Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Sau hơn 2 thập kỉ, số phận dự án giãn dân phố cổ nay về đâu?

Phóng viên - 26/10/2020 | 7:36 (GTM + 7)

Chủ trương giãn dân phố cổ được TP. Hà Nội đặt ra từ cách đây hơn 20 năm để bảo tồn di sản. Sau một thời gian dài im ắng, từ cuối năm ngoái, Đề án này được tái khởi động, tuy nhiên đến nay, người dân phố cổ vẫn hàng ngày phải sống trong những căn nhà xập

Sau hơn 2 thập kỷ, số phận dự án giãn dân phố cổ giờ ra sao? Chương trình hành động mới của Hà Nội liệu có giải quyết được vấn đề này?
Sau hơn 2 thập kỷ, số phận dự án giãn dân phố cổ giờ ra sao? Chương trình hành động mới của Hà Nội liệu có giải quyết được vấn đề này?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sâu hun hút trong số nhà 53 phố Hàng Buồm (P. Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) là nơi sinh sống của 53 hộ gia đình, với hơn 200 nhân khẩu.

Căn hộ nhỏ hơn 10m2 ở ngay lối vào tầng 1 là toàn bộ không gian sống của 5 thành viên gia đình anh Nguyễn Trung Trực, mưu sinh bằng nghề bán trà đá vỉa hè. 

"Nhà cửa ở đây sập xệ, sạt lở, trần bong hết, ngõ thì bẩn thỉu, cứ mở cửa ra là mùi hôi hám xông vào nhà, không có một tí ánh nắng nào, nhiều nhà cả đời không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời, ở rất khổ. Di dời thì cũng muốn nhưng đi cũng chẳng biết làm cái gì".

Trong con ngõ rộng chừng 1m, lần theo những bậc cầu thang gỗ đã mục nát, trên tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà là hàng chục căn hộ ọp ẹp, cũ nát. Ông Nguyễn Văn Sơn sống ở căn hộ tầng 2 bảo rằng, đây phải gọi là phố “khổ” mới đúng, bởi bà con luôn sống trong lo âu thường trực, căn nhà có thể đổ sập bất kì lúc nào. Ông Sơn muốn được di dời, nhưng bao năm nay chỉ biết đợi chờ khắc khoải:

"Nhà này hơn 100 năm rồi, cuộc sống ở đây ngàn cân treo sợi tóc, lúc nào cũng thom thóp, trông như này thôi nhưng các cái dầm nó đứt hết đầu rồi, nó tụt xuống đây chú phải nâng lên hết, mỗi lần trời mưa nước nó chảy vào trong nhà như ngoài sân".

Mong muốn sớm được chuyển sang nơi ở mới rộng rãi, an toàn cũng là tâm nguyện của nhiều người dân phố cổ. 

"Nhà này xuống cấp sửa thì không được sửa. Từ lâu tâm nguyện của cô và rất nhiều người là thích đi, bồi thường thỏa đáng sẽ tự nguyện đi hết".

"Nhà bà 7 người, trước đây được phân phối 7,5m2. Nếu như được di dời sẽ di dời khẩu của con trai bà 5 đứa, còn 2 ông bà ở đây để tiện sinh hoạt và gần bệnh viện. Rất nhiều lần nhà nước vào rồi mà chưa thấy gì".

Lối vào số nhà 53 Hàng Buồm chỉ rộng khoảng 1m
Lối vào số nhà 53 Hàng Buồm chỉ rộng khoảng 1m

Tuy vậy, bất chấp nguy hiểm và bí bách, nhiều gia đình vẫn không muốn dời đi, chỉ vì chưa biết nơi mới ra sao, liệu có ổn không:

"Nhà bà ở đây 14,2 m2 có 6 người ở, nhà mục nát hết rồi, mối nó ăn hết vào nhà, nhưng bà ở đây quen rồi không muốn đi đâu cả".

"Ở đây là trung tâm, đi sang nơi mới làm sao mà đi được...Nguy hiểm thì đối với các bà không thành vấn đề lắm".

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chủ trương giãn dân phố cổ nhằm bảo tồn giá trị của phố cổ là hoàn toàn phù hợp, bởi giá trị ấy không chỉ là giá trị vật thể - về hạ tầng, mà còn là giá trị phi vật thể - hồn cốt của đời sống phố cổ. Thế nhưng, trong một thời gian dài Hà Nội mới chỉ đưa ra được chủ trương mà chưa có chính sách thích hợp:

"Bây giờ phải có giải pháp làm sao những chủ nhân ở đó họ có quyền được sống đầy đủ, nếu ta có chính sách tốt và khuyến khích những giao dịch dân sự sẽ là cơ sở quan trọng để phục hồi lại giá trị phố cổ xưa".

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, công cuộc giãn dân phố cổ không đơn thuần là thay đổi về chỗ ở mà còn thay đổi về lối sống và văn hóa. 

"Điều quan trọng di dân ra khỏi phố cổ là đi chỗ khác họ sống thế nào? Những thiết kế đó có nhận được sự đồng thuận của nhân dân không, người ta có muốn ở đấy không? Một điều nữa là 1m2 phố cổ có thể nuôi được cả một gia đình 5 người, nhưng 10m2 ở Việt Hưng có nuôi nổi 1 người không?"

Người dân tại số 53 Hàng Buồm tận dụng lối đi hẹp để nấu ăn
Người dân tại số 53 Hàng Buồm tận dụng lối đi hẹp để nấu ăn

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, đề án giãn dân phố cổ chưa thực hiện thành công là bởi cách làm của Hà Nội không phù hợp với quy luật cuộc sống, trong đó quan trọng nhất vẫn là bài toán lợi ích chưa được giải quyết thỏa đáng.

"Đất trên phố cổ xấp xỉ 1 tỷ đồng/1m2, nếu bồi thường thấp dưới giá đó thì người dân không đi. Các nước họ dùng cơ chế DN hợp tác với người dân cải tạo, sau đó khai thác cho du lịch, lợi ích đó được chia sẻ giữa 2 bên. Còn ta dùng biện pháp hành chính để bắt người dân đi khỏi phố cổ thì tôi tin rằng có thể một vài người xung phong đi, nhưng số đó không nhiều, không đủ để giải quyết cải tạo phố cổ".

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đề án của Hà Nội làm chưa tới, nên khó khận được sự đồng thuận của người dân. Hà Nội cần rà soát và đánh giá tác động của đề án này, sao cho không phá vỡ toàn bộ cuộc sống của người dân phố cổ, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ANTT. 

"Bây giờ phải rà soát lại tất cả những vấn đề từ mục tiêu cho đến biện pháp, xem đề án đó có thực sự khả thi không, hay chỉ cốt là đưa người ta ra khỏi nơi ở hiện tại mà không tương xứng với yêu cầu đặt ra".

Trao đổi với phóng viên VOVGT, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Dự án nhà ở giãn dân phố cổ giai đoạn 1 được chia thành 4 dự án thành phần. Đến nay, một số hạng mục đã thực hiện xong như: Nhà trẻ mẫu giáo; di chuyển Trạm biến áp N19; hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho dự án công trình hỗn hợp.

Riêng dự án xây dựng 16 tòa nhà ở giãn dân vẫn chưa được thực hiện do Thành phố đang tiếp tục điều chỉnh cơ chế đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch kiến trúc.

"Trong thời gian tới UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các sở ngành hoàn chỉnh việc rà soát đề án giãn dân, đề xuất điều chỉnh bổ sung đề án theo chỉ đạo của TP. Sau khi được TP xem xét, phê duyệt điều chỉnh cơ chế đầu tư dự án chúng tôi sẽ có cơ chế cụ thể, điều chỉnh để làm cơ sở xây dựng phương án cũng như các bước lựa chọn nhà đầu tư".

Tường nhà bong tróc, cầu thang mục nát
Tường nhà bong tróc, cầu thang mục nát

Sau hơn 2 thập kỉ đề ra chủ trương, Hà Nội lại tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung Đề án giãn dân phố cổ, nhưng vẫn không đưa ra được mốc thời gian thực hiện cụ thể. Và để đề án đạt được mục tiêu, Hà Nội cần có giải pháp linh hoạt, chứ không chỉ giãn dân một cách cơ học.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Đừng để dân phố cổ sống mòn trên di sản”

Khu phố cổ Hà Nội có khoảng hơn 4.300 biển số nhà. Trong mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống. Trong số gần 1.000 căn nhà có tuổi thọ trên dưới 100 năm, có tới 63% thuộc diện xuống cấp, 12% thuộc diện nguy hiểm và 5% thuộc diện ô nhiễm.Năm 1998 TP. Hà Nội đã đưa ra chủ trương giãn dân phố cổ, với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ

823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Hơn 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người sẽ phải di dời khỏi phố cổ quận Hoàn Kiếm. 5 năm sau đó, đề án này mới chính thức được phê duyệt. 

