Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Trồng cây trên cao tốc: Làm sao vừa đẹp, vừa an toàn?

Phóng viên - 31/01/2020 | 5:37 (GTM + 7)

Hơn 5 năm nay, 2 bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được trồng cây xanh. Hệ thống cây xanh này không chỉ giúp hạn chế ánh sáng, mà còn tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho người tham gia giao thông. Hạn chế bụi, tiếng ồn đối với cuộc sống, sinh hoạt

Hệ thống cây xanh không chỉ giúp hạn chế ánh sáng, mà còn tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho người tham gia giao thông (Ảnh: vnexpress)
Hệ thống cây xanh không chỉ giúp hạn chế ánh sáng, mà còn tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho người tham gia giao thông (Ảnh: Vnexpress)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dẫn chúng tôi đi thăm toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào những ngày cuối năm, anh Mai Đức Thành, Giám đốc Trung tâm điều hành cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho hay, hệ thống cây xanh này được Công ty TNHH D&G Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam trồng từ đầu năm 2015. Đến nay, những hàng cây này đã cao hơn 10m, thẳng tắp 2 bên đường.

Ngày cuối đông, những tia nắng hiếm hoi xiên qua kẽ lá, tinh nghịch nhảy nhót trên mặt đường êm nhựa. Tiếng động cơ lướt nhẹ của những chiếc ô tô chạy qua rồi nhanh chóng trả lại sự yên tĩnh vốn có.

Ngay cả những đoạn đi qua khu dân cư cũng họa hoằn lắm mới nghe thấy âm thanh từ cuộc sống sinh hoạt của bà con. Anh Thành cho biết, đến thời điểm này, mục tiêu ngăn tiếng ồn của hệ thống cây xanh trên cao tốc đã bước đầu đạt được:

"Đối với 2 hàng cây trồng bên lề đường cao tốc, thì nó mang lại hiệu quả cho người tham gia giao thông là giảm thiểu tiếng ồn đốivới người tham gia giao thông và người dân 2 bên đường cao tốc. Thứ 2 là giảm thiểu khói bụi. Thứ 3 đó là tạo cảnh quan môi trường và làm cho lái xe khi lưu thông trên cao tốc có cảm giác thư thái, dễ chịu, đồng thời chắn, giảm các luồng ánh sáng bức xạ 2 bên đường cao tốc đối với người tham gia giao thông".

Cùng với cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, hệ thống cây xanh cũng được trồng trên nhiều cao tốc khác như: Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, TP. HCM – Trung Lương.

Cùng phóng viên VOVGT trực tiếp khảo sát hàng cây xanh cao khoảng 10m trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, anh Trịnh Quang Mộng, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành, Công ty Quản lý, khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho hay, sau 4 năm, hàng cây này đã tạo thành bức vách giảm bụi, ngăn tiếng ồn.

Đặc biệt, từ dải taluy đường đến hàng cây có bề rộng đến 12m để tránh ảnh hưởng đến người tham gia giao thông nếu xảy ra gãy, đổ cây trong mùa mưa bão, đồng thời cũng giúp mở rộng tầm nhìn hai bên cho lái xe:

"Khi triển khai trồng thì mục đích của đơn vị quản lý khai thác không đặt mục đích kinh tế, nhưng đạt được nhiều lợi ích về môi trường, về giảm tiếng ồn từ hệ thống cây xanh. Loại cây keo lá tràm về mùa thu có hoa rất đẹp, vàng ươm cả cây thì trên dọc tuyến tạo cảnh quan rất thoải mái cho các bác tài khi tham gia giao thông".

Chia sẻ cùng phóng viên VOVGT, nhiều tài xế dừng chân tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hay Cầu Giẽ- Ninh Bình đều tỏ ra khá hài lòng khi lưu thông trên những tuyến đường có hàng cây xanh mát mắt

"Cảm giác nó thoáng mát, chạy không bị lóa, cảm giác dễ chịu".

PV: Còn trạng thái tinh thần của anh?

"Đi cảm thấy nó khỏe".

"Có đi suốt".

PV: Với cảnh quan 2 bên đường thế này thì anh thấy thế nào?

"Anh thấy đi nhìn nó mát mắt, đi đỡ bị chói mắt, nói chung đi nó dễ chịu, tự nhiên tinh thần của mình nó dễ chịu lên. Nếu không có hệ thống cây xanh đi nó khó chịu, nhìn ở đường không được tập trung, 2 bên có cây thì mình đi tập trung nhìn ở đường hơn, không nhìn lung tung".

