Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xe đạp đã được nhiều quốc gia, thành phố lớn chú ý như một giải pháp cho vấn đề đi lại trong thời dịch.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt vốn là phương tiện di chuyển chính của nhiều người dân tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã thay đổi tất cả. Việc phải tuân thủ giãn cách xã hội khiến các phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế số lượng khách. Và đó là lí do để cho xe đạp “lên ngôi”.
Tại Châu Âu, “cách mạng đạp xe” đang bùng nổ. Điều này khiến nhiều quốc gia tính toán việc giảm bớt phần đường dành cho ô tô để dành cho xe đạp. Tại thủ đô London, Anh, nhiều khu phố trung tâm đã trở thành khu vực cấm ô tô, chỉ cho phép xe buýt, xe đạp và đi bộ. Hay các thành phố như Liverpool, Manchester đang trong quá trình xây dựng mạng lưới giao thông cho xe đạp và người đi bộ. Chính phủ Anh kỳ vọng sẽ có nhiều hơn người đi xe đạp để giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng, cũng như giảm bớt khí thải từ phương tiện động cơ đốt trong.
Ông Peter Walker, nhà báo của tờ Guardian chia sẻ: “Ở Anh hiện có khoảng 1.9% người dân sử dụng xe đạp như phương tiện để đi làm. Nếu ta có thể tăng con số này lên 5%, điều đó tương đương với việc có thêm 1.3 triệu người không sử dụng xe buýt hay tàu điện. Điều đó giúp ích rất nhiều trong việc giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay”.
Còn Thụy Điển, không cần tới khi có dịch COVID-19, đi xe đạp vốn đã là lối sống quen thuộc. Không chỉ có đường dành cho xe đạp trong thành phố. Thụy Điển có những tuyến đường xe đạp xuyên quốc gia, kéo dài hàng trăm km. Có thể nói, chỉ với chiếc xe đạp, người dân Thụy Điển có thể đi bất cứ đâu, ễn là sức khỏe cho phép.
Thống kê giai đoạn 2012-2014, hơn 63% người dân Thụy Điển thường xuyên sử dụng xe đạp. Trung bình, cứ mỗi 0,7 km, ta lại bắt gặp một người đi xe đạp. Xe đạp đã trở thành vật dụng thiết yếu trong gia đình, được so sánh ngang hàng với tivi.
Dù hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bà Ann Mawe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển vẫn giữ thói quen đạp xe, vừa để đi làm, vừa để giữ cho mình một lối sống “xanh”. Bà chia sẻ: “Tôi bắt đầu đạp xe từ lúc 5 tuổi cho tới giờ. Hiện tôi đạp xe đi làm khoảng 2-3 ngày mỗi tuần. Chiếc xe đạp ưa thích của tôi được thiết kế theo trường phái cổ điển, và cũng do Việt Nam sản xuất”.
Dù xe đạp đem lại những hiệu ứng tích cực như giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố an toàn giao thông. Hạ tầng giao thông cũng như các quy định an toàn cần phải theo kịp, đáp ứng yêu cầu của số lượng người đi xe đạp ngày một tăng.
Mới đây, Bộ GTVT Singapore đang tiến hành khảo sát, xem xét liệu có cần thắt chặt hơn các quy định về an toàn cho người đi xe đạp cũng như chế tài xử phạt các hành vi vi phạm. Một trong các vấn đề đó là liệu có nên quy định cấm các nhóm người đi xe đạp dàn hàng khi lưu thông trên mọi con đường, cũng như hạn chế số lượng phương tiện tối đa cho mỗi nhóm đạp xe trên đường. Heather Tan (Hi-thơ Tân), một người đi xe đạp chia sẻ:
“Nếu đi theo hàng một, bản thân mỗi người đi xe đạp phải chú ý tới nhiều yếu tố như làn đường, các phương tiện khác di chuyển ở cả bên trái và bên phải. Còn đi theo hàng hai thì bạn sẽ có thêm một người ở bên cách để san sẻ những phần việc đó, nên việc di chuyển sẽ an toàn hơn rất nhiều”.
Còn tại bang Victoria, Úc, mới đây, chính quyền bang đã chính thức áp dụng quy định: Các phương tiện khác khi vượt qua xe đạp phải giữ khoảng cách ít nhất là 1 mét khi chạy trên đường giới hạn vận tốc 60 km/h, và 1,5 mét với các con đường có giới hạn vận tốc trên 60 km/h. Quy định này được áp dụng, sau khi số liệu cho thấy số người đi xe đạp thiệt mạng do TNGT tại bang này lên tới 13 người trong năm 2020, so với 10 người thiệt mạng những năm trước.
Người đứng đầu ngành GTVT bang Victoria, ông Ben Carroll cho biết: “Chúng tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng để khiến mọi người đều an toàn khi đi trên đường, bao gồm cả những người đi xe đạp”.
Còn tại Việt Nam, dù xe đạp cũng được coi là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí cũng như ùn tắc tại đô thị, nhưng trên thực tế, hạ tầng cho xe đạp tại nước ta vẫn chưa thể đáp ứng. Người đi xe đạp vẫn phải chịu nhiều rủi ro do không có phần đường riêng.
Bản thân nhiều cá nhân, hội nhóm xe đạp vẫn chưa nhận thức được về việc đảm bảo ATGT. Có thể kể đến tình trạng đạp xe trên cao tốc như trường hợp mới được phản ánh gần đây tại cao tốc Nhật Tân – Nội Bài.
Có thể thấy, để xe đạp có thể phát triển tại Việt Nam, chúng ta cần nhiều hơn cả về hạ tầng, cũng như quy định về ATGT cho loại phương tiện này.