Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện TP.HCM điều trị hơn 3.100 ca sởi, trong đó 58% đến từ các tỉnh, 4 trẻ đã tử vong trong đợt dịch này.
Những con số nói lên một địa phương như TP.HCM không thể nào chống dịch khi các tỉnh thành còn lại vẫn còn quá nhiều ca mắc, và sởi đã tấn công thai phụ, người lớn, một việc rất hiếm và hiện chưa có dấu hiệu chững lại.
Vừa qua ngành y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho chích ngừa sởi đối với trẻ từ 6- 9 tháng tuổi. Song đến nay, dù TP.HCM số ca mắc đã giảm đáng kể nhưng các tỉnh gần như đổ về rất đông, đặc biệt các trẻ từ 1- 9 tháng tuổi.
Tại khoa Nhiễm Thần kinh, BV Nhi đồng 1, chị Phạm Ngọc Mỹ (33 tuổi) ẵm con trên tay xót xa khi bé mới 17 ngày tuổi mắc sởi do lây từ chính chị. Sự chủ quan nghĩ rằng bé lớn ở nhà đã chích ngừa nên bé sơ sinh sẽ không bị, song khi chị mắc bệnh và con nhỏ cũng bị lây khiến đau lòng: “Bé mới có 17 ngày thôi, không có chích ngừa sởi, thấy xót lắm. Đâu có biết trước, biết vầy mình chích ngừa rồi, hồi giờ chỉ tập trung chích ngừa cho bé lớn không thiếu mũi nào hết, chỉ có mình chủ quan không chích thôi”
Tương tự, chị Võ Thị Ngọc Anh từ đưa con 3 tháng tuổi từ Bình Phước xuống TP.HCM điều trị bệnh hô hấp thì bị lây nhiễm chéo trong viện. Bé bị biến chứng viêm phổi phải chuyển sang khoa nhiễm để điều trị sởi: “Lúc đầu bé bị viêm phổi xong bé phát ban nghi sởi nên lên đây luôn. Nhà mình ở Bình Phước, trước đó bé không tiếp xúc ai bị sởi hết , bé nhập viện và lây bé khác tại khoa Hô hấp”.
Anh Lê Mãi Mãi (33 tuổi, quê Cà Mau) đưa con khám điều trị một tuần vì viêm phổi, sau lại quay lại điều trị bé bị sởi. Gia đình ái ngại bé bệnh vặt nên dù 15 tháng tuổi vẫn chưa có mũi ngừa sởi nào: “Hôm bữa bé sốt đưa vào đây chẩn đoán sởi, nay được 15 tháng nhưng vì bệnh hoài nên ít tiêm chủng, sợ bị sốt. Ở nhà không có ai bị sởi hết, do đợt trước bé bị phổi điều trị 1 tuần về, xong quay lại để chữa bệnh sởi”.
Theo BS CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm -Thần Kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM, hiện trong khoa có 108 ca bệnh sởi, hầu hết các ca này đều không tiêm vắc xin, số ít 1-2 ca tiêm một mũi. Và thống kê đến 85% ca bệnh đến từ các tỉnh chuyển vào Nhi đồng 1. Trong số này 70% trẻ bị các biến chứng viêm phổi, viêm ruột, khi trẻ nhập viện trung bình từ 5-7 ngày.
Bác sĩ Quy cũng mong truyền thông rộng rãi rằng, Bộ Y tế và tổ chức WHO đã công bố cơ sở khoa học rằng việc chích ngừa sởi ở trẻ 6 tháng tuổi là an toàn, vì vậy cần triển khai nhanh, rộng để giảm tải áp lực dịch sởi nhằm giảm thiểu sức lực ngành y tế cũng như tốn kém cho toàn xã hội:
"Cách đây vài ngày có một gia đình tổng cộng tới 8 người con và 7 đứa trẻ nhập viện vì sởi. Do cha mẹ đi làm trên này gửi con dưới quê cho bà ngoại, thì bé này mắc lây hết cả nhà, bà ngoại phải đưa các bé lên TP.HCM nhập viện và ba mẹ phải chăm sóc. Có thể nói đây là câu chuyện đáng đánh động. Hình như câu thông tin 6 tháng tiêm vắc xin sởi hình như người dân biết chưa trọn vẹn. Thứ 2 nữa, vấn đề tiêm chủng ở quanh TP.HCM và các tỉnh còn thấp, vì đa số bệnh vào Nhi đồng 1 bệnh nhi toàn ở tỉnh lên, thành phố rất ít”.
Quan điểm bác sĩ Trương Hữu Khanh,Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, diễn tiến dịch lan rộng và không chững lại là tất yếu khi nhiều địa phương không chích ngừa đầy đủ và có thể kéo dài đến tháng 6/2025 khi hết chu kỳ.
Đặc biệt nếu không khống chế thì bệnh sẽ tấn công các đối tượng nguy cơ dẫn đến có ca tử vong. Sởi sẽ tấn công cả người lớn, vì sởi không có loại trừ tuổi mà chỉ loại trừ người có ễn dịch, lo ngại nhất là sởi tấn công đến phụ nữ mang thai, nếu bị thì sẽ chấm dứt thai kỳ hoặc bị sanh non.
Bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh rằng, mắc sởi nên ở yên tại chỗ điều trị để tránh lây lan thay vì chuyển bệnh lên các tuyến sẽ làm phức tạp thêm tình hình: “Theo tôi biết ở tỉnh cũng tràn ngập dưới rồi, vấn đề tỉnh đó có nói không thôi. Tôi biết các bệnh viện tỉnh lớn đều quá tải trong bệnh viện. Song, để giải quyết vấn đề chỉ có chích ngừa thôi, thành ra TP.HCM các bệnh viện Nhi đồng phải cố gắng, người ta lên đây không thể từ chối.
Thứ 2, bệnh này ở đâu chữa cũng được hết, không cần thiết phải lên Trung ương, tuyến trên làm gì. Bệnh này bệnh ở đâu chữa ở đó, phác đồ rất cơ bản nên bệnh nhân càng lo lắng càng đi lên làm quá tải và chuyển như vậy sẽ lây trên xe, lây ra ngoài cộng đồng nhiều hơn”.
Chúng ta đã từng đi qua đại dịch Covid-19 đã quen với các tác phong phòng chống, vì vậy không thể nào 1 địa phương quyết liệt trong khi các tỉnh khác thờ ơ giấu dịch. Chưa hết, hiện đang thời điểm giao mùa, nhiều dịch bệnh khác cũng lưu hành, nếu kịch bản dịch chồng dịch lại xảy ra đó là gánh nặng cho lực lượng y tế, tốn kém nguồn lực xã hội.
Đáng lẽ những câu chuyện này không được cho phép đến hẹn lại lên, đến mùa lại bùng phát nếu toàn xã hội biết phối hợp đồng bộ.