Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nhật ký phòng chóng COVID-19 ngày 17/2: Chợ dân sinh, nhiều tiểu thương thờ ơ với dịch

Phóng viên - 18/02/2020 | 6:22 (GTM + 7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra, theo ghi nhận tại chợ Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, trái ngược với hầu hết người dân vào chợ mua đồ đều đeo khẩu trang thì nhiều tiểu thương tại đây vẫn còn tâm lý chủ quan,

Việt kiều Mỹ nhiễm nCoV điều trị tại TPHCM có xét nghiệm âm tính (Ảnh: vietnamnet)
Việt kiều Mỹ nhiễm nCoV điều trị tại TPHCM có xét nghiệm âm tính (Ảnh: vietnamnet)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cập nhật dịch virus corona trong nước và quốc tế

# Tính đến 16h00 ngày 17/2, toàn thế giới có 71.440 người mắc bệnh viêm đường hô hấpcấp do Covid-19, trong đó có 1.775 người tử vong.

# Sau hơn nửa tháng điều trị, bệnh nhân Việt kiều Mỹ 73 tuổi đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. 

# Thông tin gia đình chủ quán thịt trâu ở Dương Huy (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị dương tính với virus Covid-19 là không chính xác, theo thông tin từ Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 

# Hôm nay (17/2), 120 công dân trở về từ Trung Quốc được theo dõi, cách ly nhằm phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh Lạng Sơn đã được trở về với gia đình.

# Theo quy định, trong khoảng 5 ngày tới, nếu Thanh Hóa không có thêm bệnh nhân mới nhiễm Covid-19, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Thanh Hóa hoàn thiện hồ sơ để công nhận hết dịch.

# Tỉnh Khánh Hòa đã qua 30 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới Covid-19 và đang hoàn thành quy trình công bố hết dịch. 

Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập chương trình hỗ trợ vốn khẩn cấp quy mô tối đa 300 tỷ won (254 triệu USD) cho các hãng hàng không giá rẻ (Ảnh: TTXVN)
Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập chương trình hỗ trợ vốn khẩn cấp quy mô tối đa 300 tỷ won (254 triệu USD) cho các hãng hàng không giá rẻ (Ảnh: TTXVN)

# Hàn Quốc cho biết sẽ lập chương trình hỗ trợ 300 tỷ won (254 triệu USD), đồng thời, gia hạn thời hạn nộp phí sử dụng hạ tầng 3 tháng đối với những hãng hàng không giá rẻ phải tạm dừng hoặc giảm số đường bay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

# Chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày17/2 cho biết, tài xế xe buýt, taxi có quyền từ chối phục vụ nếu hành khách không đeo khẩu trang khi lên xe. Các hành khách cũng được khuyến khích sử dụng phương thức thanh toán không trực tiếp để giảm thiểu sự lây lan. 

# Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc vừa cấp phép sản xuất Favilavir, loại thuốc đầu tiên được cho là có tiềm năng trong điều trị dịch COVID-19. Thuốc do công ty dược phẩm Hisun, tại thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang sản xuất. 

# Giới chức Indonesia yêu cầu xác định các mặt hàng đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Ma Cao và các quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để ngăn chặn sự lây lan.

Hàng trăm cuộn giấy vệ sinh biến mất trong bối cảnh khan hiếm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát (Ảnh: SCMP)
Hàng trăm cuộn giấy vệ sinh biến mất trong bối cảnh khan hiếm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát (Ảnh: SCMP)

# Nhiều đền, chùa, nhà thờ tại Singapore đang thu hẹp quy mô hoặc hủy bỏ một số buổi lễ nhằm phòng ngừa sự lây lan của virus corona. Các trang web tôn giáo được khuyến khích phát những buổi lễ trực tuyến để phục vụ các tín đồ. 

# Cảnh sát Hong Kong đang truy tìm một băng đảng đã cướp hàng trăm cuộn giấy vệ sinh, trong bối cảnh đây là mặt hàng khan hiếm, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. 

# Tập đoàn viễn thông NTT của Nhật Bản kêu gọi 200.000 nhân viên làm việc tại nhà, tránh tổ chức các cuộc họp và sử dụng liên liên lạc trực tuyến.. Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ hỗ trợ chính phủ trong việc hồi hương các nhân viên và gia đình đang làm việc tại Trung Quốc.

Do nhu cầu về khẩu trang ngày càng tăng, một số điểm bán khẩu trang tại Hà Nội xuất hiện cảnh xếp hàng chờ mua khẩu trang
Do nhu cầu về khẩu trang ngày càng tăng, một số điểm bán khẩu trang tại Hà Nội xuất hiện cảnh xếp hàng chờ mua khẩu trang

Sống chung với dịch

Thông tin từ Bộ Y tế chiều 17/2 cho biết, hai bệnh nhân điều trị tại tuyến huyện, ở Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính với chủng mới của virus Corona. Với 2 trường hợp khác của tỉnh Vĩnh Phúc được điều trị cách ly tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã cho kết quả xét nghiệm âm tính và dự kiến xuất viện trong 1-2 ngày nữa. 

Với trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã cho 1 lần kết quả xét nghiệm âm tính. Riêng bệnh nhân là Việt kiều cao tuổi điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng có 2 lần kết quả âm tính nhưng được giữ lại điều trị tiếp tại viện do còn một vài bệnh nền chưa khỏi. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa dự kiến trong một vài ngày tới sẽ được công nhận là địa phương hết dịch.

Do nhu cầu về khẩu trang ngày càng tăng, tại một số điểm bán khẩu trang tại Hà Nội bắt đầu xuất hiện cảnh những hàng dài người xếp hàng chờ mua khẩu trang. Theo các nhân viên bán hàng, từ lúc mở cửa buổi sáng, họ làm việc không ngừng nghỉ, càng về trưa lượng người đến càng đông song không hề xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy.

Chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định COVID-19 lây qua đường máu (Ảnh: BVCC)

Thời gian qua, tình trạng thiếu máu xảy ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là do tâm lý người dân e ngại nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 khi tụ tập đông người. Thậm chí một số người còn lo lắng dịch Covid 19 có nguy cơ lây nhiễm qua đường máu.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định COVID-19 lây qua đường máu. Đồng thời, phía Viện cũng đã và đang tiến hành nhiều biện pháp để đảm bảo phòng dịch cho người đi hiến máu

“Hiện tại thì kể cả tổ chức y tế thế giới thì cũng chưa có ai khuyến cáo về vấn đề lây qua đường máu cả. Chưa phát hiện bệnh nhân nào cũng như chưa có báo cáo khoa học nào liên quan vấn đề này. Về phòng dịch thì hiện nay ngoài sử dụng khẩu trang, rửa tay thì có đo nhiệt độ trước khi vào hiến máu, thực hiện bộ câu hỏi sàng lọc liên quan đến người từ vùng dịch hoặc có yếu tố nguy cơ. Chủ yếu là bằng các biện pháp dịch tễ".

Đi từ vùng dịch về, một phụ nữ yêu cầu hỗ trợ 250.000 đồng/ngày mới chịu cách ly (Ảnh: Tuổi trẻ)
Đi từ vùng dịch về, một phụ nữ yêu cầu hỗ trợ 250.000 đồng/ngày mới chịu cách ly (Ảnh: Tuổi trẻ)

Liên quan đến trường hợp một phụ nữ không chấp hành việc cách ly tại nhà và đòi hỗ trợ 250.000 đồng/ngày mới chịu cách ly tại Tp. Quảng Ngãi, lãnh đạo UBND TP cho biết, việc hỗ trợ tiền như vậy không có trong quy định. Sau khi chính quyền tiến hành vận động, tuyên truyền, hiện người này đã chịu cách ly tại nhà. Trường hợp người này tiếp tục không chấp hành nghiêm chỉnh việc cách ly, UBND TP Quảng Ngãi sẽ đưa người phụ nữ này tới cách ly y tế theo diện tập trung.

Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệu tập một nam thanh niên 23 tuổi để làm rõ hành vi tung tin giả liên quan đến dịch Covid 19 lên mạng xã hội. Theo đó, người này đã lập một fanpage tên là “Tin nóng Biên hòa 24h” rồi đăng tải tin giả với nội dung Đồng Nai có nhiều người nhiễm chủng mới virus Corona. Tại cơ quan công an, nam thanh niên này đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang cho cộng đồng. 

Nhiều tiểu thương vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời, việc chấp hành các điều kiện về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa được nâng cao
Nhiều tiểu thương vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời, việc chấp hành các điều kiện về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa được nâng cao

Chợ dân sinh, nhiều tiểu thương thờ ơ với dịch

Để ứng phó với dịch bệnh do virus Corona gây ra, các ngành chức năng và chính quyền địa phương của cả nước đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời, việc chấp hành các điều kiện về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa được nâng cao. Ghi nhận của phóng viên Nguyễn Yên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Tp. Hà Nội. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra, theo ghi nhận tại chợ Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, trái ngược với hầu hết người dân vào chợ mua đồ đều đeo khẩu trang thì nhiều tiểu thương tại đây vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh.

Tại đây, tôi quan sát thấy có hàng chục hộ kinh doanh bày bán đủ các loại mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả đến đồ khô, đồ ăn chín. Nhưng rất nhiều tiểu thương trong chợ không hề đeo khẩu trang y tế, không sử dụng nước rửa tay sát khuẩn và không cách biệt khu bán thực phẩm, đồ ăn chín bày bán cùng đồ ăn sống. Những tiểu thương tại đây cho biết về lý do họ chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ sức khoẻ giữa tâm dịch.

"Tại chưa thấy ai ở khu vực này bị cả nên cũng không lo lắm, mọi người ở đây đều lo nhưng lo ít hơn những nơi có người bị dịch bệnh rồi".

"Tôi ngồi ở chợ cả ngày mà đeo khẩu trang cũng thấy khó chịu, bất tiện, trong khi tôi thấy khách hàng đều đeo khẩu trang rồi thì thôi mình không đeo cũng được".

Trong khi đó, các khu chợ là nơi tập trung đông người và lượng người từ nhiều nơi đến thực hiện các giao dịch, trao đổi buôn bán, do đó, đây là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một người dân thường xuyên đi chợ Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ lo lắng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh ở chợ dân sinh, đặc biệt từ việc người mua, người bán tiếp xúc trực tiếp với nhiều vật dụng, trong đó có tiền là vật lưu hành qua tay nhiều người, nhiều nơi nhất.

"Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ở chợ các biện pháp đảm bảo vệ sinh gần như không thay đổi gì, việc trao đổi hàng hóa, đưa qua đưa lại hay đưa tiền đều tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh nhưng không hề có biện pháp gì để hạn chế".

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị các hộ nâng cao tinh thần chủ động phòng dịch
Để tăng cường phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị các hộ nâng cao tinh thần chủ động phòng dịch

Theo khuyến cáo của WHO, để phòng ngừa lây nhiễm dịch Covid-19, quan trọng nhất là cần giữ tay và đường hô hấp sạch sẽ. Đặc biệt là ở nơi đông người, tiếp xúc trực tiếp qua cầm nắm nhiều. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh hiện nay, các tiểu thương vì sự chủ quan, hoặc chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa hình thành thói quen bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Trước việc các tiểu thương ở chợ còn lơ là với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, để tăng cường phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người dân, các hộ kinh doanh, chính quyền địa phương và ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị các hộ nâng cao tinh thần chủ động phòng dịch; phun tiêu độc khử trùng tại các chợ.

"Chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, làm các khẩu hiệu để nhắc nhở để người dân làm theo, những người bán hàng cần nhắc nhở cả những người đến mua, mỗi một người đều nhắc nhau thì mới có hiệu quả. Trong chợ cần áp dụng phương pháp vệ sinh chợ, làm công tác vệ sinh môi trường thật tốt".

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở các chợ dân sinh, những người mua hàng có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giữ sức khỏe: Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật. Tránh sờ vào mắt, mũi, miệng. Tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh và thịt hỏng. Tránh tiếp xúc với động vật thả rông, rác và dịch thải trong chợ.

Đồng thời, những tiểu thương, người làm việc trong chợ dân sinh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ sức khỏe, bao gồm: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật. Khử trùng dụng cụ và chỗ làm ít nhất 1 lần/ngày.

Mặc áo choàng, đeo găng tay và tấm che mặt khi xử lý động vật và các sản phẩm động vật tươi sống. Bỏ quần áo bảo hộ sau khi làm việc, giặt hằng ngày và để lại nơi làm việc. Không để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với quần áo làm việc và giày dép bẩn.

Góc chuyên gia: Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trước dịch COVID-19

Các chuyên gia y tế cảnh báo người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm virus corona nhất và nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với các lứa tuổi khác. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 là vô cùng quan trọng.

Về vấn đề này, phóng viên Hoàng Anh đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. 

Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương

PV: Theo các chuyên gia y tế, bất cứ lứa tuổi nào đều có thể bị nhiễm virus corona chủng mới, tuy nhiên, người cao tuổi, nhất là những người có bệnh nền như hen, đái tháo đường, tim mạch... sẽ có nguy cơ bị nặng hơn. Vậy bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về việc này?

Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng: Theo thống kê mới về dịch bệnh corona gần đây, nhóm người cao tuổi và nhóm trẻ nhỏ là chiếm tỉ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng rơi vào người cao tuổi. Sở dĩ như vậy là bởi nhóm người cao tuổi là nhóm có đa bệnh lý và thường là người cao tuổi sẽ có 3 bệnh lý mãn tính trở lên khi sống ở ngoài cộng đồng, theo nghiên cứu của Viện Lão khoa. 
Các bệnh lý mãn tính như là tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, phổi mãn tính. Chính vì vậy mà sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. 

Do đó, trước dịch bệnh do virus corona gây ra hiện nay, nếu người cao tuổi bị nhiễm, virus corona sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Điển hình là con số thống kê tử vong lên đến 80% bệnh nhân tử vong ở Vũ Hán là người cao tuổi. 

PV: Vậy người cao tuổi cần làm gì để bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, thưa bác sĩ? 

Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng: Để đảm bảo phòng chống được dịch bệnh này, với cương vị là bệnh viện đầu ngành về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chúng tôi luôn khuyến cáo, người cao tuổi có nhiều bệnh lý thì bản thân các bệnh lý phải được kiểm soát tốt, kiểm soát bằng thuốc, bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, quan trọng là khi có các triệu chứng thì chúng ta phải đi khám ở các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời.

Về chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi, ngoài chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… để phòng chống đợt dịch bệnh này, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất. Đủ chất ở đây là đảm bảo được các chất dinh dưỡng nhiều Kalo, năng lượng như đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.

PV: Hiện nay, nhiều người cao tuổi vẫn có thói quen đi tập thể dục sáng hoặc chiều tối để nâng cao sức khỏe. Vậy trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, bác sĩ có lưu ý gì để phòng tránh lây nhiễm?

Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng: Việc tập thể dục là một thói quen tốt, tuy nhiên, thời gian tốt nhất để tập thể dục là buổi sáng. Tùy theo điều kiện thời tiết mưa, lạnh của miền Bắc mà các cụ sắp xếp thời gian tập sao cho hợp lý nhất. Những hôm trời lạnh thì có thể tập muộn hơn, đảm bảo quần áo ấm, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ và vùng ngực khi ra ngoài. Sau khi tập luyện, cơ thể nóng lên thì mình có thể bỏ dần quần áo ra. Còn những hôm trời nóng quá thì chúng ta cần cố gắng dậy sớm một chút.

Theo thống kê tại Việt Nam, những người cao tuổi hiện đang sống ngoài vùng dịch thì không cần phải hạn chế việc đi tập thể dục. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, người cao tuổi vẫn nên có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, đảm bảo đủ ấm khi thời tiết lạnh như hiện nay để phòng chống các bệnh lây nhiễm khác ngoài virus corona. Còn trong vùng dịch thì tránh tụ tập đông người nên khuyến cáo người cao tuổi không nên tập thể dục. 

PV: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ!
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //