Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Người thu nhập thấp: Cơ hội mua nhà xã hội ngày càng hẹp dần

Phóng viên - 27/01/2022 | 6:50 (GTM + 7)

Thông tư 20 và một số chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội có hiệu lực đầu năm 2022 được đánh giá là khá kịp thời, tạo động lực phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống cần quyết li

Từ ngày 20/1 năm nay, người mua nhà ở xã hội sẽ không được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định. Đây là quy định vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong Thông tư 20 về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.

Quy định này cộng với tình trạng sốt đất thời gian vừa qua càng làm gia tăng khoảng cách tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp trong bối cảnh áp lực “kép” do dịch bệnh kéo dài.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dự án nhà ở xã hội Thanh Lâm - Đại Thịnh tại huyện Mê Linh, thành phố hà Nội do HUD làm chủ đầu tư - Ảnh: VGP

Sau hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huế, quê ở Ninh Bình đã tích cóp, dành dụm được vài trăm triệu đồng, với hy vọng tìm mua được một căn nhà ở xã hội phù hợp và được vay vốn ưu đãi từ các gói hỗ trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, loay hoay nhiều năm trời nhưng chị Huế vẫn chưa tìm được, trong khi việc tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách không hề dễ dàng, điều này khiến cho giấc mơ “an cư” của gia đình chị càng trở nên xa vời.

"Hai vợ chồng đi làm lương thấp cũng muốn chắt chiu một chút tiền, gom góp vay thêm để mua nhà ở rồi trả dần. Nhưng mà bây giờ để tiếp cận được ngân hàng chính sách rất là khó, chỉ biết đến những ngân hàng thương mại với nhiều gói cho vay nhưng hầu hết toàn là lãi suất cao và phải có tài sản thế chấp.

Thôi, ước mơ mua cho mình một căn nhà riêng mười năm trước cho đến bây giờ nó vẫn cứ xa xôi làm sao ấy, vẫn cứ phải đi thuê".

Cùng cảnh ngộ như gia đình chị Huế, nhiều lao động nghèo làm việc ở khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội cũng mỏi mắt tìm kiếm nhà ở nhưng bất thành, bởi số tiền tích cóp được không theo kịp mức tăng giá nhà.

Đồng thời, theo Thông tư 20 của Ngân hàng nhà nước, người mua nhà ở xã hội sẽ không được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định như trước đây, hiện chỉ có duy nhất Ngân hàng chính sách xã hội được cho vay ưu đãi, vì thế việc tiếp cận nhà ở càng thêm khó khăn.  

"Nhà ở xã hội không nhiều và giá tương đối cao, nhiều chỗ không rẻ hơn nhà ở thương mại là bao nhiêu.

Bây giờ chỉ có thể tiếp cận được ngân hàng chính sách, nhưng các thủ tục cực kỳ chặt chẽ và khó khăn. Trong khi thu nhập của chúng tôi bình thường đã rất thấp rồi, xong ảnh hưởng bởi dịch giã nữa nên cơ hội mua được nhà của chúng tôi gần như quá xa vời".

"Bây giờ các ngân hàng thương mại không cho người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi, chúng tôi khi muốn vay lại phải chấp nhận lãi suất rất cao. Như thế rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn để mua nhà xã hội".

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, cùng với nguồn cung hạn chế và nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành thì sốt đất thời gian vừa qua đang ảnh hưởng đến giá nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, ông Khởi thông tin thêm, sắp tới sẽ có 2 nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Một là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay trực tiếp người mua, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Hai là trong gói 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 – 2023, sẽ cấp bù lãi suất 2% cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

"Đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tới đây để triển khai thực hiện chính sách này Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án hiện nay đang triển khai mà có nhu cầu vốn hoặc là diện sẽ triển khai nhưng phải đủ điều kiện thực hiện trong 2 năm, tức là không phải dự án bây giờ mới làm thủ tục chuẩn bị".

Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2015/TT-NHNN chính thức có hiệu lực sẽ điều chỉnh một số chính sách vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xã hội. Ảnh: LĐO
Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2015/TT-NHNN chính thức có hiệu lực sẽ điều chỉnh một số chính sách vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xã hội. Ảnh: Lao động

Liên quan đến các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đề xuất trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh:

"Gói kích cầu hỗ trợ phát triển kinh tế trong 2 năm 2022 – 2023 mục đích của chính sách hỗ trợ này không phải hướng tới để tạo dựng, phát triển thị trường bất động sản mà nó hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn phải được kiểm soát để phát triển lành mạnh".

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này vẫn còn khoảng cách khá xa, bởi “nút thắt” nằm ở điều kiện, thủ tục tiếp cận nguồn vốn.

"Gói vay chỉ hỗ trợ cho lãi suất vay thôi, điều kiện để vay được hay không nó vẫn như thế, khó thay đổi về bản chất, từ chủ đầu tư cho đến người mua nhà chưa có những thay đổi về căn bản và thời hạn hiệu lực cấp vốn bù lãi suất 2% trong vòng 2 năm.

Nếu nhà đầu tư rất cố gắng đủ điều kiện xét duyệt thì vừa đến nơi thì chính sách cũng hết hiệu lực".

Dưới góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc phân nhóm ngân hàng tham gia cho vay ưu đãi cho từng nhóm đối tượng theo Thông tư 20 sẽ tạo điều kiện thuận lợi, kích thích doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê cho người thu nhập thấp – phân khúc vốn dĩ nhà đầu tư không mặn mà.

"Ngân hàng nhà nước đã quy định trước mắt là cho nhóm kích thích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê để kích thích phát triển và nhóm để mua nhà ở xã hội đưa sang ngân hàng chính sách mình cho là phù hợp.

Vấn đề quan trọng là ngân hàng chính sách phải tham gia một cách tích cực, chính sách phải đồng bộ. Bởi phát triển nhà ở rồi, người dân khó khăn mà không cho vay mua thì cũng không thể thanh khoản được".

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội rất cần có tầm nhìn xa, chiến lược dài hơi mới kích cầu đầu tư và người thu nhập thấp mới có cơ hội tiếp cận được nhà ở.

Để chính sách đi vào cuộc sống cần quyết liệt gỡ “nút thắt” về điều kiện, thủ tục vay vốn. Ảnh: Báo Tin tức

Thông tư 20 và một số chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội có hiệu lực đầu năm 2022 được đánh giá là khá kịp thời, tạo động lực phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để chính sách đi vào cuộc sống cần quyết liệt gỡ “nút thắt” về điều kiện, thủ tục vay vốn.

Cùng đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận: “Quyết liệt gỡ nút thắt về thủ tục vay vốn, giấc mơ an cư của người nghèo mới thành hiện thực”.

Theo Thông tư số 20 của Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 20/1/2022, các đối tượng đủ điều kiện vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội như trước đây sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Ngoài ra, nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội nhưng phải thực hiện "gửi tiết kiệm nhà ở xã hội". Quy định này đang gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước khẳng định, thay đổi này nhằm đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ vay vốn nhà ở xã hội, bao gồm: Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49.

Theo đó, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, văn bản nào có tính pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Trong tình huống này phải áp dụng Luật Nhà ở, tức là các ngân hàng thương mại chỉ hỗ trợ vay xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở; nếu muốn vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, người vay cần tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính sách cốt lõi nhất về nhà ở xã hội cần phải đặt trên hai trụ cột chính là hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn. Bởi hiện nay hầu hết người dân đều muốn được tiếp cận vốn vay để mua nhà nhà ở xã hội vì tích lũy rất ít. Trong đó, gói vay tối đa khoảng 70% giá trị căn hộ và trả trong vòng 20 năm.

Chính phủ nên cung cấp gói tài chính dài hạn hơn, khoảng 25 năm, tối đa 80% giá trị hợp đồng, bởi nếu chờ tích lũy đủ tiền để mua, thuê mua nhà xã hội thì gần như suốt đời họ không với tới.

Trong khi nguồn vay chỉ tập trung vào một mối là Ngân hàng Chính sách xã hội, vì thế các “rào cản” về điều kiện, thủ tục cần phải được tháo gỡ theo hướng linh hoạt và cởi mở hơn để người dân dễ tiếp cận.

Thực tế cho thấy cho thấy, việc tiếp cận khoản vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội gặp nhiều trở ngại, vì thế nhiều người dân đã chuyển sang vay ngân hàng thương mại.

Thế nhưng, trong bối cảnh người nghèo đang phải lo chạy căn từng bữa do dịch bệnh kéo dài thì gánh nặng lãi suất ngày càng đè nặng lên vai họ. Trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư cũng có thời hạn khá ngắn, doanh nghiệp chưa kịp hoàn tất thủ tục đầu tư, vay vốn thì có thể chính sách đã hết hiệu lực.

Trong bối cảnh “cung-cầu” lệch pha, chắc chắn chính sách nhà ở xã hội sẽ khó thực hiện, hàng triệu lao động nghèo sẽ vẫn phải sống tạm bợ trong những căn nhà trọ xập xệ.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //