian đầu, tại một số điểm tiêm vẫn xảy ra tình trạng hàng nghìn người đứng chờ trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11, TP.HCM để chờ tiêm.

Lý giải về tình trạng này, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trưởng Bộ môn Tin học Y tế cho rằng, đây là một chiến dịch tiêm chủng lớn, lượng người truy cập vào hệ thống công nghệ thông tin nhiều có thể gây ra quá tải, hay lỗi hệ thống hoặc do nhiều người dân chưa nghiêm túc tuân thủ lịch tiêm nên dẫn đến tình trạng tập trung đông đúc.  

Để sử dụng triệt để những ứng dụng CNTT để hoạt động tiêm chủng đạt hiệu quả cao, ông Cường lưu ý:

"Giải pháp về mặt kỹ thuật, những cơ quan triển khai hệ thống này sẽ khắc phục và làm sao giảm sai sót từ phía hệ thống. Cái này là hoàn toàn chủ động. Việc người dân, theo dõi về lịch trình, đăng ký và phản hồi của hệ thống và cố gắng đến đúng lịch trình thì sẽ góp phần giảm tải".

Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức, theo dõi và quản lý hoạt động tiêm chủng đã được thực hiện rất tốt tại châu Âu. Từ cuối tháng 12/2020, Chính phủ Đức đã thành lập 460 trung tâm tiêm chủng trên cả nước, thành lập tổng đài điện thoại và các trang web của trung tâm tiêm chủng để người dân đặt lịch hẹn.

Các thông tin của những người đi tiêm chủng đều được số hóa thông qua một số ứng dụng trên điện thoại thông minh. Anh Hoàng Văn Nam, hiện đang sống tại Đức chia sẻ:

"Bằng cách số hóa đặt lịch hẹn ở Đức không xảy ra tình trạng tập trung đông người tập trung ở khu vực tiêm chủng cũng như ở khu vực đăng ký, thời gian tiêm được rút ngắn tối đa. Vợ chồng tôi chỉ mất 10 phút từ khi có mặt tại trung tâm tiêm chủng cho đến khi tiêm xong, bao gồm cả thời gian bác sĩ tư vấn về những tác dụng phụ của vaccine.

Việc này giúp người dân và đơn vị tổ chức tiêm chủng giảm thời gian, công sức chờ đợi và tránh tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm chéo".

Đầu tháng 1 năm nay, Chính phủ Hà Lan bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến thời điểm này, Hà Lan đã có hơn 17,6 triệu người được tiêm chủng. Chính phủ nước này đã tổ chức và quản lý việc tiêm chủng một cách khoa học thông qua những ứng dụng của internet. Việc đặt lịch tiêm đều được thực hiện online, hạn chế thời gian tiếp xúc.

Các điểm tiêm chủng được bố trí ở các trung tâm thể thao, trung tâm tập gym tại các phường, xã nơi người dân sinh sống. Mỗi điểm tiêm chủng có 10-12 quầy tiêm.

Chị Đào Tuyết Hương, hiện đang sống tại Hà Lan rất hài lòng về cách tổ chức tiêm tại đây: 

"Bạn sẽ nhận được thư mời từ chính phủ để đặt lịch hẹn bạn có thể đặt qua internet hoặc gọi điện trực tiếp. Sau đó bạn sẽ nhận được xác nhận thời gian qua email. 48 giờ trước ngày đến lịch tiêm chủng, bạn sẽ nhận được một tin nhắn nhắc nhở. Vào ngày tiêm chủng bạn đến trước không quá 5 phút. Chúng tôi tuân thủ tuyệt đối việc giữ khoảng cách 1,5m, và sau khi tiêm, sẽ ngồi chờ ở đó 15 phút".

Được biết, sẽ có một số hợp phần thuộc nền tảng quản lý thông tin tiêm chủng tại nước ta, như Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19. 

Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng. Các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng.

Bộ Y tế khẳng định sẽ triệt để ứng dụng công nghệ để trong quản lý tiêm chủng, từ khâu đăng ký đến theo dõi sức khỏe sau tiêm, thông qua “sổ sức khỏe điện tử”

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý tiêm vaccine covid là yêu cầu tất yếu để đảm bảo an toàn hiệu quả cho chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT, sự tận dụng, phối hợp giữa các lợi thế của công nghệ với mô hình truyền thống một cách linh hoạt, nhạy bén sẽ là một gợi ý quan trọng cho chiến dịch này: Ứng dụng công nghệ, đừng bỏ qua cách làm truyền thống

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử đã chính thức bắt đầu, với phát động của Người đứng đầu Chính phủ, trên quan điểm thống nhất: “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Đại diện Bộ Y tế đã khẳng định, sẽ triệt để ứng dụng công nghệ để trong quản lý tiêm chủng, từ khâu đăng ký đến theo dõi sức khỏe sau tiêm, thông qua “sổ sức khỏe điện tử”.

