Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Hà Nội xử lý hàng trăm dự án treo thế nào?

Hoàng Hà: Thứ năm 27/10/2022, 10:25 (GMT+7)

Nội đô Hà Nội hiện có rất nhiều khu đất “vàng” đắp chiếu và bỏ hoang hàng chục năm.Còn ở các huyện ngoại thành cũng có hàng trăm dự án khu đô thị, liền kề vướng về pháp lý, xây thô hoặc để đất trống cho cỏ dại mọc, chủ đầu tư muốn xây cũng không được mà bán cũng chẳng xong.

Mặc dù chế tài xử lý đã có, thế nhưng đến nay nhiều dự án dù chậm triển khai nhưng vẫn chưa bị thu hồi. Thực trạng này đang gây ra nhiều hệ hụy. Giải pháp nào để giải quyết thực trạng này?

Nhà liền kề bỏ hoang tại KĐT Văn Phú, Hà Đông.

Nhà liền kề bỏ hoang tại KĐT Văn Phú, Hà Đông.

Quận Hà Đông từng nổi lên như một miền đất hứa giữa lòng Thủ đô, bởi đất “vàng” mà nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Thế nhưng, sau hàng chục năm phát triển ồ ạt, hiện tại nhiều khu biệt thự lại được gắn với tên gọi là khu đô thị “ma" vì vắng bóng người ở. Đặc biệt, tại các khu đô thị Văn Khê, Văn Phú…có hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang, xuống cấp từ nhiều năm qua.

Bà Lê Thị Thanh, ở Văn Phú, Hà Đông cho biết: "Dưới khu Văn Phú bao nhiêu nhà mọc lên đều để không, nhiều khu đô thị liền kề cứ để hoang nhiều năm, nhiều nhà còn mọc rêu".

Còn với gia đình ông Nguyễn Đăng Kiên và nhiều hộ dân khác ở thôn Vân Lũng, xã An Khánh những tưởng sẽ đổi đời sau khi Hoài Đức được sáp nhập vào Hà Nội. Thế nhưng, giờ đây dù diện mạo An Khánh có khang trang hơn, nhưng sau khi đất nông nghiệp bị thu hồi người dân mất việc, còn dự án thì lại đắp chiếu cả chục năm nay khiến ông không khỏi xót xa.

"Ngày xưa đất ruộng cấy lúa, sau nhà nước thu hồi, không còn đất sản xuất nữa rồi. Các dãy nhà này xây lâu lắm rồi, bỏ hoang như thế tôi thấy rất lãng phí, nhưng bán với giá tiền cao, cỡ 10-15 tỷ/căn dân không đủ sức mua", ông Kiên cho biết.

Hiện nay ở khu đô thị Nam An Khánh có hàng trăm ngôi biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang mặc cho rêu phong bao phủ, xuống cấp, nhếch nhách, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên và gây nên tình trạng mất an toàn, an ninh khu vực, khiến người dân không khỏi tiếc nuối và bất an.  

"Quá lãng phí dân nghèo không có nhà mà ở, lắm chỗ thì lại xây lên bỏ hoang. Vừa rồi, thiếu nhà trẻ, các phụ huynh phải bốc thăm may mắn cho trẻ đi học".

"Cứ bỏ không thế này, rất hôi hám, ô nhiễm, an ninh trật tự không đảm bảo".

"Đất có giá trị để không như thế quá lãng phí tài nguyên của nhà nước, giá mà có một sự quản lý hay quy hoạch thiết thực xây lên thành những khu vui chơi cho trẻ em hoặc xây trường học tôi thấy hiệu quả hơn".

Hàng trăm ngôi biệt thự bỏ hoang, rêu phong bao phủ, xuống cấp tại Khu đô thị Nam An Khánh.

Hàng trăm ngôi biệt thự bỏ hoang, rêu phong bao phủ, xuống cấp tại Khu đô thị Nam An Khánh.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, dự án Nam An Khánh được hình thành vào thời gian Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Đây là dự án nhằm kết nối giữa Hà Nội với Hòa Bình và đô thị Hòa Lạc, hỗ trợ nâng cao chất lượng sống cho cư dân khu vực và được kỳ vọng trở thành đô thị khoa học công nghệ tại Hòa Lạc. Thế nhưng thực tế phát triển lại chưa như kỳ vọng, chưa hấp dẫn DN và người dân đến đầu tư, sinh sống, hàng loạt dự án đầu tư dở dang.

"Các dự án xung quanh như nhà ở, trung tâm dịch vụ và những khu công nghệ giải trí rất mạnh ở đó nhưng chưa thực hiện được như quy hoạch đề ra. Ở đây là do công tác dự báo có nhưng triển khai chậm, cho nên không tạo nên lực hấp dẫn, không trở thành điểm đến của dân cư. Bởi vì thiếu sự kết nối giữa trung tâm với các khu vệ tinh và sắp tới sẽ là thành phố trong thành phố. Có những khu vực phải chờ hoàn thiện mới có lực hấp dẫn", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Mới đây, qua rà soát trên địa bàn Hà Nội có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, các dự này về cơ bản đều bám sát “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030”, tức là quy hoạch cho 20 năm sau. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế, Hà Nội lại chưa xác định cụ thể các vùng trọng tâm, nhiều khu vực phát triển nhưng không phải trọng tâm, dẫn đến hệ lụy là hiệu quả đầu tư thấp và dự án treo kéo dài.

Dưới góc nhìn khác, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam chỉ ra nhiều hệ lụy từ hàng trăm dự án treo: Ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế; làm chậm lại quá trình phát triển hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch đã duyệt và quan trọng nhất là gây mất niềm tin, bức xúc trong nhân dân khi dự án “treo” tới một vài thập niên, khiến đời sống của họ bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân, như năng lực của nhiều chủ đầu tư yếu kém, công tác quản lý giám sát bị buông lỏng, bất cập từ cơ chế chính sách đền bù chưa thỏa đáng.

"Còn một nguyên nhân khác nữa, quy hoạch có thể không phù hợp dẫn đến việc thực thi những dự án đấy không được người dân đồng thuận và không triển khai được. Kể cả đã đầu tư nhưng không hiệu quả, tạo ra những dự án ma. Tất cả những điều đó nói lên chất lượng làm quy hoạch của mình trong giai đoạn vừa rồi vẫn chưa có tính đồng nhất cao, chưa có sự nghiên cứu sâu và đặc biệt là chất lượng quy hoạch vẫn còn nhiều vấn đề", TS Nguyễn Văn Đính nói.

Hàng trăm ngôi biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang tại Khu đô thị Nam An Khánh.

Hàng trăm ngôi biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang tại Khu đô thị Nam An Khánh.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, việc quản lý, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ còn thiếu quyết liệt; việc phân cấp xử lý các vi phạm cũng chưa rõ ràng, dẫn đến thực trạng dự án treo khá phổ biến, gây lãng phí nguồn lực và làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác. Trong khi đó Luật Đất đai đã quy định khá rõ chế tài xử phạt, nhưng chính ông cũng không hiểu vì sao những dự án treo cả vài thập niên vẫn chưa bị thu hồi, xử lý.

"Luật Đất đai 2003 quy định, dự án treo là dự án sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ dự án thì nhà nước sẽ thu hồi. Luật Đất đai 2013 đã đưa ra cơ chế mạnh hơn, khi dự án bị treo cho phép gia hạn 24 tháng, sau 24 tháng nếu mà vẫn bị treo thì nhà nước sẽ thu hồi đất và tòa bộ tài sản đã đầu tư trên đất", GS. Đặng Hùng Võ cho biết.

GS. Đặng Hùng Võ cũng phân tích thêm, chế tài xử phạt dự án treo vi phạm Luật Đất đai đã có nhưng lại chưa có chế tài cụ thể xử lý cán bộ quản lý tại địa phương. Như vậy là cán bộ vẫn tồn tại, dự án treo vẫn tồn tại và cả những bất cập do dự án treo gây ra vẫn cứ tồn tại. Vì thế, trong lần sửa Luật Đất đai lần này cần làm rõ trách nhiệm và chế tài xử lý người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng này.

Dự án bỏ hoang tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông.

Dự án bỏ hoang tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông.

Câu chuyện dự án treo, chậm tiến độ tại Hà Nội từ lâu đã không còn xa lạ với dư luận. Thế nhưng, sau sự việc trẻ mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải dựa vào bốc thăm để dành suất học do thiếu trường lớp mới thực sự khiến người ta tỉnh ngộ, rằng Hà Nội đang có hàng trăm dự án treo tới 10 năm, 20 năm, đất đai nhà cửa bỏ hoang.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông đây là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm qua, chính quyền Hà Nội cần chủ động vào cuộc quyết liệt, giải quyết dứt điểm vấn nạn này.

Góc nhìn của VOV Giao thông: Rốt ráo thu hồi dự án treo để xây trường học.

Tại Hà Nội, nhiều năm nay vẫn tồn tại một nghịch lý là nhiều nơi để đất hoang hóa, dự án bỏ không, trong khi đất xây trường học khan hiếm. Thậm chí có nơi đất được quy hoạch xây dựng trường học đã giao cho chủ đầu tư cách đây 20 năm nhưng vẫn chưa triển khai. Vì thế câu chuyện quá tải trường lớp, thiếu trường ở một số địa bàn đang diễn ra phổ biến không chỉ ở quận Hoàng Mai mà tại nhiều quận nội thành Hà Nội.

Mới đây, người đứng đầu chính quyền Hà Nội ông Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo quận Hoàng Mai thu hồi 7 ô đất quy hoạch xây dựng trường học để đầu tư trường công lập, chấm dứt cảnh bốc thăm giành suất học. Đây là động thái tích cực cho thấy sự quyết liệt trong giải bài toán hạ tầng xã hội, đặc biệt là trường học của bộ máy chính quyền mới.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Để giải quyết tình trạng này, đầu năm nay HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, rà soát từng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do điều chỉnh quy hoạch, đồng thời rà soát các dự án chây ì nợ lớn.

Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Hà Nội cần chủ động rà soát từng dự án và có hướng giải quyết rốt ráo, phân nhóm vấn đề để tháo gỡ, cũng như làm rõ nguyên nhân nhân cụ thể đang vướng trong từng dự án, để gỡ cho bằng được. Không thể để lãng phí tài nguyên thêm, cũng không để đến khi học sinh phải bốc thăm đến trường thì mới đi rà soát xem trên địa bàn đó đất đang thừa thiếu, hoang hóa ra sao, như chuyện ở Hoàng Mai.

Bên cạnh đó Hà Nội cần tăng cường kỷ cương trong quản lý đầu tư và sử dụng đất đai, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết và xử lý. Đồng thời phát huy vai trò giám sát từ nhân dân, muốn vậy các thông tin về đầu tư, quy hoạch cần phải công khai minh bạch, được phổ biến rộng rãi để người dân nắm rõ và giám sát.

Về lâu dài Chính phủ cần cải cách triệt để chính sách đất đai và phát triển thị trường bất động sản, sao cho người dân được tiếp cận nhà ở, trẻ em có quyền tiếp cận trường học, không còn tình trạng đầu cơ, có đất nhưng để hoang hóa theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về đất đai.

Rất mừng là mới đây dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường, sẽ gỡ được nút thắt giá đền bù. Thủ tướng cũng đang đốc thúc các địa phương xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể các ngành đảm bảo tính đồng bộ, tương hỗ lẫn nhau và đặc biệt tạo điều kiện cho đất đai được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Cùng với việc “vá” lỗ hổng pháp lý và mạnh tay trong việc xử lý, thu hồi hàng loạt dự án treo, hy vọng tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai tại Hà Nội sẽ được xử lý dứt điểm.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.