Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Trọn đời gieo chữ

Phóng viên - 20/10/2020 | 10:36 (GTM + 7)

Hơn 40 năm đã trôi qua, bằng sự chân thành, bằng nghệ thuật tâm lý đúc kết từ nghiệp vụ sư phạm và sự cảm thông trong thực tế, cô Son đã đưa biết bao em nhỏ bước ra khỏi “hố đen thất học”; thậm chí có những người giờ đã thành danh và đang xây đắp ước mơ ở

Hình 1: Cô Son bên chiếc bàn giáo viên quen thuộc.
Cô Son bên chiếc bàn giáo viên quen thuộc

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

7h sáng, cơn mưa đầu ngày vừa ngớt….

Con hẻm nhỏ thuộc Phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ lúc này cũng thôi im ắng bởi tiếng người qua lại, tiếng cười nói của các em học sinh…

Trên tay là những chiếc túi nilon nhỏ chứa tập, sách, bảng con; có em còn mang theo luôn phần ăn sáng là gói xôi, vài củ khoai lang luộc hoặc một gói bắp hầm. Không quá vội nhưng những gương mặt hồn nhiên này đều rất hao hức đến lớp – lớp học tình thương của cô Son.

Một chiếc bàn tròn đặt ngay lối vào với vài chồng tập và sách giáo khoa xếp ngay ngắn; khoảng hơn chục chiếc bàn học sinh, một số còn mới nhưng số khác chân bàn cũng đã lắc lư, xiêu vẹo; một chiếc bảng đen to đặt giữa nhà chia tách thành 2 không gian…

Đây chính là lớp học của cô Võ Thị Son- người đã hơn 40 năm gắn bó đời mình với bảng đen phấn trắng.

Bắt đầu đến với bục giảng từ năm 1970, sau khi miền Nam giải phóng, cô đảm nhận việc dạy các lớp bình dân học vụ vào buổi tối cho chị em phụ nữ tại địa phương. Nhưng rồi thấu cảm những khó khăn của các gia đình hàng xóm lân cận, cô đã quyết định mở thêm lớp học miễn phí cho trẻ em sau giờ dạy ở trường.

Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cô Son vẫn nhớ như in những điều đã thôi thúc mình mở ra lớp học đặc biệt này:

"Cô dạy ở trường, có một số em khu vực này nó yếu. Năm 1975 mở bình dân học vụ thì bàn ghế đơn sơ. Sau đó cô mở lớp dạy 1 buổi cho các em. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ đồng hồ. Khu vực này phần lớn là người dân tộc, cô giáo dục nhiều về văn hóa sống. Cô dạy luôn đến bây giờ. Rồi thương buôn không có thời gian đưa rước con đi học cũng gửi cô cả ngày. Cô chịu cực cô giữ, giặt đồ rồi tối dạy cho nó học. Có nhiều học trò thành danh giờ đi học, đi làm ở nước ngoài".

Càng dạy càng thương, càng gần càng gắn bó, cứ như thế, lớp học của cô Son được duy trì và số lượng học sinh đến lớp ngày một tăng thêm. Đặc biệt từ năm 2008, khi hưởng chế độ hưu trí, cô mở hẳn lớp dạy vào mỗi buổi sáng, từ thứ 2 đến thứ 7.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ những em nhỏ khó khăn lân cận mà các gia đình ngoài địa bàn Quận cũng tìm đến cô để con em được tiếp cận với con chữ. Hiện, cô nhận dạy cho các em lớp 1, lớp 2 và lớp 3 với khoảng 25 em, mỗi em đều có một hoàn cảnh rất riêng. Cô chia sẻ:

"Một là hoàn cảnh khó khăn, 2 là mẹ bỏ hoặc cha bỏ, các em ở với ông bà. Có em còn bị kinh phong giật, vô trường thì học không được nhưng bây giờ đã đọc được, viết được, lên được chương trình lớp 2 rồi. Một số em trí óc cũng không nhớ lâu được, các em muốn la thì la, muốn hét thì hét. Một số khác ở xa không biết chữ, ra đây cô cũng kèm. Tựu trường này xin trở lại trường học được rồi đó".

Hình 2: Cô Son hết lòng với từng bài giảng trên lớp.
Cô Son hết lòng với từng bài giảng trên lớp.

Không ngại trời mưa gió, ngay từ sáng sớm, chị Lê Thị Hiệp, ngụ phường Thới An, quận Ô Môn đã tranh thủ để con không trễ giờ vào lớp. Hôm nay, con gái chị - bé Tuyết Phương bắt đầu tuần học thứ hai ở lớp cô Son.

Nhìn bé tập trung uốn nắn từng nét chữ trên quyển tập viết, không ai biết rằng suốt 4 năm qua, cô bé với thân hình nhỏ nhắn, có phần xanh xao này đã phải dở dang việc đến trường vì mang theo một chướng ngại tâm lý mỗi khi gặp thầy, gặp bạn. Chị Hiệp trải lòng:

"Nó theo như nó học thì năm nay lớp 4 rồi đó nhưng mà 4 năm nay nó bệnh quá nên không vô lớp được. Nó vô lớp là nó run mà ra khỏi lớp thì nó hết. Thầy kêu vô học đỡ đi để biết chữ đi rồi sau này thầy đưa vô chính quy coi được không. Nhờ cô Oanh hiệu trưởng trường Nguyễn Du, cô giới thiệu qua đây. Giờ đưa nó vô đây thấy nó học cũng được. Học bình thường nó học được lắm".

Không chỉ thắp lên niềm hy vọng cho gia đình chị Hiệp mà bằng chính sự nhiệt tình, tận tâm của mình với nghề gõ đầu trẻ, cô Son còn là nơi bà con địa phương gửi gắm niềm tin, mà bằng chứ là không ít gia đình có tận 2 -3  thế hệ đã được cô dạy dỗ.

Tương tự là trường hợp của của cô Trần Thị Tuyết ở khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, hai người cháu lớn của cô đã theo học lớp cô Son và bây giờ đứa cháu ngoại thứ 3 cô cũng tiếp tục gửi cô Son dìu dắt. 

"Cô thấy mấy đứa vô đây học ra ngoài đều học giỏi. Những đứa nghèo thì cô giúp đỡ. Cô còn đứa cháu ngoại nữa, nó bị bẩm sinh không có đi đứng như người ta được, nó không đi học được nên cô kêu mẹ nó cho vô đây học. Đa số hoàn cảnh khó khăn vô đây học, nếu có điều kiện ra ngoài học thì cô cũng giới thiệu. Từ cái chỗ đó ai cũng mến cô".

Hình 3: Cô tận tình chỉ dạy học trò.
Cô tận tình chỉ dạy học trò

Không chỉ được bà con yêu mến trong vai trò của một người thầy mang đến ánh sáng tri thức qua từng buổi học, hơn hết cô Son còn dang rộng vòng tay cưu mang nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Cô bé thân hình nhỏ nhắn, người đen nhẻm với đôi mắt long lanh – Nguyễn Huỳnh Như, năm nay 8 tuổi, là một trong những trường hợp như thế.

Mỗi ngày em phải theo ba mẹ bán rau ở chợ Bình Thủy, bắt đầu từ một giờ đêm đã phải nằm lay lắt trên chiếc võng dù rồi đợi đến 5h sáng ba mới đưa lên Ô Môn học. Xót xa trước điều kiện đi lại khó khăn của học trò nhỏ ham học. Cô đã đề nghị cho bé ở lại cùng gia đình mình suốt tuần, đến thứ 7 thì ba mẹ lại rước về. Huỳnh Như hồn nhiên chia sẻ:

"Con thấy cô Son dạy dễ. Con không hiểu con kêu cô chỉ. Con ngủ ở đây luôn. Mẹ con kêu ngủ với cô Son. Mẹ con đi bán rau cải ở ngã ba Hậu Lực. Con học ở đây con vui. Tại ở nhà không có ai chơi với con vô đây con vui".

Cơn mưa tạnh hẳn cũng là lúc lớp học bắt đầu. Dẫu là lớp học tình thương chỉ do một mình cô Son quản lý nhưng tất cả đều rất trật tự, nề nếp. Bạn nào chưa thuộc thì tự ôn bài, còn bạn nào đã tự tin thì tiến lên chiếc bàn tròn giáo viên rồi đánh vần hoặc đọc to các phép tính cho cô nghe. 

Tuy không có cơ sở vật chất khang trang nhưng nhờ sự quan tâm của địa phương và các mạnh thường quân mà các em cơ bản cũng đã có một lớp học ấm cúng. Khi mới được nghe kể về cô, chúng tôi không thể tưởng tượng ra được một cô giáo 74 tuổi, lại có thể dõng dạc từng bài giảng với một nguồn năng lượng dồi dào cho đến khi được tận mắt chứng kiến.

Càng khâm phục hơn nữa khi cô còn nhớ rất rõ tên những học trò mình đã dìu dắt. Theo cô đó là cách để các em không còn cảm giác bỡ ngỡ và xa lạ.

Là người bạn đời, hiểu cô, thương cô và cũng đã sát cánh cùng cô đi qua mấy chục năm đời người, ông Lương Dúc năm nay đã 75 tuổi, sáng nào cũng ngồi trên chiếc ghế ở hành lang gian nhà bên cạnh để đọc báo và thỉnh thoảng lại nhìn về phía lớp học của vợ mình như một thói quen.

Lắm lúc cũng có chút xót lòng khi nhìn cô đã lớn tuổi mà vẫn gắn bó với học trò, miệt mài với bảng đen, phấn trắng nhưng hơn hết ông hiểu được niềm hạnh phúc của cô khi có thể giúp các em vẽ nên ước mơ cuộc đời mình:

"Cô thấy học sinh bây giờ hoàn cảnh gia đình các cháu lo làm ăn không quan tâm gì đến con cái, có đứa thì lang thang, phá phách cho nên cổ nói thôi để cổ dạy tập trung cho nó bớt đi chơi, thành người tốt sau này. Dạy cho nó biết chữ. Thấy thì cũng tốt với xã hội, với gia đình thì bả cũng tròn chứ không có gì phải ngại. Thôi thì đam mê của bả cứ để bả tiếp tục, chừng nào không còn sức nữa thì thôi. Không có học trò bả buồn lắm".

“Không có học trò cô buồn lắm!”- Đó cũng là câu trả lời của cô Son khi được hỏi về sự khó khăn vất vả trong mấy chục năm duy trì lớp học tình thương. Cô không nói gì về khó khăn mà chỉ nở một nụ cười thân thiện và khẳng định chắc nịch rằng cô vui với việc mình làm, tất cả vì đàn em thân yêu.

Dù là dạy ở trường hay dạy lớp học tình thương tại nhà thì cô vẫn tâm huyết với việc mình làm bởi cô biết nếu không biết chữ tương lai các em sẽ mù mịt lắm.

Và cũng chính vì lo xa cho tương lai của những mái đầu còn ngây thơ trước mặt mình nên cuối mỗi buổi học, cô Son luôn cố gắng lồng ghép những bài học về đạo đức, những lời căn dặn để các em biết ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, biết phụ giúp mẹ cha. 

Hình 4: Đến với cô, các em còn được học về tình yêu thương.
Đến với cô, các em còn được học về tình yêu thương

Cô dặn thì trò vâng, cứ như thế hơn 40 năm đã trôi qua, bằng sự chân thành, bằng nghệ thuật tâm lý đúc kết từ nghiệp vụ sư phạm và sự cảm thông trong thực tế, cô Son đã đưa biết bao em nhỏ bước ra khỏi “hố đen thất học”; thậm chí có những người giờ đã thành danh và đang xây đắp ước mơ ở những chân trời rộng mở.

Với những hoàn cảnh đặc biệt, gia đình các em luôn cho rằng đã có phép màu xảy ra vì chỉ khi đến với cô Son các em mới khỏe và nghiêm túc với bài học của mình.

Thế nhưng “phép màu” ấy không tự dưng mà có, chúng tôi hiểu đó là thành quả xứng đáng cho sự lao động miệt mài, kiên trì và tận tụy của một trái tim không hề mệt mỏi – Đó là của cô Son, một trái tim yêu nghề, yêu người và cũng rất đỗi yêu đời.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới, giúp ổn định thị trường vàng.

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

Câu nói “họa vô đơn chí” có lẽ đúng với câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (38 tuổi, giáo viên của trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi cha mất, cô bị tai nạn mất đi một chân, tuổi thanh xuân là những ngày cùng cực.

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Chiều ngày 15/4, Bệnh viện Quân y 175 (BVQY) tổ chức Lễ trao Chứng nhận và ra mắt Trung tâm Huấn luyện Cấp cứu Chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

// //