Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tổ chức giao thông, một cây cầu mấy kiến nghị

Phóng viên - 09/03/2021 | 5:37 (GTM + 7)

Trước tình trạng quá tải, ùn tắc và TNGT thường xuyên trên cầu Thanh Trì, Cục CSGT đã kiến nghị nhiều giải pháp. Tuy vậy, những kiến nghị này lại vênh với giải pháp quản lý của cơ quan chuyên ngành là Sở GTVT Hà Nội và Tổng cục Đường bộ VN. Vì sao có sự v

6 doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị TP. Hà Nội tháo dỡ toàn bộ dải phân cách giữa làn ô tô và làn hỗn hợp trên mỗi hướng lưu thông; tổ chức lại mặt đường cầu thành 3 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp (Ảnh: PLVN)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nói về những điểm “nóng” ùn tắc tại Hà Nội, không thể không kể đến cầu Thanh Trì - nơi được cánh tài xế nói lái là cầu “kiên trì”.

Ngoài việc quá tải phương tiện, dẫn đến thường xuyên ùn tắc, thì tình trạng xe tải, xe khách đi vào làn hỗn hợp dành cho xe con và xe máy diễn ra phổ biến.

Không những thế, xe siêu trường, siêu trọng đi tốc độ chậm ở làn đường tốc độ cao, thậm chí di chuyển song song, khiến các phương tiện khác không thể vượt. Và nếu cố vượt thì tai nạn giao thông rất dễ xảy ra:

"Mình xi-nhan cả tiếng đồng hồ nhưng người ta không cho vượt. Bức xúc đấy, nhưng biết làm thế nào! Xe to, xe container cứ sang làn đường bên trái của ô tô con để đi thôi, cho nên dễ va chạm".

"Bỏ làn phân cách thì xe máy lại chồng chéo lên làn ô tô. Vẫn phải có cái phân làn đấy để xe máy đi một bên, ô tô đi một bên. Thêm một làn ô tô mà làn xe máy thu hẹp lại là hợp lý".

"Rõ ràng biển cấm xe tải trong làn xe con, hỗn hợp, thế nhưng xe tải, xe khách vẫn vào bình thường, rất nguy hiểm! Mình đặt dải phân cách cứng cũng được, để lái xe không thể tháo được, không xảy ra lộn xộn".

Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, hiện lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã lên đến hơn 122.000 xe/ngày đêm, vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần, khiến cây cầu này thường xuyên ùn tắc và trở thành “điểm đen” về TNGT.

Theo thống kê, từ 15/12/2018 đến 14/4/2020, tại khu vực này đã xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 14 người. So sánh thời gian cùng kỳ tăng 5 vụ, tăng 5 người chết và 4 người bị thương.

Để hạn chế ùn tắc và TNGT, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội phải bố trí 1 tổ thường xuyên túc trực, tuần tra, kiểm soát trên cầu. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, Công an TP. Hà Nội cho biết:

"Trên tuyến cầu Thanh Trì này thường xuyên có tình trạng xe tải gặp sự cố và các vụ va chạm giao thông nên chúng tôi đã chủ động bố trí lực lượng và phối hợp với các lực lượng khách thường xuyên bám vị trí và tuần lưu để giải quyết sự cố nhanh nhất có thể".

Về phía Cục CSGT, đơn vị này đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội thu hẹp làn đường dành cho mô tô, xe máy, bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô; sử dụng dải phân cách mềm giữa làn ô tô và làn đường cho xe mô tô.

Đồng thời điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép trên các làn đường dành cho xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h… Về điều này, trung tá Lê Quang Hoà, Trưởng phòng Hướng dẫn tổ chức giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT cho biết:

"Không cho ô tô đi trong làn xe máy, không cho mô tô đi ra ngoài và mô tô chỉ đi làn trong cùng thôi, đẩy lùi làn đó nhỏ lại. Tóm lại mô tô không đi vào làn ô tô và ô tô không đi lẫn với mô tô vì ô tô với mô tô sẽ vào điểm mù và sẽ bị tai nạn ngay".

Kiến nghị này cũng tương tự với những kiến nghị của 6 doanh nghiệp Nhật Bản gửi tới Sở GTVT Hà Nội. Theo đó, 6 doanh nghiệp này kiến nghị TP. Hà Nội tháo dỡ toàn bộ dải phân cách giữa làn ô tô và làn hỗn hợp trên mỗi hướng lưu thông; tổ chức lại mặt đường cầu thành 3 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp.

Cho phép xe ô tô lưu thông qua cầu với vận tốc 60km/giờ, mô tô, xe máy là 50km/giờ, đồng thời lắp đặt camera giám sát để phát hiện và phạt nguội các phương tiện vi phạm tốc độ.

Trong văn bản trả lời kiền nghị này, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, do cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3 thường xuyên có các xe tải trọng lớn lưu thông, nên việc tháo dỡ toàn bộ dải phân cách giữa làn ô tô và làn hỗn hợp sẽ dẫn đến tình trạng xe máy, xe thô sơ đi vào làn ô tô, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nên cần phải xem xét, nghiên cứu. 

Về phía Tổng cục Đường bộ VN, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông không tán thành với đề xuất hạ tốc độ lưu thông qua cầu Thanh Trì:

"Thực tế nó đông rồi có muốn đi nhah cũng không đi được, nhưng giả sử vào lúc đường thông thoáng tranh thủ đi được thì họ đi. Cái đấy theo rôi nghĩ cũng không ảnh hưởng gì nhiều, mà càng đi được thì nó càng thông thoát".

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, cần có làn riêng cho mô tô, xe máy để đảm bảo an toàn. Đây cũng là xu hướng được hầu hết các nước thực hiện:

"Kinh nghiệm thế giới thì với những đường bố trí xe tải hạng nặng bao giờ họ cũng tách làn xe thô sơ đi riêng, và có dải phân cách tối thiểu là 1m để đảm bảo nằm ngoài điểm mù của xe vận tải hạng nặng".

Giảm tốc độ cục bộ trên cầu Thanh Trì trong điều kiện giữ nguyên tốc độ các đoạn tuyến khác, sẽ vô hình trung tạo thành một nút thắt khiến phương tiện có thể bị dồn ứ ngay cả khi không có sự cố, hoặc mật độ giao thông không cao (Ảnh: Vietnammoi)

Với chức năng đảm bảo TTATGT, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, Cục CSGT kiến nghị các giải pháp để hạn chế ùn tắc và TNGT là điều dễ hiểu.

Song, với chức năng quản lý chuyên ngành các công trình đường bộ, việc Sở GTVT Hà Nội, Tổng cục Đường bộ VN có quan điểm trái chiều cũng là điều dễ hiểu.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: Tổ chức giao thông đừng “năm cha ba mẹ”

Sự “vênh” nhau giữa các kiến nghị tổ chức giao thông trên cùng một cây cầu, là một câu chuyện đáng suy ngẫm.

Kiến nghị của các doanh nghiệp có hoạt động vận tải qua lại câu cầu này- với tư cách những người bị ảnh hưởng, rất cần được lưu tâm và xem xét, nhưng giải pháp mà họ nêu ra, từ sự phản ánh lại góc nhìn của các tài xế của doanh nghiệp, chỉ nằm trong nhóm ý kiến tham khảo.

Kiến nghị của Cục CSGT, với tư cách đại diện cho lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến huyết mạch này, đúc rút từ quá trình xử lý hàng loạt vụ ùn tắc và sự cố giao thông, cũng là dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho tổ chức giao thông, vì giải pháp tất nhiên phải bám sát nguyên nhân.

Tuy nhiên, tổ chức giao thông không chỉ dừng lại ở từng đó dữ liệu. Ngoài việc tính toán cho an toàn và thông suốt trên bản thân một cây cầu, các nhà tổ chức giao thông cần tính toán sự thông suốt của cả một trục đường, một cung đường có cây cầu đó đi qua.

Đối với trường hợp cầu Thanh Trì, đó là sự ảnh hưởng liên hoàn đến hệ thống cao tốc, Vành đai 3 trên cao, trục thẳng đi cao tốc Hà Nội Bắc - Giang, nhánh kết nối ra cao tốc Hà Nội Hải Phòng.

Giảm tốc độ cục bộ trên cầu Thanh Trì trong điều kiện giữ nguyên tốc độ các đoạn tuyến khác, sẽ vô hình trung tạo thành một nút thắt khiến phương tiện có thể bị dồn ứ ngay cả khi không có sự cố, hoặc mật độ giao thông không cao.

Hơn nữa, đối với các tuyến đường mang sứ mệnh kết nối giao thông vận tải quan trọng như tuyến QL1 đi qua cầu Thanh Trì, thì việc hạ tốc độ còn liên quan đến chi phí thời gian, chi phí vận tải của doanh nghiệp và người dân, nên không thể nói hạ là hạ. QL5 là một ví dụ. Ngay cả khi xuất hiện hàng loạt “điểm đen”, đề xuất hạ tốc độ vẫn được coi là cách “bức tử” con đường.

Điểm gặp nhau của các kiến nghị tổ chức giao thông cho cây cầu nay giữa 4 bên (Cục CSGT, Tổng cục Đường bộ, ngành Giao thông Hà Nội và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng), đó là cùng mong muốn tách làn, để xe 2-3 bánh không đi chung đường với xe 4 bánh. Đây cũng là yêu cầu mang tính nguyên tắc của tổ chức giao thông.

Tuy vậy, giải pháp kỹ thuật như thế nào cho hiệu quả, để vừa hạn chế được tình trạng cố ý nhầm làn, vừa khai thác tối đa công suất của công trình, thì đó là việc của cơ quan tổ chức giao thông.

Với các công cụ đo đếm phương tiện, tính toán tốc độ và quy mô dòng xe, căn cứ đặc thù của giao thông và phân bổ dân cư khu vực hai đầu cầu, ngành giao thông Hà Nội dưới sự tham vấn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các bên liên quan, sẽ đưa ra phương án phù hợp nhất.

Trước khi thông xe nhánh kết nối Cầu Thanh Trì với QL5B- Cao tốc Hà Nội Hải Phòng, tình hình trên cây cầu này còn tệ hơn nhiều so với hiện tại.

Được biết, ngành Giao thông Hà Nội cũng đã lên kế hoạch tổ chức lại giao thông, với nhiều giải pháp cả về tách làn, về tăng mức độ cảnh báo tai nạn bằng báo hiệu đường bộ, về hệ thống giám sát tự động để giám sát hành vi giao thông… 

Hơi tiếc là các kế hoạch này chưa được công bố sớm, để các bên yên tâm về sự sát sao của địa phương với tình hình phức tạp trên cung đường vốn đã được xác định là “Cung đường đen” lâu nay.

Và cũng sẽ hay hơn nếu các kế hoạch đó được triển khai sớm, ngay sau khi thông xe nút kết nối phía cao tốc 5B, để tạo sự thay đổi thực sự rõ nét hơn nữa.

Sự khác biệt quan điểm là điều hết sức bình thường, bởi ý kiến đưa ra từ những góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, tổ chức giao thông không thể “năm cha ba mẹ”.

Mà muốn vậy, đơn vị chịu trách nhiệm chính cần chứng minh vai trò của mình, bằng cách thể hiện rõ sự chủ động trong các phương án và kiến nghị này, thay vì phúc đáp trả lời khi đã có nhiều người buộc phải lên tiếng vì quá sốt ruột./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có tới 51% nạn nhân tai nạn giao thông không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện, chỉ có 10,5% nạn nhân được nhân viên y tế sơ cứu và chỉ có 1/3 nạn nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương.

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài các tiêu chí về việc chưa có nhà ở hoặc nhà ở có diện tích dưới 15m2 sàn/người, để được mua thì mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu/tháng.

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng ngàn xe ba bánh gắn mác “thương binh” hay xe tự chế vẫn ngày đêm hoạt động gây mất an toàn giao thông. Dù đã có quy định, thế nhưng các hung thần đường phố này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, mặc cho nhiều vụ TNGT thương tâm do các xe này gây ra.

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

Sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Dự kiến trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều địa bàn ở thành phố. Trong đó có nhiều điểm tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

Sáng nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài chính. Nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất là về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe chú trọng giảng dạy kỹ năng lái xe trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc phân kỳ đầu tư.

Hoang mang vì đèn tín hiệu giao thông

Hoang mang vì đèn tín hiệu giao thông

Gần 3 tháng nay, trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn gần cầu Rạch Chiếc, hướng từ thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến thành phố Cần Thơ xuất hiện một trụ đèn tín hiệu giao thông ở vị trí chỉ một con đường thẳng. Chính điều này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.

// //