‘Tín dụng đen’ là cụm từ chẳng còn xa lạ gì với nhiều người dân, thế nhưng đến thời điểm này vẫn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi. Vậy giải pháp nào trước thực trạng này?
Với các mỹ từ "thủ tục đơn giản, gọn lẹ, không cần thế chấp tài sản…" nhiều người, đặc biệt là lao động có thu nhập thấp, không ổn định lại vướng vào những cái bẫy “tín dụng đen”.
Mất việc làm kể từ cuối năm 2022, lại cần tiền gấp để xoay sở việc gia đình, chị Kim Oanh, sống tại TP.HCM, đã làm liều vay tín chấp, cứ nghĩ bản thân sẽ có khả năng trả hết số nợ 200 triệu, thế nhưng chị đành bất lực khi lãi mẹ đẻ lãi con, chị chia sẻ:
"Tín dụng đen lúc nào nó cũng kề cận xung quanh mình, lúc nào mình cũng nhìn thấy không cần phải suy nghĩ luôn. Mình liều vì mình túng quá nên mình vay, lãi mẹ đẻ lãi con là phải bán nhà luôn rồi trả tiền tỉ luôn mà vẫn không hết nữa đó".
Khi người vay không trả hết cả nợ gốc lẫn lãi thì những kẻ cho vay sẵn sàng có hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, điện thoại khủng bố người thân, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, tạt sơn, chất bẩn. Là nạn nhân của những lần đòi nợ kiểu giang hồ như vậy, chị Oanh bàng hoàng cho biết thêm:
"Khi mình không có khả năng chi trả nữa là họ sẽ tấn công gia đình mình họ chửi bới rồi gây sức em cho cha mẹ rồi con cái nữa. nó làm đủ mọi cách để cho mình tiếp tục trả nợ, nói thì nói vậy thôi chứ ai từng trải qua rồi mới thấy được sự khủng khiếp".
Ngoài tiếp cận người vay theo kiểu ‘ngân hàng cột điện’ thì các đối tượng còn cho vay thông qua các ứng dụng trên điện thoại và các nhóm trên mạng xã hội. Chỉ cần cung cấp thông tin, chụp ảnh căn cước công dân thì người có nhu cầu sẽ được vay từ 5 đến 10 triệu đồng mà không cần thế chấp.
Chính điều này đã thu hút được nhiều tầng lớp sập bẫy hơn, ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư ký hội tin học TP.HCM chia sẻ: "Trước đây chúng ta thấy họ dán khắp các ngõ hẻm, chúng tôi nói vui là cho vay cột điện, tức là dán ở cột điện rồi tường nhà… thì bây giờ họ đã chuyển sang internet, chúng ta hiện giờ sở hữu một website hoặc một App thì nó quá đơn giản và rất nhiều người có được một chiếc điện thoại di động như học sinh, sinh viên, những người mua bán nhỏ…
Và chính những người đó là người có nhu cầu vay và vay số lượng nhỏ thôi, nhưng vay số tiền nhỏ thì tiếp cận với hệ thống tài chính như ngân hàng của chúng ta thì rất khó chính vì thế tín dụng đen có cơ hội phát triển".
Trước vấn nạn trên thời gian qua Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra, lên danh sách 367 số điện thoại liên quan cho vay tài chính với gần 50 đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay tín dụng đen để xác nh và khởi tố 6 vụ với 32 bị can.
Trung tá Trịnh Khánh Hùng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CA TP.HCM cho biết đa phần các hoạt động cho vay được cầm đầu bởi người nước ngoài và dùng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, gây khó cho công tác điều tra, xử lý.
"Qua quá trình xác nh ban đầu thì đối tượng cầm đầu là người nước ngoài trực tiếp và thuê các nhân viên đứng tên để điều hành cho vay tín dụng tiêu dùng trái quy định. Đáng chú ý để che giấu hành vi phạm tội các đối tượng đã lập ra nhiều tài khoản ngân hàng, các tài khoản trung gian để thanh toán tiền cho người vay, các hợp đồng gửi và giữ tài sản nhưng thực tế thì không có hoạt động cầm cố tài sản, mọi hoạt động đều thực hiện trực tuyến trên trang web của các công ty", Trung tá Trịnh Khánh Hùng cho biết
Theo ông Vũ Anh Tuấn, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng và sự nâng cao nhận thức của người dân thì các ngân hàng nhà nước nên tiếp cận nhiều hơn với những người có nhu cầu vay nhỏ lẻ, đơn giản hóa các thủ tục cho vay. Có như vậy mới mong ‘tín dụng đen’ sẽ hết đường ‘sống’:
"Chính phủ và quản lý nhà nước đã làm rất mạnh mẽ trong thời gian vừa rồi, truy bắt rất nhiều tổ chức cho vay nặng lãi. Chúng ta cần phải những giải pháp công nghệ, càng ngày hệ thống cho vay hợp pháp phát triển tiếp cận được người dùng đầu cuối vay nhỏ lẻ càng lớn thì tín dụng đen sẽ càng được kéo giảm xuống bởi vì họ đã đáp ứng được nhu cầu vay của người tiêu dùng".