Đây là cái tên mà người dân Nam Bộ dùng để gọi dòng xe 3 bánh, tay lái giống xe gắn máy, số và ga nằm ở hai tay cầm, là loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến vào loại “nhất nhì" từ thập niên 1960, dành cho người lao động bình dân.
Trước khi có dòng xe này, ở Nam Bộ hồi ấy vốn phổ biến các dòng xe như: Xe kéo, xe Kiếng, xe Thổ Mộ, Xích Lô đạp, Xích Lô máy dùng để chở người và hàng hóa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các dòng xe kể trên cũng dần bị lỗi thời và được thay thế bằng 1 dòng xe khác chạy nhanh hơn, chở được nhiều người và hàng hóa hơn, đó là Xe Lam.
Tên gọi xe lam xuất hiện vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, do dùng kiểu Lambro thuộc dòng xe Lambretta của công ty cơ giới Innocenti - Ý chế tạo.
Ông Nguyễn Văn Vàng, ngụ tại phường 10, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in loại xe đã gắn bó dường như suốt cả một thời tuổi trẻ của mình. Ông kể: "Xe Lambro, xe Lambretta là xe Lam, Việt Nam mình kêu bằng xe Lam. Xe Lam có 2 loại: 1 loại là Lambretta nó nhỏ, chở ít người, còn chiếc xe Lambro lớn hơn, chở được nhiều người hơn, nó ra đời sau xe Lambretta. Thằng em ruột của tôi – thằng thứ 3 hồi đó tôi giúp nó mua 1 chiếc Lambro. Mua ở Sài Gòn chứ ở đây không có bán. Mua về mình mới chế tạo lại làm 2 cái băng ngồi 2 bên. Ở đằng trước làm cái ghế dài nằm ngang để người lái xe ngồi, rồi khách cũng có thể ngồi kế bên. Đó là xe Lambro, Lambretta"
Dòng quảng cáo về xe Lam thời đó của một hãng buôn nhập cảng vào Sài Gòn năm 1967 có đoạn: “Máy trước, vừa đề, vừa đạp. Đặc điểm hoàn toàn làm tại Ý Đại Lợi - Trọng tải hữu dụng 550 ký… Xe có bán tại Lambretta Việt Nam - VINACO và khắp các đại lý trên toàn quốc. Chú ý: không có xe Lam bốn bánh, chỉ có xe Lam ba bánh”.
Lời quảng cáo đã xác định đặc tính của xe Lam là chỉ có ba bánh, có thùng nhỏ phía sau chở được 8 người, một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước, dưới ghế ngồi của tài xế là thùng đặt máy xe. Kể từ khi xuất hiện, dòng xe lam nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều người, “đánh bật” các đối thủ cùng thời.
Thuở ban đầu khi mới xuất hiện, bên hông thùng xe kéo phía sau có dập nỗi chữ Lambretta, hay Vespa nhưng dần về sau thì có kèm theo một con số như: Lambro 150, Lambro 175, Lambro 200, Lambro 500, Lambro 550… Đây chính là nguyên nhân ra đời từ “Xe lam” trong hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 1970, khi các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng, thiếu phụ tùng thay thế, không sử dụng được; các phương tiện thô sơ như xe xích lô, xe đạp lôi, xe lôi máy, không được phép lưu thông trên các tuyến quốc lộ do không đảm bảo tính năng an toàn, thì xe Lam được dùng làm phương tiện thay thế phổ biến, vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi, lại nhanh chóng. Xe lam bước vào thời kỳ hoàng kim, khép lại thời kỳ xe ngựa vào thời gian này.
Lúc đó, chỉ riêng thị xã Biên Hòa đã có tới 6 hợp tác xã xe Lam với khoảng 1.000 đầu xe đăng ký chở khách chính thức, sản lượng hàng triệu lượt khách mỗi năm. Vì vậy mà có thời Biên Hòa được ví như là “thủ phủ xe lam”.
Còn tại Tiền Giang, hồi ấy, xe lam hoạt động mạnh nhất có lẽ là ở vùng Cái Bè và Cai Lậy. Ông Nguyễn Văn Vàng chia sẻ: "Hồi đó, đường Quốc lộ 1 lúc trước có xe đạo lôi chạy nhưng sau thời gian có lệnh cấm, xe đạp lôi không được phép chạy trên Quốc lộ 1 nữa. Quốc lộ 1 chỉ có xe gắn máy mới lưu thông được. Lúc đó thằng em của tôi bị thất nghiệp bởi xe của nó là xe lôi. Thất nghiệp nó mới xuống năng nỉ tôi cho nó mượi tiền về mua chiếc xe Lambro. Mua xong về nó làm giấy tờ chạy tuyến Cái Bè – Cai Lậy. Xuống Cai Lậy thì có cái hội. Hội này sắp xấp lịch chạy của các xe, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm được. Phải đăng ký vô hội đàng hoàng, tới giờ thì mình chạy.
Nếu tới giờ mà hành khách không đủ, nhằm chạy không có lời thì mình bỏ tài. Lúc này những người phía sau được đôn lên. Còn nếu ở bến mà không đủ khách, mà tài xế muốn chạy thì cứ chạy, đúng giờ thì cứ chạy rồi sau đó rước khách dọc đường. Xe của thằng em tôi mới mua, xe mới, 2 bên có rèm che. Ở phía sau có cái bửng. Khi xe còn trong bến thì cái bửng này được đóng lại. Còn ra khỏi bến rồi thì hạ bửng xuống. Thành ra khi xe đông người, hành khách có thể ngồi trên đó được. Còn 2 bên thành xe thì treo võng, gánh, hàng hóa gì đó".
Ông Vàng cho biết thêm, tuy thùng sau xe được thiết kế để chở khách, nhưng nếu đằng sau hết chỗ, các bác tài sẵn sàng ngồi nép lại một bên để có thể chở thêm vài ba hành khách nữa. Hồi đó, có khi khách đi xe còn ngồi lên cả nóc, bám vào đuôi xe. Bất cứ lúc nào, khi người ta muốn đi thì chỉ cần giơ tay vẫy là xe Lam sẽ ngừng lại để khách bước lên nếu xe còn chỗ; nếu không khách chỉ cần đợi chuyến sau. Người buôn bán có thể chất quang gánh, bao và một số thứ linh tinh trên nóc xe.
Giá một chiếc xe lam vào thập niên 60 khoảng 30 cây vàng nhưng đem lại nhiều lợi nhuận cho người chủ xe, “chạy một ngày, ăn cả tháng”: "Suốt cuộc đời của nó, 2 vợ chồng, 8 đứa con nhờ chiếc xe Lambro mà nó sống được. Rồi tới khi nó lớn tuổi và xe Lam không còn thịnh hành nữa do xe Daihatsu giết xe lam. Sau này là xe Daihatsu. Còn xe Lam chở ít người mà không tiện lợi bằng xe Daihatsu. Thành ra nó về giao cho con của nó đi chở rác cho huyện Cái Bè. Cũng là 1 nghề. Bây giờ nó vẫn còn. Hiện bây giờ 2 thằng cháu tôi vẫn còn, 1 thằng có chiếc Lambro và thằng có chiếc Lamretta"
Giới nghiên cứu cho rằng, xe lam là bước chuyển từ xe ngựa lên xe cơ giới, là “phương tiện” đi lại của biết bao tiểu thương kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, lao động, công nhân... Xe lam chở gạo, trái cây, cá mắm ra chợ.
Xe lam chở đám học trò nhỏ đến trường đeo đuổi con chữ những ngày gian khó; chở cả đám cưới, đám ma, đám tiệc, chở cả sản phụ đi sinh. Đi xe lam có nhiều cái thú của nó, xe nhỏ, hai băng ghế đối diện nhau, khách tha hồ ngồi tán chuyện.
Máy móc thô sơ, trọng tải yếu ớt, chiếc xe lam ba bánh của một thời đã đi vào quên lãng. Tiếng máy nổ “phành phành” và những làng khói trắng mịt mù của những chiếc xe lam đã lùi vào sâu vào quá khứ, nhường chỗ cho những loại hình vận tải mới mẻ và hiện đại hơn, nhưng trong ký ức nhiều người, hình ảnh chiếc xe lam và những ngày rong ruổi ngược xuôi của thời nghèo khó vẫn mãi là ký ức khó quên.