Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Quản lý GPLX bằng điểm: Có nên thưởng điểm?

Phóng viên - 03/09/2020 | 14:41 (GTM + 7)

Chính phủ khẳng định việc cộng, trừ điểm trong giấy phép lái xe chỉ là một biện pháp quản lý, chứ không phải là hình thức xử phạt hành chính. Trên thế giới, bên cạnh việc trừ điểm, tài xế còn được thưởng thêm; tích luỹ tối đa 30 điểm.

Trừ điểm GPLX: Không còn cơ chế xin - cho

Vừa qua  (2/9), lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm.

Nội dung trên được Chính phủ thống nhất đưa vào nghị quyết 123 sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8. Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Theo Cục CSGT, việc này nhằm khuyến khích tài xế chấp hành tốt quy định của Luật Giao thông và đảm bảo việc công bằng, thưởng phạt phân minh. Ngoài ra, Chính phủ cũng khẳng định việc cộng, trừ điểm trong giấy phép lái xe chỉ là một biện pháp quản lý, chứ không phải là hình thức xử phạt hành chính. 

Chia sẻ với VOV Giao thông, nhiều thính giả đồng tình với đề xuất mới này, cộng, trừ điểm giấy phép lái xe sẽ giúp các lái xe có ý thức hơn về an toàn và chấp hành các quy định khi tham gia giao thông:

“Cái chính là tạo ý thức cho người dân tham gia giao thông. Ngoài ra cũng tránh được tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông. Không xin xỏ được nữa, thế thì mỗi người khi tham gia giao thông sẽ dần tự nâng cao ý thức cho mình. Cứ căn cứ theo số điểm mà làm, hết thì thi lại còn thì năm sau cộng tiếp. Như vậy là hợp lý”. (Anh Hoàng Quân, lái xe taxi Hà Nội)

Bên cạnh việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, nhiều thính giả cũng bày tỏ quan điểm nên chú trọng thêm vào giáo dục luật giao thông trong nhà trường:

“Học sinh tham gia giao thông trên đường cũng nhiều. Có đội mũ đâu? Chưa kể lạng lách, đánh võng.. thế thì cũng cần phải đưa vào chương trình giáo dục. Đánh vào tâm lý phụ huynh học sinh. Không thể đổ lỗi cho việc bận, mà phụ huynh để các em điều khiển giao thông khi chưa có GPLX cũng như những kiến thức về luật giao thông được”.  (Chị Mai Trang, trú tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội)

Về phía trường đào tạo lái xe, anh Đức Dũng - một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại trường Cao Đẳng Nghề Công Nghiệp nhận định, nếu học không đầy đủ thì sẽ không biết đường mà xử lí tình huống. Chẳng những ảnh hưởng cho mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.

“Như thế thì phải học thật, thi thật thôi. Kiến thức cơ bản không nắm vững, nếu có mua bằng ra ngoài cũng bị trừ hết điểm mà phải thi lại”.

Nhận định về đề xuất trừ điểm trên GPLX, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc công ty luật S&B cho rằng, việc trừ điểm trên GPLX được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, để áp dụng cần phải đầu tư hệ thống quản lý tích hợp dữ liệu, công khai, minh bạch, rõ ràng cho người dân hiểu và đồng tình, hạn chế tình trạng có sự can thiệp của con người, cơ chế xin – cho.

"Quan trọng nhất là vấn đề thực thi trong thực tế vì đôi khi chưa có sự công bằng khi xử phạt. Người vi phạm có thể sử dụng mối quan hệ, xin xỏ để không bị trừ điểm. Do vậy, phải công bằng với tất cả mọi người, có như thế giải pháp này mới có hiệu quả".

Có phạt có thưởng

Quả thật, từ năm 1988 tại Anh, hệ thống điểm bằng lái đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm giao thông đường bộ, mỗi bằng lái có tổng quỹ điểm là 12. Nếu vi phạm, ngoài phạt tiền, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, tài xế còn bị tính điểm phạt.

Tùy từng mức độ và lỗi vi phạm, mà số điểm bị phạt cũng khác. Sau khi bị phạt, số điểm trừ này được lưu trên hồ sơ lái xe trong vòng 4 năm, với các lỗi nặng điểm phạt có thể tồn tại tới 11 năm. Những ai bị phạt quá 12 điểm trong 3 năm sẽ bị treo bằng. Mặt khác, đối với các tài xế mới, chỉ cần bị trừ 6 điểm trong 2 năm đầu đã phải thi lại GPLX cả lý thuyết lẫn thực hành.

Theo các chuyên gia, quy định trừ điểm bằng lái giúp tài xế nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, bởi chỉ cần vi phạm vài lỗi nhỏ là đã đủ 12 điểm và bị tước quyền lái xe. Bên cạnh đó, hệ thống điểm được lưu trong hệ thống dữ liệu bằng lái, sẽ được cập nhật ngay sau khi xử phạt. Cảnh sát giao thông khi xử lý chỉ cần tra trên máy có thể biết tài xế còn bao nhiêu điểm.

Không chỉ tại Anh, Trung Quốc cũng áp dụng hình thức trừ theo thang 12 điểm trên giấy phép lái xe từ năm 2003. Còn tại Mỹ, ngoài việc bị tước bằng lái nếu hết 12 điểm, tài xế sẽ phải đóng mức bảo hiểm xe cao hơn.

Có phạt ắt có thưởng như tại Italia, bên cạnh việc trừ điểm lỗi vi phạm, cơ quan chức năng còn cộng 2 điểm thưởng, nếu tài xế trong 2 năm không vi phạm luật giao thông. Số điểm này sẽ được tích lũy cho đến khi đạt tối đa là 30 điểm.

Trừ điểm bằng lái được đánh giá là cách quản lý rõ ràng, minh bạch đồng thời bảo đảm tính răn đe.

Dưới đây, VOVGT giới thiệu lại bài bình luận trước đó về vấn đề trừ điểm GPLX“Điểm thưởng trên bằng lái, tại sao không?”

Trong đề xuất của Bộ Công an về hình thức quản lý điểm bằng lái, người sở hữu bằng lái có “số vốn” 12 điểm. Khi vi phạm Luật giao thông đường bộ và bị trừ hết điểm số, người đó sẽ phải thi, sát hạch bằng lái lại. Đây là cách thức quản lý được nhiều nước áp dụng và cho hiệu quả tốt trong việc răn đe, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện.

Những hành vi lâu nay vốn bị xem nhẹ sẽ được đưa vào nhóm hành vi bị trừ điểm trên bằng lái, như: chạy quá tốc độ, sử dụng giấy đăng ký xe hết hạn, lấn làn, sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), sử dụng ô, dù với mô tô, xe gắn máy, không nhường đường cho xe xin vượt khi đủ điều kiện an toàn, dừng, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định…

Người lái xe sẽ ý thức rõ ràng hơn về những hành vi họ vẫn nghĩ là “nhỏ nhặt” nhưng có thể dẫn đến sự mất tập trung sau vô-lăng, gây hậu quả thảm khốc. Nguy cơ phải thi lại bằng lái với độ khó ngày một tăng lên cũng hiển hiện ngay trước mắt. Khi càng bị trừ nhiều điểm, “số vốn” càng tiến về 0, tài xế sẽ càng phải thận trọng và tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATGT.

Lợi ích của việc trừ điểm trên bằng lái là vậy. Còn việc cộng điểm thưởng khi có một thời gian dài liên tiếp không vi phạm Luật giao thông đường bộ, khi thực hiện nghĩa cử trên đường và nhận bằng khen của các tổ chức, đơn vị có thẩm quyền?

Tại sao không!

Nếu như việc trừ điểm dần trong kho 12 điểm giúp tài xế có cơ hội nhận diện kỹ năng và ý thức lái xe của mình, thì việc cộng điểm thưởng sẽ cụ thể hóa được sự ghi nhận mà xã hội, cộng đồng và cơ quan chức năng dành cho sự gương mẫu của người tài xế đó.

Ngoài cộng điểm thưởng, dự thảo có lẽ cũng cần nêu thời hạn tồn tại các điểm trừ. Bởi như đã đề cập, pháp luật luôn hướng tới giáo dục định hướng người dân tự giác chấp hành là chính, chứ không phải chăm chăm vấn đề xử phạt.

Các điểm trừ sau một thời gian nhất định nếu tài xế không vi phạm thêm, sẽ được xóa. Đây cũng là cách để khuyến khích người dân đi lại đúng luật, và là cơ hội sửa sai cho những tài xế “lỡ” vi phạm vì những lý do khách quan, như bất cập hạ tầng, những tình huống bất khả kháng trên đường.

Một quy định, nếu dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, lại thấu tình đạt lý, khiến đối tượng chịu ảnh hưởng “tâm phục khẩu phục” khi chấp hành, thì chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có tới 51% nạn nhân tai nạn giao thông không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện, chỉ có 10,5% nạn nhân được nhân viên y tế sơ cứu và chỉ có 1/3 nạn nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương.

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài các tiêu chí về việc chưa có nhà ở hoặc nhà ở có diện tích dưới 15m2 sàn/người, để được mua thì mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu/tháng.

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Khi xe ba gác, xe giả thương binh thành hung thần giao thông

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng ngàn xe ba bánh gắn mác “thương binh” hay xe tự chế vẫn ngày đêm hoạt động gây mất an toàn giao thông. Dù đã có quy định, thế nhưng các hung thần đường phố này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, mặc cho nhiều vụ TNGT thương tâm do các xe này gây ra.

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

TP.HCM: Thêm gần 300 điểm xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các tuyến Metro

Sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Dự kiến trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều địa bàn ở thành phố. Trong đó có nhiều điểm tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

“Nóng” vấn đề ép mua bảo hiểm

Sáng nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài chính. Nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất là về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe chú trọng giảng dạy kỹ năng lái xe trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc phân kỳ đầu tư.

Hoang mang vì đèn tín hiệu giao thông

Hoang mang vì đèn tín hiệu giao thông

Gần 3 tháng nay, trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn gần cầu Rạch Chiếc, hướng từ thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến thành phố Cần Thơ xuất hiện một trụ đèn tín hiệu giao thông ở vị trí chỉ một con đường thẳng. Chính điều này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.

// //