Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ngân hàng ở đâu khi khách mất tiền vì chuyển khoản nhầm?

Phóng viên - 21/01/2021 | 5:34 (GTM + 7)

Rất nhiều trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm sang tài khoản khác với số tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, nhưng không thể đòi lại, dù đã tìm được danh tính chủ tài khoản. Hiện nay pháp luật có những quy định như thế nào về vấn đề này?

 Các ngân hàng đang làm gì để bảo vệ khách hàng khỏi rủi ro? 
Các ngân hàng đang làm gì để bảo vệ khách hàng khỏi rủi ro?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trao đổi với PV VOV Giao thông, chị Ngân Hằng ở Hà Nội cho biết, vào tháng 7/2020, chị đã chuyển khoản nhầm 6 triệu đồng từ ngân hàng Techcombank sang một tài khoản khác có tên gần giống với tên chủ tài khoản mà chị Hằng định thực hiện giao dịch.

Ngay khi phát hiện, chị Hằng đã tìm cách liên hệ với chủ tài khoản nhầm nhưng họ từ chối trả lại nếu không có sự xác nhận từ phía ngân hàng.

Mặc dù chị Hằng đã nhanh chóng liên hệ với Techcombank để nhờ hỗ trợ, nhưng phía ngân hàng đối tác lại rất chậm trễ trong việc xác nhận. Phải mất 6 tháng sau, chị Hằng mới nhận lại được số tiền của mình. 

Nhưng trường hợp may mắn như chị Hằng không phải là nhiều. Có những trường hợp, tài khoản chuyến đến bị bỏ không, lâu không sử dụng, chủ tài khoản đã thay đổi số điện thoại, hoặc không có thiện chí trả lại, khiến việc đòi tiền gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không thể lấy lại được tiền.

Đó cũng là một trong những lí do, khiến chị Nguyễn Lan ở Hà Nội không muốn sử dụng thanh toán điện tử:

"Tôi thấy chuyển khoản qua internetbanking có rất nhiều rủi ro. Các bước thao tác để chuyển khoản tiền chưa đến 1 phút. Và chỉ cần đánh sai một số thôi, là bị chuyển tiền sai".

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm- Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc chuyển khoản nhầm là do lỗi của người sử dụng nên việc chờ đợi là tất yếu vì ngân hàng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật: 

"Đã nhầm lẫn thì dứt khoát khách hàng phải chịu trách nhiệm. Vì dù sao các quy định hiện đang rất chặt chẽ, nhầm một tý sai lầm là mất tiền. Cho nên xác minh  lâu một tý thì cũng phải chờ ngân hàng làm cho đầy đủ".

Ông Nguyễn Thái Hà- Trưởng khoa Luật -Học Viện ngân hàng khẳng định, hiện nay hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia đang được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh bằng Thông tư số 37 năm 2016 và được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 31 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước. 

Bản chất của việc chuyển tiền là hoạt động thanh toán và tổ chức tín dụng đóng vai trò là một trung gian tài chính thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ thanh toán đó.

Bởi vậy, nếu lệnh thanh toán của chủ tài khoản hợp lệ với tên người nhận, số tài khoản đầy đủ, ngân hàng buộc phải thực hiện. Ngân hàng không có trách nhiệm và cũng không đủ thẩm quyền để xác định giao dịch đó đúng hay không đúng, nhầm hay không nhầm.

Nếu khách hàng thực hiện chuyển khoản nhầm trong nội bộ ngân hàng, ngân hàng có thể phong tỏa số tiền bị chuyển nhầm nếu chủ tài khoản chuyển nhầm giao nộp những căn cứ chứng minh được việc nhầm lẫn.

Theo ông Nguyễn Thái Hà,  trong trường hợp, chuyển tiền sang một tài khoản của ngân hàng khác, ngân hàng sẽ có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng của mình thông qua việc thông báo với ngân hàng thụ hưởng để cùng giải quyết: 

"Với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ, Ngân hàng sẽ có trách nhiệm thông báo cho ngân hàng thụ hưởng về sự nhầm lẫn trong việc chuyển tiền. Hai ngân hàng này sẽ phải phối hợp với nhau để có thể giúp cho khách hàng có thể lấy lại được tiền".

Tuy nhiên, việc có nhận được hoàn trả số tiền hay không thì lại phụ thuộc chủ yếu vào thành ý của người thụ hưởng. Đơn cử như trường hợp chị Thu Hiền ở Hà Nội đã chuyển khoản nhầm 1 triệu đồng vào tài khoản của một công ty.  

Mặc dù, bên ngân hàng đã hỗ trợ tra soát và gửi văn bản cho  công ty nhưng đến nay sau gần 1 năm, công ty vẫn chưa thấy hồi âm. Phía Ngân hàng cũng tư vấn là chị có thể khởi kiện, nhưng vì số tiền nhỏ nên chị Hiền đành chấp nhận bỏ qua. 

Ở góc nhìn khác, PGS- TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong những trường hợp khách hàng bị nhầm lẫn, các ngân hàng ngoài thực hiện theo đúng những quy định hiện hành, thì cũng nên coi đó là cách để nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng mình: 

"Về phía ngân hàng là người đồng hành cùng với chủ tài khoản và giúp chủ tài khoản của mình đòi lại số tiền, cố gắng giúp tối đa và coi như là giữ chữ tín đối với chủ tài khoản của ngân hàng".

Luật sư Phạm Thành Tài- Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho rằng, việc cá nhân chuyển khoản nhầm qua ứng dụng điện tử là lỗi của cá nhân đó, không do lỗi của các đơn vị ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những công cụ cần thiết bảo vệ quyền lợi của người chuyển khoản nhầm.

Nếu chủ tài khoản nhận được tiền do nhầm lẫn mà không hoàn trả là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Theo Luật sư Phạm Thành Tài, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 167 hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: 

"Hành vi nói trên nếu sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng chủ tài khoản nhận nhầm cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản với mức phạt gồm phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến mức cao nhất là 05 năm tù".

Nhiều chuyên gia cho rằng, hình thức thanh toán điện tử mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng rất nhiều rủi ro.

Vì vậy, để hạn chế những thiệt hại không đáng có, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến và nhanh chóng liên hệ với ngân hàng nếu không may xảy ra sự cố để hỗ trợ. 

Mỗi một khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán điện tử nói riêng phải biết được quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện giao dịch
Mỗi một khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán điện tử nói riêng phải biết được quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện giao dịch

Sử dụng phương thức thanh toán điện tử mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng có rất nhiều rủi ro. Việt Nam đặt ra mục tiêu tỷ  lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 92% vào năm 2025, bên cạnh việc tăng cường những giải pháp kỹ thuật của các ngân hàng, bản thân người dân cần phải nắm quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện các giao dịch bằng phương thức thanh toán điện tử.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: "Thanh toán điện tử: Hãy tự bảo vệ lấy chính mình"

Hiện cả nước đã có 67 ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ internet banking, 37 ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ mobile banking và nhiều tổ chức trung gian cung ứng các dịch vụ thanh toán điện tử.  Số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên tục tăng trong những năm gần đây.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918 triệu giao dịch, giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 124% so với  cùng kỳ. Trong khi đó, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm 2019. 

Mỗi ngày ngân hàng phải thực hiện hàng trăm nghìn giao dịch liên quan đến tiền. Chỉ cần một câu lệnh sai, ngân hàng có thể mất một số tiền lớn nên các ngân hàng phải thận trọng trong các giao dịch của mình.   

Vậy cần phải làm gì để hạn chế những rủi ro khi sử dụng thanh toán điện tử?

Về phía các ngân hàng, mặc dù trên thực tế, chuyển khoản nhầm là lỗi của người sử dụng. Nhưng ở góc độ là đơn vị cung cấp dịch vụ, các ngân hàng cũng cần có những biện pháp để bảo vệ và hỗ trợ khách hàng của mình. Tăng cường các giải pháp kỹ thuật để giảm bớt những rủi ro trong quá trình thanh toán trực tuyến.

Bổ sung thêm các tầng, lớp xác thực chủ tài khoản, ngân hàng, điện thoại… cũng nên được cân nhắc để tăng tính bảo mật cho các giao dịch.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thường xuyên kiểm tra và đánh giá công tác an ninh mạng, an toàn trong thanh toán điện tử nhằm tìm ra những lỗ hổng, rủi ro để có những biện pháp khắc phục kịp thời, phòng tránh rủi ro có thể xảy ra ở tất cả các khâu trong quá trình giao dịch thanh toán.

Những việc làm này không chỉ là gia tăng chất lượng dịch vụ ngân hàng mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng, giúp khách hàng yên tâm hơn đối với việc sử dụng hình thức thanh toán điện tử. Đó cũng là một nhiệm vụ mà hệ thống ngân hàng trên cả nước đang hướng tới.

Đối với những người được nhận khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”, họ có quyền yêu cầu ngân hàng, người chuyển tiền nhầm cung cấp các giấy tờ chứng minh, các căn cứ phù hợp. Tuy nhiên, người được thụ hưởng cũng cần cẩn trọng, không nên tự ý chuyển trả, sử dụng số tiền này nếu không có xác nhận của bên trung gian, đề phòng bị ảnh hưởng. 

Điều quan trọng, mỗi một khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán điện tử nói riêng phải biết được quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện giao dịch, nắm được những quy định của ngân hàng đưa ra.

Khách hàng được quyền yêu cầu sự hỗ trợ của ngân hàng, của cơ quan chức năng để lấy lại số tiền đã bị chuyển khoản nhầm. Trong trường hợp, người nhận không chịu hoàn lại, chủ tài khoản có quyền được khởi kiện ra cơ quan pháp luật.

Thanh toán điện tử là một xu hướng phát triển tất yếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên đi cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những quy định của pháp luật hiện hành cũng cần phải được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng bảo vệ người sử dụng nhằm giảm bớt những rủi ro và tranh chấp không đáng có.

Trong khi chờ đợi sự điều chỉnh này, không ai khách, chính khách hàng phải tự bảo vệ mình từ chính các giao dịch thanh toán điện tử hàng ngày.  
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Con vi phạm giao thông, mẹ nhắn: 'Kệ, con cứ ngồi đấy là họ sẽ thả”

Con vi phạm giao thông, mẹ nhắn: "Kệ, con cứ ngồi đấy là họ sẽ thả”

Khác biệt với thái độ nghiêm khắc của các phụ huynh khi con mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có phụ huynh khi con gọi điện, nhắn tin thông báo bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông, lại rất...

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.

// //