Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tháo nút thắt đầu tư công: Đừng lãng phí nguồn lực của dân

Phóng viên - 23/10/2019 | 10:54 (GTM + 7)

Dù nguyên nhân là gì thì tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã đang và sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu cho nền kinh tế nước ta. Đã đến lúc cần có một liều thuốc đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh trầm kha này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Rất nhiều công trình lớn đang “đói” vốn do vướng quy định. Trong ảnh: điểm cuối của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang xây tại Q.9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Rất nhiều công trình lớn đang “đói” vốn do vướng quy định. Trong ảnh: điểm cuối của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang xây tại Q.9, TP.HCM - Ảnh: Tuổi trẻ

Ngân sách nhà nước là nguồn vốn đóng vai trò chủ đạo trong công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Tài Chính thì đến hết tháng 9/2019, cả nước mới chỉ giải ngân được khoảng 45% chỉ tiêu vốn được Quốc hội giao và khoảng 49% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Điều đáng nói là việc giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA đều đạt thấp.

Một thống kê khác của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư cho thấy đến thời điểm này mới có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, nhưng có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, thậm chí có đến 17 đơn vị giải ngân dưới 30%.  

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai cho nền kinh tế đất nước và nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

"Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy. Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, bởi vốn là một trong những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng. Vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nên nếu chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến huy động xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin nhà đầu tư và nhà tài trợ. Gây lãng phí lớn khi tiền vốn nằm ở đó mà Chính phủ vẫn phải trả thêm chi phí vốn. Doanh nghiệp và nhà đầu tư phải gánh chịu chi phí đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút". 

Là một trong những địa phương được “chỉ mặt đặt tên” trong danh sách chậm giải ngân đầu tư công, 9 tháng đầu năm 2019 TPHCM mới chỉ giải ngân được hơn 36% tổng nguồn vốn ngân sách được giao.

Trong đó, các dự án trọng điểm như Metro số 1, metro số 2, dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2, đường vành đai 2, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, bệnh viện Chợ Rẫy 2…là điển hình cho tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã khiến hàng triệu người dân đang sinh sống tại thành phố này phải chen chúc trong các cơ sở y tế chật chội hay oằn mình trong kẹt xe, ngập lụt.

"Bao nhiêu người chờ thì mình cũng chờ y vậy chứ họ đâu có xếp được cho mình chỗ nghỉ đâu. Nửa đêm cũng phải chờ thôi. Nhà nghèo phải xuống bệnh viện công chuyển lên cho bớt tiền chứ đi thẳng lên đây cũng đâu có tiền mà đi".

"Cái đoạn này tôi sợ lắm, kẹt xe lắm không nhúc nhích được".

"Nhiều khi đường kẹt cứng đâu có đi được, người nhà bệnh nhân hối quá cũng tội mà không biết làm gì".

"Mưa xuống là ai cũng bức xúc vì đường, cống ngập lênh láng. Ô tô kẹt cứng vầy thì xe máy cũng bó tay thôi. Có người còn bị sụp ổ gà, sụp cống dễ dẫn đến tai nạn bất kỳ lúc nào, thậm chí chết người".

Cùng với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ Giao thông vận tải là các ngành có nhu cầu lớn về vốn đầu tư công. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì tiến độ giải ngân của ngành giao thông vẫn rất chậm, thậm chí nhiều khả năng năm 2019 ngành này sẽ phải hoàn trả lại khoảng 7000 tỷ đồng do không giải ngân được vì chậm giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ về thực trạng nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải:

"Cơ chế chính sách, pháp luật về giải phóng mặt bằng thay đổi rất nhiều. Mỗi lần thay đổi sẽ tác động nhiều đến việc quản lý đất đai. Việc quản lý đất đai của mình lại trải qua quá trình lâu dài nhưng không được quản lý tốt".

Nếu không bị vướng mặt bằng thì nhánh cuối cùng của dự án cầu vượt thép nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), nối từ đường Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định) qua đường Nguyễn Thái Sơn đã thông xe trước ngày 18-1 nhiều tháng.
Nếu không bị vướng mặt bằng thì nhánh cuối cùng của dự án cầu vượt thép nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), nối từ đường Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định) qua đường Nguyễn Thái Sơn đã thông xe trước ngày 18/1 nhiều tháng. Ảnh: Người lao động

Theo một thống kê thì môt dự án đầu tư công ở nước ta bắt buộc phải tuân thủ trình tự ít nhất là 18 bước, chưa kể ở mỗi bước là một quy trình dày đặc các yếu tố pháp lý, kỹ thuật khác nhau. Điều đáng nói là có nhiều quy trình, thủ tục đặt ra để kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhưng lại nặng về hành chính khiến cho dòng vốn không thể được khơi thông.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng Chính phủ tỏ ra bức xúc:

"Đừng nói rằng tại thủ tục quá chặt nên nó nghẽn, không phải. Cái nghẽn là do chồng chéo, tỳ kéo với nhau mới làm nghẽn chứ không phải quá chặt. Nếu chặt mà quy trình đồng bộ, minh bạch thì sẽ không nghẽn".

Theo một số chuyên gia kinh tế phân tích thì tình trạng chậm giải ngân đầu tư công cũng bắt nguồn từ tư duy cố hữu của các Bộ ngành khi muốn duy trì đặc quyền đặc lợi cũng như cơ chế xin cho trong quá trình xét duyệt đầu tư các dự án. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ:

"Cấp bộ thì rất chịu khó giữ chức năng quyền hạn. Trong khi đó họ lại khó khăn về nguồn lực, không đủ nhân lực thậm chí không thể nắm hết thực tiễn nhưng việc xin cho tác động rất lớn vì vậy tâm lý ngại phân cấp rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau".

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019, có thể khẳng định rằng chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm nay của nhiều Bộ ngành địa phương sẽ không thể hoàn thành như kế hoạch được giao. Trong bối cảnh đó, TPHCM đã vận dụng nhiều giải pháp để có thể giải ngân được nhiều hơn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án trên địa bàn. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết:

"Thành phố tập trung rà soát các dự án để điều chỉnh cân đối, điều hòa lại nguồn vốn. Chủ đầu tư nào triển khai giải ngân tốt thì sẽ được bố trí thêm vốn, còn chủ đầu tư nào không triển khai và giải ngân được trong những tháng cuối năm nay thì sẽ cắt và giảm vốn. Sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình đầu tư công, đề xuất những giải pháp cải tiến tăng hiệu quả giải ngân các dự án ODA đang vướng hiện nay như Metro 1, Metro 2".

Đừng lãng phí nguồn lực của dân

Dù nguyên nhân là gì thì tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã đang và sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu cho nền kinh tế nước ta. Đã đến lúc cần có một liều thuốc đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh trầm kha này để khơi thông dòng vốn làm động lực thúc đẩy nền kinh tế nước nhà cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí nguồn lực của nhân dân.

Dự án sân bay Long Thành tiền đã về tài khoản nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 300 tỷ đồng
Dự án sân bay Long Thành tiền đã về tài khoản nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 300 tỷ đồng 

Có tận mắt nhìn thấy hình ảnh mỗi giường bệnh phải tải đến 2, 3 bệnh nhân, các em học sinh vùng cao phải vượt sông suối đến trường hay dòng người chôn chân hàng giờ đồng hồ vì kẹt xe ngập nước…mới thấy sự cấp thiết của các dự án đầu tư công nhiều năm qua vẫn nằm trên giấy.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang chậm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này phơi bày một nghịch lý khó có thể chấp nhận là tiền đã có nhưng không thể sử dụng được. Ách tắc dòng vốn trực tiếp khiến các dự án đầu tư không thể triển khai. Những dự án đầu tư công chậm tiến độ không khác gì những cục máu đông của nền kinh tế, nó khiến máu không thể lưu thông nuôi sống các bộ phận, dần khiến cơ thể yếu đi và chết hẳn.

Không khó để chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những vướng mắc, bất cập của thể chế, sự chồng chéo mâu thuẫn của một rừng các thủ tục rườm rà, rắc rối cùng với tâm lý “muốn quản” của các cơ quan chuyên ngành càng khiến các dự án đầu tư công “chết cứng”.

Đây là lý do khiến cho hầu hết các dự án đầu tư công hiện nay đều phải điều chỉnh, thậm chí có dự án phải điều chỉnh đến 39 lần vì vậy ách tắc, chậm trễ cũng là điều dễ hiểu. Nhiều chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công cho biết phải giải quyết cả núi các mối quan hệ đan xen khi triển khai dự án. Với họ cái gọi là chi phí bôi trơn, chi phí quan hệ để có thể thúc đẩy được dự án được xem là chuyện bình thường.

Điều này lý giải vì sao mà đầu tư công và đầu tư tư nhân đang diễn biến ngược chiều nhau. Chỉ cần 2 năm, sân bay quốc tế Vân Đồn đã bước ra từ dự án để có thể phục vụ những hành khách đầu tiên, nhưng dù trống dong cờ mở hơn 10 năm nay thì dự án sân bay quốc tế Long Thành vẫn chưa hoàn thành được công tác giải phóng mặt bằng.

Vốn đầu tư công suy cho cùng cũng là thuế từ người dân đóng góp nên vì vậy chúng ta không thể thờ ơ để những bất cập trong thể chế chính sách hay năng lực quản lý làm cản trở nguồn lực của cả xã hội. Quốc hội cần sớm nghiên cứu và tháo gỡ những bất cập trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành để tạo cơ chế thông thoáng thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư công.

Các Bộ ngành địa phương cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo đôn đốc từ Chính phủ để dòng vốn có thể lưu thông nhanh chóng nhất, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh” như nhiều năm qua.

Quan trọng nhất là phải triệt tiêu được yếu tố “con người” hay tâm lý “cát cứ quyền lực” trong các quy trình phê duyệt dự án đầu tư công. Cần phải quyết liệt xóa tận gốc tệ nạn tham nhũng nhũng nhiễu xuất phát từ yếu tố con người mới có thể tháo gỡ được những nút thắt cố hữu trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chỉ khi dòng vốn được luân chuyển một cách thuận lợi dễ dàng thì bộ mặt của nền kinh tế mới có thể khởi sắc.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Những dấu chân hoa

Những dấu chân hoa

Tháng 3 ở Hà Nội là tháng của nhiều mùa hoa đến và đi trong tiết trời xuân rất đặc trưng của miền Bắc. Đó là sắc trắng miên man của hoa sưa, sắc tím nhẹ mong manh của hoa ban, hay màu đỏ rực của hoa gạo đã bung nở, khoe sắc, khoe hương rồi rụng rơi trên hè phố.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

// //