PV VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với 2 người tham gia thông để hiểu được cảm giác của họ khi đang đi bộ trên vỉa hè nhưng lại bị xe máy đi lên vỉa hè, khiến họ không còn lối để đi.
Xin chào hai bạn!
Em xin gửi lời chào tới đến quý thính giả của VOV Giao thông, tên em là Đàm Khôi Nguyên hiện tại em đang học ở trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa.
Đầu tiên mình xin gửi lời chào tới quý khán thính giả nghe đài VOV Giao thông, mình tên là Vũ Minh Đức, mình ở quận Cầu Giấy.
Trong quá trình tham gia giao thông hàng ngày 2 bạn thấy việc xe máy đi lên vỉa hè tại Hà Nội như thế nào?
Khôi Nguyên: Trường hợp vào giờ cao điểm cỡ 4h30 – 5h00 chiều cũng là giờ em đi học về và thời gian những người đi làm họ tan làm về. Thời gian đó là giờ cao điểm có rất nhiều người họ phóng xe lên vỉa hè họ đi mặc dù vỉa hè là của người đi bộ.
Em đã từng gặp rất nhiều trường hợp là em đang đi bộ ở phía trước nhưng mà người đằng sau họ bấm còi liên tục buộc em phải tránh đường ra, thậm chí em còn bị một lần họ không bấm còi, không gì cả họ cứ phóng qua trước em, họ phóng, họ đi từ vỉa hè lên.
Minh Đức: Thực sự với mình nghĩ nó là hiện trạng phổ biến ở Hà Nội rồi. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường bởi vì không gian đi bộ của mọi người bị chiếm, xe máy đã chiếm thì đấy thực sự sự anh hay mình đều nghĩ nó phổ biến.
Thêm nữa người ta đã đi sai rồi mà còn típ còi mà còn giục “tránh ra…tránh ra…để cho tôi đi”, có nghĩa là người ta không nhận ra hành vi sai phạm của người ta, người ta lại nghĩ đó là điều bình thường “tôi sống cuộc sống của tôi, tôi cần nhanh trước ông tránh ra cho tôi đi”.
Theo Khôi Nguyên và bạn Minh Đức, nguyên nhân nào dẫn tới việc xe máy bất chấp đi lên vỉa hè, giành chỗ của người đi bộ?
Minh Đức: Mình quy lại về vấn đề ý thức của con người là tắc thì tắc mình vẫn phải chấp hành tuân thủ luật giao thông.
Mỗi ngày mình đi mình đều phải gặp phải, gần đây nhất mình đỗ đèn xanh, đèn đỏ ở bến xa khách Mỹ Đình, Phạm Hùng giao Nguyễn Hoàng đấy, cách đèn xanh đèn đỏ tầm 20m thôi, do đường tắc, khi mình vừa dừng xe thôi, đúng làn, đúng vạch mình đi từ đâu đấy một người phi đến bíp còi, mình cố lờ đi nhưng bản thân người ta bằng được phải lên, bíp còi inh ỏi lên, đọc biển số xe của mình lên.
Sau đấy họ lách ra, phi lên vỉa hè rồi vào Nguyễn Hoàng. Bản thân mình tham gia giao thông với những người như thế quá buồn luôn.
Khôi Nguyên: Ý thức tham gia giao thông thật sự là giảm sút và kém. Đối với em, em buộc phải sử dụng vỉa hè. Đây giả dụ trạm xe buýt này là trạm xe buýt được đặt trên vỉa hè thì em buộc phải đi lên trên vỉa hè thì em mới có thể tới được trạm xe buýt và họ sẽ dồn em sang một bên để họ có thể đi.
Cứ bất cứ chỗ nào đông người và giờ cao điểm chắc chắn có tình trạng là họ phóng lên vỉa hè. Thậm chí em còn gặp nhiều trường hợp là họ phóng lên vỉa xong ngược chiều nhau, dẫn tới đâm nhau và gây ra tai nạn.
Ngoài việc xe máy đi lên vỉa hè đẩy người đi bộ xuống lòng đường, Khôi Nguyên và bạn Minh Đức còn thấy nguyên nhân nào đẩy người đi bộ xuống lòng đường?
Khôi Nguyên: Em thấy rất nhiều xe ô tô, xe máy để bừa bãi trên vỉa hè thật sự rất vướng. Vỉa hè là cho người đi bộ, mặc dù với tư cách là người đi bộ rất nhiều lần em phải bước xuống đường để đi. Nó rất nguy hiểm.
Trước tình trạng này bạn Minh Đức và Khôi Nguyên có mong muốn, đề xuất gì?
Minh Đức: Trước tiên là ý thức của mọi người phải tự nhận biết, tự nhận thức được vấn đề chấp hành giao thông nó là nét văn hóa, từ hành động nhỏ mình làm lên cái lớn. Các cơ quan chức năng lắp đặt rất nhiều camera phạt nguội ý, mong muốn sớm phạt nguội được.
Trên mọi đoạn đường nên có khu vực dừng đỗ, ô tô cũng thế thôi mình có khu vực dừng đỗ riêng thì tình trạng người ta để trên vỉa hè hay dưới lòng đường không còn diễn ra nữa. Thứ hai, ở đoạn vỉa hè người ta chắn trước và chắn sau để ngăn không cho xe máy lách lên thì mình nghĩ đấy là biện pháp hay để giảm thiểu số người muốn lên vỉa hè để đi rồi.
Khôi Nguyên: Trước hết là em mong người tham gia giao thông họ có thể nâng cao ý thức tham gia giao thông của mình hơn và nhận ra được lỗi sai của mình để từ đó sửa sai.
Thứ hai, em mong lực lượng chức năng sẽ có hình phạt thích đáng đối với những người vi phạm giao thông như thế này vì họ sẽ gây tai nạn không đáng có.
Rất cảm ơn những chia sẻ của hai bạn!
Cũng theo ghi nhận của PV VOV Giao thông trong ngày 09/08 tại đường Huỳnh Thúc Kháng xảy ra tình trạng người đi xe máy đi lên vỉa hè. Đặc biệt tại phố Huỳnh Thúc Kháng, ở đoạn qua cổng Công viên hồ Thành Công mặc dù UBND – Ban Chỉ đạo 197 phường Thành Công, quận Ba Đình đặt biển ghi “khu vực cấm đỗ ô tô” tuy nhiên sau tấm biển này có rất nhiều xe ô tô đỗ hàng dài trên vỉa hè.
Còn tại đoạn 16 – 18 Huỳnh Thúc Kháng, phần đường dành riêng cho người đi bộ dù đã được rào chắn nhưng bằng cách nào đó vẫn có rất nhiều xe ô tô đỗ tại khu vực này.
Chưa hết, cũng trong ngày 9/8, ghi nhận ở đường Nguyễn Chí Thanh đoạn qua số 91 xảy ra tình trạng xe máy đi người chiều trên vỉa hè để vào rẽ vào tòa nhà khu vực số 91 hoặc đi vào ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh.
Trước tình trạng này người dân, người tham gia giao thông rất mong lực lượng chức năng xử lý nghiêm tình trạng xe máy đi lên vỉa hè cũng như xe ô tô đỗ trên vỉa hè để đảm bảo phần đường dành cho người đi bộ thông thoáng, phong quang và an toàn!