Nông dân làm giàu: Nâng cao giá trị từ cây chanh

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ chanh trong nước và xuất khẩu tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, với thời gian bảo quản ngắn và sự linh hoạt khi sử dụng còn hạn chế, việc bán chanh tươi đôi khi gặp khó khăn.

Trước những trăn trở đó, các thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để chế biến và tạo ra những sản phẩm hữu ích từ trái chanh. Những nỗ lực này không chỉ khắc phục nhược điểm mà còn nâng cao giá trị của nông sản địa phương, mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.

Chào chú Lê Văn Nam, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long. Ý tưởng chế biến sâu những sản phẩm từ trái chanh xuất phát từ đâu vậy chú?

Vào thời điểm dịch Covid-19, chanh để ở nhà, không xuất đi được và người nông dân được dịp may là thị trường Châu Âu thì thông quan được. Trái chanh xuất khẩu thì đi được nhưng mà trái chanh để lại siêu thị, để lại các chợ thì lại bỏ ùn ứ.

Mình nhớ lại câu chuyện ngày xưa, ông bà mình đem chanh mình vắt vô mật ong để vô cái nước ấm uống thì nó hỗ trợ sức khỏe. Trên cơ sở đó, mình làm thử. Mình đem các cơ sở, nhà máy có sẵn nhưng mà không đúng theo yêu cầu và bảo quản được nhưng mà không lâu. Mình thấy có hiệu quả, mình mời các nhà khoa học đầu ngành của khoa công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh về chuyển giao công nghệ máy móc thiết bị.

Ông Lê Văn Nam giới thiệu sản phẩm của HTX đến với khách hàng

Từ trái chanh tươi, HTX làm ra được những sản phẩm nào vậy chú?

Hiện tại, trái chanh của mình đang làm theo Global GAP và đang xuất khẩu đi Châu Âu. Cụ thể là đang xuất khẩu đi Hà Lan. Trái chanh tươi sau khi xuất khẩu thì mình có sản phẩm thứ hai là trái chanh làm theo Global GAP mà nó không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì từ đó, mình chế biến ra những sản phẩm chuyên sâu từ trái chanh.

Đầu tiên là sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc. Sản phẩm thứ hai là lấy sản phẩm tinh dầu chanh từ quá trình mình dập the cho trái chanh. Thứ ba nữa là mình làm ra mứt vỏ chanh. Và cuối cùng nữa là hiện tại mình đang làm ra xà bông chanh.

Khi bắt tay vào làm thì có lẽ là sẽ có những khó khăn, bà con HTX đã vượt qua như thế nào vậy chú?

Từ động lực của bà con để nâng cao chuỗi giá trị đó mà mình đi học thì trong quá trình mình đi học thì mình được hỗ trợ những công nghệ từ những nhà khoa học.

Khi mình đạt được những bước đầu tiên thì mình phấn khởi, mình được sự hỗ trợ về kinh tế, nguồn lực của nhà nước thì mình đẩy mạnh, thúc giục mình làm nhiều hơn nữa, tạo ra nhiều sản phẩm để nâng cao giá trị cho người nông dân.

Đón nhận của khách hàng với sản phẩm của mình thời gian qua như thế nào vậy chú Nam?

Chanh thì ra từ 1/7/2023, hơn một năm rồi. Bình quân một tháng cho ra từ 4.000 đến 6.000 chai 200ml nước cốt chanh mật ong cô đặc. Hiện tại giờ mình có 3 sản phẩm từ chanh nhưng mà đang ra thị trường mạnh nhất là nước cốt chanh mật ong cô đặc.

Ngoài những sản phẩm hiện tại đã có thì dự định sắp tới mình có khai thác chế biến thêm gì từ trái chanh không?

Dịp tết này chắc có lẽ mình ra thêm sản phẩm mứt vỏ chanh và cái thường xuyên nhất nữa là ra xà bông chanh. Chanh thì nó rất là đơn giản là diệt khuẩn, kháng viêm, lợi da, vệ sinh được da của mình. Nó có vitan C rất cao. Bao nhiêu đó thôi là mình đủ điều kiện làm ra sản phẩm tự nhiên.

Cảm ơn chú Nam với những chia sẻ vừa rồi.

Ảnh: mekongsen.vn

Giống như nhiều hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đã nhiều năm tập trung trồng và bán chanh tươi cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo lời ông Lê Văn Nam, thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội vào năm 2021, chanh không hạt loại II và III bị ùn ứ với số lượng lớn. Chính tình cảnh này đã khiến các xã viên của Hợp tác xã suy nghĩ tìm cách chế biến chanh không hạt, nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Biến ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh không hề đơn giản. Ban đầu, các thành viên của Hợp tác xã phải liên tục thảo luận với đơn vị gia công để điều chỉnh tỉ lệ từng thành phần trong sản phẩm sao cho phù hợp. Vượt qua những khó khăn này, sản phẩm đã chính thức ra mắt thị trường, mang lại niềm vui và tự hào cho tất cả thành viên Hợp tác xã.

"Rất là nhiều khó khăn. Thứ nhất là về tiếp cận công nghệ tiến bộ. Thứ hai nữa là nếu không có sự hỗ trợ của các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên ngành sâu về thực phẩm về nông nghiệp thì không có thể mình làm nổi đâu".

Sau một thời gian phát triển thương mại, nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, để chủ động quy trình sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh, đầu tháng 7/2023, với sự hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan, Hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn, có công suất 800 kg chanh tươi mỗi ngày, tương đương 4.000 chai sản phẩm. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp sản phẩm tiếp cận các thị trường cao cấp và hướng đến xuất khẩu, nâng giá trị chanh không hạt lên 4 - 5 lần so với bán chanh tươi.

"Chanh hiện vẫn là tiêu thụ tươi, còn chế biến và đa dạng các sản phẩm trên địa bàn hiện nay vẫn rất ít".

"Chanh tươi thì không bảo quản lâu được, còn cái này khi đã chế biến thành sản phẩm thì thời hạn sử dụng ít nhất cũng từ 1 tháng trở lên".

Theo ông Lê Văn Nam, song song với đầu tư dây chuyền sản xuất, HTX cũng chú trọng quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, sử dụng mạng xã hội và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng số.

"Mình phải có bước chuyển đổi rất là mới, nắm bắt được khoa học, nắm bắt được thị trường khoa học công nghệ, thương mại điện tử. Hội chợ này để mình lấy ý kiến khách hàng. Lấy ý kiến trực tiếp tư vấn từ khách hàng, tương tác với khách hàng để biết sản phẩm mình đi tới đâu về mình chỉnh chu sản phẩm mình lại để uốn nắn thị hiếu của người nông dân, đòi hỏi của người khách hàng".

Để phục vụ cho thị trường xuất khẩu và chế biến, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long hiện có hơn 50ha chanh không hạt sản xuất theo chuẩn GlobalGAP và dự kiến mở rộng diện tích lên 100ha. Bên cạnh việc đẩy mạnh chế biến chanh, hợp tác xã còn chế biến mít, xoài, sầu riêng... nhằm nâng cao giá trị nông sản và giúp nông dân chủ động đầu ra.

Với những nỗ lực không ngừng, đơn vị đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Bước đi tiên phong này không chỉ nâng cao giá trị nông sản địa phương mà còn tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.