"Rõ ràng nó tốt hơn rất nhiều so với không có hệ thống cây xanh bởi vì khi mình chạy trên đường cao tốc phần lớn người ta sẽ bật đèn pha, đối với ánh sáng ngược chiều nó sẽ rọi vào mắt thì hệ thống cây xanh cản được rất nhiều".

PV: Đó là cây xanh ở dải phân cách giữa, còn cây xanh 2 bên đường thì anh thấy tạo cảm giác cho anh như thế nào khi lưu thông trên đó?

"Cây xanh 2 bên đường thì mình cũng có cảm giác là khi chạy xe cảm thấy thư giãn hơn, nhẹ nhàng hơn, giúp mình lái xe bớt căng thẳng hơn".

Không chỉ làm hài lòng người lái xe, sự xuất hiện của những hàng cây trên cao tốc còn được các cơ quan quản lý và nhà chuyên môn đánh giá cao

Trồng hoa ở dải phân cách giữa khiến cảnh quan tốc đẹp hơn, giúp làm dịu bớt căng thẳng và điều hòa tâm trạng, cảm xúc của người lái xe, nhất là khi chạy đường dài
Trồng hoa ở dải phân cách giữa khiến cảnh quan tốc đẹp hơn, giúp làm dịu bớt căng thẳng và điều hòa tâm trạng, cảm xúc của người lái xe, nhất là khi chạy đường dài (Ảnh: Vnexpress)

Nhiều lần lưu thông trên các cao tốc, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam VN cũng rất ấn tượng với những hàng cây keo được trồng ngay ngắn, được chỉnh trang, chăm sóc thường xuyên trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ,  Cầu Giẽ- Ninh Bình, Hà Nội – Hải Phòng.

Ở một số tuyến khác thì trồng hoa ở dải phân cách giữa khiến cảnh quan tốc đẹp hơn, giúp làm dịu bớt căng thẳng và điều hòa tâm trạng, cảm xúc của người lái xe, nhất là khi chạy đường dài. Theo ông Hà, ngoài tác dụng về cảnh quan, môi trường, hệ thống cây xanh còn rất hiệu quả trong việc dẫn hướng:

"Nếu chúng ta đi các cao tốc ở nước ngoài thì chúng ta sẽ thấy rằng là từ xa người ta đã nhìn thấy những khúc cua hoặc là 2 bên hành lang rất rõ khi mà hệ thống cây xanh nó làm thành 2 hàng cọc tiêu rất đẹp và nếu kết hợp được với những loại hoa phù hợp trồng trên các quốc lộ và cao tốc sẽ mang lại hiệu quả cảnh quan thư thái cũng như giúp các tuyến đường bớt căng thẳng hơn".

PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, việc các đơn vị quản lý cao tốc triển khai trồng cây xanh 2 bên đường là cách làm cần được khuyến khích, nhân rộng, bởi thực tế những tuyến cao tốc có cây xanh đều được người tham gia giao thông nhiệt tình hưởng ứng:

"Nếu đến đường vòng, trồng cây chắn lấy thì về hình học có thể không thấy đường vòng nhưng nhìn cây có thể biết đường vòng. Thứ 2 là cảnh quan, ví dụ cây trang trí ở mái dốc sau đó kết thành hình. Đi đến đâu biểu trưng cho văn hóa hoặc cho cái gì của tỉnh đó thì người ta biết ngay đến đây có loại cây này và hình này".

Việc trồng cây xanh trên hệ thống cao tốc đã và đang được các đơn vị quản lý, khai thác cao tốc nỗ lực thực hiện nhằm đem lại cảm giác và tinh thần tốt nhất cho tài xế lưu thông trên đường, giảm thiểu tiếng ồn, giảm lóa mắt, qua đó góp phần cải thiện an toàn giao thông. Song, một số ý kiến cho rằng, để hệ thống cây xanh hỗ trợ tốt hơn nữa cho người tham gia giao thông, không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng

PGS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trồng cây trên cao tốc nên chú ý mức độ phù hợp của chủng loại cây với khí hậu, đất đai, và cả văn hóa địa phương, vùng miền:

"Tôi nghĩ vùng Vĩnh Phúc ngay Hà Nội, từ Hà Nội lên Phú Thọ, nếu đất ấy trồng hoa thì đẹp lắm. Còn lên các vùng khác đất đai khô cằn hơn như Phú Thọ hoặc vùng trên nữa thì có thể trồng keo tai tượng hoặc những cây nào mà dễ chăm bón.Nhưng phương châm là không để đất trống".

