Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

TP. HCM: Cần làm thực chất, khắc phục bất cập để đánh thức mảng xanh

Phóng viên - 30/08/2019 | 7:51 (GTM + 7)

Trước tình trạng thiếu hụt trầm trọng công viên, mảng xanh hiện nay do tốc độ bê tông hóa nhanh, đòi hỏi thành phố cần có những quyết tâm, chính sách, quy hoạch bài bản hơn để đánh thức lại mảng xanh cho thành phố.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

0,5 m2 là diện tích cây xanh toàn TPHCM đáp ứng cho một đầu người, đạt 8% quá thấp so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị từ 6-7m2/ người. Thành phố có hơn 490 ha đất công viên, tuy nhiên tốc độ đầu tư mỗi năm tăng không đáng kể chỉ khoảng 1,5ha, chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy, số lượng chỉ tiêu cây xanh của TPHCM chưa đáp ứng được nhu cầu cho người dân ở đô thị.

Tốc độ phát triển công viên, mảng xanh của Thành phố đang tỷ lệ nghịch với mức độ gia tăng dân số và đô thị hóa cao, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tiện ích của người dân.

TPHCM thiếu cây xanh trầm trọng
TPHCM thiếu cây xanh trầm trọng. Ảnh: SGĐT

"Trước mắt mảng xanh ai cũng biết là nó có chức năng như là cải tạo môi trường sống, giúp cho con người gần với thiên nhiên. Bây giờ mình thiếu cái đó thì sức khỏe mình thiếu một môi trường trong lành".

"Thiếu xanh thì không khí làm mình có cảm giác khó chịu, cảm thấy bị nóng bức".

"Việc mà đô thị phát triển lên đó là điều tất yếu xảy ra theo tỷ lệ người dân lên. Tuy nhiên, việc mà ta phát triển thêm mảng xanh của thành phố đang là điều hết sức cấp bách".

"TPHCM có nhiều quận huyện thì các quận trung tâm như quận 3, quận 1 thì hiện tại rất là thiếu mảng xanh. Hiện mảng xanh mình có là công viên Tao đàn, công viên Thống nhất… thì không đủ đáp ứng cho người dân. Diện tích cây xanh cho một đô thị là khoảng 20%, đô thị mình đâu có đủ so với diện tích nhà cửa. Thành phố mình phát triển, nhu cầu kinh tế nhà ở ngày càng tăng thì buộc lòng những nhu cầu khác phải giảm xuống".

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một phần nguyên nhân của tình trạng này do trong một thời gian dài trước đây, thành phố chưa chú trọng đến việc phát triển không gian xanh trong quy hoạch phát triển đô thị, nhất là tầm nhìn trong việc phát triển một đô thị hiện đại và bền vững.

Nếu muốn gia tăng diện tích cây xanh, không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu quy hoạch trên giấy mà phải có sự quyết tâm của thành phố trong việc chỉnh trang lại đô thị hiện hữu.

Đặc biệt, cần có những chính sách cứng rắn quy phê duyệt, thực hiện quy hoạch, nhằm tránh tình trạng nhiều dự án diện tích đất dành cho công viên nhưng lại bị bỏ hoang, không xây dựng hoặc dần chuyển đổi đất công viên thành loại đất khác.

"Từ đầu những năm 90 đến nay người ta quá chú trọng xây dựng các công trình, những diện tích bê tông hóa mà những diện tích cây xanh thì giảm rất là mạnh. Mấy chục năm qua mình có phần xem nhẹ thì bây giờ không chỉ nêu khẩu hiệu mà phải có những kế hoạch thực hiện thật sự. Thứ nhất những diện tích lâu nay mình xem là đất vàng và mình cố gắng cao tầng hóa nó thì mình nên có cái nhìn nhận lại, giống như mình cần có kế hoạch chỉnh trang lại để mà mình có cây xanh phù hợp. Thứ hai, khi phê duyệt quy hoạch cần đi đôi với phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó có những ràng buộc là mình phê duyệt quy hoạch trong thời gian bao lâu không thực hiện thì mình có thể thu hồi".

Công viên Gia Định, một trong những mảng xanh lớn của TP. HCM
Công viên Gia Định, một trong những mảng xanh lớn của TPHCM. Ảnh: Thời báo ngân hàng

Một thực trạng khác hiện nay, việc phân bổ công viên, mảng xanh trên địa bàn không đồng đều và bất hợp lý. Các quận trung tâm, tuy có số lượng cây xanh nhiều hơn so với các quận, huyện ngoại thành nhưng không còn quỹ đất phát triển.

Trong khi các quận ngoại thành, diện tích đất cho cây xanh khá lớn nhưng nhiều quy hoạch công viên không được xây dựng, thậm chí còn rất hạn chế do quy hoạch chỉ tập trung cao tầng hóa đô thị.

Thạc sĩ kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn cho biết:

"Về quy hoạch thì đối với các đô thị Việt Nam ít có các quy hoạch bài bản về quy hoạch chuẩn không gian xanh đô thị. Bản chất quy hoạch chúng ta giữa quy hoạch và thực tiễn còn xa với nhau rất nhiều. Tức là những nơi cần nhu cầu không gian xanh thì không còn quỹ đất, những nơi thì còn trì trệ. Không gian xanh công cộng thì không thật sự nhiều mà nhiều không gian phải mua vé để vào, những tiện ích dành cho người dân thì thật sự chưa đầy đủ. Tức là những chủ trương chính sách cần triển khai một cách triệt để và có giám sát, thanh tra và đánh giá kết quả trong từng giai đoạn để tìm ra những lý do dẫn đến những kết quả. Kết quả ở đây có thể là tốt hoặc chưa tốt thì từ đấy tìm ra hướng để giải quyết".

Tại buổi hội thảo quốc tế về phát triển công viên, cây xanh, chiếu sáng công cộng từ đây đến năm 2025, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận, thời gian qua, thành phố chưa thật sự có một quy hoạch tổng thể về phát triển không gian xanh, cũng như chưa giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

Do đó, Bí thư yêu cầu các Sở ngành, địa phương cần rà soát và có phương án quy hoạch tổng thể, để hướng đến phát triển một đô thị hiện nay và không gian sống lành mạnh cho người dân thành phố.

Làm thực chất, khắc phục bất cập, mảng xanh mới ươm mầm, phủ rộng (Bình luận của nhà báo Bùi Trọng Điển)

Có thể khẳng định, công viên, mảng xanh là phúc lợi của xã hội, là thước đo cho sự phát triển của một đô thị. Do do, đến lúc chúng ta phải nhìn nhận về việc đầu tư, quy hoạch quản lý hệ thống mảng xanh tại các đô thị.

TPHCM đang thiếu mảng xanh trầm trọng trong khu vực nội đô. 

Nói đến công viên cây xanh của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vừa thiếu vừa yếu có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là công tác quản lý ở nhiều nơi còn chồng chéo, bất cập.

Trong tổng số hơn 500 ha công viên thì có công viên do UBND cấp quận, huyện quản lý, còn lại một phần trước đây trực thuộc ngành Vận tải; đến cuối năm ngoái mới thống nhất giao về đầu mối là Sở Xây dựng. Các công viên chuyên đề như  Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên… lại do các đơn vị khai thác, quản lý.

Chính tính chồng chéo này đã khiến nhiều công viên cây xanh của thành phố một thời gian dài hoạt động èo uột, có nơi bị chiếm giữ thành bãi đỗ xe, kinh doanh đủ loại, rất bát nháo. Điển hình như công viên 23/9 ở quận 1, phải rất nhiều lần quyết tâm thành phố mới giải tỏa được các hệ lụy phát sinh khi công viên bị biến tướng thành nơi cho thuê mướn,kinh doanh hoạt động suốt ngày đêm.

Trong khi không gian công viên công cộng bị chiếm dụng thì mảng xanh của thành phố bị đẩy lùi bởi tốc độ đô thị hóa gia tăng chóng mặt với những tòa nhà bê tông mọc lên san sát. Việc trồng cây phân tán ở các tuyến đường, khu dân cư cũng rất hạn chế.

Tìm hiểu các bản quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới ở thành phố Hồ Chí Minh đều thấy có diện tích cho công viên, mảng xanh. Tuy nhiên có đến thực tế mới hiểu đó chỉ là quy hoạch, kế hoạch trên giấy; rất ít chủ đầu tư thực hiện. Nhiều nơi công viên, mảng xanh lâu dần được biến hóa, chuyển đổi thành nhà ở, kiốt. Ở một số huyện ngoại thành của thành, đất quy hoạch công viên thì có nhưng để hoang phế, cỏ mọc um tùm.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có thời điểm đã bị buông lỏng, nhất là công giám sát quy hoạch và kế hoạch thực hiện. Chính quyền quận, huyện thì trông chờ vào các sở chuyên ngành; trong khi các sở, ngành lại cho rằng không thuộc thẩm quyền. Sự lúng lúng này nên mới xảy ra thực trạng có nhà đầu tư khu dân cư, khu đô thị không xây dựng công viên cũng chẳng làm mảng xanh nhưng không có cấp, ngành nào nhắc nhở, xử phạt; người dân thì bức xúc phản ánh nhiều lần nhưng cũng không được giải quyết.

Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới một đô thị thông minh, sáng tạo, xanh và phát triển bền vững; trong đó phát triển công viên mảng xanh như một  trụ cột quan trọng. Để làm được điều này, đòi hỏi thành phố cần khắc phục ngay các bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải có đơn vị chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra việc công viên bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm; mảng xanh không  được phủ đúng như quy hoạch, kế hoạch. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư khu đô thị, khu dân cư chây ì không thực hiện diện tích công viên cây xanh theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, đẩy nhanh việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển công viên không chỉ là vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng cho người dân và du khách. Truyền thông để người dân tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán tại các khu vực mình sinh sống, đồng thời chú trọng việc bảo vệ hệ thống cây xanh ở từng con đường, tuyến phố.

Một siêu đô thị như TP Hồ Chí Minh với tốc độ dân số cứ sau 5 năm tăng 1 triệu người như hiện nay thì vấn đề tạo không gian sống, không gian sinh hoạt với các mảng xanh và công viên phải được cải thiện mỗi ngày. Do vậy rất cần một hành động thực chất hơn nữa của các cấp, các ngành của thành phố trong việc phát triển công viên cây xanh cả trước mắt và lâu dài./.

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.

// //