Bộ hành qua phố, lắng nghe phố kể chuyện về cây muỗm trăm tuổi, lá thẫm màu xanh ấy, vẫn thấy hoài niệm, vấn vương hương thơm như tỏa ra từ những chùm quả muỗm nho nhỏ năm nào…
"Mình thì tiếng Việt không giỏi đâu nhưng vẫn nhớ về cái cây này, thuở thời xưa bé bé vẫn hay đi ra hồ, nhà gần hồ mà. còn nhớ hồi đó tầm 8-9 tuổi đã có nó ở đây rồi thế nhưng mà rời nước hơn 50 năm nay rồi nên cũng không nhớ mấy, cũng giật mình vì nó vẫn còn tồn tại, vẫn nhận ra nó nhưng mà 2-3 năm trước tôi về còn thấy nó xòa xuống cả dưới hồ cơ, đẹp lắm. Nó giống quả xoài, nó hơi dài dài, màu xanh, mình vẫn còn nhớ, còn nhìn những con cá nó nhảy lên đớp những quả xoài nó ăn cơ. Nhưng bây giờ nó khác rồi".
Ông Thái, một Việt Kiều xa quê hương đã hơn 50 năm, cảm thấy không biết dùng những từ ngữ như thế nào để có thể êu tả chính xác được cảm xúc, sự bất ngờ và niềm vui của mình khi nhận ra những người bạn cũ, chính là những gốc cây cổ thụ mình đã từng chơi nghịch, đùa vui ngày còn nhỏ ở Bờ Hồ vẫn còn xanh mướt màu lá.
Cây muỗm xanh nghiêng bóng, nghiêng cành sà sát xuống mặt nước Hồ Gươm bao năm cũng là một trong những cây cổ thụ mà bà Tuấn, một cao niên ngoài 90 tuổi, hiện đang sinh sống ở phố cổ Cầu Gỗ nhớ nhất, ấn tượng nhất: "Cây muỗm mà nó chìa cái cành xuống hồ ấy, quả bé tí nhưng mà rất ngon, bà còn nhỏ nó đã cao và có quả rồi, quả của nó ngon vô cùng, giữa muỗm với xoài nó khác nhau nhiều lắm.
Vì bà hay ra đây thổi cái búp đa ấy, búp đa nó bé tí, cạnh đấy là cây búp đa bà hay thổi, quả nó rất là thơm nhé, cái quả muỗm ở đây này, nó ít rơi lắm, nó đang khỏe thì nó ít rơi, chỉ có quả chín nó mới rụng, giờ quả xanh nó đã rụng rồi vì nó già yếu mà, nó không nuôi được thì nó rụng. . Nó chết 1 nửa rồi, vì nó quá già nên nó vẫn còn lưu lốt lại, nó gần 100 năm rồi cơ mà".
Theo như lời kể của bà Tuấn, cây muỗm hơn trăm năm tuổi này hiện nay đã bị mối ăn một phần, nhưng cây vẫn còn sức sống, vẫn cho màu lá thẫm xanh và bám rễ sâu dưới ven hồ, ngay cả đợt bão lớn quét qua Hà Nội gần đây cũng không làm cây bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cây muỗm không còn ra quả được nữa, cành lá cũng không còn xum xuê tỏa bóng rợp kín một khoảng không gian ven hồ, khiến nhiều người đến Hồ Gươm dễ lướt qua mà không nhận ra cây muỗm xanh năm nào.
Sự đổi thay này cũng là tất yếu, bởi quy luật của thời gian. Nhưng hương thơm của những quả muỗm chín vàng, sự mát lành dưới tán cây muỗm xum xuê là những ký ức vẫn dội về mạnh mẽ đối với nhiều người Hà Nội đã gắn bó với Hồ gươm.
Đặc biệt, như ông Thái, dù xa quê hương đã nhiều năm, trở về thăm nhà, ngày nào ông cũng phải dạo vài vòng Hồ Gươm, ngắm từng cái cây, từng chuyển động đổi thay của nhịp sống để lưu giữ được những điều ấm áp trong lòng.
"Ngày xưa nó xum xuê nhiều, nhưng giờ bị cắt nhiều cành rồi, nhưng mà cũng tốt, vì để cho gió đỡ làm đổ. những cây già quá thì nên phục hồi lại, nhiều phố không thấy cây của ngày xưa nữa thì cũng buồn. Nhất là những người tuổi chú ngày xưa thời xưa hay chơi chung quanh hồ thì mỗi người có một ấn tượng, mỗi người có một kỷ niệm, từng gốc cây hay từng trí nhớ".
Mỗi người một ấn tượng, mỗi người một kỷ niệm, mỗi người một câu chuyện… Cứ nhặt nhạnh những câu chuyện như những mảnh ghép rời rạc đó về một cái cây, chúng ta sẽ có một bức tranh ngày càng hoàn thiện và hiện rõ.
Ít nhất thì cũng như câu chuyện về cây muỗm xanh ở Hồ Gươm hôm nay, vẫn chìa cành khẳng khiu sà xuống mặt hồ, vẫn có bao người ngồi hóng mát dưới gốc cây, tức là vẫn sẽ có thêm những câu chuyện hay để kể , có thêm nhiều người để nhớ về cái cây này đã từng đặc biệt như thế nào.