Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tản mạn ngày cuối năm

Phóng viên - 24/01/2020 | 22:30 (GTM + 7)

Tiếng bước chân thình thịch, tiếng rồ ga của những chiếc xe máy vội vã,... tiếng lợn kêu eng éc vọng ra từ lò mổ gần chợ Mai Động, tiếng người í ới gọi nhau gấp gáp... Hàng đám người ùn ùn đổ ra, kéo vào các chợ Mai Động, chợ Mơ…

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Rồi tất cả những thứ ồn ào ấy bỗng nhẹ đi, lắng xuống… ấy là lúc giao thừa đã đến gần. Tết đến từ từ theo những bước chân chậm dần.

Các phố Bạch Mai, Phố Huế, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân-Bắc Qua, Hàng Mã, Cầu Gỗ,... vẫn đông nghịt. Toàn người đi bộ. Người ta đổ ra đường vào chiều ba mươi không hẳn vì đi sắm tết - một chút thảnh thơi sau ba trăm sáu mươi tư ngày vất vả cũng là một cái thú cuối năm...

Ngày cuối năm, ai cũng tất bật lo nốt những thứ chưa kịp chuẩn bị cho 3 ngày tết, để rồi có chút thảnh thơi quây quần bên mâm cơm tất niên cùng chờ đón giao thừa

Dọc quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm, đã chăng hết cả cờ hoa, khẩu hiệu chào đón năm mới, các cây gạo, cây si, cây đa, lộc vừng quang hồ đã được trang hoàng bộ áo đèn điện xanh đỏ lập lòe. Góc ngã ba tượng đài Cảm Tử đầu phố Hàng Dầu từ hôm qua đã dựng lên một cái sân khấu với dòng tít ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước. Mấy anh chị ca sỹ bắt đầu lên thử giọng, làm quen sân khấu. Vài đứa bé hiếu kỳ xúng xính quần mới, áo hoa đã ngồi chầu chực tự lúc nào há mồm, nghển cổ chăm chú xem với vẻ đầy thích thú...

Rồi chẳng biết từ đâu túa ra những người bán bóng bay xanh đỏ, tím vàng, những người bán kẹo bông nhấp nhổm lấp kín cả vỉa hè bờ hồ. Lác đác đã có anh vác mía ra bày bán lộc cho dân đi chơi giao thừa trước cửa Bưu điện Bờ Hồ. Mỗi người một vẻ, mỗi kẻ một niềm quan tâm khác nhau, tâm trạng, cảm xúc lẫn lộn.

Trẻ con thích thú được mẹ mua bóng bay, mua đồ chơi ngày Tết
Những người bán lộc bày sẵn cho người đi chơi giao thừa mua về nhà dựng đón ông Công ông Táo trở về sau những ngày lên chầu trời

Các chùa Quán Sứ, Đền Ngọc Sơn, Đền Quan Thánh,... đã chật ních người đi lễ chiều cuối năm. Người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình, và nhân dịp này cũng để xin quẻ thẻ đầu năm.

Ai cũng muốn có một năm mới an lành, phát tài.

Đi lễ cuối năm cũng là dịp để mọi người cầu cho 1 năm mới an lành...

Các ông thầy bốc phệ cũng được dịp làm ăn. Chẳng biết trong năm các ông ở đâu mà đến ngày này kéo ra lắm thế, già có, trẻ có, sáng mắt có, mù dở có, la liệt trước cổng, trong sân, trong góc chùa, góc đền. Quẻ reo lẻng xẻng, tiếng thầy phán nhỏ to về tướng số, hậu vận trước những gương mặt đầy tin tưởng.

Trước cửa đền Ngọc Sơn, một bà áo nhung, quần nhung, khăn mỏ quạ cũng bằng nhung đen là lượt, tay cầm một cây quạt giấy, mồm nhai bỏm bẻm miếng trầu, thỉnh thoảng lại đưa tay quẹt rỉ trầu bên mép như thể làm điệu. Tay còn lại của bà cầm cây quạt che miệng, để ý thấy lúc nào bà nói bà cũng lấy cây quạt che miệng cả. Mấy cô gái trẻ xúm quanh ra chiều chăm chú lắm:

- Cô năm nay bao nhiêu tuổi? Ngày tháng năm sinh thế nào? Giờ sinh nữa? Phải nhớ chính xác nó mới nghiệm. Phải tin, phải có lòng thì mới được... Cô có chồng chưa. Phải nói rõ vào thì xem nó mới đúng.

Có tiếng cười khúc khích:

- Cháu mà khai ra hết thì cô bói làm gì nữa.

- Ậy, ậy... Phải nói rõ thì mới nói được tiền duyên hậu vận chứ.

- Vâng, thế cháu bói trước. Một cô trong bọn lên tiếng - Cháu mới mười chín.

- Thế tên gì?

- Cháu là Chuyên.

- Gì Chuyên? Thị Chuyên, Hồng Chuyên hay cái gì Chuyên thì phải nói cho rõ chứ Chuyên không thì bố ai nói được. Thế cô muốn xem duyên số hay học hành?

- Cháu xem duyên số.

Bà thầy bói lấy tay quạt che miệng, tay kia bấm đốt lẩm nhẩm. Có mấy cậu thanh niên đi chơi ngang qua, thấy thế ngó vào. Một cậu vươn cổ vào cười cười:

- Cô này thảo nào cũng lấy được chồng, có con, chẳng gái thì giai.

Mấy cô gái mặt đỏ bừng, cười khúc khích. Bà thầy bói đang bấm đốt, thấy có kẻ phá đám buột miệng: “Sư cha mấy thằng khỉ kia...”. Đám thanh niên cười ré lên tản ra, mấy cô gái thấy bà thầy bói chửi tục quá nhìn quanh đứng dậy phẩy tay: “Thôi không xem nữa đâu”.

Thấy mất mối bà bói chửi toáng lên, quên cả đoán số. Đám người hiếu kỳ đứng xem cũng tản đi, chả ai dại ngồi lại nghe chửi. Chẳng còn ai ngồi bói, bà thầy hậm hực len vào đám đông qua cầu Thê Húc vào đền tìm mối mới...

Sương đã bắt đầu xuống, sương như tỏa ra từ các bụi cây, sương lùa theo từng bước chân các đôi nam thanh, nữ tú. Ông nhà đèn đã cho điện sáng tự bao giờ, đường phố sáng trưng, cây lộc vừng, cây si, cây gạo nhấp nháy loạn xạ xanh đỏ. Cái tháp rùa giữa hồ người ta cũng cho lắp đèn chiếu sáng rực, cầu Thê Húc với lời chúc mừng năm mới bằng điện đỏ lừ một góc hồ.

Quanh hồ Hoàn Kiếm là nơi nhiều người chọn để cùng nhau đón giao thừa

 

***

Đi chơi giao thừa đã là niềm vui thích của tôi cả chục năm nay. Gói xong nồi bánh chưng, đặt lên bếp, mồi lửa, quay vào chuẩn bị mâm cơm giao thừa cùng cả nhà, xong xuôi đâu đấy là người đã nhấp nhổm muốn xách xe ra đường. Năm nào cũng vậy, tôi đều muốn tự tay chuẩn bị nồi bánh chưng. Từ sau hôm ông công ông táo chầu trời, tôi đã ra chợ mua ống giang và lá dong về, lạt chẻ thành từng bó, lá dong rửa sạch để ráo nước, chỉ chờ đến ba mươi là gói. Gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn cũng đã được mẹ chuẩn bị kỹ càng.

Chiều 30 cả nhà ngồi gói bánh chưng là thời khắc hạnh phúc và luôn mang lại cảm giác đầm ấm

Chiều ba mươi, cả nhà ngồi quây quần ở phòng khách xem tôi “trổ tài” gói bánh. Nhớ cái lần đầu tiên gói bánh, mỗi cái tôi dùng có hai chiếc lá, đến khi đun xong nồi vớt ra còn mỗi lá dong và lạt. Thế là tết ấy, cả nhà tôi chẳng được ăn cái bánh chưng nào. Thời ấy xa lắm rồi...

Rồi lại nhớ, cái năm nhà nước lần đầu tiên cho bắn pháo hoa ở Bờ Hồ, hình như 88-89 gì đấy, ông bác cả tôi quê tận Hải Dương mang theo mấy anh chị lên nhà bà ngoại để chờ đi xem pháo hoa.

Bác tôi ngày ấy làm phụ trách trung tâm văn hóa xã. Oách lắm. Bác đi đâu cũng diện bộ đại cán màu ghi xám, là li phẳng phượt, tóc chải bóng mượt.

Tối giao thừa ấy, tôi được bác cho theo các anh chị đi xem bắn pháo hoa ở Bờ Hồ. Cả đoàn đi bộ từ nhà bà ngoại tôi ở Thành Công qua Khâm Thiên, vòng ra Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Tôi cũng láng máng hiểu là bác tôi làm văn hóa nên muốn đến cung để tham quan. Cung đóng cửa nên mấy bác cháu chỉ đi lòng vòng phía ngoài, bác tôi cứ lấy tay vuốt vuốt vào mấy bức tường đá cẩm thạch mà xuýt xoa: Bóng quá! Đẹp quá! Hoành tráng quá!

Hình như hồi đấy, Cung Văn hoá cũng mới được khánh thành được mấy năm.

Tôi chẳng biết nó có đẹp, có hoành tráng không nhưng ngày ấy, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một cái… nhà to ngần ấy. Chẳng hiểu những ai ở trong đó mà người ta xây to thế?!

Giao thừa ấy, bắn pháo hoa, có mấy anh bị bỏng do pháo cháy chưa hết rơi vào đầu...

Những màn bắn pháo hoa luôn hấp dẫn lũ trẻ

Ngày bé, cứ tết đến là lũ trẻ con chúng tôi khoái trá lắm, dường như cũng được người lớn chiều hơn. Bà ngoại tôi, ngày nào đi chợ cũng mua về cho tôi một bánh pháo tép xanh đỏ dài bằng gang tay. Dỡ bánh pháo ra thành từng quả lẻ, đút đầy hai túi quần xanh chéo mới hôm trước mẹ tôi gửi cho mặc tết, xin bà một que hương, chạy ra đầu ngõ chơi với lũ bạn, thế là cứ đì đẹt cả ngày...

Có lẽ, cứ vào ngày chốt năm này, ai cũng có những hồi tưởng về những ngày xưa của mình. Mọi ký ức cứ dồn dập tràn về. Vui có, buồn có. Với tôi, nhớ nhất vẫn là những ngày áp tết và đặc biệt là đêm giao thừa - Tôi có bao nhiêu tuổi thì cũng chứng kiến ngần ấy đêm giao thừa, mỗi giao thừa mỗi khác, mỗi giao thừa mỗi sự đổi thay, mỗi giao thừa cuộc đời lại sang một trang khác.

***

Sắp đến giao thừa, mọi người đều dừng cả lại, ngước lên trời chờ đợi. Xem bắn pháo hoa theo kinh nghiệm của tôi thì phải chọn đứng chỗ gần Bưu điện Bờ Hồ là rõ nhất, vui nhất.

Mấy cô cậu thanh niên đã từ lâu tìm cho mình một góc thuận lợi, kề vai chờ đón giao thừa. Lũ trẻ từ đâu nối đuôi nhau rồng rắn chạy quanh, vừa chạy vừa hát, rõ vui. Gần đấy, người nhà đài đang truyền hình trực tiếp không khí giao thừa đón năm mới, chị phát hình viên nhìn rõ quen mặt trên ti vi đang nói liến thoắng, thỉnh thoảng lại kéo một người vào phỏng vấn mấy câu.

Những đứa trẻ được bố mẹ cho đi chơi giao thừa ngồi trên vai bố, tay cầm quả bóng bay, tay cầm chiếc kẹo mút cười toe toét. Cũng có cụ già râu tóc bạc phơ vẫn đi chơi giao thừa như thể tìm lại một chút niềm thanh xuân đã mất. Mọi ngả đường đến trung tâm Bờ Hồ đều đông nghịt, tắc nghẽn. Nếu đứng yên một chỗ nhìn dòng người chuyển động, có cảm giác như tất cả được đặt lên bàn xoay mà trung tâm là tháp rùa, chầm chậm, chầm chậm dòng người ấy cứ xoay tròn, xoay tròn cùng những ánh đèn điện lung linh...

Từ chiều 30 những anh bán mía cho người đi chơi giao thừa đã dần đổ về khu vực Bờ Hồ để bán lộc đầu năm

Những chiếc xe máy chở hàng đống cành đa, cành si, cành sữa, đủ thứ cành bờ rào mà anh xe máy kia bẻ được cố gắng len lỏi giữa đám đông đến vỉa hè bưu điện để bán cho khách đi chơi qua giao thừa về hái lộc.

Chỉ còn vài phút nữa là đến thời khắc giao thừa, không ai bảo ai, đều ngước lên chờ quả pháo đầu tiên được bắn lên trời... Tiếng chuông nhà thờ văng vẳng vọng lại cũng là lúc những bông pháo hoa đủ sắc màu nổ tung. Tiếng vỗ tay, những lời chúc mừng năm mới, những ánh mắt, tiếng thì thầm của những đôi trai gái dành cho nhau trong thời khắc giao thừa.

Nhiều người chọn xem bắn pháo hoa đón giao thừa ở hồ Hoàn Kiếm 

Cái cảm giác giao thời thật khó tả. Nó cứ râm râm trong lòng bàn tay, chạy dọc sống lưng, tỏa trên đỉnh đầu và làm cay cay sống mũi. Không khí lúc này đã khác hẳn lúc trước - có lẽ là cảm giác - nhưng với tôi, mỗi lúc đứng giữa thời điểm năm cũ, năm mới luôn là một điều gì đó khó tả trong lòng. Có lẽ lúc này ai cũng thầm cầu mong một năm mới tốt lành cho gia đình, bạn bè và bản thân.

Tôi cũng có thói quen đi chơi giao thừa một mạch tới sáng mồng một mới về nhà...

Mồng 1 tết trẻ con thích dậy sớm để xem tết có gì hay ho...

... Trời đã tang tảng sáng, một vài nhà trong phố cổ đã sáng đèn, mỗi lúc một nhìn rõ những lá cờ tổ quốc cắm nghiêng nghiêng trước cửa, trên nóc các nhà dọc phố. Có tiếng chổi tre loẹt xoẹt, đã có chị lao công đi làm sớm quét dọn rác do người đi chơi giao thừa vứt ra; Tiếng xích lô kẽo kẹt từ đầu phố Hàng Bạc vọng lại; Tiếng dép loẹt xoẹt dọc phố - tiếng dép trẻ con dậy sớm chơi tết.

Mồng Một tết, trẻ con hay dậy sớm xem năm mới có gì lạ không. Mùng một tết, những người xích lô, hàng rong, cũng muốn mở hàng sớm mong mỏi một năm làm ăn khấm khá hơn...

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần xử lý ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần xử lý ngân hàng yếu kém

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới chưa ‘thoát’ diễn biến giằng co

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới chưa ‘thoát’ diễn biến giằng co

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong ngày giao dịch hôm qua (23/4). Sắc xanh phủ kín bảng giá nông sản và năng lượng, trong khi đó, sắc đỏ áp đảo trên nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại.

// //