Cú lội ngược dòng của con tôm

Đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu tôm được đánh giá là tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, dự báo cán mốc 4 tỉ USD vào cuối năm 2024. Từ đó, kéo theo giá tôm thu mua tại các địa phương tăng “lập đỉnh”. Tuy nhiên doanh nghiệp chế biến đang “đau đầu” vì thiếu nguồn nguyên liệu

Trại nuôi tôm của anh Đỗ Minh Hải tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu xuất ao hồi tháng 9/2024 với giá 175.000 đồng/kg. Mức giá này đã khiến anh Hải hài lòng vì lợi nhuận 100%. Tôm được anh Hải nuôi ao bạt bờ đáy lưới với diện tích 2.500 mét vuông, thời gian nuôi 102 ngày, size 30 con kg, sản lượng 6 tấn. Có hai ao, anh bỏ túi hơn 1 tỷ đồng và bắt đầu tái vụ mới với khát vọng quý I/2025 tiếp tục “lập đỉnh” mang về lợi nhuận khá cho nông dân sau nhiều năm “bạc bẽo”.

Vụ tôm thu hoạch này là tôm mùa nghịch, dù rủi ro cao nhưng lợi nhuận tốt nên anh “liều” để làm giàu: “6 tấn thu về trên 1 tỷ mấy, trước đó anh cũng xuất 1 ao thu về 600 triệu nên thu về 1,6 tỷ. Theo anh tính hai ao này chi phí đầu từ 800 triệu thôi nên lợi nhuận 100%.

Tôm của anh dù size 30 con/kg nhưng giá 14.000 đồng/kg cũng có lời. Tính vụ tới này anh làm thêm vài ao nữa”. Làm từ nay đến tháng 2/2025, cứ năm nào cũng vậy, tôm giai đoạn này lúc nào cũng có giá, bước qua tháng 3 hằng năm tôm với sụt giá, rẻ lại”.

Ghi nhận tại thị trường ĐBSCL, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh từ giữa tháng 8/2024 nhưng người nuôi tôm không còn nhiều do bị tác động bởi giá thấp từ đầu năm và dịch bệnh. Hiện, tôm cỡ 50 con/kg, với mức tăng lên tới 6%, đạt 155.000 đồng/kg vào giữa tháng 11.

Đây là mức giá cao nhất của tôm loại này kể từ cuối năm 2021. Các loại tôm cỡ 100 con/kg cũng có mức giá ổn định, dao động từ 85.000 đến 90.000 đồng/kg. Không chỉ tôm chân trắng, giá tôm sú cũng ghi nhận sự tăng mạnh từ đầu tháng 10, đặc biệt là các cỡ lớn, với mức giá tương đương mức giá của đầu năm 2024.

Tuy nhiên, do nguồn cung tôm lớn bị hạn chế, các nhà máy chế biến tôm đã chuyển trọng tâm sang các loại tôm cỡ nhỏ hơn, đẩy giá các loại tôm này lên cao.

Ông Long Văn Nghĩa – PGĐ Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu cho biết: “Size tôm loại 25 con/kg bán hiện tại giá là 222.000 đồng/kg, đây là cái giá “lập đỉnh” mà từ trước tới nay chưa có giá này. Để quá trình nuôi ít rủi ro và tương lai thành công thì chúng ta thay đổi tư duy, người nuôi nên áp dụng nuôi tuần hoàn là tốt nhất”.

Giá tôm tăng vù vù nhưng không nhiều người dân còn tôm để bán. Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến thủy sản thì tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến sụt giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo nhận định từ ngành chức năng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra. Môi trường vùng nuôi tôm chưa được kiểm soát tốt, nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm. Giá vật tư đầu vào luôn có xu hướng tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm sâu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng.

Ông Huỳnh Văn Tấn, Phó tổng Giám đốc Camex Corp Cà Mau cho biết: “Quý II/2024 thì chúng tôi đã đẩy mạnh đơn hàng phục vụ xuất lhauar cuối năm, nhưng với tình hình này thì chúng tôi đã không có đủ nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất. Dự kiến chúng tôi cố gắng hoàn thành kế hoạch trong một tháng nữa”.

Về xuất khẩu, tôm chân trắng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng ấn tượng, đạt 35.350 tấn trong tháng 10, tăng 47% so với tháng 9 và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU đều tăng trưởng mạnh mẽ.       

Tuy nhiên, VASEP cho rằng ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nguồn cung tôm nguyên liệu được dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng đến hết quý 1 năm 2025, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến tôm. Các công ty này phải giải quyết bài toán cân đối chi phí sản xuất khi giá tôm nguyên liệu leo thang, trong khi vẫn phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ các quốc gia khác.

Cùng với sự thay đổi trong mô hình sản xuất tôm ở một số quốc gia như Ấn Độ, ngành tôm Việt Nam sẽ phải tìm ra những giải pháp để duy trì sự ổn định trong dài hạn. VASEP kỳ vọng, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi vào năm 2025, nguồn cung tôm nguyên liệu có thể được cải thiện, giúp giá cả ổn định hơn và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.