Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Từ làng lên phố, đừng để môi trường đi theo 'vết xe đổ'

Phóng viên - 15/04/2021 | 5:59 (GTM + 7)

Dự kiến 5 huyện của Hà Nội sắp lên quận gồm huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, các địa phương này sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về môi trường nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nhiều chuyên gia cũng như người dân sống tại huyện Hoài Đức đang trăn trở về vấn đề ô nhiễm nước thải, liệu có được giải quyết khi sắp tới đây huyện sẽ chuyển thành quận (Ảnh: TH&CL)

Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, dự kiến 5 huyện của Hà Nội sắp lên quận gồm huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, các địa phương này sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về môi trường nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Huyện Hoài Đức, Hà Nội có 52/54 làng nghề truyến thống, trong đó có nhiều làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bánh kẹo, dệt may. Tuy nhiên, quá trình sơ chế nguyên liệu, chất thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra kênh mương khiến một số kênh đen đặc, bốc mùi hôi nồng nặc, môi trường của các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Nhiều chuyên gia cũng như người dân sống tại địa phương này trăn trở về vấn đề ô nhiễm nước thải có được giải quyết khi tới đây huyện sẽ chuyển thành quận. Ông Nguyễn Huy Đảng - một cán bộ hưu trí ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội  bày tỏ: 

"Khi được lên quận thì công nghiệp và buôn bán sẽ tăng lên, vấn đề môi trường tôi e rằng có những ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, nhất là vấn đề xả thải. Đi trên những con đường cạnh sông Nhuệ, sông Đáy, tôi thấy xả thải nước đen như tro. Cho nên, trước khi lên quận thì phải có những dự án xử lý nước thải, để trở thành một quận hiện đại và văn minh".

Ngoài Hoài Đức, 4 huyện khác của Hà Nội là Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng cũng được đẩy mạnh đầu tư để sớm hoàn thành tiêu chí lên quận. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cao cùng sự gia tăng dân số cơ học và mật độ công trình xây dựng có thể tạo thêm gánh “nặng” cho môi trường: 

"Phải dùng một từ là “quá tải”! Rất nhiều rác thải không đúng nơi quy định. Đốt rơm rạ ít hơn rồi, nhưng tình trạng đấy vẫn có. Mong muốn là chính quyền cần “cứng rắn” và quyết liệt hơn, quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân".

"Lượng người dân đổ về thì xả rác ra môi trường nhiều hơn. Rồi là xây nhà chắc chắn có rác thải, phế thải xây dựng. Huyện thì có thể chưa được quan tâm nhiều, nhưng nếu về quận thì Nhà nước sẽ sát sao hơn trong vấn đề giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ".

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường phân tích, quá trình đô thị hóa là xu hướng tất yếu. Việc chuyển đổi từ huyện lên quận, mang lại lại những lợi ích về phát triển kinh tế- xã hội nhưng  cũng khiến các địa phương đối mặt với những thách thức mới về môi trường.

Bởi vậy các địa phương cần sớm xây dựng những quy hoạch về môi trường trong đó tính tính sức chịu tải của hạ tầng, của môi trường:

"Trong đó có vấn đề thu gom nước thải, thu gom rác thải, phân loại rác tại nguồn, xử lý ô nhiễm các khu công nghiệp, xây dựng đồng thời hệ thống thu gom nước thải, nước mưa. Các huyện này mới thành lập vẫn còn diện tích đất nhiều cần tính toán diện tích cây xanh".

Cũng theo ông Chinh, những huyện nằm sát các quận nội thành như huyện Thanh Trì, ngoài việc giải quyết vấn đề môi trường của riêng các huyện cũng cần có sự kết nối, hỗ trợ giải quyết những vấn đề môi trường chung của thủ đô.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến- Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng, thời gian qua, một số các quận huyện ngoại thành đã có sự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn còn sơ sài và thiếu các nhà máy, trạm xử lý nước thải.  

Bởi vậy, khi thực hiện chuyển đổi, cần đầu tư thêm nguồn lực để xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đô thị, nhất là tại một số địa phương có nhiều làng nghề như huyện Hoài Đức:

"Nếu mà trở thành một quận hoặc như các quận phải được xây dựng một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, có cái chỗ thu gom nước thải hoặc đấu nối nước thải. Cái này cũng cần phải có một cái cây xem xét một cách toàn diện và đồng bộ".

Ông Tiến nhấn mạnh, quá trình đô thị hóa có thể dẫn đến hệ thống ao hồ bị san lấp và xuất hiện thêm nhiều dự án đô thị mới, nên xây dựng hạ tầng khung hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật có thể giúp các địa phương có thể dễ dàng ứng phó và xử lý với các vấn đề môi trường trong tương lai.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay tại nhiều xã, huyện còn tồn tại những bãi rác nằm xen lẫn các khu dân cư. Tuy nhiên, khi các huyện chuyển đổi lên thành quận đòi hỏi công tác thu gom và xử lý rác thải phải có sự thay đổi phù hợp với sự gia tăng về dân số và rác thải, với mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh hiện đại. 

TS Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam khuyến nghị các địa phương cần xây dựng quy hoạch các bãi rác, tuyến đường thu gom rác và chuẩn bị cả các đơn vị thực hiện thu gom rác:  

"Rác đó phải được chuyên chở đi đâu, xử lý ở đâu. Thu gom rác nếu mà hồi xưa ở huyện có thể phấn đấu 50-60% nhưng tỷ lệ thu gom rác ở các quận huyện phải cao hơn, đạt 80-90%. Bài toán thu gom rác thế nào và tập trung xử lý rác ở đâu".

Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 5  khu sản xuất công nghiệp tập trung và hơn 200 sản xuất kinh doanh dịch vụ ngoài khu công nghiệp. Trong khi đó hiện nay, huyện mới xử lý được khoảng 20% lượng nước xả thải.

Để thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ xử lý nước thải, huyện Đông Anh đã thực hiện một số giải pháp như giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra và xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, hoàn thiện và xây dựng một hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chánh văn phòng UBND- Hội đồng nhân dân chuyện Đông Anh cho biết:

"Mục tiêu của chúng tôi là 100 % các khu, cụm công nghiệp phải được đầu tư và xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường có lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động để truyền tải dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Và triển khai một số giải pháp, dự án để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ví dụ như là phân loại rác thải tại nguồn đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch và thậm chí là đầu tư những cái nhà máy nước thải xử lý phân tán tại các khu, cụm dân cư".

Đại diện huyện Đông Anh cũng đề xuất các cấp có thẩm quyền sớm tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải đã được quy hoạch trên địa bàn.

Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, một số huyện của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được lên quận, do vậy, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng phải đối mặt với những thách thức về môi trường.

Một số chuyên gia môi trường đô thị cho rằng, để có thể thực hiện kế hoạch chuyển đổi lên quận, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các tiêu chí về kinh tế, dân số, chính quyền các địa phương cần song song xây dựng quy hoạch để quản lý và kiểm soát các vấn đề môi trường để thích nghi với tình hình mới. 

Cần có sự chuẩn bị trước về các kịch bản môi trường, nhất là đối với các điểm “nóng” đã xuất hiện hoặc đang hình thành, để sẵn sàng phương án ứng phó (Ảnh: TH&CL)

Mặt trái của quá trình đô thị hóa là có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề ô nhiễm môi trường đang hiện hữu ở các địa phương. Bởi vậy, “đi trước đón đầu” các vấn đề môi trường để hoạch định ra những chính sách quản lý môi trường trước khi các huyện chuyển đổi lên thành quận là một hướng đi rất đáng để các địa phương tham khảo.

Đây cũng là góc nhìn của kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Cứu vãn khi còn có thể

Câu chuyện môi trường của các địa phương sắp từ làng lên phố, thực ra bây giờ cảnh báo cũng đã là hơi muộn. Bởi ngay từ khi mới chỉ là  “làng” bên phố, tình trạng ô nhiễm đã rất đáng lo.

Với sự phát triển của các trục giao thông quan trọng như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32 từ hơn chục năm nay, đã có hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp xuất hiện trên địa bàn huyện Hoài Đức, Đan Phượng Hà Nội. Xã Yên Thường – Gia Lâm, bao năm nay người dân phải sống chung với khí thải xả ra từ các xưởng gỗ ép.

Xã Tân Triều - Thanh Trì, rác rến giăng thiên la địa võng, những con mương, dòng sông, cống rãnh đen đặc khiến người qua lại rung mình. Chỉ một huyện mà đóng đô tới 2 cơ sở điều trị ung thư, 1 nghĩa trang lớn nhất nhì thành phố.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, với các huyện ngoại thành sắp sửa lên quận trong lộ trình 10 năm tới. Điển hình là huyện Bình Chánh, với dòng kênh hứng nước thải của các cơ sở sản xuất, bao năm qua vẫn là nỗi ám ảnh của người dân sở tại.

Từ làng lên phố, rồi sao? Mật độ dân cư tăng lên, các hoạt động sản xuất dịch vụ tăng lên, rác thải, nước thải, khí thải và rất nhiều nguồn phát thải gây ô nhiễm khác sẽ tăng theo cấp số nhân. Có thể tình trạng tập kết rác bừa bãi sẽ đỡ đi, do được quản lý và thu gom bài bản hơn, nhưng ô nhiễm sẽ chỉ chuyển từ chỗ này qua chỗ khác.

Trong khi đó, ý thức của người dân chưa thể thay đổi một sớm một chiều. Việc xử lý các vấn đề môi trường ngay cả với quận nội đô vẫn đang là bài toán hóc búa, thì với huyện, lại càng khó hơn.

Điều đó đặt ra thách thức rất lớn cho chính quyền các huyện trong diện quy hoạch cũng như chính quyền các thành phố lớn, về công tác quản trị môi trường.

Thực tế đã chứng minh, việc chạy theo để giải quyết hậu quả chỉ là cực chẳng đã. Khâu phòng ngừa tích cực mới là then chốt, chủ động ứng phó sớm để ngăn chặn các nguy cơ là giải pháp hàng đầu.

Chính sách quản lý môi trường của các địa phương này cần đi trước một bước so với các quy hoạch của hạ tầng kỹ thuật đô thị, trên cơ sở dự báo mức tăng cơ học của dân số, mật độ dân cư tại từng địa bàn, tốc độ tăng trưởng kinh tế, xu hướng phát triển của các hoạt động xã hội kèm theo.

Cần có sự chuẩn bị trước về các kịch bản môi trường, nhất là đối với các điểm “nóng” đã xuất hiện hoặc đang hình thành, để sẵn sàng phương án ứng phó.

Nguồn vật lực để giải quyết vấn đề môi trường sẽ cần phải được đầu tư thỏa đáng hơn, để các giải pháp khoa học được triển khai bài bản, không “đầu voi đuôi chuột”. 

Bên cạnh đó, không thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tăng cường, bổ sung cho các huyện sắp lên quận, để có đủ năng lực chuyên môn trong việc phân tích, đánh giá thực trạng, tham vấn cho lãnh đạo chính quyền.

Câu chuyện ô nhiễm môi trường ở các làng nghề là một ví dụ nhãn tiền. Ngay cả khi các nhà khoa học tư vấn giải pháp, nhưng địa phương không có người đủ chuyên môn để tiếp thu và phối hợp, nỗ lực cũng đi tong.

Ngoài ra, để các địa phương yên tâm và đầu tư thỏa đáng cho môi trường, chính sách quản lý của chính quyền đô thị cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp theo hướng vừa khích lệ, vừa gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Sự cải thiện chất lượng môi trường nên được coi là một trong các chỉ tiêu hàng đầu đánh giá năng lực cạnh tranh của quận huyện, thay vì các con số tăng trưởng.

Quá trình ô nhiễm hóa đã bắt đầu sớm hơn và đang diễn ra với tốc độ nhanh rất nhiều so với tốc độ đô thị hóa. Vì thế, các địa phương sắp từ làng lên phố cần có sự chuẩn bị rốt ráo ngay từ bây giờ, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //