Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Phía sau những làng nghề: Cống rãnh, sông ngòi đều bốc mùi nồng nặc

Phóng viên - 19/03/2020 | 11:07 (GTM + 7)

Hiện nay nhiều địa phương đang lúng túng trong việc quản lý môi trường và cũng gặp không ít khó khăn. Trao quyền chủ động cho các địa phương với các cơ chế linh hoạt có thể giúp cải thiện công tác quản lý môi trường trong thời gian tới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Làm bún tại Phú Đô. Ảnh: Bùi Phương
Làm bún tại Phú Đô. Ảnh: Kinh tế đô thị

 

Làng bún Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thời gian gần đây đã trở nên khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều, không còn mùi khó chịu như cách đây khoảng 10 năm.

Người dân làng Phú Đô đã đầu tư thêm máy móc để sản xuất bún, đường trong làng đã được bê tông hóa, hệ thống thoát nước bằng kênh mương đã được thay thế bằng hệ thống cống ngầm. Tuy nhiên, nước thải sau quá trình sản xuất bún được xả thải trực tiếp ra cống cùng với nước thải sinh hoạt.

Cách đây vài tháng, một cái mương nằm gần đó thường bốc mùi khó chịu. Anh Nguyễn Sơn, một người dân thuê cửa hàng kinh doanh tại khu vực này cho biết: 

"Xung quanh này trước đây có một cái sông đằng sau người ta hay thải ra rồi, nhưng khi người ta làm đường thì người ta lấp đi rồi,.Trước đây khi chưa lấp thì ảnh hưởng phía sau nhà dân thôi vì người ta xả ra phía sau , mùi bay thẳng vào sân vận động chứ không bay thẳng vào trong làng".

Một số người dân ở đây cho rằng, nước thải sau sản xuất bún không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, nước thải  có hàm lượng hữu cơ cao, có độ chua, khi không qua xử lý, có thể tạo nên khí, gây mùi khó chịu và có thể gây làm tăng lượng bùn thải, gây tắc cống và ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả điều tra, khảo sát năm 2018, 2019 của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội có 77 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 36 làng nghề ô nhiễm. Đối với lĩnh vực dệt nhuộm, thuộc da, có 10/11 làng nghề có thông số ô nhiễm không đạt quy chuẩn cho phép như DO, COD… , vượt quy chuẩn từ 1 đến trên 37 lần.

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hiếu- Giảng viên khoa Kinh tế môi trường, Học viện Nông nghiệp cho biết, kết quả khảo sát năm 2016 tại làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội tổng lượng nước thải sau sản xuất cùng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ở làng Vạn Phúc khoảng trên 240 m3/ngày, hòa chung vào mương thoát nước rồi chảy ra sông Nhuệ gây ô nhiễm lớn. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Hiếu cho biết:

"Đối với hoạt động dệt lụa rất khó để phân tách, hay xử lý hóa chất trong các khâu của quá trình sản xuất. Và những hóa chất này lại là cần trong quá trình sản xuất. Hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống phân bổ trong các khu dân cư tập trung hoặc các hộ sản xuất đơn lẻ việc thu gom trong quá trình sản xuất khá khó khăn. Việc quản lý tổng thể mang tính đơn lẻ cho các hộ sản xuất nhỏ phức tạp hơn cho các cơ quan quản lý".

Nước thải từ một làng nghề ven Hà Nội thải ra
Nước thải từ một làng nghề ven Hà Nội thải ra. Ảnh: dangcongsan.vn

Bên cạnh đó, đa số làng nghề có đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công. Các hộ gia đình ít đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng của người lao động còn hạn chế.

Ghi nhận của phóng viên chương trình, đến thời điểm tháng 3/2020, số lượng các hộ gia đình sản xuất dệt nhuộm tại làng nghề Vạn Phúc đã giảm đi đáng kể, hiện chỉ còn một số lượng nhỏ cơ sở sản xuất lụa nên không có nhiều nước xả thải ra môi trường.

GS-TS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học kiêm Phó Chủ tich Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường cho biết, ở khu vực miền Bắc và Hà Nội có số lượng làng nghề tập trung tương đối lớn, mức độ ô nhiễm nước thải ở các làng nghề hiện đang ở mức đáng quan tâm và báo động.

Trong nhiều năm qua, bà cùng đồng nghiệp đã tiến hành điều tra khảo sát môi trường trong có ô nhiễm nguồn nước xả thải tại các làng nghề. Kết quả cho thấy, nước thải ở các làng nghề nếu không được xử lý trước khi xả thải có thể gây ô nhiễm cho các dân cư sống trong làng đó và ảnh hưởng đến cả một vùng dân cư xung quanh. GS-TS Đặng Kim Chi dẫn chứng:

"Nước thải của làng nghề tái chế giấy ở Bắc Ninh nếu không được xử lý mà xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê sẽ làm ô nhiễm dòng sông, làm ảnh hưởng đến tưới tiêu và ảnh hưởng đến nước của người ta dùng ở phía Hạ Lưu. Ô nhiễm nước thải của làng nghề tái chế giấy cũng phức tạp, rất nhiều chất rắn hàm lượng lơ lửng, có nhiềm hàm lượng chất hữu cơ, cũng như chất vô cơ tương đối cao".

Ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề nổi cộm ở Hà Nội và nhiều địa phương.
Ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề nổi cộm ở Hà Nội và nhiều địa phương.

Đại diện Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay đã có các quy định về xử lý những trường vi phạm về xả thải ô nhiễm ra môi trường của các làng nghề theo Nghị định 155 của Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay khó tính toán lượng nước xả thải của các hộ sản xuất để thu phí, do bị lẫn với nước thải sinh hoạt và các hộ sử dụng nước giếng khoan.

Nhằm khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội có chủ trương của di dời hộ sản xuất trong các làng nghề về 44 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ…và quận Hà Đông. Mặt khác, xây dựng một số dự án đầu tư xử lý nước thải quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu – Hoài Đức, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức công suất 8.000m3/ngày đêm. Đồng thời, thành phố sẽ kiểm soát lượng nước xả thải để thu phí bảo vệ môi trường.

 Ông Phạm Hải Dương- chuyên viên phòng Kế hoạch tổng hợp – Chi cục bảo vệ môi trường cho biết:

"Đối với những làng nghề không di dời được và tránh trường hợp sử dụng nước giếng khoan hiện nay thành phố đang tăng cường đầu tư hệ thống cấp nước sạch đến từng địa bản, để các hộ sản xuất sử dụng nguồn nước sạch do thành phố cung cấp. Mình giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước sạch từ đó tính lượng nước thải để thu phí".

Các chuyên gia môi trường cho rằng cần tăng nặng mức chế tài xử lý các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của  người dân làm việc tại các cơ sở sản xuất làng nghề về bảo vệ môi trường sống cho bản thân và những người xung quanh.

Đừng để làng nghề loay hoay

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nước thải tại các làng nghề nói riêng đang là vấn đề báo động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương đang lúng túng trong việc quản lý môi trường và cũng gặp không ít khó khăn. Trao quyền chủ động cho các địa phương với các cơ chế linh hoạt có thể giúp cải thiện công tác quản lý môi trường trong thời gian tới.

Phế liệu tập kết ở khu tái chế nhựa thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh.
Phế liệu tập kết ở khu tái chế nhựa thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Báo Bắc Giang

Với hơn 1300 làng nghề và hơn 3200 làng có nghề trên cả nước ở đủ các lĩnh vực sản xuất khác nhau, tình trạng ô nhiễm làng nghề chưa bao giờ bớt nóng trong nhiều năm qua, khiến ngành tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương có làng nghề hết sức đau đầu. Dù những biểu hiện trực quan của sự ô nhiễm đó có giảm đi, nhờ các hệ thống cống hộp, nhờ những giải pháp khử mùi, nhưng về lý thuyết, một khi các nguồn thải từ hoạt động sản xuất hay sinh hoạt chưa qua xử lý mà xả thẳng vào mương máng kênh rạch và tuồn ra môi trường, thì sớm muộn gì, những dòng sông, những mặt hồ sẽ bị bức tử.

Quán triệt quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”, những năm qua, nhiều địa phương đang cố gắng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề, từ giải pháp thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, giải pháp về quy hoạch, sắp xếp lại. Bát Tràng không còn đen kịt bụi than kể từ khi chuyển sang nung gốm bằng lò gas, Phú Đô không còn nồng nặc từ cổng làng bởi bà con làm bún thôi nuôi lợn. Đó ít nhiều là tín hiệu khả quan về môi trường ở các làng nghề và làng có nghề.

Nhưng xét trên bề rộng, đó vẫn chỉ là giải pháp vụn vặt để phần nào giảm bớt những dấu hiệu bề mặt của ô nhiễm. Những kết quả phân tích xét nghiệm mẫu nước, mẫu đất và quan trắc không khí ở các khu vực làng nghề không nói lên điều này. Sự giảm bớt mức độ ô nhiễm nếu có, chủ yếu là nhờ quy mô các làng nghề đã thu hẹp đáng kể so với trước.

Đã có rất nhiều hội thảo, đề án khoa học nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Song vấn đề nằm ở chỗ, đang có sự vênh nhau rất lớn giữa trách nhiệm và năng lực của địa phương trong việc giải quyết vấn đề môi trường cho làng nghề.

Trong khi các vấn đề môi trường trên cả nước còn rất ngổn ngang khiến Trung ương và các bộ ngành đau đầu, thì chuyện làng nghề, đương nhiên phải bắt đầu từ làng, từ xã, và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương. Nhưng nhiều địa phương cũng đang lúng túng trong việc quản lý môi trường làng nghề, do hạn chế cả về nhận thức cũng như khả năng hoạch định giải pháp.

Những nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề mà không dựa trên điều kiện tồn tại sống còn của nó, tách nó ra khỏi “hệ sinh thái” ngàn năm, tách nghề ra khỏi “làng”, thực tế đã không thành công.

Những giải pháp tuyên truyền không dựa trên hiểu biết thấu đáo, không phù hợp với cách hiểu của người dân, và quan trọng là không chỉ cho người dân biết họ nên làm gì, phải làm gì, dẫn đến nhận thức và hành vi của cộng đồng ở làng nghề đối với chuyện ô nhiễm môi trường, dịch chuyển còn chậm.

Hoặc, một số địa phương đã hoạch định được giải pháp dài hơi, nhưng lại không thể triển khai, bởi mắc ngay ở câu hỏi đầu tiên, là “tiền đâu?”

Đó là những cái khó mà nhiều địa phương đang đối mặt trong nỗ lực giải bài toán ô nhiễm môi trường ở làng nghề,  cần được tháo gỡ. Do vậy, để phát huy được vai trò chủ động, quyết định của mình, các địa phương cần được hỗ trợ về nguồn lực con người, để đánh giá đúng thực trạng môi trường và nhìn nhận nó trên tổng thể thách thức chung ô nhiễm môi trường trên phạm vi lớn hơn, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, xã.

Giải pháp môi trường cho từng làng nghề dù dựa trên giải pháp chung của ngành, song cần gắn với trong điều kiện cụ thể về nguồn lực và đặc thù xã hội của địa phương, để không nằm “trên giấy”.

Và điều quan trọng, là cần có những cơ chế đủ linh hoạt để địa phương có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia tháo gỡ vấn đề môi trường - một lĩnh vực mà ai cũng biết là vô cùng “xương xẩu”./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //