Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nghi lễ, phong tục Tết xưa và nay của miền đất Tây Nam Bộ

Phóng viên - 25/01/2020 | 8:49 (GTM + 7)

Tết Nguyên đán hàng năm ở vùng đất của sông rạch, bưng biền này vừa lưu giữ những phong tục tập quán chung, vừa có những nét riêng của người dân vùng sông nước đồng bằng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

13 tỉnh thành phố vùng ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân. Sự cộng cư sinh sống hàng bao thế kỷ qua của các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer, Chăm đã tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo, thể hiện sâu sắc tính đoàn kết thủy chung của cộng đồng các dân tộc trong khu vực.

Vì vậy, Tết Nguyên đán hàng năm ở vùng đất của sông rạch, bưng biền này vừa lưu giữ những phong tục tập quán chung, vừa có những nét riêng của người dân vùng sông nước đồng bằng. 

mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả

Ở miền Tây Nam bộ, trước khi đến Tết Nguyên đán cổ truyền, đó là thời gian gắn liền với mùa thu hoạch. Cho nên, ngày Tết ở miền Tây Nam Bộ luôn đầy đủ các sản vật của vùng đất phù sa.

Người ta bảo rằng, trước kia, ngày Tết, nhìn vào mâm ngũ quả hoặc bữa cơm năm mới thì biết được gia chủ vừa xong mùa vụ gì.

Đối với người miền Tây Nam Bộ, Tết được tính từ ngày 23 tháng Chạp, tức là sau ngày đưa ông Táo về trời. Người dân miền sông nước cũng coi trọng lễ cúng ông Táo với những nghi lễ không cầu kỳ, chỉ cốt chứng minh lòng thành tiễn ông Táo về trời.

Nhà nghiên cứu văn hoá Đoàn Trọng Huy cho rằng: "Đối với người phương Nam, ngày đưa ông Táo về trời cũng là ngày cúng các món ăn, trong đó không thể thiếu được món chè đặc trưng nhất là món chè trôi nước. Từ cái tên món chè đã thể hiện mong muốn mọi việc sẽ trôi chảy, thuận lợi. Ông Táo lên trình bày với Ngọc Hoàng phải nói ngon, nói ngọt, thể hiện mong ước của người dân để mọi việc trong năm mới tốt hơn, thuận lợi và suôn sẻ hơn".

Theo nghi lễ của cư dân miền sông nước, sau ngày đưa ông Táo về trời là ngày đưa các vị thần khác về trời (ngày 24 tháng chạp), kế đến là ngày đưa ông bà tổ tiên về trời (ngày 25 tháng chạp). Đối với người miền Tây Nam Bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống.

Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường cho biết: "Tết ở trong này gọi là ăn Tết, bởi người sống nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, nhưng cúng trong 3 ngày Tết là cúng cho Tổ tiên, ông bà. Mình no đủ, vui vẻ trong mấy ngày Tết thì Tổ tiên, những người đã khuất cũng phải no đủ trong ngày Tết".

Nhắc đến phong tục, lễ nghi đón Tết của người miền Tây Nam Bộ, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, phong tục đón tết ở miền Nam không cầu kỳ với nhiều nghi thức lễ hội như ở miền Bắc nhưng vẫn thể hiện sự chỉn chu, tươm tất, cầu toàn và mang nét độc đáo, dân dã.

Xưa kia nhiều gia đình ở vùng đất Nam bộ cứ đến Tết thì dựng cây nêu và nấu chè. Dựng cây nêu trước sân, vườn nhà theo tục lệ cổ là để xua đuổi để tà ma không quấy phá gia đình.

Còn nấu nồi chè, coi như món ăn tượng trưng cho sum họp gia đình, thể hiện ngày Tết đầm ấm, ngọt ngào, hạnh phúc. Cho dù  ngày nay đã ít nhà còn dựng cây nêu nhưng tục lệ này vẫn sống trong ký ức của bao người.

Chè bà ba đặc trưng Nam Bộ
Chè bà ba đặc trưng Nam Bộ

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường tâm sự: "Nhà tôi thường nấu chè chiều 30, ăn xong rồi còn đi tưới cây. Ở miền Nam không có tục hái lộc đầu năm mà chiều 30 ra tưới cây, hoa kiểng ngoài vườn. Tưới cây để trong 3 ngày Tết không động tới cây cối gì hết và cũng không được bẻ cây hái trái trong 3 ngày Tết".

Theo quan niệm của người miền Nam “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên trong ba ngày Tết cũng có tục kiêng kị nhiều thứ với hy vọng cầu mong khởi đầu của năm mới được suôn sẻ.

Người miền Tây Nam Bộ còn có một phong tục thú vị là trước ngày 29 tết tất cả các lu, hủ chứa gạo, chứa muối phải được đổ đầy với ước vọng một năm đầy đủ, trọn vẹn, dư ăn, dư để…

Bà Nguyễn Thị Hai, ngụ Đồng Tháp chia sẻ: "Đó giờ ông bà dạy mình làm sao thì giờ mình cũng làm vậy. coi như chiều 29 tết thì nhà cửa phải quét dọn sạch sẽ, gạo, muối, nước trong nhà thì phải đầy lu, đầy khạp. Sáng 30, mình rước ông bà rồi thì không được quét nhà, quét rác hay hái trái cây hay cắt tỉa gì ngoài vườn nữa. Mùng 3 tết mình phải có mâm cơm cúng trong nhà, trong cửa, cúng ông chuồng bà chuồng, rồi tết vườn, cầu mong năm mới suông sẻ, chăn nuôi được, vườn tược tốt tươi".

Tết ở miền Tây Nam bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam.

Cùng với sự phát triển của xã hội, cách đón tết, ăn tết, chơi tết của người miền Tây Nam Bộ hiện nay cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Những phong tục, nghi lễ của người Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây mỗi dịp Tết về.

Để hiểu hơn về những đổi thay này trong dòng chảy thời gian, phóng viên đã có cuộc trò chuyện ngắn đầu năm với Nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian Nam bộ Huỳnh Ngọc Trảng.

PV: Đầu tiên, xin được gửi lời cảm ơn đến ông vì đã dành thời gian chia sẻ với chương trình. Nhân dịp đầu năm mới, xin chúc ông và gia đình một năm nhiều sức khỏe, vạn sự hanh thông. Thưa ông, là nhà nghiên cứu, sưu tầm và có nhiều tác phẩm viết về văn hóa Nam Bộ, xin ông cho biết nét đặc trưng của Tết Nam Bộ, trong đó có Miền Tây Nam Bộ là gì?

Tết đầu tiên chỉ là một lễ nghi nông nghiệp,gồm có tạ ơn trời đất trong tết nghi lễ, gồm có 3 thứ là: cúng trời, cúng đất và cúng linh hồn tổ tiên. Đây là chức năng nghi lễ của nó thì có 3 việc đó. Mang tính chất là lễ nghi nông nghiệp kết thúc vụ mùa. Lễ tết của mình là lễ thượng điền, không có lễ hạ điền.

Trước hết là người ta bắt đầu từ đưa ông Táo về trời từ ngày 23 kéo dài cho đến người ta làm lễ trung niên, tất niên, rước ông bà vào ngày 30, tức là rước ông bà về nhà ăn Tết. Rồi đến mùng 3 mùng 4 mình tiễn ông bà mình, có những chuyện chính như thế.

Có thêm một khoảng giữa dính đến trời đất là giao thừa. Từ cúng ông táo cho đến dựng nêu rồi tới lễ rước ông bà rồi tới cúng Giao thừa rồi Mùng 1 Tân Niên.

Lễ hội của mình ảnh hưởng Phật giáo là ở khoảng đó, người ta có thể đi chùa chiền, người ta ăn Tết trong mùng 2, mùng 3, mùng 4. “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”.

Đó là phân biệt chuyện giao đãi là đi thăm viếng chúc tụng người thân của mình, bên nội, bên ngoại, bên chồng, bên vợ và mối quan hệ thầy trò, đó là chuyện hồi đó. Còn bây giờ các quan hệ xã hội đầy đủ hơn, nào là thăm bà con, thăm sếp, bè bạn… là tới mùng 3, tiễn ông bà mùng 4.

tết nam bộ
Những phong tục, nghi lễ của người dân vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại

PV: Chúng ta vừa bàn về không gian Tết, vậy thì xét về phương diện thời gian thì sao ạ? Tết xưa và nay, theo ông khác nhau như thế nào?

Từ cuối thế kỷ 19, xã hội nông nghiệp dần dần bước ra khỏi những khuôn mẫu của di sản và truyền thống để bước ra một xã hội mang tính duy lý hơn, mang tính chọn lựa nhiều hơn.

Mỗi lúc có sự chọn lựa khác nhau, thì xã hội vận hành như vậy là một xã hội thuần nông nghiệp, thời xưa cuộc sống hàng năm của họ theo một chu kì, con người bắt đầu làm chủ tự nhiên các quy luật của xã hội càng ngày nó chiếm được vai trò quan trọng so với quy luật tự nhiên.

Ở đó mối quan hệ của con người với tự nhiên ngày càng yếu đi và mối quan hệ xã hội ngày càng mạnh lên.

Do đó, người ta quan tâm đến những chức năng vui chơi, giao đãi tình cảm, hội hè và chức năng thể hiện mối quan hệ giữa con người theo chiều thẳng đứng, tức là giữa con người với đất đai thần linh.

Và chiều kết nối ngang (tức là quan hệ xã hội) thì nó sẽ mạnh hơn. Do đó, không phải tự nhiên mà những nghi lễ này có xu hướng đơn giảm lại và những xu hướng vui chơi tích hợp nhiều nội dung trong hoạt động giao đãi vui chơi ngày càng nhiều hơn. Đó là sự khác biệt lớn.

PV: Vậy những thay đổi đó xuất phát từ những nguyên nhân nào, thưa ông?

Nó tổng hợp nhiều nguyên nhân, thường thường như mình nói thì các nguyên nhân kinh tế là quan trọng. Một xã hội mà hồi xưa chiếm đến 90% là nông nghiệp, bây giờ cơ cấu xã hội cơ cấu nghề nghiệp còn bao nhiêu phần trăm nông nghiệp đâu. Bây giờ thêm công nghiệp - dịch vụ và thay đổi xã hội, kể cả những nguyên nhân giáo dục.

Như đã nói cái chuyện mất đi thì nó sẽ mất đi, và cái chuyện nó còn bảo lưu thì vẫn còn bảo lưu. Cái đó không phải là cái gì mất đi cũng tiếc hết.

Nhiều cái ngày xưa nó không còn thích hợp với bây giờ nữa, thậm chí nó rất tiêu cực và nó lạc hậu.

Bây giờ mình phải biết tích hợp “mới và cũ” chứ không có nói là bỏ cũ lấy mới. Mình phải biết tích hợp mới cũ và tổng hợp nội ngoại.

PV: Rất cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi. 

Với người Việt Nam, trên bước đường hội nhập và phát triển, mặc dù di sản văn hóa truyền thống của dân tộc ta qua quá trình vận động, phát triển đã có những tiếp biến, thay đổi nhất định; song những hằng số văn hóa hàm chứa các giá trị gắn với lễ Tết cổ truyền, vẫn đã và đang là những nét đẹp văn hóa truyền thống, tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và vùng đất Tây Nam Bộ nói riêng.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Sáng nay (25/3), giá vàng SJC quanh mốc 80 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần giảm mạnh.

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Năm 2010, Chính phủ lấy ngày 25/03 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội làm dấu mốc quan trọng khởi đầu phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

// //