Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Người vi phạm được tự bảo quản phương tiện: Nút thắt trong việc giữ xe vi phạm

Phóng viên - 16/03/2020 | 16:18 (GTM + 7)

Nghị định 31 được cho là đã mở ra một “lối thoát” cho những chiếc xe phải “dãi nắng dầm mưa” ở các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, đọc kỹ các điều khoản thì không hẳn đó là một lối mở rộng rãi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Người vi phạm giao thông được tự bảo quản phương tiện: Chưa hẳn là bước đột phá

Theo Nghị định 31 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 năm 2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, từ ngày 1/5/2020, người vi phạm luật giao thông bị tạm giữ phương tiện có thể đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện.

Thông tin này nhận được sự quan tâm lớn từ phía người tham gia giao thông, và cả lực lượng thực thi công tác tạm giữ phương tiện vi phạm.

Từ 1/5/2020 người vi phạm giao thông có thể tự bảo quản phương tiện vi phạm hành chính
Từ 1/5/2020 người vi phạm giao thông có thể tự bảo quản phương tiện vi phạm hành chính. Ảnh: Tri thức trẻ

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1/2020, cả nước đã thu giữ 300.000 ôtô, xe máy. Số lượng xe này quá lớn nên không còn chỗ để tại các bãi tạm giữ.

Hầu hết các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm tại Hà Nội, Tp.HCM đều lâm vào tình trạng quá tải. Nhiều phương tiện đã bị giữ tới vài năm không ai đến nhận, bị bụi phủ, hoen gỉ. Không chỉ xe cũ mà cả những xe đắt tiền như ôtô Lexus, Camry, Porsche, xe máy SH, Spacy, LX... cũng bị bỏ, nằm phơi nắng phơi mưa.

Chia sẻ với VOV Giao thông, một số thính giả bày tỏ quan điểm về quy định cho phép người vi phạm luật giao thông tự bảo quản phương tiện:

“Bến bãi này bảo quản thì mình đem xe về nhà, mình tự bảo quản nhưng không được sử dụng thì rất hợp lý. Bến bãi đó quá đắt”.

“Nói chung như cũ thì bất tiện, bây giờ cẩu xe mình cũng mất tiền, để nhà thì yên tâm hơn ở bãi, đỡ tốn tiền hơn lại an toàn hơn”.

“Bây giờ không giữ xe mà cứ để người ta mang xe về nhà, nhỡ người ta đi đâu thì ai quản lý được? nếu như thế sẽ ảnh hưởng đến ý thức người tham gia giao thông vì không bị giữ xe cứ thế họ vi phạm”.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, việc tạm giữ phương tiện của người điều khiển vi phạm luật giao thông là cần thiết, trong trường hợp họ không đầy đủ giấy tờ theo quy định, hoặc phương tiện đó vi phạm hành vi cần thiết phải kịp thời ngăn chặn để đảm bảo an toàn giao thông.

Bản thân Thượng tá Quỹ ủng hộ quy định mới tại Nghị định 31 năm 2020. Việc cho phép đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản và cam kết không mang phương tiện ra sử dụng là giải pháp hữu hiệu để tránh việc để xe ở bãi mà không đảm bảo, gây hư hỏng, lãng phí.

“Phương tiện đó không có lỗi mà lỗi ở người tham gia giao thông, vì vậy khi người ta đã đảm bảo, cam kết phương tiện đó là của cá nhân người ta thì 2 vấn đề được giải quyết. Một là đỡ gây áp lực cho nơi tạm giữ phương tiện, mà áp lực đó rất cao khi trông giữ phương tiện đó có thể rủi ro mà những việc đó không thể nói trước được khi nơi đó không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy. Việc thứ hai là đảm bảo cho người vi phạm giao thông đó sẽ có trách nhiệm tự bảo quản phương tiện của người ta và tránh được rủi ro khi thực hiện việc này”

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ lưu ý, việc giải quyết thủ tục hành chính để cho xe vi phạm ra khỏi bãi đang vướng một khó khăn lớn, đó là với các xe được mua đi bán lại nhiều lần, khó xác định chủ nhân chính xác hiện tại của xe:

“Thực tiễn cho thấy, các phương tiện tạm giữ quá thời hạn mà không đến giải quyết chủ yếu là các phương tiện được mua đi bán lại qua nhiều chủ. Vì mua trôi nổi trên thị trường, hoặc mua qua các chợ xe, hoặc mua qua mạng, rủi ro khi vi phạm giao thông không xác định được, vô tình mất giấy chuyển quyền sở hữu phương tiện, tức là mất đăng ký xe thì thấy rằng không có đăng ký thì phức tạp, thì tự người điều khiển phương tiện đó đã bỏ phương tiện mà không đến làm thủ tục xử lý phạt và giải quyết theo quy định”

Một điểm tạm giữ phương tiện vi phạm ở Hà Nội
Một điểm tạm giữ phương tiện vi phạm ở Hà Nội. Ảnh: Dân trí

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý thêm về chi phí phát sinh không đáng có nếu các cơ quan chức năng tạm giữ phương tiện mà không có người đến giải quyết.

“Nếu có trở thành phế thải thì việc tiêu hủy nó cũng đòi hỏi tốn phí nhất định từ phía ngân sách nhà nước. Do đó nó không chỉ gây thiệt hại cho người vi phạm mà còn gây thiệt hại chung cho toàn xã hội, nó là những thiệt hại ko đáng có. Thay vì đưa tập trung tại các bến bãi, thì giao cho chủ phương tiện họ tự giữ tự bảo quản thì đây cũng là biện pháp có thể giúp tránh chi phí vô lý từ xã hội đối với nhưng phương tiện vi phạm này”

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đây là một chủ trương đúng và hợp với hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, phải áp dụng một cách chặt chẽ mới có hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như việc quản lý, giám sát người tự bảo quản xe có hành vi điều khiển phương tiện đó tham gia giao thông hay không, có thực hiện việc mua bán chiếc xe đó hay không.

“Nếu chúng ta để mỗi người tự giữ phương tiện vi phạm thì phải có chế tài rõ ràng, giấy tờ rõ ràng như thời gian, xử lý bằng lái như thế nào. Ai có hiện tượng tiêu cực thì xử lý tiếp thì mới đảm bảo việc xử lý của công an mới có tính răn đe. Chứ nếu để giữ xe tràn lan mà không có chế tài thì sẽ phát sinh nhiều bất cập, tiêu cực”.

Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm: Việc giải quyết thủ tục cho các xe vi phạm bị tạm giữ cần được đẩy nhanh hơn. Bởi lẽ, số lượng chỗ đỗ tại các bãi đã không còn chỗ trống, lãng phí xã hội là rất lớn, kể cả sau khi được thu hồi, bán thanh lý.

Việc cho phép người vi phạm giao thông tự bảo quản phương tiện chỉ được coi là bước khởi đầu để tạo đột phá nhằm giải quyết vấn đề quá tải tại các bãi tạm giữ xe vi phạm.

Nút thắt trong việc “giam” xe vi phạm

Người vi phạm giao thông nếu có tiền bảo lãnh sẽ không bị tạm giữ phương tiện. Ảnh: Anh Tuấn
Người vi phạm giao thông nếu có tiền bảo lãnh sẽ không bị tạm giữ phương tiện. Ảnh: Zing

Nghị định 31 năm 2020 được cho là đã mở ra một “lối thoát” cho những chiếc xe phải “dãi nắng dầm mưa” ở các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, đọc kỹ các điều khoản thì không hẳn đó là một lối mở rộng rãi.

Chủ phương tiện vi phạm muốn tự bảo quản phương tiện phải chứng minh có nơi giữ phương tiện và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh. Mức tiền này ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Một điều kiện bắt buộc nữa, chủ phương tiện phải có giấy tờ “chính chủ”.

Trong khi đó, đa số xe ở các bãi tạm giữ bị chủ phương tiện bỏ rơi nằm ở hai dạng: Một là giá trị nhỏ hơn nhiều so với tiền xử phạt; Hai là xe không chính chủ, mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục, dẫn đến hỏng hóc phương tiện trong quá trình tạm giữ.

Như vậy, quy định mới trong Nghị định 31 chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Và do đó, sức tác động đến thực tiễn đời sống có thể sẽ không cao như kỳ vọng.

Hình ảnh các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm quá tải, xe bị bụi phủ quanh năm là minh chứng rõ nét cho hai điều: Thủ tục giải quyết vi phạm hành chính vẫn còn quá nhiêu khê; Người dân chưa có ý thức về việc sang tên chủ sở hữu khi mua bán xe.

Nên chăng, để có chuyển biến đột phá, ngoài các trường hợp bắt buộc tạm giữ phương tiện, như: Người lái sử dụng rượu bia, không có năng lực hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện; phương tiện vi phạm là vật chứng vụ án, bị làm giả, thì cần giảm bớt các trường hợp vi phạm hành chính khác phải tạm giữ xe.

Theo luật hiện hành, công tác tạm giữ xe trên thực tế hơi “ôm đồm”, nhiều trường hợp không cần thiết.

Trình tự, thủ tục xử lý, tịch thu, thanh lý phương tiện vi phạm hành chính cần được đẩy nhanh hơn, giải quyết “xuất bãi” cho các phương tiện, tránh ứ đọng. Các quy định nếu không phù hợp thực tiễn, cần cập nhật và sửa đổi để giảm gánh nặng và lúng túng cho đơn vị thực thi.

Ngoài ra, việc sang tên chủ sở hữu khi mua bán phương tiện cũng cần được tuyên truyền hiệu quả hơn. Khi người dân có giấy tờ, tư cách pháp lý hợp pháp, họ mới đủ điều kiện để giải quyết các thủ tục nộp phạt và lấy xe khỏi bãi.

Khi thủ tục giải quyết xe vi phạm luật giao thông còn trải qua nhiều vòng, vướng mắc, khi người dân vẫn vô tư đi xe không chính chủ, rất khó để giải quyết tình trạng quá tải, lãng phí ở những bãi trông giữ xe vi phạm, nơi xe vô chủ, vô thừa nhận chiếm phần lớn.

Mặt khác, sự rối rắm và phiền hà trong các khâu giải quyết còn là “mảnh đất màu mỡ” cho tiêu cực nảy sinh./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //