Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Rác thải cồng kềnh: Giữ không được, vứt không xong

Phóng viên - 11/03/2021 | 5:45 (GTM + 7)

Người dân gặp khó khăn trong việc tìm chỗ vứt rác thải cồng kềnh, trong khi việc vứt rác thải cồng kềnh bừa bãi vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất mỹ quan đô thị. Hiện nay công tác thu gom, quản lý, xử lý rác thải cồng kềnh đang được thực hiện như thế nà

Cần có những cơ chế nào để quản lý việc thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh được tốt hơn?
Cần có những cơ chế nào để quản lý việc thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh được tốt hơn?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Anh Nguyễn Huy Quang ở Yên Phụ, Hà Nội bức xúc kể rằng, mỗi lần nhà có rác cồng kềnh, nhân viên vệ sinh không thu gom, anh phải loay hoay cả buổi để tháo rời, chia nhỏ ra rồi vứt chung với rác sinh hoạt trong vài ngày: 

"Những đồ kích cỡ như sô-pha, giường tủ cũ mỗi lần thay mới vận chuyển vứt đi rất khổ. Nhà tôi trong ngõ rất khó chuyển ra ngoài. Nhiều khi họ từ chối. Phải đập, bẻ gẫy chuyển ra ngoài mất hai ba ngày".

Không dễ tháo rời và chia nhỏ như đồ dùng bằng gỗ, gia đình chị Vũ Thị Hoa ở Tứ Liên, Hà Nội muốn bỏ đi chiếc đệm lò xo sau 3 năm sử dụng thay đệm mới. Khi gọi tới đường dây nóng xử lý rác cồng kềnh của công ty môi trường ở Hà Nội, chị chỉ nhận được cuộc hẹn vô thời hạn. 

Tiễn một bộ sofa cũ ra khỏi nhà, bỏ đi một cái đệm cũ phải chi ít nhất 200.000 đồng. Quy trình xử lý những món rác lớn này đang là nỗi vất vả, khó khăn cho người dân và cả những người thu gom, xử lý rác. 

Nhân viên công ty Cổ phần môi trường Tây Đô cho biết, chỉ khi người dân có số lượng lớn rác quá khổ cần xử lý, công ty môi trường mới nhận thu gom:

"Khổ to phải thuê người chở đi. Dân cứ vứt bừa ra đây vẫn phải dọn. Nhưng ví dụ có nhiều khoảng một ô tô có ô tô xử lý".

Để xử lý nhanh gọn, hàng xóm nhiệt tình tư vấn cho chị Hoa dịch vụ tự phát của các chị ve chai, xe thương binh tới thu lượm hoặc chở rác cồng kềnh đi vứt có giá dao động từ 200.000 - 500.000:

"Có cái đệm cao su phải thuê người tới chở đi vứt. Ông ba gác chuyên nhận những pha dọn đồ kiểu vậy".

Và vứt đi đâu thì chỉ họ được biết:

"Vứt ra bờ sông chứ vứt đi đâu. 200.000 tối đi vứt. Trong ngày khó lắm. Đúng luật mang ra bãi thải ấy ở Sóc Sơn".

Chỉ cần rác cồng kềnh được tiễn ra khỏi nhà, nhiều gia đình không quan tâm chúng đi đâu về đâu. Đây là lý do hàng loạt bãi rác thải không đúng quy định mọc lên như nấm, chất đầy bàn ghế, giường tủ, sô pha "hết đát" do các xe ba gác chở ra đổ trộm.

Những bãi rác vô chủ này vừa gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan lại gây cản trở giao thông. Không chỉ vất vả và tốn công sức để tiễn rác ra khỏi nhà, khi mang đi chôn lấp chung với rác sinh hoạt, rác "khổng lồ" chiếm diện tích lớn, khó phân hủy.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo KTS Đinh Đăng Hải- Chuyên gia cao cấp của tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam, hệ thống thu gom rác hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc: 

"Hệ thống thu gom vận chuyển của chúng ta chưa đáp ứng. Rác cồng kềnh, chúng ta không thể nào thu bằng xe thu gom nhỏ. Ví dụ như là những cái xe và các thùng rác 240 lít. Các xe vận chuyển rác từ nội thành đến bãi rác cũng không đáp ứng được. Các xe cuốn ép thì cũng rất là khó có thể cuốn ép các loại đồ đạc cồng kềnh".

Đại diện của Công ty TNHH Một Thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, các đơn vị thành viên của công ty tại 4 quận nội thành Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và quận Nam từ Liêm sẽ thực hiện việc thu gom, xử lý rác cồng kềnh nếu nhận được thông báo của người dân có nhu cầu.

Sau đó vận chuyển về các điểm trung chuyển để chia nhỏ và xử lý như rác thải sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, số lượng cuộc gọi yêu cầu rất ít và chủ yếu tập trung vào cuối năm. 

Đối với những rác thải cồng kềnh phát sinh tự phát ở ngoài đường, các nhân viên môi trường buộc phải thực hiện việc thu gom, xử lý chung với rác sinh hoạt nhưng làm phát sinh về nhân công, trang thiết bị và chi phí. Trong khi, thành phố Hà Nội hiện nay chưa có các quy định cụ thể cũng như đơn giá về xử lý loại rác thải này.

Hiện mới chỉ có quận Hoàn Kiếm thực hiện việc chi trả chi phí về nhân công khi phát sinh lượng rác thải cồng kềnh trên địa bàn. Ông Hoàng Văn, Trưởng phòng điều hành sản xuất Urenco chia sẻ khó khăn đơn vị đang gặp phải:

"Công ty môi trường đã đề nghị các chủ đầu tư sắp xếp các vị trí trên địa bàn quận để người dân mang các loại rác thải cồng kềnh đến tập kết để công ty có hướng xử lý. Nhưng hiện nay chưa có quận nào có vị trí đó".

Tại TP.HCM, dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải cồng kềnh được thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, đơn giá dịch vụ công ích cao, ít nhất là 1 triệu đồng cho một món đồ, nên từ lúc thông báo đơn giá vào quý 3 năm 2020, chưa có trường hợp nào liên hệ với công ty môi trường để xử lý rác thải.

Để giải quyết vấn đề xử lý rác thải cồng kềnh, chính quyền nhiều đô thị trên thế giới thành lập các Trung tâm tiếp nhận các loại chất thải cồng kềnh, sau đó phân loại, những đồ dùng vẫn còn sử dụng được sẽ được cung cấp miễn phí hoặc bán giá thấp cho những người có nhu cầu, số còn lại sẽ được tiếp tục xử lý.

Tại thành phố Mito, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, các cơ sở tư nhân sẽ chịu trách nhiệm thu gom các loại tủ lanh, máy giặt, đàn piano… Người dân có nhu cầu thu gom sẽ liên hệ với các cơ sở thu gom tư nhân và chi trả mức phí khoảng 650 nghìn đồng với tủ lạnh và khoảng 1 triệu đồng đối với máy giặt.

Riêng đối với những loại rác như: giường, bàn ghế, lò vi sóng… người dân sẽ phải liên hệ qua Trung tâm thu rác để đặt chỗ, thông báo ngày thu gom và mua phiếu vứt rác dán lên chất thải cần thu gom. Bà Đỗ Thị Thu Trang, Tiến sĩ ngành quản lý chất thải rắn, trường đại học Okayama, Nhật Bản, cho biết:

"Bạn sẽ phải mua tem vứt rác ở những cửa hàng được chỉ định. Mỗi một tem vứt rác ở thành phố Mito có giá trị 100 nghìn đồng. Đối với một món đồ có tổng chiều dài 3 cạnh nhỏ hơn 3 mét dán 1 phiếu. Trên 3 mét và dưới 5 mét dán 2 phiếu thì dán 2 tem vào".

Việc vứt rác không đúng quy định hoặc đốt rác ở quốc gia này bị xử lý rất nghiêm khắc. Theo đó, nếu vi phạm mức phạt tiền có thể lên tới 2 tỷ đồng hoặc phạt 5 năm tù giam. 

Vấn đề xử lý rác thải đô thị nếu không xử lý tốt có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và sự phát triển kinh tế của mỗi đô thị

Số lượng rác thải kích thước lớn có xu hướng ngày càng tăng tại các đô thị làm gia tăng áp lực lên môi trường và cảnh quan đô thị. Trong khi đó, việc xử lý loại rác này đang thiếu những quy định và cơ chế rõ ràng. Để giải quyết được những bất cập hiện nay, chính quyền mỗi địa phương cần đặt sự quan tâm hơn nữa đối với loại rác này.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Xử lý rác thải cồng kềnh: đợi chờ đến bao giờ?

Ghế sofa, giường, tủ, nệm…đã cũ bị vứt chỏng chơ ở bên vệ đường, có khi ngay bên cạnh bờ sông là hình ảnh thường thấy ở các đô thị lớn. Nó khiến cho cảnh quan đô thị thêm nhếch nhác, môi trường đất, nước bị đe doa nghiêm trọng vì những chất liệu như da, kim loại… không được xử lý.

Nghich lý ở chỗ, người dân muốn được đem rác đi vứt thì không có chỗ hoặc chi phí xử lý quá cao. Trong khi các đơn vị thu gom lại thiếu trang thiết bị, cơ chế tài chính và nhân lực để thực hiện.

Việc thiếu các quy định trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chất thải có kích thước lớn không được xử lý hiệu quả.

Để giải quyết bài toán thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, trước hết, chính quyền thành phố cần bổ sung thêm những quy định liên quan đến lĩnh vực này. Ngoài việc sớm xây dựng và ban hành Đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thành phố cũng cần nhanh chóng ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển làm căn cứ để các địa phương thực hiện.

Tùy theo điều kiện thực tế và kinh tế của địa phương mình, chính quyền các quận, huyện sẽ lựa chọn những đơn vị và mô hình thu gom rác thải cồng kềnh phù hợp.

Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, cùng các trung tâm hoạt động về môi trường tổ chức những ngày hội thu gom rác vừa là cách thức thu gom hiệu quả vừa nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn.

Tuy nhiên, để hình thành thói quen và tạo sự tiện lợi cho người dân trong việc xử  lý rác thải cồng kềnh, các địa phương cũng sớm bố trí các điểm tập kết ngay gần các khu dân cư; thông báo về cách thức và thời gian, địa điểm thu gom để người dân dễ dàng.

Song song với đó, chính quyền các quận, huyện cũng cần thực hiện các biện pháp giám sát quá trình thực hiện như lắp camera, tăng cường sự giám sát của người dân xung quanh và có các biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm, không tuân thủ và thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định.

Về phía các đơn vị môi trường cần xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh, phân cấp theo từng khu vực. Tăng cường hoạt động tái chế, tái sử dụng trước khi chuyển đến các địa điểm xử lý.

Vấn đề xử lý rác thải đô thị nếu không xử lý tốt có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và sự phát triển kinh tế của mỗi đô thị.

Bởi vậy, Chính quyền các địa phương cần sớm có ban hành những kế hoạch, điều chỉnh các quy định, phân công trách nhiệm cụ thể và ban hành những cơ chế tài chính rõ ràng đối với hoạt động xử lý thu gom rác thải cồng kềnh nói riêng và rác thải sinh hoạt nói chung. Có như vậy, chất lượng môi trường của thành phố mới được bảo vệ và phát triển bền vững trong tương lại.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Lắp camera phạt nguội xe máy ở Vành đai 2 trên cao: Khó xác định chủ sở hữu và lái xe

Lắp camera phạt nguội xe máy ở Vành đai 2 trên cao: Khó xác định chủ sở hữu và lái xe

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng vi phạm giao thông trên đường Vành đai 2 trên cao, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đề xuất lắp đặt thêm camera phạt nguội trên tuyến đường này.

Trừ điểm giấy phép lái xe: Thận trọng và không nóng vội

Trừ điểm giấy phép lái xe: Thận trọng và không nóng vội

Việc Bộ Công an đề xuất quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp tới đây là khá mới mẻ.

Bitcoin tăng giá kỷ lục: Dẫn dắt hay làm lạc hướng?

Bitcoin tăng giá kỷ lục: Dẫn dắt hay làm lạc hướng?

Chúng ta đã chứng kiến sự tăng giá rất mạnh của đồng tiền kĩ thuật số Bitcoin trong thời gian gần đây. Các chuyên gia thậm chí còn dự báo giá đồng tiền “ảo” này có thể đạt tới 100.000 USD, một con số khó tin.

Sáng tỏ quy định để niềm tin không mù quáng

Sáng tỏ quy định để niềm tin không mù quáng

Thời gian qua, nhiều vụ việc trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo đã xảy ra với muôn hình vạn trạng. Có thể kể đến vụ việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày vật thể gọi là “xá lợi tóc Phật” khiến dư luận bất bình.

Người nào xấu xí...

Người nào xấu xí...

Trong văn hoá của chúng ta, thường được nghe: Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại. Có lẽ vì vậy mà như một phản xạ có điều kiện được tôi rèn qua thời gian, nhiều người trong chúng ta rất ngại khi phải thừa nhận sai lầm của mình, và rất khó khăn trong việc tiếp nhận những lời nhận xét trái tai…

Sở hữu ô tô ngày càng đắt đỏ do chi phí sửa chữa tăng ‘phi mã’

Sở hữu ô tô ngày càng đắt đỏ do chi phí sửa chữa tăng ‘phi mã’

Sở hữu xế đẹp, xe sang là mong muốn của rất nhiều người. Tuy nhiên, ít ai biết ô tô càng hiện đại chi phí ‘nuôi’ xe càng tốn kém. Thời gian gần đây, phí sửa chữa ô tô lại tăng phi mã, khiến ngay cả những chủ ‘xe cỏ’ cũng ‘méo mặt’ khi nhận hóa đơn sửa xe với mức giá trên trời.

Cho thuê xe buýt điện làm xe cưới để đa dạng hoá nguồn thu

Cho thuê xe buýt điện làm xe cưới để đa dạng hoá nguồn thu

Tại Trung Quốc, các cặp đôi thường phải thuê một đoàn khoảng 10 chiếc sedan mới chở đủ khách mời tới lễ đường. Do đó, hiện nhiều người lựa chọn thuê hẳn một chiếc xe buýt giúp thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon. Xu hướng này đang ngày càng được ưa chuộng trong giới trẻ tại quốc gia này.

// //