Kinh nghiệm từ các đợt triển khai tiêm chủng đồng loạt ở Bắc Giang và TPHCM cho thấy, công tác chuẩn bị đóng vai trò quyết định thành công và hiệu quả của công tác này

Điều mà nhiều người lo lắng là sự tập trung đông người và chờ đợi lâu ở các điểm tiêm chủng dẫn đến mất thời gian, mệt mỏi, đồng thời làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hoặc, năng lực xử trí sau tiêm không đồng đều ở các cơ sở y tế địa phương – nhất là nông thôn, miền núi, ven biển và hải đảo. Bất kỳ một sự cố gây mất an toàn nào đều sẽ gây tổn hại rất lớn đến nỗ lực triển khai tiêm chủng.

Ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng đã và đang được thực hiện, nhưng dữ liệu  cần được chia sẻ đồng bộ và liên thông tốt hơn. Chẳng hạn, người đi tiêm được hướng dẫn trước về các bước, các việc cần làm trước khi tiêm, để chủ động cao nhất và thao tác gọn gàng nhanh nhẹn nhất.

Khai báo y tế, khai báo sàng lọc trước tiêm đều nên được thực hiện online, tránh việc đã khai online mà vẫn phải viết giấy. Người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý nền cần được thông báo, cảnh báo ngay từ đầu để sàng lọc, phân loại sớm, có hướng dẫn riêng, xử lý riêng, để tránh mất thời gian, tránh lãng phí vắc xin.

Sự chia sẻ, liên thông giữa dữ liệu tiêm chủng của Bộ Y tế với dữ liệu quản lý công dân của Bộ Công an sẽ cho phép quá trình thống kê, quản lý tình hình tiêm chủng và điều phối lượng người đến tiêm được sát hơn, theo đúng năng lực của mỗi điểm tiêm chủng.

Tuy nhiên, công nghệ không phải là tất cả. Với đặc thù dân cư trú của người dân, với mạng lưới cán bộ cơ sở mạnh như ở ta hiện nay, sẽ là rất thiếu sót nếu bỏ qua sức mạnh của các mô hình truyền thống.

Quá trình triển khai cấp căn cước công dân gắn chip, bên cạnh việc tiếp nhận giải quyết tại trụ sở chính, Công an địa phương đã về tận các xã, phường, khu dân cư, tổ dân phố để phục vụ người dân.

Sự linh động tối đa về thời gian, sự sắp xếp giải quyết theo từng địa bàn, cộng với hướng dẫn chi tiết, trao đổi liên hệ thường xuyên… đã giúp ngành Công an hoàn thành cấp được 3 triệu thẻ  căn cước công dân gắn chíp tại Hà Nội chỉ trong thời gian ngắn.

Tương tự, kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, cũng nhờ phát tài liệu đến tận hộ gia đình, hướng dẫn rõ ràng dễ hiểu, sắp xếp thời gian bỏ phiếu phù hợp, cán bộ tổ dân phố đi nhắc nhở tuyên truyền đến từng nhà, nên cuộc bầu cử diễn ra an toàn, tốt đẹp, không để xảy ra tập trung đông người ngay trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến rất căng thẳng, với tỉ lệ đi bỏ phiếu rất cao.

Đặc thù của hoạt động tiêm chủng tất nhiên rất khác so với làm căn cước công dân hoặc bỏ phiếu, vì còn phải theo dõi sau tiêm, còn dự phòng phản ứng phụ.

Nhưng khi tận dụng công nghệ kết hợp với phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ cơ sở để đưa thông tin càng sớm, hướng dẫn càng chi tiết cho người dân, các khai báo và cập nhật và hỗ trợ online càng thuận tiện, thì quá trình tiêm càng nhẹ nhàng, hiệu quả.

Sự ủng hộ, tin tưởng của người dân là lợi thế rất lớn cho chiến dịch tiêm chủng lịch sử này. Vì thế, bên cạnh các phương án dự phòng trực tiếp của ngành y, thì ngay từ lúc này, khâu chuẩn bị và phổ biến thông tin là rất quan trọng.

Thông tin cần được đưa đến người dân trên mọi kênh, mọi phương thức cả công nghệ lẫn truyền thống, để không ai bị bỏ lỡ, bị bỡ ngỡ.

Và để người dân dù nôn nóng, mong chờ đến đâu cũng sẽ hết sức hợp tác, giúp việc tiêm chủng đồng loạt nhưng trật tự, nhanh chóng nhưng không thiếu sót, đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất.

---

Nghe thêm Sự việc & Góc nhìn trên Appler Podcast:

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //