Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Quyền riêng tư của bệnh nhân đang bị xem nhẹ?

Minh Hiếu: Thứ bảy 23/07/2022, 10:33 (GMT+7)

Như VOV Giao thông đã đề cập, hình ảnh người bệnh nguy cơ hoại tử xương sau khi mắc COVID-19 xuất hiện trước truyền thông khiến dư luận lo ngại về quyền riêng tư dường như đang bị xem nhẹ.

Dù việc này vi phạm Luật Khám, chữa bệnh, gây tổn thương tinh thần cho bệnh nhân và gia đình, có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị, nhưng trên thực tế, đa phần người trong cuộc lại không ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình.

Đi khám nam khoa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh T., cũng như nhiều bệnh nhân khác, khá rụt rè khi trò chuyện, tiếp xúc với mọi người.

Anh chia sẻ, mỗi lần đọc báo, thông tin trên mạng xã hội về các bệnh lý, tai nạn hy hữu liên quan đến hệ sinh dục cùng những bình luận đùa cợt là mỗi lần anh cảm thấy lo ngại: "Đây là những bệnh nhạy cảm, người ta không muốn lộ ra ngoài. Nói thật bây giờ đi khám mình cũng rất lo lắng, không biết mình có ở trong trường hợp đấy không".

Lo lắng ấy là điều dễ hiểu khi không ít trường hợp bệnh nhân đã bị tiết lộ danh tính. Như sự việc mới đây, một số báo điện tử đã đăng tải hình ảnh chi tiết khuôn mặt bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, có nguy cơ hoại tử xương sau khi từng mắc COVID-19.

Thông tin về bệnh nhân được pháp luật bảo vệ, nhưng trên thực tế, rất nhiều người bệnh chưa có hiểu biết đầy đủ về quyền của mình:

"Như mình ở nông thôn lên thì ai hỏi cũng nói ra hết".

"Một số người biết thông tin cá nhân là quan trọng, còn một số bệnh nhân như người cao tuổi thì không biết. Bệnh viện nên có phương án bảo vệ cho người bệnh".

"Hình ảnh về bệnh lý, riêng tư không nên đăng tải lên thông tin đại chúng, đặc biệt là những thông tin quá nhạy cảm. Nên ẩn danh hoặc là che đi".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thông tin cá nhân được pháp luật bảo vệ trong hệ thống xuyên suốt từ Hiến pháp đến Luật Dân sự, Luật Khám, chữa bệnh hay Luật Báo chí,…

Trong đó, Điều 8 Luật Khám, chữa bệnh quy định quyền được tôn trọng bí mật riêng tư: hình ảnh cá nhân, tình trạng sức khỏe,… Thông tin này chỉ được phép công bố khi được sự đồng ý của người bệnh, hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp cận trong một số trường hợp nhất định.

"Những hình ảnh đó có thể ảnh hưởng đến tâm, sinh lý người bệnh, rất khó để khắc phục. Tương lai và sự mặc cảm của chính người bệnh là những thiệt hại không thể “cân đong đo đếm”, mà cơ chế đề nghị đòi bồi thường nhìn chung còn khá yếu và lỏng lẻo.

Người dân không biết quyền của mình để từ đó có phản kháng. Tính giáo dục và răn đe chưa được đầy đủ, nên đâu đó vẫn có việc sử dụng hình ảnh bệnh nhân", Luật sư Truyền cho biết.

Không ít trường hợp bệnh nhân đã bị tiết lộ danh tính. Tranh minh họa: Vietnamnet

Không ít trường hợp bệnh nhân đã bị tiết lộ danh tính. Tranh minh họa: Vietnamnet

Sử dụng thông tin, hình ảnh bệnh nhân không đúng quy định còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. TS. Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, đạo đức người thầy thuốc luôn là nội dung được các trường y chú trọng.

Nhìn chung, việc đảm bảo bí mật thông tin người bệnh đang được làm tốt, tuy nhiên, một số trường hợp y bác sĩ có thể quên do áp lực công việc. Vì vậy, sự lên tiếng của cộng đồng là rất cần thiết để kịp thời chấn chỉnh:

"Các bệnh viện bao giờ cũng giao ban để nhắc nhở. Khi có những tình huống sai, cần giải quyết thì mình cũng triển khai rộng rãi để nhắc nhở các em. Tất cả thông tin phải được xin phép bệnh viện, khoa và bệnh nhân. Bệnh nhân cho phép rồi, nhưng đôi khi người ta không hiểu hết những tác động của hình ảnh, cho nên mình vẫn phải xử lý hình ảnh một cách linh hoạt và hợp lý", TS. Phạm Văn Tân nói.

Không chỉ nghề y mà với cả truyền thông, việc bảo vệ nhân vật, bảo mật thông tin, hình ảnh cá nhân cũng là trách nhiệm, đạo đức nghề nhiệp.

Nhà báo Nguyễn Trường Uy, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ cho rằng: "Việc này cần được chấn chỉnh về mặt báo chí. Các cá nhân và tờ báo phải đưa ra quyết định của riêng mình. Nhà báo, tờ báo chưa thực thi đúng thì cơ quan quản lý phải vào cuộc.

Nghị định 15 năm 2020 có quy định rõ về việc xử phạt người dùng mạng xã hội cũng như báo chí từ 10-20 triệu đồng nếu tiết lộ đời tư cá nhân và thông tin chưa kiểm chứng.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử lý rất lỏng lẻo. Không chỉ là câu chuyện pháp lý, nó phải được hình thành, vun đắp qua nhiều năm tháng. Mỗi cá nhân gặp trường hợp như vậy phải lên án. Khi đi học rồi bước vào xã hội phải được giáo dục về quyền riêng tư cá nhân".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng đồng tình với việc tăng cường truyền thông và xử lý vi phạm liên quan đến việc để lộ hình ảnh, thông tin cá nhân:

"Công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, không chỉ người dân mà những người làm nghề báo, luật sư cũng phải có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần những vụ việc điển hình để truyền thông có cơ hội đề cập.

Chẳng hạn, đưa hình ảnh của người bệnh xương hàm thì hội nhà báo, các bên phải có chấn chỉnh kịp thời và xử lý, tạo “tiếng chuông” cảnh tỉnh cho những người làm nghề. Việc xử lý cũng cần công khai, minh bạch, sâu rộng hơn".

Đăng tải hình ảnh, video, bài viết giật gân, “câu view” để thỏa mãn sự hiếu kỳ, thu hút người xem là tình trạng diễn ra khá phổ biến. Tranh minh họa: PLO.vn

Đăng tải hình ảnh, video, bài viết giật gân, “câu view” để thỏa mãn sự hiếu kỳ, thu hút người xem là tình trạng diễn ra khá phổ biến. Tranh minh họa: PLO.vn

Những lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân đang được đặt ra ngày một nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.

Như trong thời gian đầu của đại dịch COVID-19, thông tin chi tiết về các ca bệnh, tiền sử bệnh lý và lịch trình di chuyển, tiếp xúc bị công khai, khiến họ bị tổn thương  về tâm lý, thậm chí nhận cả bình luận suy diễn, công kích từ “cư dân mạng”.

Do vậy, quyền riêng tư của bệnh nhân cần sớm được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, với trách nhiệm của nhiều ban ngành, cơ quan. Đó cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Bảo mật thông tin người bệnh: Trách nhiệm của y bác sĩ, truyền thông và cơ quan quản lý”

Mắc bệnh là điều không may với tất cả mọi người, và không ai mong muốn bệnh tình của mình bị tiết lộ rộng rãi, hay xuất hiện trước đám đông trong hình ảnh đáng thương hại.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bệnh và gia đình cùng tiến trình điều trị khi bị tiết lộ thông tin cá nhân là điều mà các y bác sĩ thấu hiểu hơn ai hết.

Cách đây gần 2.500 năm, “Lời thề Hippocrates” đã ra đời và đến nay vẫn được nhiều quốc gia áp dụng trong quá trình đào tạo, để các y bác sĩ giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Trong lời thề ấy đã đề cập nội dung: tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, không được tiết lộ các vấn đề của họ.

Chính vì vậy, các trường hợp để lộ thông tin người bệnh là rất đáng tiếc, và các bệnh viện, cơ sở y tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Trong đó, cần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ để tránh sai sót, tránh dùng những thông tin, hình ảnh quá chi tiết để mô tả, cảnh báo bệnh lý mà không thực sự cần thiết.

Các y bác sĩ - nguồn chính cung cấp thông tin, phải luôn ý thức về đạo đức nghề nghiệp. Không phải bệnh nhân đồng ý là được thoải mái đăng tải thông tin của họ, mà ngược lại, thầy thuốc phải cân nhắc, có trách nhiệm trong việc chuyển những thông tin nào đến cơ quan truyền thông, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân nếu họ chưa có hiểu biết đầy đủ về quyền riêng tư cá nhân và những tác động xấu có thể xảy ra.

Về phía các đơn vị truyền thông, trách nhiệm còn lớn hơn do đây là nơi đưa thông tin lan truyền rộng rãi. Thay vì việc “bê nguyên xi” thông tin được cung cấp, các phóng viên, người đăng tin có thể sửa sai, hoặc chí ít không khiến cái sai trở nên nghiêm trọng hơn bằng cách biên tập lại thông tin cho phù hợp.

Để vi phạm diễn ra khá phổ biến, đầu tiên phải kể đến là kỹ năng nghiệp vụ kém của một bộ phận phóng viên, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết của không ít người dùng mạng xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều hội nhóm, cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh “trần trụi” về sự việc và nhân vật, thậm chí cả những thông tin chưa được kiểm chứng.

Còn với các phóng viên, biên tập viên, nhiều trường hợp giấu tên nhân vật cẩu thả hoặc thiếu tinh tế. Không khó để chúng ta bắt gặp những bài báo sử dụng tên viết tắt cho nhân vật ở đoạn trên, nhưng đoạn dưới lại… “quên”, đề tên đầy đủ.

Hoặc kiểu viết tắt quá chi tiết và dễ đoán, ví dụ như N.V.A kèm theo địa chỉ cụ thể, thì chẳng có ích gì trong việc ẩn danh nhân vật.

Thứ hai là đạo đức của người làm truyền thông và người dùng mạng xã hội. Đăng tải hình ảnh, video, bài viết giật gân, “câu view” để thỏa mãn sự hiếu kỳ, thu hút người xem là tình trạng diễn ra khá phổ biến.

Ở đây, vai trò tiên quyết thuộc về những người lãnh đạo cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý môi trường mạng, để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe. Việc xử lý “đến nơi, đến chốn” còn là cơ sở quan trọng để nạn nhân có thể tin tưởng tố giác, lên tiếng trước những vi phạm tương tự.

Và cuối cùng là hoàn thiện khung pháp lý, các thiết chế thực thi và đẩy mạnh giáo dục, phổ biến pháp luật cho mọi người dân. Hiểu biết thấu đáo về quyền lợi và trách nhiệm mỗi người trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, không chỉ riêng lĩnh vực y tế, sẽ giúp họ biết cách tự bảo vệ bản thân và tôn trọng những người xung quanh.

Cùng với đó, những quy định đầy đủ, chặt chẽ, những chế tài xử phạt nghiêm minh, yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại,… là cơ sở để người bệnh sẵn sàng đứng lên đòi lại quyền riêng tư cho mình./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Tính đến tuần cuối tháng 3, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh.