Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đô Thị

Chợ tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết

Phan Nhơn: Thứ ba 10/01/2023, 17:06 (GMT+7)

Hiện nhiều thính giả của VOVGT phản ánh về việc hiện tại có nhiều chợ tự phát ngoài chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt là mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi lưu lượng hàng hóa đổ về TP.HCM mỗi ngày tăng trong dịp tết Quý Mão đang đến gần.

TP.HCM đã xây dựng 3 chợ đầu mối gồm: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn để cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân thành phố này. Mỗi ngày lưu lượng hàng hóa đổ về hàng chục ngàn tấn hàng rau, củ quả, thịt các loại. Từ đây, hàng hóa phân phối về các điểm chợ truyền thống, bán lẻ cho người dân.

Hơn 10 năm nay, TP.HCM xây dựng Ban quản lý ATTP để giám sát đầu mối các chợ nhằm đảm bảo toàn bộ vấn đề An toàn thực phẩm của thành phố. Song, sau khi tình hình dịch Covid-19 lắng xuống, hoạt động các chợ trở lại, do một phần kinh tế khó khăn các tiểu thương đã dời sạp buôn bán ra ngoài chợ kinh doanh.

Hàng chục ngàn tấn hàng rau, củ quả, thịt các loại đổ về các chợ đầu mối mỗi ngày

Hàng chục ngàn tấn hàng rau, củ quả, thịt các loại đổ về các chợ đầu mối mỗi ngày

Cụ thể theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, các tuyến đường ngoài chợ nông sản Hóc Môn lẫn Thủ Đức xuất hiện ngày càng nhiều các điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra nhiều bức xúc cho những thương nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Ông Lê Văn Văn Tiển, Giám đốc Công ty chợ đầu mối Hóc Môn kiến nghị Ban an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng trong công tác an toàn thực phẩm: "Đoạn đường xung quanh chợ có 5 đường, đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22, xung quanh chợ có 3 đường số 4, số 3, số 12. Tổng cộng có 190 điểm kinh doanh tự phát và tất nhiên tự phát là không có giấy phép là hiển nhiên rồi."

Chưa hết, việc kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng đường, lề đường gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông, gây nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý chợ, mất công bằng đối với các thương nhân trong Chợ như: về công tác PCCC, thất thu ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường,…). Công ty chợ đầu mối Hóc Môn kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết triệt để hơn việc kinh doanh không đúng quy định, công bằng.

Ông Lê Văn Tiển tiếp tục kiến nghị: “Góc độ lấn lòng đường, lề đường đó là những nơi công cộng dẫn đến tình trạng kẹt xe, không còn cái tiện ích, tiện nghi nữa. Ra vào chợ trước đây 10-15 ngày rất là khó, thậm chí họ làm một con lươn buôn bán giữa đường luôn. Cho nên nhiều thương nhân, thương lái về đây ra vô rất là khó, họ phàn nàn về sự thông thoáng tiện ích”.

Trước thực trạng phức tạp ở các chợ đầu mối TP.HCM, đoàn công tác Ban An toàn Thực phẩm đã cử nhiều đoàn giám sát công tác. Tại đây, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP dẫn đầu đoàn công tác cũng ghi nhận những kiến nghị, nắm rõ những bất cập tại các chợ. Về việc mất an ninh trật tự, lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán tự phát, lãnh đạo Ban sẽ kiến nghị thêm chính quyền địa phương, công an, đô thị để vào cuộc dẹp bớt tình trạng buôn bán bát nháo trước chợ.

Ngày càng có nhiều điểm kinh doanh tự phát mọc lên ngay bên ngoài các chợ đầu mối

Ngày càng có nhiều điểm kinh doanh tự phát mọc lên ngay bên ngoài các chợ đầu mối

Lý giải việc này, bà Lan cho rằng, việc kinh doanh không phép rồi tự phát trước đây đã có, sau dịch bệnh thì tình trạng nở rộ nhiều. Lý do chính một phần vì điều kiện kinh tế, cho nên có nhiều người đã phó mặc vấn đề an toàn, chỉ cần tiêu chí càng rẻ, càng tốt. Thứ 2, trong dịch bệnh chúng ta cấm nhưng nhu cầu người dân thì vẫn có, người ta tự phát, tự phát tới hồi thành thói quen xấu khó bỏ. Đáng nói, thói quen đó kèm theo lợi nhuận thì càng khó bỏ hơn.

Bà Lan đánh giá vấn đề quản lý nhà nước, hệ thống  làm chưa quyết liệt, đặc biệt là ở địa phương: "Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ cần có sự quyết tâm hơn, không phải Ủy ban không quyết liệt, đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo. Nếu như trách nhiệm cụ thể, trực tiếp nhất là ở các quận, huyện. Thì họ lại sẽ than là đấy, bị giảm biên chế về trật tự đô thị, về thế này thế nọ thế kia nhưng mà tôi nghĩ là có lẽ là việc quận, huyện còn rất nhiều những vấn đề bận rộn khác và cái vấn đề an toàn thực phẩm không phải vấn đề số một của họ,

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Ban an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân không mua hàng ở những nơi bất hợp pháp. Những nơi cấp phép, thẩm định rồi đôi khi còn làm sai, huống hồ các nơi chưa cấp phép. Bây giờ, ta đòi hỏi là ở Việt Nam phải được quản lý an toàn thực phẩm tốt như nước này tốt như nước kia.

Vậy làm sao hướng người dân tôn trọng, những nơi được cấp phép hợp pháp và không mua hàng linh tinh. Vì mua linh tinh là coi như người ta đánh cược cái sự an toàn của mình và của gia đình".

Phan Nhơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn