Tìm lại dây đờn Rạch Giá

Nếu bài Dạ Cổ Hoài Lang, ở Bạc Liêu đặt nền móng cho sự phát triển của âm nhạc tài tử, cải lương Nam Bộ thì “Dây Rạch Giá” là sự sáng tạo mới của trường phái diễn tấu hài vọng cổ theo phong cách độc nhất vô nhị, tạo đà cho sự phát triển của nhiều loại dây đờn cổ nhạc sau này.

Tiếc rằng qua những biến thiên của thời gian, đến nay, “Dây Đờn Rạch Giá” còn rất ít người lưu giữ nét nguyên bản vốn có xưa kia.

Vào khoảng thời gian những năm 30 của thế kỷ XX, đất Rạch Giá từng vang danh khắp nam kỳ lục tỉnh bởi một trường phái diễn tấu bài vọng cổ theo phong cách độc nhất, vô nhị được giới nghệ sĩ đặt tên là “Dây đờn Rạch Giá”.

Theo Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, “Dây đờn Rạch Giá” được sáng tạo từ ông Nguyễn Văn Lạc, tự Ba Lạc – một công chức thời xưa. Bởi khi ấy những bài vọng cổ thể hiện qua các nhạc cụ truyền thống không thể lột tả được hết chất trữ tình.

Thấy thế, ông Ba Lạc đã tự tìm tòi, nghiên cứu trên cây đàn Mandolin để tạo ra một kiểu đờn vọng cổ mới. Sau nhiều lần tập luyện và thử nghiệm, ông Ba Lạc đã biểu diễn cách đờn vọng cổ mới trước các bạn bè, đồng nghiệp tài tử ở Rạch Giá. Qua kiểu đờn mới, âm sắc, âm vực của bài vọng cổ được mở rộng nhiều hơn và nhận được sự tán thưởng từ giới tài tử.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hoàng Vũ là một trong những người nặng lòng với Dây đờn Rạch Giá.

Một thời gian sau, ông Ba Lạc và giới tài tử Rạch Già vì không bằng lòng với sự cải tiến nên đã bắt đầu nghiên cứu thay đổi. Ông Ba Lạc tìm đến người học trò của mình là ông Giáo Tiên để cùng tiếp cận với cây ghi-ta (loại nhỏ) nhập từ phương tây để cải tiến. Sau một khoảng thời gian dày công nghiên cứu, kết quả đem lại rất khả quan. Bài vọng cổ được đờn trên cây ghi-ta cải tiến nghe hay hơn nhiều so với cây đàn Măng-đô-lin, thanh âm trầm bổng được mở rộng hơn, réo rắc hơn.

Tuy nhiên, nó vẫn chưa truyền tải hết những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn người nghệ sĩ muốn gửi gắm qua cây đàn. Vì vậy, giới tài tử Rạch Giá thêm một lần nữa tìm cách cải tiến cây đàn, các ông đã móc phím cây đàn ghi-ta thành các phím lõm hình bán nguyệt, nhờ vậy mà mỗi khi nhấn nhá trên dây đờn, âm sắc phong phú, trầm bổng, hài hoà hơn.

Từ đây, bài vọng cổ với cung bậc thăng trầm tinh tế, lan toả sâu lắng trong lòng người nghe và được đặt cho cái tên “Dây đờn Rạch Giá” để khẳng định sự sáng tạo của người dân nơi này: “Trước đó muốn sử dụng âm nhạc trong lĩnh vực chơi tài tử thì còn rất hạn chế. Tuy nhiên, khi “Dây đờn Rạch Giá” ra đời thì có thể nói rằng không chỉ ở Rạch Giá - Kiên Giang mà nhiều tỉnh ở Nam Bộ này phát triển lên. Từ “Dây đờn Rạch Giá” đã làm nền tảng cho sự phát triển của một số loại dây khác ví dụ như: Dây Tứ Nguyệt, Dây Lai...thậm chí là dây Sài Gòn có một khoảng thời gian thịnh hành rất lớn.”

Cứ thế, giai đoạn năm 1930 đến năm 1960 “Dây đờn Rạch Giá” phát triển rất thịnh hành. Hầu hết những người chơi tài tử không chỉ ở Rạch Giá mà ở các vùng lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu...đều biết chơi “Dây đờn Rạch Giá”. Cũng từ cách chơi “dây Rạch Giá” trên cây đàn ghi-ta phím lõm đã tạo nền móng cho sự hình thành của dây lai và dây Sài Gòn sau này.

Ông Nguyễn Thiện Cẩn cho rằng, qua thời gian, cách chơi của “Dây Rạch Giá” không còn đủ sức để truyền tải cảm xúc, chiều lòng giới nghệ sĩ và dần dà bị quên lãng: “Do thời gian và sự phát triển của xã hội thì đến một lúc nào đó thì “Dây Rạch Giá” cảm nhận như là nó chưa đủ sức để chơi tài tử phong phú đa dạng, vì thế mà nó ngày một mai một dần.”

Cây đờn ghi-ta phím lõm gồm có 6 dây nên còn được gọi với cái nên mỹ ều là Lục Huyền Cầm. Ngày ấy, mảnh đất Rạch Giá không chỉ vang danh “Dây Rạch Giá” mà còn nổi tiếng một cửa tiệm đóng đờn của ông Sáu Oanh.

Bằng sự sáng tạo và khéo léo của ông Sáu Oanh, những cây đờn sau khi được hoàn thiện đã góp phần làm âm sắc của “dây Rạch Giá” thêm độc đáo, khiến giới nghệ sĩ say mê thích thú tìm đến đặt hàng.

Ảnh nh họa: Kiengiangvn.vn

“Dây Rạch Giá” vang danh lừng lẫy khắp Sài Gòn và lục tỉnh Nam Kỳ, tuy nhiên “Dây Rạch Giá” chỉ thích hợp với giọng nam, nếu nữ muốn hát phải đàn trên dây tứ nguyệt và rồi chính vì sự bất tiện này dần dà chẳng còn ai sử dụng dây Rạch Giá để đờn bài vọng cổ nữa.

Lý giải về “Dây Rạch Giá” chỉ hát được giọng nam và không phù hợp với giọng nữ, Nghệ nhân ưu tú – Nguyễn Hoàng Vũ lại nhìn nhận theo một cách khác: “Ngày xưa thời phong kiến thì nữ chỉ nấu nước châm trà chứ không được quyền tham dự hát cùng. Từ ý kiến đó cứ thế kéo dài cho nên nữ không được hát. Chứ theo tôi thì dây nam hát được thì dây nữ cũng hát được không sao hết, chủ yếu mình rèn luyện, mình sửa lại bản âm của nó. Vấn đề đó không phải khó nhưng mà vì trong thời gian qua người đờn đang dần bị mai một.”

Nghệ nhân ưu tú – Nguyễn Hoàng Vũ cho rằng, hiện nay “Dây đờn Rạch Giá” ngày một ít người nhớ và hiếm người thể hiện vào những bài vọng cổ, bởi đã lỗi thời không còn phù hợp để trình diễn.

Đứng trước sự mai một của “Dây đờn Rạch Giá”, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Vũ đã từng cùng rất nhiều người có chung chí hướng bảo tồn di sản văn hoá của mảnh đất Kiên Giang để đi tìm và lưu giữ...Qua rất nhiều khó khăn và nỗ lực, trong 6 câu của “Dây đờn Rạch Giá” thì ông Vũ cũng chỉ mới có thể sưu tầm được một nửa.

Giờ đây, trước tuổi cao sức yếu và những người còn nắm rõ thông tin, cách thể hiện về “Dây đờn Rạch Giá” ngày một chẳng còn thì câu chuyện bảo tồn đối với ông Vũ ngày một trở nên trắc trở. Để rồi ngày nay, mỗi khi nhắc đến “Dây đờn Rạch Giá” thì nghệ nhân ưu tú Hoàng Vũ lại cảm thấy nặng lòng: “Có người nói dây này giờ lạc hậu nhưng mà từ cái lạc hậu đó mình phải tôn trọng. Ví dụ 100 năm sau khi nhắc đến dây đờn Rạch Giá thì con cháu lớn lên nó muốn khôi phục, tìm lại thì không biết đâu ra.”’

Thật buồn cho “Dây đờn Rạch Giá” – một sáng tạo của con người mảnh đất Kiên Giang từng vang danh khắp vùng đất Nam Bộ đang dần mất đi. Để rồi chẳng còn nhiều thời gian nữa, khi ấy dù có muốn khôi phục lại nhưng chẳng còn tư liệu, con người để tham khảo, lưu giữ và bảo tồn.