Đề xuất hơn 5.700 tỷ đồng làm 29km cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn

Theo phương án đề xuất, tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, 4 làn xe, chiều dài gần 29km có tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng.

Bộ GTVT vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Bộ GTVT đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công - Ảnh nh họa Báo GT

Theo đề xuất, dự án có tổng chiều dài gần 29km. Điểm đầu kết nối với tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới; điểm cuối giao với quốc lộ 3B, kết nối với dự án đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Bộ GTVT đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 20,5 m, tốc độ thiết kế 80 km/h, một số đoạn có điều kiện địa hình thuận lợi có tốc độ 100 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.750 tỷ đồng, bằng 69% tổng sản phẩm GRDP của Bắc Kạn năm 2022. Trong đó chi phí xây dựng hơn 4.140 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 490 tỷ đồng, còn lại chi phí tư vấn, dự phòng.

Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị dự án, GPMB, tái định cư sẽ thực hiện năm 2023 - 2024, thi công xây dựng từ năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026.

Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đi qua địa bàn ền núi với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Hiện nay lưu lượng phương tiện chưa lớn nên phương án đầu tư theo hình thức PPP sẽ không khả thi.

Bộ GTVT đề xuất đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Hiện dự án đã được bố trí hơn 1.815 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Đối với phần kinh phí còn thiếu, Bộ đề xuất dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, trong đó bổ sung hơn 3.730 tỷ đồng để đảm bảo đủ tổng mức đầu tư.

Theo Bộ GTVT, sau khi Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đồng bộ về quy mô, nối thông tuyến đường Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới – TP. Bắc Kạn, góp phần tạo nên mạng lưới giao thông có tính kết nối vùng, thống nhất với hệ thống đường bộ trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực.

Bên cạnh đó, Dự án còn tăng cường kết nối vùng, đặc biệt là vùng núi, trung du phía Bắc với Hà Nội và Đồng bằng Sông Hồng. Mở rộng thị trường, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị với các khu vực khác; rút ngắn khoảng cách và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, ền, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Đông Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang…).