Lấy câu chuyện nghiên cứu trồng cây xanh trên tuyến đường huyết mạch vào TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu theo đơn đặt hàng của địa phương này, TS Phạm Anh Tuấn, Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, Vũng Tàu có đặc điểm đất cát, mực nước ngầm cao, nhiều gió biển.

Do vậy, cây xanh được lựa chọn trồng trên tuyến đường huyết mạch vào Thành phố phải đáp ứng các tiêu chí hợp điều kiện địa lý này, phải dễ trồng và chịu được gió muối. Cây xanh trên cao tốc cũng cần đạt các tiêu chí tương tự. 

Ngoài ra, TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, sự thay đổi của hàng cây trên cao tốc khi đi qua các địa phương khác nhau cũng góp phần quan trọng làm thay đổi ấn tượng thị giác – một yếu tố rất quan trọng đối với người lái xe:

"Quan trọng nhất, mỗi tuyến đường có đặc trưng riêng, một tuyến dài hàng trăm cây số không tạo ra tính đặc trưng. Một trong những tiêu chí nữa là không tạo ra tính nhàm chán cho lái xe. Vì nhàn chán có thể gây hiệu ứng khác, là buồn ngủ. Chính vì vậy, cây xanh có thể là yếu tố hỗ trợ, nó vừa mang tính đặc trưng từng vùng miền, nhưng đồng thời có thể hạn chế tác động đến người lái xe".

Ông Tuấn cũng lưu ý, cao tốc thường có không gian rộng,khả năng dẫn dụ gió lớn nên cây dễ bị gãy, đổ. Do vậy, việc trồng cây ven cao tốc cần đảm bảo mật độ đủ dày để tăng tác dụng cản gió:

"Kinh nghiệm thế giới thì họ sẽ trồng cây 2 bên với mức độ dày, tạo thành bức vách, lúc đó khả năng hỗ trợ nhau, giảm khả năng gãy đổ của cây. Còn keo phát triển nhanh, nếu đúng đó chỉ là cây khai thác đất thì có thể là sẽ hỗ trợ để trồng các cây khác bổ sung thêm vào".

Việc trồng cây trên cao tốc không chỉ thuận lợi về giao thông mà còn trở thành những cung đường đầy quyến rũ với người tham gia giao thông
Việc trồng cây trên cao tốc không chỉ thuận lợi về giao thông mà còn trở thành những cung đường đầy quyến rũ với người tham gia giao thông (Ảnh: Vnexpress)

Trao đổi với phóng viên VOVGT, chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, trồng cây xanh trên cao tốc nói riêng và đường giao thông nói chung là giải pháp rất phù hợp về môi trường, cảnh quan. Ông Tâm chia sẻ, có những quốc gia rất cẩn thận trong việc này, có hẳn “cẩm nang” hướng dẫn trồng cây trên cao tốc, ví dụ như Vương quốc Anh:

"Họ có catalogue, họ đã nghiên cứu hàng chục năm, tổng kết trên cả quốc gia, ở vùng miền nào thì trồng loại cây gì. Mà một trong những yêu cầu của cây xanh là phải có bóng mát suốt 4 mùa và tuổi thọ cao, rễ cọc, không dễ bị lật đổ… Tất cả những tiêu chí ấy là phải đảm bảo".

Dẫn câu chuyện cây xanh bị đổ ngã hàng loạt sau cơn bão vào cuối tháng 7/2019, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 lưu ý các đơn vị về việc chăm sóc, “thăm khám”, kiểm soát chiều cao của cây xanh trên cao tốc:

"Trồng cây xanh phải nghiên cứu được loại cây trồng phù hợp, phải thường xuyên kiểm tra, duy tu, cắt tỉa và trước mùa mưa bão thì phải kiểm tra nghiêm ngặt đối với những cây có nguy cơ đổ thì chúng ta chủ động tỉa bỏ để đảm bảo ATGT".

Chia sẻ cùng phóng viên VOVGT, nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, duy tu, chăm sóc cây xanh trên cao tốc là công việc bắt buộc để đảm bảo ATGT. Đây cũng là kinh nghiệm được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Điển hình như bang Florida, Mỹ cho phép dành ít nhất 1,5% ngân sách xây dựng thường niên cho các dự án làm đẹp đường cao tốc. Bang này vừa chi tới 6 triệu USD để cải thiện cảnh quan đường cao tốc liên bang, trong đó dành 2 triệu USD để thiết kế và trồng cây dọc đường. 

Theo bà Elisabeth Hassett, kỹ sư thiết kế thuộc Phòng Giao thông Florida, Dự án này được thực hiện theo chủ đề cây xanh nhiệt đới hiện đại, với các loại cây phượng vĩ, cây chuông vàng và kèn tím, mang đến những mảng màu rực rỡ tô điểm cho những con đường khô khan:

"Florida trồng cây theo tầng, từ đó có thể đặt những cây cọ lớn trên sườn dốc, nó sẽ tạo ra một khung cảnh cực kỳ đẹp".

Bà Hassett cũng cho biết, việc trồng cây làm đẹp đường cao tốc còn có lợi cho phát triển kinh doanh. Nhiều chủ doanh nghiệp thường xuyên để ý tới bối cảnh xung quanh nơi họ sẽ đặt doanh nghiệp. Nếu họ nhìn thấy những tuyến đường cao tốc đẹp, thiết kế hài hoà và được quan tâm chăm sóc kỹ càng, họ chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú và muốn đặt doanh nghiệp tại đó:

"Như con đường cao tốc liên bang, những gì tôi nhận thấy trước đó chỉ là sự lãng phí đất đai. Sau dự án làm đẹp này, tôi cảm thấy hứng thú hơn mỗi khi lái xe qua đây".

Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Giao thông Phương Tây (WTI) thuộc Đại học Bang Montana từng công bố báo cáo cho thấy, riêng đất và thực vật bên đường dọc các tuyến cao tốc liên bang đã “hút” gần 2% tổng số lượng khí thải carbon từ giao thông Mỹ. 

Chính quyền nhiều quốc gia đang “đau đầu” vì ô nhiễm không khí như Ấn Độ cũng ý thức được điều này khi bắt đầu dành 1% chi tiêu đường cao tốc mỗi năm để thành lập quỹ xanh đầu tiên trị giá 140 triệu USD cho trồng cây dọc đường cao tốc. Đối với các dự án cao tốc sử dụng nguồn vốn BOT và các dự án của Cơ quan Cao tốc Quốc gia Ấn Độ, chi phí trồng cây và bảo trì sẽ do bên được nhượng quyền chi trả.

Ngoài vấn đề chi phí bảo trì, kỹ thuật trồng cây trên cao tốc cũng được đề ra khá chặt chẽ. Các chuyên gia đến từ chương trình Adopt-A-Highway (Một chương trình tình nguyện do các thành phố và bang tại Mỹ phát động để làm sạch và tạo cảnh quan đường cao tốc) cho rằng, việc trồng cây trên cao tốc nên được thực hiện theo kỹ thuật: cách khoảng 9m so với mép đường nơi cho phép xe đi với tốc độ dưới 60km/h mà không có rào chắn hoặc có rào chắn nhưng tốc độ trên 60km/h; cách lỗ cống ít nhất 6m…

Cây không được ảnh hưởng tới các thiết bị đảm bảo an toàn trên đường như biển báo, đèn tín hiệu, rào chắn… không được làm ảnh hưởng tới khả năng di chuyển thông suốt của phương tiện. Loại cây được chọn để trồng phải có khả năng sống sót cao, đặc biệt ở khu vực không được tưới tiêu thì cây phải sống được 2 năm kể từ khi trồng mà không cần tưới.

Mạng lưới đường bộ cao tốc của Việt Nam chúng ta đang phát triển rất nhanh trong thời gian qua và được cho sẽ đạt mục tiêu 2000km trong năm 2020 này.

Từ những hiệu quả mang lại của các hàng cây trên cao tốc cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này sẽ là tham khảo quan trọng để tới đây, việc trồng cây trên cao tốc đạt hiệu quả cao hơn nữa, tích cực góp phần cải thiện ATGT, làm cho cao tốc không chỉ thuận lợi về giao thông mà còn trở thành những cung đường đầy quyến rũ với người tham gia giao thông./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Sáng nay (25/3), giá vàng SJC quanh mốc 80 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần giảm mạnh.

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Năm 2010, Chính phủ lấy ngày 25/03 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội làm dấu mốc quan trọng khởi đầu phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

// //