Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

TP.HCM siết chặt dự án xây nhà cao tầng trong khu trung tâm: Nên triển khai sớm

Phóng viên - 20/09/2020 | 7:56 (GTM + 7)

Áp lực dân số tạo ra do khu nhà ở cao tầng là rất lớn. Ngoài ra, khu vực lõi trung tâm là trung tâm hiện hữu hiện nay gần như đã quá tải, rất khó quy hoạch lại để bổ sung hạ tầng nên việc không cấp mới dự án chung cư cao tầng là cần thiết và nên sớm triển

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Khu vực trung tâm TP.HCM dường như quá "ngộp" vì nhà cao tầng. Ảnh: Thanh niên

Đô thị nén là vấn đề khó khăn của các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM. Các tòa nhà cao tầng trong các quận trung tâm đã gây áp lực rất lớn cho thành phố về giao thông và nhiều vấn đề xã hội khác. Do đó, đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030” của Sở xây dựng được người dân và các chuyên gia ủng hộ.

Cụ thể, theo đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030” mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND thành phố, đến năm 2025, các quận trung tâm sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở cao tầng mới, nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng..

Đối với khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, thành phố sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng; ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở theo dự án của từng giai đoạn 5 năm.

Đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng và phù hợp.

Riêng các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng và phù hợp.

Bên cạnh đó, 6 quận phát triển gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

"Không xây nhà trong khu trung tâm thì tôi thấy đề án này rất khả thi. Tại vì như các bạn thấy, xây tòa nhà cao tầng thì dân tập trung càng đông hơn, gây kẹt xe, sẽ không được phát triển, không được đồng đều. Tôi nghĩ nên xây ở vùng ven thì nó hợp lý hơn, tại vì hiện nay, các hệ thống giao thông đã kết nối rất là tốt, như tàu điện metro, cũng đang dần hình thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng".

Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chung cư ở các quận mới phát triển cũng là một hướng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Trong ảnh: chung cư Hà Đô Nguyễn Văn Công trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chung cư ở các quận mới phát triển cũng là một hướng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Trong ảnh: chung cư Hà Đô Nguyễn Văn Công trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Sở Xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực hiện chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn tới quá tải về hạ tầng chung. Trong khi tốc độ phát triển nhà ở lại rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng. Do đó, thành phố sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà cao tầng tại các quận trung tâm.

Đồng tình với Sở Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cho rằng, tốc độ phát triển nhà ở cao tầng hiện nay quá nhanh, không tương ứng với hạ tầng đô thị, dẫn đến nhiều hệ lụy.

“Khi chúng ta đầu tư quá nhiều các tòa nhà cao tầng trên cùng một khu vực thì hệ thống thoát nước thải cũng sẽ bị một áp lực rất lớn. Và nếu phát triển nhiều nhà chung cư cao tầng thì đó là một điểm tập trung dân cư với mật độ cao, trong những giờ cao điểm thì dễ xảy ra kẹt xe".

Ủng hộ đề án này, Tiến sĩ Võ Kim Cương (Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) nhấn mạnh cần sớm triển khai thực hiện đề án này. Do hiện nay, mật độ đường dành cho giao thông tại khu trung tâm chưa phát triển nên việc xây dựng nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giao thông và môi trường.

“Theo tôi chủ trương là đúng, tại bây giờ nó đang tình trạng kẹt xe rồi, có thể phải hạn chế sớm. Cho đến khi nào mở thêm đường, khi nào mà giao thông thuận lợi hơn thì mới có thể cho xây dựng tiếp. Còn hiện nay, nếu xây dựng, tập trung đông người  vào khu vực đó thì không giải quyết được giao thông tốt và không khắc phục được tình trạng kẹt xe".

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc siết chặt dự án xây nhà cao tầng trong khu trung tâm và sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng tại các quận 2, 7, 9, Thủ Đức là hết sức cần thiết. Và nếu khu vực này được xây dựng với những dự án hiện đại, đầy đủ những tiện ích, có không gian xanh… thì chắc chắn sẽ thu hút được người dân đến sinh sống.

"Việc khuyến khích nhà cao tầng ra phía ngoài thì nó tác động rất tốt, giảm áp lực cho khu trung tâm. Những khu như ở quận 2, quận 9 là những thì tương lai. Và nếu mà mình phát triển mà có những chương trình có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, thì trong tương lai, đây là những khu vực mà tiềm sống cao hơn nhiều so với khu trung tâm hiện hữu. Đó cũng là tác nhân để thu hút người dân về đó.”

Nhiều nhà cao tầng mọc lên dọc theo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Nhiều nhà cao tầng mọc lên dọc theo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Nhân dân

Áp lực dân số tạo ra do khu nhà ở cao tầng là rất lớn. Áp lực dân số sẽ tác động và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng xã hội trong đó trực tiếp là cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải... và kéo theo nhu cầu về hạ tầng xã hội là trường học, y tế... Ngoài ra, khu vực lõi trung tâm là trung tâm hiện hữu hiện nay gần như đã quá tải, rất khó quy hoạch lại để bổ sung hạ tầng nên việc không cấp mới dự án chung cư cao tầng là cần thiết và nên sớm triển khai.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “TP.HCM siết chặt dự án xây nhà cao tầng trong khu trung tâm: Nên triển khai sớm”.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có dân số đông nhất cả nước. Trung bình 5 năm dân số thành phố tăng cơ học thêm 1 triệu người, kéo theo nhu cầu quỹ đất dành cho nhà ở ngày càng cao.

Nhất là khu vực lõi trung tâm thành phố - nơi tập trung hầu hết cơ quan đầu não hành chính, trung tâm, văn phòng nên mật độ dân cư đổ về đây rất cao. Không chỉ là chỗ ở, chỗ làm việc cũng tăng gấp nhiều lần so với các quận huyện vùng ven ngoại thành.

Chính điều này mà nhiều tổ chức, cá nhân, thậm chí người dân tận dụng mọi diện tích đất để xây nhà cao tầng để ở, cho thuê hoặc thành lập các cở sở làm việc. Hình thành nên các khu “đất vàng” các tòa nhà cao ốc, gây áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như đường xá, điện, hệ thống thoát nước, trường học, bệnh viện…

Trong khi đó, nhiều công trình công cộng, hệ thống cây xanh, công viên, khu vui chơi ngày càng hạn hẹp, dần dần nhường cho quỹ đất ở. Việc này đã gây tác động xấu đến môi trường sống của người dân. Đáng báo động là tình trạng ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe tại thành phố ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân phải nói đến, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lâu năm. Quy hoạch đô thị trước đây thiếu đồng bộ và chưa có tầm nhìn. Công tác quản lý phát triển nhà ở thiếu chặt chẽ dẫn đến các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở tràn lan, nhất là các tòa nhà cao tầng.

Hình thành nên đô thị nén “ngột ngạt”, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, chất lượng sống của người dân và khó thu hút đầu tư. Chưa kể các tòa nhà cao ốc này không chỉ phá vỡ quy hoạch mà còn làm mất đi “hồn chất Sài Gòn” qua nhiều thời kỳ; khó để lại thiện cảm cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Thách thức đặt ra cho thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là phải xây dựng các đô thị vệ tinh để giảm tải cho lõi trung tâm thành phố. Theo đó, đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030” của Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND thành phố, các quận trung tâm sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở cao tầng mới, nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng, được xem là đề xuất táo bạo.

Việc sớm quy hoạch, xây dựng đô thị hài hòa, cân bằng, không tác động xấu đến môi trường là vô cùng cần thiết và là xu hướng tất yếu để phát triển đô thị một cách bền vững. Để đề án không đơn giản là lý thuyết trên giấy, UBND thành phố, các cấp, các ngành cần có quyết định thống nhất, khoa học và chặt chẽ. Từ cơ sở pháp lý này, các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc theo quyết định của thành phố.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu nhà ở, ổn định cuộc sống cho người dân, thành phố cần kiến nghị Trung ương chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, tăng quỹ nhà ở xã hội, nhằm tránh tình trạng người dân xây dựng nhà trái phép. Kế hoạch chỉnh trang đô thị phải đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, để không ảnh hưởng đến nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị năng động, sáng tạo. Đề án hạn chế xây dựng mới nhà cao tầng ở các quận trung tâm đến năm 2025 là bước đột phá. Vấn đề là, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện; phân cấp, phân quyền cho các cấp, các ngành sớm đưa đề án vào thực tiễn./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

Câu nói “họa vô đơn chí” có lẽ đúng với câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (38 tuổi, giáo viên của trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi cha mất, cô bị tai nạn mất đi một chân, tuổi thanh xuân là những ngày cùng cực.

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, trên Đèo Cả những ngày qua đã khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị đình trệ. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt huyết mạch này.Đến nay công tác khắc phục sự sự cố lở đá được thực hiện đến đâu?

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới, giúp ổn định thị trường vàng.

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

// //