Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tội phạm gia tăng mùa dịch bệnh: Cần giữ bằng được kỷ cương phép nước

Phóng viên - 10/08/2020 | 15:16 (GTM + 7)

Trong bối cảnh toàn dân, toàn quân dồn lực cho công tác phòng chống dịch, bất cứ ‘khoảng trống’ hoặc sự lơ là về an ninh trật tự nào (nếu có) sẽ làm gia tăng bất ổn, thậm chí khủng hoảng xã hội.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, kinh tế của người dân, đẩy nhiều người vào tình cảnh mất công ăn việc làm, tạo điều kiện nảy sinh tội phạm trong xã hội.

Bên cạnh những hành vi trốn cách ly, vận chuyển người trái phép, trục lợi từ đầu cơ trang thiết bị y tế, khẩu trang, tội phạm lừa đảo, cướp giật, tội phạm công nghệ cao cũng gia tăng ở hầu hết các địa phương.

Tội phạm trộm cắp trong mùa dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng.
Tội phạm trộm cắp trong mùa dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng. Ảnh: Lao động

Theo thống kê từ Bộ Công an, thời gian qua, có nhiều loại hình tội phạm gia tăng như: hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, đầu cơ các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm; đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh.

Tội phạm chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, nhất là các nhóm đối tượng nghiện ma túy, “tín dụng đen”, thua cờ bạc, nợ nần... Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, số vụ vi phạm pháp luật về ma túy trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, trong thời gian giãn cách xã hội và tăng cường làm việc trực tuyến, bùng phát các giao dịch thanh toán online, tội phạm trên không gian mạng liên tục gia tăng. Ngoài giả mạo email, tin nhắn từ ngân hàng, các đối tượng còn mạo danh cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh, các tổ chức từ thiện gửi tin nhắn đính kèm virus, mã độc để chiếm đoạt tài sản.

Trước thực trạng này, chuyên gia tâm lý tội phạm Nguyễn Như Chính nhận định: Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã gây ra những hệ lụy nặng nề trong xã hội, trong đó có vấn đề an ninh, trật tự.

“Tình hình dịch COVID-19 như hiện nay thì thứ nhất là làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay rất khó kiếm được một việc làm mới phù hợp. Thông thường trước thời điểm kinh tế khó khăn, khoa học đã chỉ ra rằng những vụ phạm tội càng xảy ra nhiều hơn. Trước hết là các vụ cướp giật, như vụ cướp ngân hàng cũng sinh ra từ nợ nần, rồi những vụ trọng án cũng liên quan vấn đề nợ, đến sinh kế của người dân”.

Bên cạnh trộm cắp, cướp giật, tội phạm lừa đảo cũng có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện. Bản thân chuyên gia Nguyễn Như Chính cũng từng bị đối tượng gọi điện diễn kịch, thông báo nhận giấy triệu tập của công an. Nếu là người già, người ít kinh nghiệm va chạm xã hội sẽ rất dễ bị qua mặt và thiệt hại về kinh tế.

“Công an Hà Nội ở các phường đã có hình thức sử dụng các nhóm mạng xã hội để người dân thông báo cho cán bộ chiến sĩ. Một số phường còn chủ động lắp camera để quan sát ở những địa bàn thường xuyên xảy ra vấn đề về an ninh trật tự. Chúng ta cần phát huy cái này và tăng cường sử dụng công nghệ để giám sát trong giai đoạn tới”.

Nguyễn Thị Th. (Thừa Thiên - Huế) bị xử phạt hành chính vì bán thẻ giả chống dịch Covid-19
Nguyễn Thị Th. (Thừa Thiên - Huế) bị xử phạt hành chính vì bán thẻ giả chống dịch COVID-19. Ảnh: Dân trí

Là địa phương áp dụng việc tiếp nhận thông tin tố giác qua zalo, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) đã chứng minh được tính hiệu quả của hoạt động này. Bà Bùi Thị Xuân, thành viên trong Tổ bảo vệ dân phòng cho biết, các tổ liên tục đi tuần tra đấu tranh tội phạm bất kể sớm muộn, ngày đêm, và thông tin liên tục, thông suốt với cán bộ công an phường.

“Địa bàn này có 5 tổ dân phố từ cầu Long Biên trở lên, người ta tứ xứ đến đây, gần cầu Long Biên và chợ nên người tụ tập ban đêm nhiều, người ở trọ cũng đông, có lúc lên đến 600-700 người tại một khu vực. Nên chúng tôi đã thành lập nhóm Zalo của tổ cảnh sát và lãnh đạo khu dân cư cùng cán bộ cơ sở, người dân có thể báo và cảnh sát khu vực cũng nắm được ngay”.

Theo Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, phó trưởng Công an phường Phúc Xá, phường nằm ven sông Hồng, giáp ranh với 7 phường và 3 quận nội thành Hà Nội. Trên địa bàn phường có chợ đầu mối Long Biên lớn nhất thành phố, do đó, hàng ngày số người đổ về tham gia các hoạt động kinh doanh, bốc vác để kiếm sống rất lớn. Từ đó, số người lưu trú, tạm trú tăng lên đáng kể.

“Lực lượng cảnh sát khu vực và cảnh sát hình sự đã thường xuyên có những buổi tuyên truyền cũng như hướng dẫn cho người dân về các thủ đoạn tinh vi của những loại tột phạm mới bằng nhiều cách, có thể tuyên truyền trực tiếp với những gia đình không sử dụng thiết bị 4.0. Chúng tôi cũng xây dựng nhóm zalo để có thể thông báo kịp thời đến những người dân trên địa bàn, những thủ đoạn tinh vi mới của đối tượng và biện pháp phòng tránh các thủ đoạn đó”.

Trong khi đó, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Anthena nêu quan điểm: Người dân cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt thận trọng với cuộc gọi, tin nhắn đề nghị cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền.

"Các nhóm lừa đảo đó sẽ vẽ ra những kịch bản yêu cầu nạn nhân phải làm việc a, b, c rồi chuyển tiền cho nhóm lừa đảo. Cuối cùng các nạn nhân sẽ thiệt hại rất lớn. Do đó, khi chuyển từ môi trường làm việc truyền thống sang mô hình làm việc online, mọi người cần tự trang bị cho mình kiến thức về an ninh mạng".

Các chuyên gia an ninh cũng khuyến cáo, khi không thực sự cần thiết, người già, phụ nữ và trẻ nhỏ không nên ra ngoài đường vào những khung giờ đêm muộn, tại những đoạn đường vắng.

Lực lượng công an thành lập các tổ công tác đi tuần tra xử lý người vi phạm luật phòng chống COVID-19 - Ảnh:
Lực lượng công an thành lập các tổ công tác đi tuần tra xử lý người vi phạm luật phòng chống COVID-19 - Ảnh: Tuổi trẻ

Mời các bạn đến với góc nhìn của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Giữ bằng được kỷ cương, phép nước”

Theo quy luật mùa dịch bệnh, hoạt động tội phạm luôn có xu hướng manh động và có tính chất công khai hơn. Thực tế, tỉ lệ phạm pháp hình sự liên quan đến trộm cắp, cướp giật, lừa đảo có tổ chức đều tăng ở các đô thị lớn.

Trong bối cảnh toàn dân, toàn quân dồn lực cho công tác phòng chống dịch, bất cứ ‘khoảng trống’ hoặc sự lơ là về an ninh trật tự nào (nếu có) sẽ làm gia tăng bất ổn, thậm chí khủng hoảng xã hội.

Ở nhiều địa phương, những mô hình, sáng kiến hay đã được áp dụng để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phòng ngừa tội phạm hiệu quả. Đơn cử như hệ thống ‘camera cộng đồng’ tại TP.Vinh, Nghệ An khi lực lượng công an phường vận động người dân đóng góp kinh phí để lắp đặt camera quan sát.

Những chiếc “mắt thần” đã phủ được tới tới những ‘điểm nóng’ về an ninh trật tự, những địa điểm vắng vẻ, dễ phát sinh tội phạm. Chúng giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời cung cấp những cứ liệu quan trọng để cơ quan điều tra phá án.

Vụ 2 đối tượng cướp ngân hàng ở Nguyên Hồng, Hà Nội, chính việc dựa vào camera quan sát của nhà dân, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng, nhận diện được nghi phạm và tổ chức truy bắt.

Hay việc áp dụng mạng xã hội tiếp nhận tin tố giác của nhân dân tại Ba Đình, Hà Nội, nó không chỉ giúp giải quyết nhanh, kịp thời những tình huống phát sinh khi tội phạm xuất hiện, mà còn tạo niềm tin trong quần chúng về việc: họ được lắng nghe, được bảo vệ tức thời!

Trong giai đoạn ‘bình thường mới’, mỗi người dân phải thay đổi thói quen giao tiếp, đi lại, sinh hoạt, các loại hình tội phạm cũng có sự biến hóa với những phương thức, thủ đoạn mới. Những vụ giả mạo, tống tiền, lừa đảo tinh vi liên tục nở rộ.

Thực tế này đòi hỏi các lực lượng an ninh cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền tới người dân các biện pháp phòng ngừa, tố giác tội phạm. Những tổ công tác hỗn hợp như 141 tại Hà Nội, 363 tại TP.HCM, những chuyên án triệt phá tội phạm công nghệ cao, tội phạm vận chuyển người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly phải được triển khai liên tục và thường xuyên, thậm chí cần được tăng nhịp độ ở mức cao hơn, quyết liệt hơn so với thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh.

Từ đó, chúng ta chuyển tải một thông điệp cứng rắn đối với giới tội phạm: Những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm pháp sẽ không có đất dung thân và sớm hay muộn sẽ bị trừng phạt đích đáng!

Cũng cần lưu ý, giai đoạn này, ‘sức khỏe’ của nền kinh tế đang thực sự ‘ngấm đòn’ trước tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp, phá sản, vỡ nợ gia tăng, những đối tượng tiền án, tiền sự, tội phạm trực chờ nở rộ, ngoài các công cụ giám sát trật tự, an ninh, rất cần công cụ an sinh, trợ cấp xã hội vào cuộc một cách nhanh chóng.

Khi các chính sách hỗ trợ chưa kịp với tới người khốn khó, khi chủ trương không đến được đúng đối tượng, dễ dẫn đến tình trạng ‘Đói ăn vụng, túng làm càn’.

Và chắc chắn, xã hội sẽ không mong muốn có những vụ án nghiêm trọng xảy ra, mà ở đó thủ phạm lại là một lớp “tội phạm không chuyên”.

Thật khó để khẳng định được mối liên hệ nhân quả giữa cái nghèo và tội ác. Nhưng chắc chắn, trong thời buổi dịch dã này, các nhà quản lý cần thực hiện song song hai nhiệm vụ: Giữ gìn kỷ cương phép nước và phúc lợi, an dân./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có tới 51% nạn nhân tai nạn giao thông không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện, chỉ có 10,5% nạn nhân được nhân viên y tế sơ cứu và chỉ có 1/3 nạn nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương.

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài các tiêu chí về việc chưa có nhà ở hoặc nhà ở có diện tích dưới 15m2 sàn/người, để được mua thì mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu/tháng.

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

Sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Dự kiến trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều địa bàn ở thành phố. Trong đó có nhiều điểm tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng ngàn xe ba bánh gắn mác “thương binh” hay xe tự chế vẫn ngày đêm hoạt động gây mất an toàn giao thông. Dù đã có quy định, thế nhưng các hung thần đường phố này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, mặc cho nhiều vụ TNGT thương tâm do các xe này gây ra.

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

Sáng nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài chính. Nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất là về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm nhân thọ

Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm nhân thọ

Sáng nay (18/3), Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về nhiều lĩnh vực đang được quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay chưa triển khai được các loại hình đặt cược về bóng đá, đua ngựa, đua chó.

Hoang mang vì đèn tín hiệu giao thông

Hoang mang vì đèn tín hiệu giao thông

Gần 3 tháng nay, trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn gần cầu Rạch Chiếc, hướng từ thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến thành phố Cần Thơ xuất hiện một trụ đèn tín hiệu giao thông ở vị trí chỉ một con đường thẳng. Chính điều này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.

// //