Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Người trồng mía lao đao vì nhà máy đường đóng cửa

Phóng viên - 11/07/2019 | 6:53 (GTM + 7)

Ngành mía đường đang gặp muôn vàn khó khăn bởi giá đường thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Song, câu chuyện nhà máy đường đóng cửa như tô thêm bức tranh ảm đạm cho ngành mía đường…

1 trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn ngành đường mía là do tình trạng buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nghiêm trọng của ngành mía đường là sự vi phạm kéo dài của tình trạng buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại. Niên vụ mía mới 2019 - 2020 bắt đầu, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, mía đã xuống giống được 6 tháng. 

Trong khi mới đây, công ty cổ phần mía đường Cần Thơ Casuco xác nhận niên vụ này sẽ đóng cửa 1 trong 2 nhà máy đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tuyên bố này khiến bà con trồng mía hoang mang, lo lắng khi những diện tích không được nhà máy bao tiêu không biết sẽ không biết mang đi đâu để bán. 

Câu chuyện nhà máy đường đóng cửa như tô thêm bức tranh ảm đạm cho ngành mía đường thời gian qua. Đồng thời, bên cạnh việc giá bán rẻ như cho thì bà con trồng mía lại càng hoang mang với thông tin nhà máy đóng cửa. 

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, kết thúc niên vụ mía 2017 - 2018, cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường, lượng tồn kho tại các nhà máy gần 700 ngàn tấn, cao kỷ lục từ trước đến nay. Niên vụ 2018-2019, sản lượng mía của cả nước ước đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước. 

Tính đến nay, có 36/36 nhà máy đường trong cả nước vào vụ sản xuất, thế nhưng tình hình tiêu thụ đường rất chậm khiến việc tồn kho ngày càng tăng cao. Hiện giá đường xuống rất thấp, chỉ khoảng 10.500 đồng/kg, vẫn khó bán. 

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) – là đơn vị thu mua mía từ nhiều năm nay của 3 vùng mía nguyên liệu lớn tại Hậu Giang là Vị Thanh, Phụng Hiệp, Ngã Bảy và một số nơi của tỉnh Sóc Trăng đã ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân trong vùng mía nguyên liệu của mình. 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường và cân tại rẫy, còn tiền vận chuyển từ ruộng mía về nhà máy đường của công ty sẽ được cộng thêm theo quãng đường di chuyển xa hay gần. 

Tuy nhiên mới đây, công ty xác nhận sẽ đóng cửa nhà máy đường Vị Thanh trong vụ ép mới này, chỉ tập trung hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp. Như vậy, nếu ai đã kí hợp đồng bao tiêu với nhà máy niên vụ này thì còn hy vọng. Riêng bà con nào trồng tự phát tự bán sẽ rơi vào thế bỉ cực, vì nếu vận chuyển đến nhà máy đường Phụng Hiệp để cân mía thì chi phí quá lớn, lỗ lại càng thêm lỗ. Còn nếu không bán thì bà con đành bỏ mía chết khô. 

Vận chuyển đến nhà máy để cân mía thì chi phí quá lớn, còn nếu không bán thì bỏ mía chết khô

Gia đình bà Nguyễn Thị Kiểu – ngụ ấp Mỹ Hiệp 3, Xã Tân Tiến, TP Vị Thanh là một trong những hộ trồng mía ở vùng nguyên liệu Vị Thanh có hợp đồng bao tiêu với xí nghiệp đường Vị Thanh, nhưng hợp đồng chưa được kí trên giấy mà mới chỉ trao đổi bằng miệng. 20 công mía của bà đến tháng 11 này sẽ đốn với năng suất trúng mùa khoảng 12 tấn/công, nhưng trước thông tin đóng cửa nhà máy, cả nhà bà Kiểu như ngồi trên đống lửa. 

Quy luật thị trường sẽ quyết định tất cả, nếu đến phút chót giá mía xuống thấp hơn 700 đồng/kg, nhà máy đường vẫn thu mua như cam kết thì bà cũng phải tốn một khoản lớn kinh phí vận chuyển mía về Phụng Hiệp. Bà Kiểu cho biết:

“Nghe nói xí nghiệp ngưng không chạy, không biết phải làm sao, sao mà đốn nỗi, nếu mà chở lên tận nhà máy Phụng Hiệp rẻ quá còn gì ăn mà chở. Mình mong xí nghiệp chạy để lên giá cho mình đỡ chút. Mấy năm làm mía lỗ, trong nhà túng quẩn. Năm nay mà không mua nữa là mía đứng chựng, không có tiền trả tiền phân, mía nằm đó sao đốn mỗi. Không có người làm công nữa, hôm bữa đánh lá mía mướn người ta đâu có chịu, người ta còn nói lá mía ngứa lắm, thời giờ ai đâu mà trồng mía nữa”.

Trường hợp khác của ông Đổng Văn Hồng – ngụ tại Xã Tân Tiến , TP Vị Thanh với diện tích 11 công mía. Tình hình giá cả và nhà máy như hiện tại, ông cầm chắc số phận là vụ mía này trắng tay. Bởi nếu mía của ông đạt tối đa 10 chữ đường, cân tại cầu cảng 700 đồng/ kg thì ông cũng phải chi ít nhất 15 triệu đồng tiền vận chuyển đến nhà máy đường Phụng Hiệp vì chặng đường quá xa. Ông Hồng không giấu được nỗi thất vọng:

Ông Hồng: Ở đây mà chuyển đến Phụng Hiệp thì chi phí 150 đồng/ kg. Mía 700 đồng/ kg, tiền mướn 200/ 1 tấn mía đốn. Vậy chi hết tui chia ra còn lại có 350 đồng/kg bán thôi. Rồi còn phân thuốc, hom mía nữa là coi như không còn đồng xu nào luôn. Đất nhà làm còn đỡ, đất mướn là coi như ôm đồ đi Bình Dương luôn.

PV: Nhưng mà việc vận chuyển không là công ty giúp mình sao?

Ông Hồng: Điều ghe đến chở nhưng chủ ghe cũng là dân chở mướn nên thu tiền thôi, chứ đâu có chở dùm. 

Ngoài TP Vị Thanh thì Phụng Hiệp cũng rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Theo thống kê từ Phòng nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, niên vụ mía 2019 - 2020, toàn huyện xuống giống gần 6.800 héc ta, giảm gần 800 héc ta so với niên vụ trước. 

Nhưng một số diện tích vùng nguyên liệu giao cho nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát đến nay vẫn chưa được triển khai vì nhà máy này đang trong thời gian thanh tra vì được cho là có ảnh hưởng đến sự cố ô nhiễm sông Cái Lớn hồi tháng 5. Như vậy, không biết nhà máy này có hoạt động trong vụ ép mới 2019 – 2020 này không. Số mía riêng của nhà máy này vẫn chưa tìm được chủ mua. 

Dù ngừng sản xuất tại Nhà máy đường Vị Thanh nhưng Casuco cam kết sẽ thu mua hết tất cả mía mà công ty đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu trong vùng nguyên liệu 

Trước sức ép thông tin mà nhà máy đường Cassuco công bố về việc đóng cửa nhà máy, khiến người trồng mía tại Hậu Giang lo lắng, PV Vân Tịnh – PV thường trú của Mekong FM tại ĐBSCL đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ.

PV: Thưa ông, ông cho biết lí do nào khi sắp vào vụ thu hoạch thì công ty CP Mía Đường Cần Thơ Casuco công bố đóng cửa nhà máy Vị Thanh ạ? 

Ông Lê Hồng Thái: Diện tích hiện tại của Hậu Giang khảo sát đánh giá còn khoảng 6.007 hecta với sản lượng ước tính 60 tấn 1 hecta khi ở mức 350.000 đến 400.000 tấn mía (diện tích hiện tại). Cho nên chỉ đủ cho một nhà máy sản xuất thôi, bởi vì công suất nhà máy hàng năm là 400.000 tấn mía mà ở đây mới có 350.000 tấn mía đến 400.000 tấn mía. 

Chưa kể nhà máy Long Mỹ Phát ngoài vùng của chúng tôi mà người ta chạy sản xuất nữa thì người ta sẽ sản xuất thêm, lấy đi thêm khoảng 100 đến 150 nghìn tấn mía, như vậy thì chỉ còn khoảng 200 đến 250 nghìn tấn mía thì sẽ không đủ cho một nhà máy sản xuất buộc phải tạm dừng nhà máy đường Vị Thanh, mà tập trung mía cho nhà máy đường Phụng Hiệp.

Đó là thông tin chính xác. Theo kế hoạch chúng tôi quyết tâm phải giữ hai nhà máy Vị Thanh và Phụng Hiệp sản xuất bình thường. Để đảm bảo sản xuất bình thường thì hai nhà máy này phải có nguồn nguyên liệu hàng năm là 700 đến 800 ngàn tấn mía, thì đương nhiên là diện tích đầu tư tới đây phải làm sao có được 10.000 đến 15.000 hecta để đủ miá cho hai nhà máy sản xuất.

PV: Như vậy khi nhà máy đóng cửa thì công ty sẽ có kế hoạch thu mua như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng mía nguyên liệu của tỉnh?

Ông Lê Hồng Thái: Với sản lượng thực tế công ty cam kết mua sạch, mua hết, không để 1 cây mía nào ở lại trên đồng ruộng vì sản lượng đó chỉ đủ sản xuất cho 3 tháng. Công suất là 2.500 tấn đến 2.800 tấn cho nên chỉ 3 tháng là hết sản lượng. 

Nếu Long Mỹ Phát chạy thì hoạt động trong 3 tháng, nếu không chạy thì chúng tôi chạy trong 4 tháng. Cho nên là mua hết, không kéo dài. Nông dân cứ yên tâm. Giá bảo hiểm là 700.000đ cho 1 tấn, đường lên thì sẽ mua theo lên, đường xuống thì mua bằng giá bảo hiểm.

PV: Với cam kết của công ty thì có lẽ nông dân đã yên tâm phần nào. Nhưng dựa trên tình hình thực tế chúng ta thấy rằng ngành mía đường trong 4 năm trở lại đây có khá nhiều biến động chủ yếu là về giá. Nếu làm nông mà liên tục thất giá hoặc là khó khăn đầu ra thì ắt hẳn có ngày nông dân sẽ buông tay ngoảnh mặt với cây mía, diện tích mất dần. Vậy thì công ty có phương hướng nào mới để cải cách ngành đường ở ĐBSCL?

Ông Lê Hồng Thái: Chúng tôi cương quyết phải tìm mọi giải pháp để hỗ trợ cho nông dân làm cho nông dân yên tâm trồng mía. Về vấn đề khoa học kỹ thuật, vấn đề về giống, vấn đề phân bón và thuốc bảo vệ thực vật rồi hỗ trợ thêm cho người ta các chi phí khác. Để làm sao giảm được các chi phí sản xuất cho người nông dân và đồng thời làm sao để giá mua mía của dân phù hợp mà khuyến khích nông dân trồng mía và chia sẻ với nông dân lợi nhuận, nếu như có lợi nhuận thì phải chia sẻ. 

Ngoài sản phẩm đường ra thì chúng tôi cũng đang nghiên cứu phân vi sinh để phục vụ cho cây mía, để giảm giá đầu tư của dân. Thứ hai là nhà máy đường Phụng Hiệp cũng tiến hành bổ sung một số các thiết bị sản xuất dây chuyền đường RE để phục vụ cho các nhà máy chế biến sữa tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nâng cao hiệu quả về sản xuất mía đường. 

Ngoài ra vẫn tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm khác phù hợp sau sản phẩm đường, nhưng mà phải đảm bảo tính cạnh tranh và phù hợp với thị trường tiêu thụ.  

PV: Xin cảm ơn ông!

Như vậy, khẳng định của ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ rằng nhà máy chỉ hoạt động trở lại khi diện tích mía đảm bảo cho sản xuất của đơn vị là từ 10.000 đến 15.000 héc ta. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng 10 năm về trước, mía vốn là cây trồng chủ lực của địa bàn TP Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp và TX Ngã Bảy, nhưng giờ đây, các địa phương này lại nổi tiếng với cây mãng cầu xiêm, cam sành. Thu nhập trung bình của các loại cây trồng này cao hơn 20 lần cây mía trên cùng đơn vị diện tích. 

Từ 15 ngàn héc ta mía trong toàn tỉnh, nay chỉ còn trên dưới 5 ngàn héc ta thì khó mà đáp ứng như cầu sản xuất của nhà máy. Nếu số mía trong dân năm nay được nhà máy thu mua đúng giá và mua hết không còn cây mía nào dưới ruộng như cam kết đã nêu, số còn lại không có hợp đồng bao tiêu cũng được tỉnh hỗ trợ tìm đầu ra thì bà con nông dân mới có thể hy vọng giảm bớt gánh nặng thua lỗ.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

// //