Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Phòng chống tác hại của rượu bia không chỉ vì an toàn giao thông

Phóng viên - 14/01/2020 | 16:19 (GTM + 7)

Không chỉ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ tạo điều kiện để tạo những chuyển biến căn bản về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, bạo lực gia đình và sức khỏe cộng đồng. Song, làm thế

việc lạm dụng rượu bia ở mức nguy hại khiến sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 
Việc lạm dụng rượu bia ở mức nguy hại khiến sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Không khó để bắt gặp hình ảnh những cuộc rượu “tới bến”, để rồi không ít người gặp vấn đề về sức khỏe về thể chất, về tinh thần. Trả lời về lý do lạm dụng rượu bia dù biết rõ tác hại của nó, một số ý kiến cho biết:

“Thì có nhiều lý do, thứ nhất bạn bè vui vẻ, đình đám, ở nông thôn thì nó đình đám nhiều, bạn bè các thứ đông lại hay rủ rê nên nhiều khi uống hơi quá”.

“Một phần do công việc hay phải đi giao tiếp, do các mối quan hệ phải uống, thứ 2 là do bạn bèn. Bạn bè bọn em thì nhiều, mỗi bạn mời một chén cũng hơi bị quá chén”.

Nhưng thực tế, không ít trường hợp do lạm dụng bia rượu, đã phải chuyển thẳng từ bàn rượu vào bệnh viện vì bị ngộ độc rượu. Và cũng có những ca do lạm dụng rượu quá lâu dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Bà Trần Thị Xuân Hằng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Thư ký dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia cho biết, năm 2017, cả nước tiêu thụ khoảng 300 triệu lít rượu và gần 4,1 tỷ lít bia. 

Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam là nước có tốc độ gia tăng sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%. Theo bà Hằng, việc lạm dụng rượu bia ở mức nguy hại khiến sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 

“Rượu bia là nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó những tác hại về xã hội, về kinh tế, riêng TNGT đã chiếm 1% GDP của Việt Nam. Bên cạnh đó thì thiệt hại về mối quan hệ xã hội, về gia đình, bạo lực, an ninh trật tự cũng rất nhiều”.

Bác sĩ Lương Văn Chương, Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Xanh-Pôn (Hà Nội) cho biết, trước đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, trong đó có khoảng 20-30 ca tai nạn thương tích, TNGT có tác nhân do bia rượu. Từ ngày 1/1/2020, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực, số ca tai nạn, chấn thương do bia rượu giảm xuống dưới 10 ca:

“Lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia thực sự đã có dấu hiệu giảm rất rõ rệt. Tất nhiên, thời gian mới có 2 tuần thì chúng tôi chưa có con số cụ thể, nhưng chuyển biến ban đầu chúng tôi thấy rất rõ”.

Là một trong những thành viên tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, BS Nguyễn Trọng An, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, việc lạm dụng rượu bia không chỉ để lại hậu quả trước mắt là những ca ngộ độc, mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và rối loạn tâm lý, hành vi của người dân. 

Dẫn chứng về số liệu được cơ quan chức năng công bố, mỗi năm cả nước có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có sử dụng rượu bia, BS Nguyễn Trọng An cho rằng, rượu bia cũng là tác nhân trực tiếp của không ít vụ gây rối trật tự xã hội:

“Nhẹ thì lơ mơ, buồn ngủ, rồi giảm tầm nhìn, nặng nữa thì không kiểm soát được hành vi, và có thể bị sai lệch đi. Vì không kiểm soát được hành vi cho nên dẫn đến bạo lực gia đình, và vấn đề nữa là gây ra các nguy cơ rất cao rối loạn xã hội đó là hiếp dâm, những vụ đâm chém nhau, vi phạm pháp luật”.

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cũng cho biết, có khoảng 30 - 50% các vụ bạo lực gia đình, vợ chồng lục đục dẫn tới ly hôn có nguyên nhân từ bia rượu. Chính vì vậy, theo bà Ngọc Anh,  Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2020 sẽ là cơ hội để cải thiện tình trạng lạm dụng rượu bia tại Việt Nam:

“Luật Phòng chống rượu bia đã đi vào cuộc sống và có những giải pháp can thiệp mang tính chất vừa tuyên truyền, giáo dục, vừa là mang tính chất răn đe và xử lý mạnh thì tôi nghĩ rằng đấy là một trong những việc làm vô cùng nhân văn và hiệu quả, có tác dụng tốt trong xã hội, không chỉ giảm thiểu tình trạng TNGT, mà còn giảm tất cả những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình”.

Các ý kiến cũng chỉ rõ, việc các cửa hàng, quán bia rượu vắng khách thời gian qua là dấu hiệu đáng mừng trong chuyển biến về nhận thức của người dân về mức độ tác hại của rượu bia đối với người dân và người tham gia giao thông. 

Đi cùng với việc xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, cần sự chung tay của các đoàn thể, các cấp chính quyền để góp phần hạn chế tác hại của rượu bia đối với đời sống xã hội.

Một khi đã “bốc thuốc liều cao” mà vẫn để “nhờn”, thì coi như vô phương cứu chữa
Một khi đã “bốc thuốc liều cao” mà vẫn để “nhờn”, thì coi như vô phương cứu chữa

Để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua đã là một nỗ lực rất lớn, một hành trình không dễ dàng. Nhưng dưới góc nhìn của VOVGT, để luật này đi vào cuộc sống thì cần quyết tâm cao hơn gấp nhiều lần. Bởi một khi đã “thuốc đã nhờn” thì còn nguy hiểm hơn gấp vạn lần so với khi chưa bốc thuốc kê đơn.

Quyết không thể để “nhờn” khi đã “bốc thuốc liều cao”

Trả lời báo chí mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Đặng Thuần Phong - Người chủ trì thẩm tra Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho hay, bản thân ông đã phải chịu sức ép ghê gớm, thậm chí cho đến khi Luật đã ban hành mà vẫn chưa hết áp lực từ những dư luận trái chiều.

Trước đó, khi Dự thảo luật này đang được đưa ra lấy ý kiến, trong một lần trả lời trực tiếp thính giả của VOVGT về nguy cơ: một số quy định có dấu hiệu bị nới lỏng hơn trước do tác động của lợi ích nhóm, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thừa nhận sự tồn tại nguy cơ này, nhưng khẳng định: người dân có thể yên tâm, bởi tuyệt đại đa số các lá phiếu ở Nghị trường vẫn được quyết định bởi lương tri và trách nhiệm.

Sự ế ẩm của các nhà hàng, quán nhậu trong những ngày vừa qua, phần nào cho thấy, cuộc đấu tranh đã từng diễn ra không hề dễ dàng trước đó, để Luật Phòng chống tác hại của bia rượu được ban hành. Phản ứng tâm lý của người tham gia giao thông chỉ là một phần. Áp lực lớn hơn đến từ sự giằng co giữa các lợi ích: một bên là lợi ích của cộng đồng, với một bên là lợi nhuận khổng lồ của các nhà sản xuất kinh doanh bia rượu.

Không thể phủ nhận, công nghiệp bia rượu và các ngành kinh doanh, dịch vụ liên quan đã và đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Nhưng mức độ hủy hoại của bia rượu đối với sự tồn tại, phát triển lành mạnh của cộng đồng xã hội lớn hơn rất nhiều lần, và thực sự đã trở thành vấn nạn.

Sau mỗi dịp Lễ, Tết, song hành với các con số thống kê TNGT là những trường hợp ẩu đả, hành hung, thậm chí tước đoạt mạng sống của nhau vì bia rượu.

Hàng chục triệu người đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật từ thói quen lạm dụng bia rượu gây ra. Bóng ma bạo lực, bạo hành phủ bóng lên nhiều gia đình có sự “tiếp tay” của rượu bia. Rất nhiều vụ xâm hại trẻ em và phụ nữ có chất xúc tác từ bia rượu. 

Với sự lây lan và ngày càng phổ biến của thói quen nhậu nhẹt từ người trưởng thành đến người trẻ, tình trạng lạm dụng rượu bia đang bào mòn cả về kinh tế, về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm suy giảm không chỉ năng suất lao động, năng lực tư duy, giảm chất lượng giống nòi, mà còn làm “xói mòn” nhân cách, làm méo mó nhiều quan hệ xã hội và thói quen ứng xử.

Còn trong giao thông, hậu quả khỏi cần phải nói thêm.

Từ một thành tựu của văn minh, rượu bia – khi được sử dụng theo cách lạm dụng vô tội vạ như vậy, không những làm suy giảm sự văn minh xã hội, mà còn có nguy cơ kéo lùi sự phát triển.

Bởi vậy, việc chấp nhận hi sinh những lợi ích kinh tế để đổi lấy các giá trị nhân văn bền vững cho xã hội, cho tương lai đất nước là một quyết định đúng đắn, một lựa chọn thực sự dũng cảm.

Sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, do vậy được người dân hết sức đồng tình ủng hộ và mong chờ. Đó không chỉ là cơ hội cho một bước ngoặt của an toàn giao thông, mà còn là cơ hội lớn cho an ninh đời sống, cho sức khỏe cộng đồng, cho những quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ hơn.

Với tập quán ẩm thức đã có hàng trăm năm nay, với thói quen nhậu nhẹt hàng chục năm nay, chắc chắn, hành trình để Luật đi vào cuộc sống sẽ rất gian nan. Và để những cơ hội đó biến thành hiện thực, thì quá trình tổ chức thực hiện Luật này cần một quyết tâm, nỗ lực cao hơn rất nhiều lần so với quá trình xây dựng, ban hành.

Mọi sự xuê xoa, buông lỏng quản lý, hoặc thỏa hiệp từ những người có trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực thi có thể dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, “trên nóng dưới lạnh”.

Đó là khả năng không được phép xảy ra. Bởi một khi đã “bốc thuốc liều cao” mà vẫn để “nhờn”, thì coi như vô phương cứu chữa./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //