THÁNG 10 XIN Ý KIẾN QUỐC HỘI
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo có 8 chương, 62 điều, gồm: Những quy định chung; Quy tắc giao thông đường bộ; Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ…
Cụ thể, về nguyên tắc hoạt động về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự thảo Luật quy định, hoạt động giao thông đường bộ phải trật tự, an toàn, kỷ cương, thông suốt; chủ động phòng ngừa tai nạn, vi phạm và ùn tắc giao thông; bảo vệ quyền con người khi tham gia giao thông trên đường bộ. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng ô tô, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe; Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách).
Đặc biệt, tại dự thảo Luật này, Bộ Công an cũng đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC… như Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành. Thay vào đó sẽ là các hạng giấy phép lái xe như A, A3, B, C1, C...
Cụ thể, giấy phép lái xe hạng A2 dành cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50-175cm3; giấy phép lái xe hạng A dành cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2; giấy phép lái xe hạng B dành cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe); xe ô tô tải không quá 3,5 tấn và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông cũng quy định người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A2, A, A3, B; Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe xe hạng C1, C, BE; Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D2, C1E, CE;
Để không gây xáo trộn, Bộ Công an cũng quy định chỉ cấp giấy phép lái xe theo phân hạng mới khi cấp mới, cấp lại do hết hạn, do bị mất.
Về sát hạch lái xe, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định: Trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và chịu sự giám sát các nội dung sát hạch của cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trung ương. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe; tiêu chuẩn sát hạch viên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sát hạch lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hôi liên quan và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự thảo Luật dự kiến sẽ được xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm nay.
TƯƠNG THÍCH VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Vì sao Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, B2? Với những người đang sở hữu giấy phép lái xe hạng A1, B2, đề xuất này có thể khiến họ bị ảnh hưởng như thế nào?
Phóng viên VOV Giao thông phỏng vấn Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật.
PV: Thưa bà, khi bỏ giấy phép lái xe hạng A1, B2, các hạng giấy phép lái xe có gì thay đổi?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe. Dự thảo quy định mới này có 13 hạng giấy phép lái xe, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì cũng không thay đổi, nhưng sẽ phân cấp các hạng giấy phép lái xe khác nhau. Ví dụ sẽ không còn giấy phép lái xe các hạng A1, A4, B1, B2, E…
Thực tế thì các hạng giấy phép lái xe này về nội hàm thì vẫn như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chỉ thay đổi tên gọi để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ví dụ như hạng A cấp giấy phép lái xe moto 2 bánh có dung tích xilanh từ 175 phân khối trở lên; hạng B thì cấp cho người lái xe ô tô chơ người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi của người lái xe, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2 như hiện nay…
PV: Vì sao Ban soạn thảo lại có những đề xuất thay đổi này?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Đề xuất thay đổi này để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát, nội luật hóa các quy định trong Công ước Viên năm 1968, vì Việt Nam cũng đã hội nhập sâu với thế giới nên đề xuất thay đổi để phù hợp với các hoạt động giao lưu, thương mại, học tập.
Do đó người dân Việt Nam và nước ngoài cũng sẽ được tạp điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng giấy phép lái xe tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.
PV: Sự thay đổi này sẽ tác động như thế nào đến những người đang sử dụng giấy phép lái xe hạng A1, B2?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ về điều khoản chuyển tiếp, quy định về giữ và đổi giấy phép lái xe. Tất cả các giấy phép lái xe được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì vẫn được tiếp tục sử dụng.
Riêng các trường hợp giấy phép lái xe được cấp lại do hết hạn, do bị mất hoặc giấy phép lái xe được đổi do hỏng hoặc sai lệch thông tin thì sẽ được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.
Ví dụ giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, B1, B2 thì sẽ được đổi, cấp lái như sau: ví dụ giấy phép lái xe hạng A3, C thì được giữ nguyên và được đổi, cấp lại cùng hạng. Giấy phép lái xe hạng A2 sẽ được đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A1.
Còn giấy phép lái xe hạng A sẽ được đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A2. Với giấy phép lái xe hạng B thì sẽ được đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng B1 và B2.
PV: Xin cảm ơn bà.
Việc Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, B2 sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quóc phòng – An ninh của Quốc hội:
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành luật này?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi cho rằng việc xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông là hết sức cần thiết bởi vì hiện nay việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là một đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng và nó thể hiện đúng sự cần thiết, yêu cầu thực tiễn trong quá trình phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, nhưng nó chưa thực sự căn bản.
Thứ 2 do phương tiện giao thông gia tăng rất nhanh, đồng thời hệ thống hạ tầng giao thông cũng được đầu tư; tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn gia tăng… Ngoài ra Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam cho nên sửa đổi Luật lần này để tiếp tục nội luật hóa các quy định của Công ước Viên, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời nó cũng đáp ứng được yêu cầu phát triển GTVT hiện nay.
PV: Theo ông, với những quy định tại dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó chưa và cần bổ sung những gì?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Cần phải nghiên cứu để đảm bảo dự liệu được yêu cầu phát triển hạ tầng GTVT, rồi số lượng phương tiện GTVT, cơ cấu thành phần các loại phương tiện GTVT, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới. Ngoài việc đảm bảo tính công khai, nh bạch trong hoạt động này thì cũng cần có các quy định để đảm bảo phòng chống tiêu cực trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay.
Đây cũng chính là yêu cầu khi xây dựng hoàn thiện pháp luật thì phải đảm bảo yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 2 dự thảo Luật, cho nên phải xác định rất rõ và đưa ra những quy định để kiểm soát được quyền lực ngay trong việc thực thi các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các lực lượng có trách nhiệm.
Thứ 2 là chúng ta phải thể hiện rõ chính sách xã hội hóa trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ví dụ như có thể phần giám sát các hoạt động GTVT cho các tổ chức khác để lắp đặt các hệ thống camera, rồi các hệ thống phát hiện vi phạm, các phương tiện để giám sát hoạt động giao thông, rồi ứng dụng cái chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, trong tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Những vấn đề này trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ lắm.
PV: Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ lần này là việc lược bỏ một số hạng giấy phép lái xe A1, B2. Ông có ý kiến như thế nào về điều này?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi nghĩ không phải là bỏ đâu, mà đây chính là việc điều chỉnh lại các hạng giấy phép lái xe cho nó phù hợp với quy định của Công ước Viên, để sau này khi chuyển các giấy phép lái xe của Việt Nam sang bằng lái xe quốc tế thì nó thống nhất về hạng của giấy phép lái xe.
Nhân đây tôi cũng đề nghị là nghiên cứu đối với những đối tượng dưới 18 tuổi điều khiển xe dưới 50cm3 thì nên nghiên cứu những quy định về việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận về an toàn giao thông cho những đối tượng này trước khi các đối tượng này điều khiển xe dưới 49cm3.
PV: Xin cảm ơn ông
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 47,6 triệu giấy phép lái xe mô tô, 9,5 triệu giấy phép lái xe ô tô. Theo Bộ Công an, phân hạng giấy phép lái xe hiện hành chưa tương thích với các quy định của Công ước Viên năm 1968, chưa tạo thuận lợi cho việc sử dụng Giấy phép lái xe của Việt Nam ở nước ngoài và giấy phép lái xe nước ngoài tại Việt Nam.
Bởi vậy, việc ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có việc phân hạng lại các loại giấy phép lái xe được cho là sẽ khắc phục được những bất cập này.
Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thong, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
---
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.