Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Phơi nhiễm với khói thuốc thụ động: Cần nắm người có tóc

Phóng viên - 03/06/2019 | 10:10 (GTM + 7)

Người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào mình mà còn làm hại cả người xung quanh. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì có một người hít phải khói thuốc thụ động.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tại bến xe Mỹ Đình, bảng “Cấm hút thuốc” được gắn ở tất cả các cửa ra vào, nhà chờ. Tuy nhiên, gần như chẳng ai quan tâm đến nó. Ảnh: Lao động

Tại bến xe Mỹ Đình, biển cấm hút thuốc được treo hầu hết tại các nhà chờ, điểm đỗ và khu vực lên xuống xe.

Lãnh đạo bến xe cho biết, đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến cán bộ công nhân viên, hành khách về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, không khó để chứng kiến hình ảnh nhiều người vẫn "vô tư" nhả khói bên trong khuôn viên bến xe.

Đáng chú ý, theo quan sát của phóng viên, gần như 100% các quầy bán hàng (chủ yếu là gánh hàng rong, các quán trà đá vỉa hè) quanh khu vực bến xe Mỹ Đình vẫn bày bán thuốc lá dù không đưa ra được bất cứ giấy phép nào theo quy định.

Chị Mai Anh, sinh sống tại quận Ba Đình và đang mang bầu ở tháng thứ 6, bức xúc trước tình trạng phải hút khói thuốc lá của người khác: “Tôi thường bắt gặp nhiều trường hợp hút thuốc lá và tôi rất khó chịu. Thường ở những nơi đấy người ta đã treo biển cấm rồi nhưng họ vẫn cố tính vi phạm, rất vô ý thức. Khói thuốc đấy làm nhiều người rất khó chịu vì thời tiết nóng thế này khiến người rất khó chịu, bực mình và ảnh hưởng đến môi trường”.

Trong khi đó, anh Tiến Anh, sinh sống ở quận Cầu Giấy, cho rằng, có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được ban hành, nhưng chưa hiệu quả vì anh chưa thấy ai hút thuốc lá nơi công cộng bị xử phạt. “Người hút thuốc nơi công cộng tôi cũng thấy chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra xử phạt. Khi luật đưa ra mà chưa có cơ quan chức năng thi hành luật thì sẽ nhờn luật”.

Thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.

Ở Việt Nam, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà cao hơn nhiều so với tại nơi làm việc. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ 50 - 70%. Người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào mình mà còn làm hại cả người xung quanh. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì trong đó có một người hít phải khói thuốc thụ động.

Rõ ràng, việc buông lỏng kiểm soát quy định hút thuốc lá đã dẫn đến hậu quả khôn lường mang tên “Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam, nước ta hàng năm thu thuế tiêu thụ thuốc lá từ ngành thuốc lá khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nước ta đang tiêu tốn trên 55.000 tỷ cho việc chữa chạy các loại bệnh do thuốc lá gây ra.

“Trong khi đó thì người dân lại tiêu thụ thuốc lá cũng vào khoảng 31.000 tỷ nữa. Chúng ta có luật pháp nhưng thực hiện không nghiêm, đặc biệt là có một sự tiếp tay của nhóm lợi ích đã làm cho ngành công nghiệp thuốc lá hoành hoành ở nước ta như thế này và gây hại cho người dân mà không có thể kiểm soát được”.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An khẳng định, việc hút thuốc lá bừa bãi, không chịu chế tài xử lý ở các khu vực công cộng như bến tàu, bến xe, ô tô buýt đang tạo ra một lớp cư dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ phơi nhiễm khói thuốc thụ động.

"Những người mà bị hút thuốc lá thụ động, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em mà ở những nơi công cộng như thế thì cực kỳ nguy hiểm”.

Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì trong đó có một người hít phải khói thuốc thụ động

Bà Lê Thị Thu - Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe tại Việt Nam chia sẻ, từ khi có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012,đến nay, tỷ lệ hút thuốc chủ động đã giảm, năm 2010 tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam giảm từ 47,4%  xuống còn 45,3 % năm 2015. Trong khi đó,tỷ lệ hút thuốc thụ động trong nhà và nơi làm việc đều giảm, nhưng tỷ lệ giảm vẫn ở mức khiêm tốn.

Đại diện Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe bày tỏ quan điểm, Việt Nam cần thực thi môi trường không khói thuốc một cách quyết liệt hơn.

“Việc tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính phòng chống tác hại thuốc lá cũng cần đẩy mạnh hơn nữa và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Khi nhận thức của chúng ta đã có đầy đủ mà chúng ta vẫn vi phạm thì đó là hành vi. Mà khi hành vi đã xảy ra  thì cần phải có những chế tài cũng như có những cái xử lý mới mong là giảm được phơi nhiễm với khói thuốc thụ động”.

Không chỉ thiếu hiệu quả trong thực thi chế tài xử phạt, nhận thức của người dân trong việc hạn chế hút thuốc lá thụ động cũng chịu tác động từ tình trạng quảng cáo, khuyến mãi và tiếp thị vẫn hiện diện nơi công cộng.

“Vấn đề liên quan đến tiếp thị vẫn còn ở đâu đó, thông qua các cô gái bán hàng tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là ở các quán café thì vẫn còn, hoặc ngay cả ở những quán bia. Việc vi phạm trưng bày vẫn rất phổ biến, cả ở những cửa hàng bán lẻ người ta cũng trưng bày rất là nhiều. Chính vì vậy cần có những cái xử phạt kịp thời để làm thế nào giảm được vi phạm về trưng bày”.

Một chi tiết khác liên quan đến tài trợ, hiện Luật quy định cấm tài trợ, nhưng cho phép một số các hoạt động tài trợ thuốc lá liên quan đến xóa đói giảm nghèo, hoặc là liên quan đến những cái khẩn cấp về mặt thiên tai. Dù việc tài trợ đó không được công bố trên các thông tin đại chúng, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Đồng tình quan điểm này, Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng cho biết, chính sách phòng chống tác hại thuốc lá cần nhất quán, tránh sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

“Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm của chúng tôi cũng đã có kiến nghị và quốc tế cũng đã có kiến nghị, đề nghị Việt Nam thực hiện nghiêm túc điều 5.3 của công ước khung quốc tế FCCC về phòng chống tác hại thuốc lá và những quy định của luật phòng chống tác hại thuốc lá của VIệt Nam. Đó là gì? Hiện nay chúng ta cần tăng thuế tiêu thụ và tăng giá các sản phẩm thuốc lá. Tự nhiên nó sẽ đánh vào túi tiền của người dân, là nó giảm mức tiêu thụ xuống là nó sẽ ngăn được bệnh tật. Các nước xung quanh ta đều áp dụng giải pháp này”.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An lặp lại thông điệp:Việt Nam phải có những chế tài phạt rất nặng như các quốc gia phát triển, thì mới mong rằng bảo vệ được sức khỏe của người dân nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ, những thai nhi nằm trong bụng mẹ ngửi phải thuốc lá thụ động.

Xử lý hút thuốc nơi công cộng: Cần nắm người có tóc (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến)

Để kiểm soát được tình trạng hút thuốc nơi công cộng, luật cần nhắm đến trách nhiệm của những người quản lý các không gian công cộng. Ảnh: Lao động

Tôi nghiện thuốc lá, đến nay là đúng tròn 30 năm. Đó là khoảng thời gian đủ dài để tôi có thể khẳng định ý thức tự giác không hút thuốc lá nơi công cộng là điều không hề tồn tại ở những người nghiện thuốc, nếu như họ không gặp rào cản thực sự đối với việc hút thuốc.

Luật pháp là một rào cản quan trọng, nhưng bàn tay của luật pháp không thể trực tiếp tác động tới mọi ngóc ngách của cuộc sống mà nó là một công cụ cần thiết để các nhà cung cấp dịch vụ có căn cứ từ chối người hút thuốc. Tại Việt Nam, chúng ta đã có luật, nhưng không ai quan tâm đến sự tồn tại của nó.

Khi đi nước ngoài, cho dù tôi không biết luật pháp sở tại quy định như thế nào về việc hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng tôi có đủ thứ rào cản để không thể, và không muốn hút thuốc.

Thứ nhất, đó là việc mua thuốc lá rất khó khăn và tốn kém. Giá thuốc lá thường đắt gấp 10 so với Việt Nam. Dù nghiện thuốc, bạn cũng sẽ luôn cân nhắc, và chỉ hút khi thật thoải mái, ở nơi bạn có thể thư giãn để tận hưởng cảm giác khoan khoái khi đáp ứng cơn nghiện. Nơi công cộng không phải chỗ như thế. Và ở nơi công cộng, nếu hết thuốc lá, bạn không dễ dàng để mua dù có tiền.

Các địa điểm công cộng ở Việt Nam, những nơi tập trung đông người, như quảng trường, nhà ga, bến xe, bệnh viện… đều là nơi mà người nghiện thuốc có thể mua thuốc lá một cách dễ dàng.

Có thể rất khó để kiểm soát người nghiện thuốc lá hút lén thuốc lá nơi công cộng vì không thể có đủ người có thẩm quyền để bắt quả tang và xử phạt. Nhưng, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát việc bán thuốc lá nơi công cộng.

Những người có trách nhiệm quản lý các nhà ga, bến tàu, xe, các bệnh viện, hay những địa điểm vui chơi hoàn toàn có thể không cho phép bán thuốc lá tại khu vực mình quản lý, nếu họ thực sự muốn giữ không gian của mình là nơi không khói thuốc.

Các khách sạn, nhà hàng, quán café hoàn toàn có thể từ chối người hút thuốc trong quyền hạn của mình, nếu họ muốn không gian kinh doanh của mình không khói thuốc.

Xử phạt các cơ sở cung cấp dịch vụ bao giờ cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với xử lý từng người nghiện. Bởi ngay tại Singapore, quốc gia được coi là nghiêm khắc nhất đối với người hút thuốc thì chỉ cần bạn rẽ vào một góc phố khuất tầm camera, lập tức sẽ thấy đầy đầu mẩu thuốc lá ở góc tường.

Người ta sẽ vẫn còn hút thuốc lá khi có thể, và không có bất cứ cách nào để kiểm soát triệt để từng cá nhân. Tuy nhiên, ông giám đốc nhà ga, hay bến xe cho phép bán thuốc lá trong phạm vi cơ sở của mình cần được xử lý. Ông chủ quán café, để gạt tàn, và cho phép khách hàng hút thuốc trong nhà cần được xử lý.

Hút thuốc lá nơi công cộng là một hình thức ăn cắp không gian trong lành của cộng đồng. Chẳng có luật pháp nào có thể canh trộm cho từng ngôi nhà nếu như bản thân người chủ nhà mở cửa cho trộm. Vì thế, để kiểm soát được tình trạng hút thuốc nơi công cộng, luật cần nhắm đến trách nhiệm của những người quản lý các không gian công cộng.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.

// //