Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Trăn trở làng nghề ĐBSCL

Mộng Toàn - 12/07/2022 | 9:42 (GTM + 7)

Các làng nghề truyền thống ở ĐBSCL đều đang đối diện với bài toán sinh tử, khi lớp thợ lành nghề ngày càng lớn tuổi, lớp trẻ kế cận thì không mặn mà, sản phẩm làm ra thiếu hấp dẫn và ít khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Hơn 5 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại Hậu Giang. Theo gợi ý của anh bạn cũ và cũng là “thổ địa” vùng này, chúng tôi quyết định làm một chuyến “phượt” về thăm lại các làng nghề một thời nổi tiếng khắp vùng.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là làng nghề đóng ghe xuồng ở phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy. Nằm dọc theo Quốc lộ 1A, nhưng làng nghề có vẻ im lìm hơn trước.

Ông Thái Sơn Hùng, người có nhiều năm gắn bó với nghề cho biết, vào thời cao điểm của việc buôn bán hưng thịnh, dọc các con đường vào làng, đâu đâu cũng vang vang tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng búa đập chan chát... Người ta bảo xóm này là xóm ồn ào. Mà thật, xóm ồn ào suốt ngày nhưng chẳng ai phiền lòng vì những âm thanh ấy đã trở thành nhịp sống không thể thiếu của bà con. 

Từng câu chuyện thời hoàng kim của xóm đóng ghe xuồng cứ thế được ông Hùng kể lại một cách say sưa.

Trong ánh mắt của người đàn ông tuổi ngoài 70, chúng tôi như thấy lại hình ảnh của cậu bé Hùng 15 tuổi chập chững vào nghề năm ấy: “Nghề này truyền thông lâu đời lắm rồi, lúc đó còn nhỏ về vừa học vừa làm. Năm 14-15 tuổi là bắt đầu làm rồi. Đóng ghe, xuồng đi trong ruộng, xuồng 5 lá chở lúa, chở chừng 10 dạ lúa hà, ghe thì ghe tam bản, ghe 20 dạ, ghe 30 dạ, 40 dạ, khoảng 1 tấn, hoặc 2 tấn trở lại chứ không có lớn hơn nữa”.

Cũng như dòng chảy của thời gian, rồi giao thông đường bộ ngày càng phát triển, ghe, xuồng bằng gỗ bị cạnh tranh thị phần bởi những dòng sản phẩm composite. Vì vậy, xóm nghề càng đìu hiu, lay lắt.

Nhiều hộ đành bấm bụng bỏ nghề để tìm kế khác sinh nhai: “Vỏ mũ composite giờ nó ra quá trời với đường bộ mở ra rồi người ta ít đi ghe bằng gỗ lắm. Ngành nghề đó giờ gặp khó, người ta nghỉ, chuyển qua nghề khác hết trơn rồi.

Thợ đi tứ tán hết trơn rồi, giờ chỉ còn 7-8 người thợ thôi. Lúc trước thì 20 mấy 30 thợ. Bây giờ chỉ còn 1/3 thôi, làm lai rai chứ không có như hồi trước nữa”.

Qua lời giới thiệu của ông Hùng, chúng tôi tìm đến cơ sở đóng ghe xuồng Thông Thụy, nổi tiếng ở thành phố Ngã Bảy. Nói là cơ sở đóng ghe xuồng, nhưng thật ra đó chỉ là quá khứ, còn hiện tại gia đình ông chỉ bán ghe, xuồng, vỏ lãi composite.

Ông Phan Văn Thông, chủ cơ sở đóng ghe xuồng Thông Thụy, ở phường Hiệp Thành,  thành phố Ngã Bảy bộc bạch: “Nghề thì thợ thầy làm nhiều lắm nhưng mà bây giờ nó cũng nghỉ hết, bỏ nghề hết, nói chung là kể cả những người thợ lành nghề của hàng gỗ, bây giờ người ta cũng chuyển qua người ta làm nghề khác hết. Còn 1, 2 trại người ta làm gỗ là đóng cái tàu biển thôi. Thỉnh thoảng ở đây còn 1 trại bán đồ gỗ, nhưng mà ít người mua dữ lắm”.

Những người trẻ không chịu theo nghề khiến những nghệ nhân lớn tuổi làng nghề không có người truyền thụ (ảnh minh hoạ)

Những người trẻ không chịu theo nghề khiến những nghệ nhân lớn tuổi làng nghề không có người truyền thụ (ảnh minh hoạ)

Rời thành phố Ngã Bảy chúng tôi tiếp tục tìm về xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, nơi từ lâu được xem là cái nôi của nghề đan mê bồ truyền thống ở tỉnh Hậu Giang. Được chính quyền xã giới thiệu, chúng tôi đến nhà chị Đỗ Thị Lẹ ở xã Long Trị A, khi chị đang chẻ trúc để đan tấm mê bồ, kịp giao cho khách.

Nói về thời ăn nên làm ra của nghề khoảng 20 năm trước, chị Đỗ Thị Lẹ nhớ lại: “Hồi đó đốt đèn cốc, ngồi ngoài lộ làm luôn á, ngồi vót nan cong, đốt đèn, vót nan không hà, đâu phải được vầy đâu. Hồi đó xài nhiều, cái gì cũng xài được hết trơn, dừng vách cũng được, tấn mé, dí lúa, cũng làm nó.

Bây giờ có ai dí lúa đâu, nhà thì nhà tường, nói chung chỉ có công trình với người ta tấn mé. Với phần bây giờ bà con người ta ít ít cái người ta bỏ nghề, người ta không có làm nữa, hồi đó nguyên cái xóm này làm luôn đó”.

Mấy năm nay, nhu cầu thị trường dần ít đi, có lúc giá cả thấp, nguồn nguyên liệu khan hiếm số người bám trụ với nghề chẳng còn bao nhiêu. Dù là nghề phụ, nhưng không vì thế mà bà con phụ nghề. Nhà có trên 2 công đất trồng trúc làm nguyên liệu để đan mê bồ.

Bà Lê Thị Thứ, người có trên 50 năm giữ nghề cho biết: “Cực lắm, đốn rồi róc, rồi đem về nhà chẻ, rồi vót, đương, đủ chuyện hết. Hồi đó, xóm này làm cũng 5-7 người, mần cũng vui lắm mà bây giờ trúc cũng mắc, đi mua khó khăn, giờ ít người ta mần lắm. Mần nghề này nói chung lời meo lắm cháu ơi”.

Rời Hậu Giang, chúng tôi tìm về với làng chiếu Định Yên, tỉnh Đồng Tháp. Trên con đường dẫn về làng chiếu, dễ dàng bắt gặp nào lác, nào chiếu được người dân phơi dọc bên đường. Những cọng lác xanh, đỏ, tím, vàng căng mình uống nắng, sẵn sàng bước vào cuộc lột xác làm đẹp cho đời.

Ông Trần Hữu Liêm cùng gia đình đang nhuộm lác trước nhà, nhiệt tình kể với chúng tôi về cái nghề đã theo ông ngót nghét nửa đời người: Tính lại hồi xưa tới giờ hồi đời ông cố, ông nội tới giờ tới đời tôi là mấy chục năm rồi đó. Hồi mọi lần, hồi xưa, cắt rồi về, lựa chẻ, phơi. Bây giờ khỏe 1 cái là tiểu thủ công nghiệp nó mần nó chẻ cái mình mua. Chở nguyên bó vậy cái mình lên mình mua hà. Ở ngoài chợ chiếu nè, dưới Trà Vinh đồ đó chở lên.

Hồi tôi còn con trai, tôi biết dệt năm 19 tuổi. Phần của tôi á nhen, còn mấy người người ta dệt sớm nữa. Chiếu tay nó dễ lắm. Hồi xưa, dệt tay tối ngày có 4 lá chiếu hà. Giờ mấy đứa nó giỏi nó làm chừng 17, 18 lá chiếu mỏng á nhen.

Ông Liêm cho biết thêm, thời còn hưng thịnh, chiếu Định Yên theo các ghe thương hồ, tỏa ra khắp ngã sông miệt đồng bằng sông Cửu Long, sang tận Campuchia. Hiện nay, nghề dệt chiếu tập trung chủ yếu ở hai xã Định An và Định Yên. Năm 2013, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hơn một thế kỷ trôi qua, người dân Định Yên không chỉ cần mẫn dệt từng đôi chiếu mà còn kiên trì dệt nên tên đất, tên làng. Với mỗi người dân nơi đây, dệt chiếu không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì trách nhiệm gìn giữ nghề cha ông.

Là một trong những người thợ hiếm hoi còn giữ nghề dệt chiếu bằng tay, ông Huỳnh Văn Chiến, nhớ đau đáu cái không khí, cái âm thanh của con chùi, cây dệt. Tuy nghề có cực, thu nhập có bấp bênh nhưng chưa bao giờ ông Chiến có ý định bỏ nghề.

Ông Chiến tâm sự “còn khỏe là còn làm”: Dệt bằng tay không hà. Dệt sòng sòng thì được 3 chiếc, còn mắc công chuyện thì dệt 2 chiếc hà, đâu có dệt nhiều được, dệt tay lâu lắm. Mình giữ nghề truyền thống dệt hoài, với lại già rồi, mần mướn, mần thuế gì nổi.

Giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương là nỗi trăn trở của nhiều địa phương tại ĐBSCL. Đồng Tháp và Hậu Giang cũng không ngoại lệ. Đến nay, theo thống kê, toàn tỉnh Hậu Giang có 1 nghề truyền thống và 1 làng nghề được công nhận, nếu so với tỉnh Đồng Tháp thì con số này mới chỉ khoảng hơn 5%.

Có thể thấy, tùy theo điều kiện, nhu cầu của cuộc sống mà các địa phương ở ĐBSCL có những làng nghề truyền thống khác nhau. Ở bất cứ làng nghề nào, cũng có những nét tinh tế, sáng tạo, cần cù, tạo nên sự đa dạng hài hòa trong tính cách, tâm hồn của người dân địa phương. Những làng nghề này có từ lâu đời, giải quyết công ăn chuyện làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương.

Với sự phát triển và chọn lọc của thời đại, người dân các làng nghề ở ĐBSCL đang chật vật giữ nghề dù nhiều khó khăn đang bủa vây.

Làm gì để “gỡ khó” cho làng nghề trước nguy cơ mai một? Câu hỏi không mới, nhưng luôn là nỗi niềm của những người tâm huyết, nặng nợ với nghề. Tiếp tục phân tích vấn đề này, mời quý vị cùng lắng nghe bài bình luận sau đây.

Một thực tế phải thừa nhận rằng, trong xu hướng hội nhập và sự cạnh tranh  khốc liệt trên thị trường, nhiều làng nghề Nam Bộ đang dần mai một. Lớp thanh niên không mặn mà với nghề, cả làng chỉ còn một vài người bám giữ nhưng hầu hết đã già. Mỗi ngày trôi qua, nghề như càng tụt sâu vào quá khứ, để rồi mỗi khi nhắc đến, trong mắt những người yêu nghề luôn chất chứa nỗi niềm đau đáu. Bí đầu ra, không có người kế nghiệp, khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp… là những nguyên nhân khiến một số làng nghề truyền thống ở miền Tây đang gặp khó hoặc đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không được trợ giúp kịp thời.

Chính việc sản xuất cầm chừng, loay hoay tìm hướng phát triển cũng là tình cảnh chung của các làng nghề hiện nay. Hầu hết các xóm nghề đều hoạt động theo hướng truyền thống, cha truyền con nối, phát triển mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề. Đó là chưa kể, thu nhập bấp bênh, nên lao động trẻ thiếu mặn mà với nghề của địa phương, họ đến các đô thị lớn tìm việc làm. Thợ giỏi thì một số lớn tuổi, số khác chuyển nghề ảnh hưởng lớn đến sự phát triển.

Trong vòng xoáy công nghiệp hoá và sự chọn lọc của xã hội, không ít làng nghề đã và đang đối mặt với nguy cơ biến mất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi của nhu cầu xã hội, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, có một thực tế là các hộ gia đình ở các làng nghề không tìm được người nối nghiệp để truyền nghề.

Do đó, phát triển, khôi phục làng nghề, gắn với phát triển du lịch là hướng đi được nhiều tỉnh, thành áp dụng thời gian gần đây và gặt hái được nhiều thành công. Phát triển làng nghề không chỉ tạo dựng lợi ích về kinh tế, xã hội, du lịch làng nghề còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Để phát triển bền vững, cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước với các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề trong hiện tại và tương lai. 

Với sự chọn lọc của thời đại, những làng nghề cần lắm những sự đổi thay để thích nghi với tình hình mới, vừa là cách làm mới mình, vừa là cách để gìn giữ truyền thống mà các bậc tiền nhân đi trước đã để lại.

Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

// //