Đến cuối năm nay là thời điểm kết thúc giai đoạn 2 của đề án, thế nhưng khu nhà ở dành cho giãn dân phố cổ  tại KĐT Việt Hưng-đề ra trong giai đoạn 1,  vẫn chưa được khởi công, do phải chờ...điều chỉnh quy hoạch, rồi xin phép điều chỉnh tầng cao, tầng hầm nhưng không được chấp thuận.

Các chuyên gia nhận định, với vòng luẩn quần này, chưa biết đến bao giờ dự án mới bắt đầu. Ngay cả đến khi được thực hiện thì những thiết kế được duyệt từ cách đây cả thập kỉ cũng đã trở nên lạc hậu.

Trong khi, nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng cách đây 5 năm đã xuống cấp dù chưa kịp sử dụng. Và điều quan trọng là người dân trong diện phải di dời vẫn không sẵn sàng, khi chưa thấy gì đảm bảo cho lợi ích và sinh kế lâu dài của họ.

Các phân tích đều cho thấy, điều cốt lõi để thực hiện giãn dân thành công, đó là phải giải quyết được bài toán lợi ích giữa người dân và với việc bảo tồn di sản. Việc khuyến khích di dân phố cổ bằng chính sách nửa vời sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân, không đạt được mục tiêu của dự án.

Giải quyết bài toán an cư cho người dân tái định cư luôn không đơn giản, nhất là với các cộng đồng dân cư gắn với nét văn hóa đặc trưng lâu đời, như dân phố cổ Hà Nội

Với cách làm đó, Hà Nội vẫn chưa thể triển khai các giải pháp bảo tồn di sản một cách bài bản và hệ thống, trong khi hàng vạn dân phố cổ vẫn phải sống khổ, khắc khoải đời chờ.

Còn nhà cửa, công trình, hạ tầng kỹ thuật đầu tư cho khu giãn dân thì lại ngổn ngang, hoặc làm xong “đắp chiếu”, lãng phí vô cùng. Trách nhiệm với di sản, trách nhiệm với an sinh xã hội cho dân phố cổ, và trách nhiệm với hiệu quả đầu tư công... đều rất khó hoàn thành.

Giải quyết bài toán an cư cho người dân tái định cư luôn không đơn giản, nhất là với các cộng đồng dân cư gắn với nét văn hóa đặc trưng lâu đời, như dân phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, cũng thật khó chấp nhận một đề án quan trọng, mang sứ mệnh lớn lao lại ngổn ngang suốt hơn 20 năm qua, chỉ vì sự nửa vời của chính sách.

Do vậy, ở lần tái khởi động này, Hà Nội phải lấy lại bằng được những gì đã mất, những gì đã mai một do việc thực hiện chưa tới nơi tới chốn đề án giãn dân phố cổ Và việc chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách an cư cho dân phố cổ để họ yên tâm di dời là yêu cầu đầu tiên cần làm cho quá trình tái khởi động.

Để người dân thấy, sự dời đi là một lựa chọn xứng đáng cho tương lai của họ, cho di sản của thành phố, chứ không phải là việc “đặng chẳng đừng”. Và để, dân được an cư, phố cổ kịp còn kịp được bảo tồn trước khi quá muộn./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài các tiêu chí về việc chưa có nhà ở hoặc nhà ở có diện tích dưới 15m2 sàn/người, để được mua thì mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu/tháng.

Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có tới 51% nạn nhân tai nạn giao thông không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện, chỉ có 10,5% nạn nhân được nhân viên y tế sơ cứu và chỉ có 1/3 nạn nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương.

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng ngàn xe ba bánh gắn mác “thương binh” hay xe tự chế vẫn ngày đêm hoạt động gây mất an toàn giao thông. Dù đã có quy định, thế nhưng các hung thần đường phố này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, mặc cho nhiều vụ TNGT thương tâm do các xe này gây ra.

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

Sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Dự kiến trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều địa bàn ở thành phố. Trong đó có nhiều điểm tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe chú trọng giảng dạy kỹ năng lái xe trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc phân kỳ đầu tư.

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

Sáng nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài chính. Nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất là về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Đèn đỏ rẽ phải và những tiếng còi giận dữ

Đèn đỏ rẽ phải và những tiếng còi giận dữ

Tại một số nút giao được phép rẽ phải khi đèn đỏ, tình trạng di chuyển, dừng xe sai làn, chen lấn, dùng còi thúc ép,… diễn ra khá phổ biến.

// //