Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Trục lợi mùa dịch và đạo đức công vụ

Phóng viên - 05/09/2021 | 8:38 (GTM + 7)

Trong thời buổi dịch bệnh hoành hành, các hoạt động kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội kéo dài, rất nhiều hành vi trục lợi cộng đồng đã xảy ra.

Điển hình như: “cò” tiêm vắc xin dịch vụ; “cò” đăng ký luồng xanh; nhận hối lộ để cho xe qua chốt không cần kiểm tra; cậy chức vụ, quyền hạn để ưu tiên người nhà, người thân quen…

Ngoài việc vi phạm các quy định của pháp luật, những hành vi này còn trở thành “lỗ hổng” phòng dịch, khiến dịch bệnh lây lan, đồng thời gây giảm sút niềm tin của người dân vào đội ngũ thực thi công vụ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Các đối tượng cò mồi không thể hoành hành nếu không có sự tiếp tay từ một số cá nhân có chức quyền (Ảnh minh họa: VGP)

Mới đây, UBND quận Ba Đình, Tp.Hà Nội đã có quyết định đình chỉ công tác một công chức văn phòng thống kê của UBND phường Vĩnh Phúc do liên quan vụ việc thu tiền để sắp xếp tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc.

Cùng thời điểm cuối tháng 8/2021, Công an tỉnh Thái Bình cũng đã khởi tố 4 đối tượng, trong đó có cán bộ y tế thuộc tổ liên ngành kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Triều Dương (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, giáp ranh tỉnh Hưng Yên) vì nhận tiền tạo điều kiện cho các công nhân chưa xét nghiệm Covid-19 được qua chốt.

Trước đó, như VOV Giao thông từng phản ánh, một chuyên viên thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường cho Sở GTVT Hà Nội, đã bị khởi tố vì cấu kết với “còi mồi” thu tiền cấp thẻ luồng xanh trái phép. Đề cập thực trạng này, anh Phạm Xuân Trung, trú tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ:

“Hành vi trục lợi, lợi dụng những người khó khăn trong thời điểm dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ quốc gia nào, ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, “nước càng đục”, thì xuất hiện càng nhiều “con cò” cơ hội, dùng mọi thủ đoạn kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại”.

Nhiều thính giả khác bày tỏ quan điểm: các đối tượng cò mồi không thể hoành hành nếu không có sự tiếp tay từ một số cá nhân có chức quyền.

“Theo tôi việc trục lợi từ dịch bệnh là hành vi đáng lên án, trong khi cả nước chống dịch thì một số hành động như vậy sẽ làm mất lòng tin của người dân”.

“Chúng tôi thấy rằng, rất xấu hổ, họ phải suy nghĩ lại, kiểm điểm trước Đảng, trước nhân dân”.

“Rất bức xúc, nhờ Chính phủ, các cấp làm rõ, ai làm người đấy chịu, phải làm gương cho những người khác”.

“Về đạo đức thì không được. Cần làm rõ, sáng tỏ, quy kết tội trạng đúng quy định. Tất nhiên, họ sẽ không thể tiếp tục làm việc trong ngành, lĩnh vực mà trước đó được giao”.

Trong bối cảnh cả nước chung tay chống dịch, các hành vi “đục nước béo cò”, lạm dụng mối quan hệ, chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, vi phạm các quy định phòng dịch là đặc biệt nghiêm trọng. Những thành quả chống dịch trước đây có thể sụp đổ chỉ vì một vài sai sót cá nhân, dịch bệnh có thể bùng lên rất nhanh từ một vài ca bệnh lọt trong cộng đồng.

Luật sư Trần Tuấn Anh, giám đốc công ty luật Minh Bạch phân tích, việc cấu kết với đối tượng cò mồi không kiểm tra hoăc cấp phép sai quy định có thể bị khởi tố hình sự:

“Nếu nhận lợi ích vật chất để anh cấp sai thì là hành vi nhận hối lộ. Còn anh cấp phép theo ý đối tượng cò mồi, không kiểm tra thì rõ ràng là dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm”.

Làm việc thường xuyên ở hiện trường các chốt kiểm dịch, Thiếu tá Nguyễn Quốc Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 2, CA TP. Hà Nội cho biết, các trường hợp vi phạm cố tình dùng vật chất để hối lộ lực lượng kiểm tra không phải là hiếm gặp. Trong tình thế như vậy, lực lượng chức năng cần thực sự minh chính để không bị cuốn theo các dấu hiệu tiêu cực.

“Khi gặp các đối tượng như vậy, lực lượng chức năng cần tuyệt đối nghiêm chỉnh, công khai xử lý và từ đó yêu cầu nghiêm cấm, chấm dứt ngay hành vi có ý định hối lộ hoặc đút lót cá nhân.

Tuyệt đối không được tạo điều kiện cho các đối tượng đấy có cơ hội để thông qua chốt, yêu cầu đối tượng giữ thái độ bình tĩnh và hợp tác với tổ công tác làm việc. Nếu như đối tượng không hợp tác thì phải xử dụng biện pháp nghiệp vụ và trấn áp, tuyên truyền, xử phạt theo quy định của nhà nước”.

Chuyên gia chính sách Ngô Dương nhận định, với những người có quyền hạn thì khả năng liên quan tiêu cực sẽ cao hơn, bởi những chức vụ, vai trò của họ có thể làm lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân phụ thuộc.

“Nó có quá nhiều hệ lụy, bản thân các hoạt động trong giai đoạn này tạo ra khoản thu lợi không chính đáng cho người có chức vụ, có điều kiện thuận lợi, việc đó là bất chính. Không bảo đảm nguyên tắc chống dịch. Trong hoạt động y té cộng đồng, vai trò, hình ảnh của người chăm sóc sức khỏe nhân dân đang là tấm gương tốt, là hình mẫu.

Vậy thì những hoạt động cò vắc xin sẽ tạo ra hình ảnh rất xấu trong thời kỳ này. Tác động hết sức tiêu cực, ngoài tác động vật chất ra sẽ tác động về mặt phi vật chất rất lớn, tác động xấu đến quyết tâm chống dịch của cả nước. Ảnh hưởng đến lòng tin và quyết tâm của cả xã hội”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản giao thông, tin rằng: càng trong những hoàn cảnh khó khăn, năng lực, đạo đức cán bộ thực thi công vụ sẽ càng bộc lộ. Các nhà quản lý cần mạnh dạn xử nghiệm, cắt bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”.

“Đầu tiên phải là vấn đề cán bộ, phải chọn được người tốt, liêm khiết, có uy tín. Đề nghị phải có giám sát, xử lý một số trường hợp điển hình để răn đe các biểu hiện tiêu cực ở Hà Nội và các địa phương khác”.

Tham nhũng vặt, nhưng lại gây ra những hậu quả không “vặt” chút nào. Ảnh minh hoạ: DAD/ Thanh niên

Hệ lụy tham nhũng vặt

“Vặt vãnh” thường được hiểu như những chuyện nhỏ nhặt, không đáng kể đến. Mặc dù vậy từ “vặt” trong “tham nhũng vặt” lại không hề vặt vãnh chút nào. Ngày nay, nó đã trở thành một bức xúc xã hội, vấn đề nổi cộm cản trở tiến trình công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính.

Một trong những khó khăn lớn nhất để ngăn ngừa tham nhũng vặt là do nhiều người, bao gồm cả người đưa và nhận hối lộ, đều coi nó là việc nhỏ, có nhắm mắt cầm thì cũng “chẳng chết ai”. Do đó, nó phổ biến đến mức xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Trong hành trình tác giả thực hiện một phóng sự về phí phải nộp để được lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội, rất nhiều người đã cười lớn khi được hỏi về vấn đề này. Họ ví von, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, có người lấn chiếm trái phép thì phải có người kiểm tra thu tiền làm lơ. 

Đó là một việc hiển nhiên trong suy nghĩ của rất nhiều người. Một thực tế đắng ngắt trong một xã hội luôn hướng tới sự minh bạch, luôn thể hiện quyết tâm chống hối lộ, tham nhũng.

Và trong khi những đại án tham nhũng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra, đưa ra xét xử, thì hàng ngày, hàng giờ, những tệ tham nhũng vặt vài chục, vài trăm nghìn đồng vẫn diễn ra như một phần hơi thở của cuộc sống.

Đó có thể là vài chục nghìn để mua một tờ giấy khám sức khỏe, vài trăm nghìn để mua một tấm giấy đi đường, một suất thông chốt kiểm dịch, vài triệu đồng để được quyền khai thác nguồn lợi tức cả trăm triệu đồng từ vỉa hè.

Cứ thế, những giao dịch này lặp đi lặp lại, tạo thành một quy tắc ngầm của cuộc sống: Cần cái gì nhanh, cái gì khó, tiền có thể giải quyết được hết! Sự xuất hiện của đội ngũ “cò mồi” dịch vụ chỉ là biểu hiện bề nổi, khâu trung gian của quá trình này mà thôi. 

Còn nhiều câu chuyện chỉ là bí mật của riêng người xin với người cho, người đưa và người nhận với nhau.

Quy tắc ngầm này bào mòn dần đạo đức của những người có chức vụ, quyền hạn trong tay. Có lần đầu, đa số sẽ có lần sau. Từng nhận ít, sau này sẽ nhận nhiều hơn. Bàn tay đã nhúng chàm, rất khó để giữ gìn.

Nghiêm trọng hơn nữa, tệ nạn đến cửa quan phải bôi trơn, phải phong bì còn khiến giảm sút niềm tin của người dân vào hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước. Người thực hiện đúng, đầy đủ các quy định lại không được giải quyết hồ sơ, thủ tục kịp thời, bình đẳng như những người đưa hối lộ.

Đặc biệt, tham nhũng vặt trong thời điểm đặc biệt khó khăn, khi dịch bệnh bủa vây hiện nay lại càng gây hậu quả khôn lường. Những trầm uất xã hội bị nén chặt có thể sẽ không còn sức chịu đựng trước các hiện tượng quan liêu, vô cảm, trục lợi mùa dịch mà bất chấp sự an toàn của cộng đồng.

Mỗi đường lối, chính sách dù đúng đắn đến đâu, cũng khó có thể thành công nếu lực lượng thực thi không làm hết chức trách, bổn phận, nếu còn để xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Tham nhũng vặt, vì thế, gây ra những hậu quả không “vặt” chút nào.

---

Nghe thêm Sự việc & Góc nhìn trên Appler Podcast:

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //