Có lẽ hình ảnh những gánh hàng rong, những chiếc xe đẩy bán đủ thứ món ăn, đồ uống trước cổng bệnh viện, trường học đã không còn quá xa lạ với người dân TP.HCM.
Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Bình Dân,... hàng rong tập trung rất đông, bày bán la liệt trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường.
Các mặt hàng được bày bán đa dạng, từ đồ ăn sáng, nước giải khát, trái cây đến đồ chơi trẻ em, quần áo, phục vụ nhu cầu của người nhà bệnh nhân, học sinh và người qua đường. Rác thải từ người mua và người bán vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Các xe đẩy chở hàng hóa cũng cản trở giao thông, tìm ẩn nhiều rủi ro tai nạn cho người đi đường mỗi khi di chuyển qua khu vực:
"Giờ này mình còn đi được chứ buổi sáng sớm là nó còn phức tạp nữa."
"Hàng rong nhiều, xe cộ đông và khó đi hơn."
"Đề nghị là nên dẹp bỏ sớm, bán hàng thì nó ảnh hưởng nhiều thứ nhất từ vệ sinh rồi rác rưỡi đủ mọi thứ, nói chung là ảnh hưởng nhiều mặc."
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các hàng quán này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn bày bán không được che đậy cẩn thận, bụi bặm, ruồi nhặng bu bám.
Thế nhưng vì thuận tiện và giá cả hợp lý nên nhiều người vẫn chọn mua ở đây. Anh Bình (bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng các bệnh viện, trường học nên tập trung phát triển căn tin để đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay, từ đó cũng dẹp được vấn nạn mua bán hàng rong:
"Nếu các bệnh viện có căn tin lớn hơn, tốt hơn thì người dân sẽ mua sắm ở căn tin bệnh viện tại vì nó uy tín và nó cũng hợp vệ sinh hơn."
Thực tế những người mưu sinh bằng việc buôn bán hàng rong đa số là những người lớn tuổi, đến từ nhiều tỉnh thành lân cận thành phố. Vì công việc không ổn định nên họ chọn việc buôn bán trước cổng trường, bệnh viện… để mưu sinh.
Bà Lê Thị Thắm (quê tại tỉnh Đồng Nai) cho biết mỗi ngày bán được 1 đến 2 trăm nghìn, nếu thấy lực lượng chức năng thì bà cũng như nhiều người khác thu dọn hàng hóa, kéo xe đi chỗ khác để tránh bị xử lý: "Cuộc sống của cô mưu sinh cô sống từ nhỏ tới lớn ở ngoài này mấy chục năm rồi, ễn sao bán một ngày có được 1 trăm 2 trăm ngàn gom lại để đóng tiền nhà, từ lúc sáng đến giờ mà cô bán được có 1 trăm mấy à. Nếu thấy đô thị thì mình chạy, rồi mới đứng lại thì thấy đô thị chạy ngang."
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đườ ng. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa cao, tình trạng hàng rong vẫn tái diễn. Một phần nguyên do vì nhân lực ở cơ sở còn thiếu, lại phải đảm nhận nhiều loại hình công việc nên cứ mỗi khi xử lý xong lớp người bán hàng rong này và vừa đi thực hiện công việc khác thì lớp người bán hàng rong khác từ nhiều nơi lại tràn vào.
Ông Nguyễn Đức Thắng – Phó trưởng phòng Quản lý đô thị (Quận 1, TP.HCM) cho biết: "Nếu anh em mà xử lý căng quá thì họ quăng ra ngoài đường ảnh hưởng đến người giao thông và với lượng nhân sự ít thì cũng không đáp ứng hoàn toàn được, có những khi là làm không xuể".
Theo ông Nguyễn Việt Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 2, Quận 5 cho biết, lực lượng chức năng tại địa phương đã nhiều lần qua quân xử lý, tịch thu tang vật nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tình trạng này lại tái diễn:
"Hiện nay tất cả các bệnh viện căn tin không đủ để đáp ứng, với lại giá ở ngoài nó rẻ hơn rất nhiều. Mình xử lý thì tịch thu tang vật đưa về kho trụ sở, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt hiện nay khoảng 2 triệu rưỡi".
Để giải quyết triệt để vấn nạn hàng rong trước cổng bệnh viện, trường học, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bên cạnh việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng cần cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm.