Cầu Phù Đổng bong tróc, rón rén đi lại

Nằm trên QL1 có mật độ phương tiện rất lớn, bề mặt đơn nguyên bên phải (phần cầu hướng đi trung tâm Hà Nội) của cầu Phù Đổng có dấu hiệu xuống cấp sau 22 năm khai thác. Nhiều va chạm đã xảy ra khiến cả người đi ô tô và xe máy đều cảm thấy e ngại:

 

Chở hàng từ Vạn Phúc đến Bát Tràng, tài xế xe tải Chu Văn Thơm, ở Sóc Sơn, Hà Nội đi qua cầu Phù Đổng đôi ba lần mỗi ngày. Anh chia sẻ, những người quen đường phải rón rén di chuyển, còn người mới đến đa phần đều giật mình, phanh gấp trước những ổ gà, sống trâu lỗi lõm trên cầu:

"Đợt đấy mình không biết, đang đi tốc độ 70km/h thì khựng lại, ngồi ghế lái mà đầu mình đập lên trên cabin. Đường xấu quá thì xe máy phải rẽ ra làn đường đẹp để đi, chen hết vào làn ô tô, ô tô phải đi chậm lại. Đoạn đấy đi phải giảm tốc độ, 20km/h mới đi được, chạy xe 10 tấn đến chỗ đấy mất đà, về số một chậm hơn, khiến các xe sau ùn lại", tài xế Thơm cho biết.

Đơn nguyên bên phải cầu Phù Đổng (phần cầu hướng đi trung tâm Hà Nội) có dấu hiệu xuống cấp sau 22 năm khai thác (Ảnh - Minh Hiếu)

Cầu Phù Đổng dài 946m, bao gồm 2 đơn nguyên, 6 làn xe và 2 làn khẩn cấp. Nằm trên QL1 có mật độ phương tiện rất lớn, bề mặt đơn nguyên bên phải (phần cầu hướng đi trung tâm Hà Nội) có dấu hiệu xuống cấp sau 22 năm khai thác. Đặc biệt sau cơn bão số 2 hồi cuối tháng 7 vừa qua, mặt cầu bị bong bật đoạn dài 32m, rộng 14m. Nhiều va chạm đã xảy ra khiến cả người đi ô tô và xe máy đều cảm thấy e ngại:

"Hướng đi về Hà Nội thì đầu cầu bị lún, xe chở nặng đến đấy nó nẩy kinh lắm. Sang đầu cầu bên kia thì nó “nát” hết rồi, có lúc có xe chở gạch nẩy lên còn tung cả gạch ra đường nữa cơ mà".

"Các xe thường trong đà đi nhanh để lên dốc, lại phải phanh gấp lại, rất nguy hiểm cho những xe đi sau, nhất là lúc sáng sớm hoặc nhá nhem tối, trời mưa là rất khó quan sát. Mình thấy có trường hợp 2 xe húc đuôi nhau ở chỗ đấy rồi".

"Khe co giãn đã cao và phập phồng từ lâu. Tại sao đơn vị chức năng để mặt đường như thế mà không sửa đi? Không sửa thì phải đặt biển cảnh báo từ đầu cầu bên kia, nói chung là anh thấy thiếu trách nhiệm".

Tài xế quen đường đều rón rén di chuyển, còn người mới đến đa phần đều giật mình, phanh gấp trước những ổ gà, sống trâu lỗi lõm trên cầu (Ảnh - Minh Hiếu)

Trước tình trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Khu Quản lý đường bộ I và Công ty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang, yêu cầu khẩn trương sửa chữa tình trạng hư hỏng, xuống cấp mặt cầu Phù Đổng.

Trao đổi với VOV Giao thông, đại diện Khu Quản lý đường bộ I cho biết trách nhiệm duy tu, bảo trì cầu Phù Đổng thuộc về công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang. Khu Quản lý đường bộ I đã yêu cầu công ty và nhà thầu bảo trì, sửa chữa khẩn cấp để đảm bảo an toàn giao thông.

Nhiều ổ gà đã được dặm vá, tuy nhiên vẫn còn nhô cao so với mặt đường (Ảnh - Minh Hiếu)

 

Theo khảo sát của phóng viên, đến ngày 9/8, nhiều ổ gà tại đơn nguyên bên phải cầu Phù Đổng đã được dặm vá, tuy nhiên vẫn còn nhô cao so với mặt đường, có vị trí tới khoảng 5cm. Phần cuối cầu chưa được thảm lại, chi chít ổ gà, sống trâu và đá dăm lổn nhổn.

Biển cảnh báo “mặt cầu hư hỏng, giảm tốc độ, đi chậm” chỉ được đặt duy nhất một vị trí ở giữa cầu, tại lan can bên phải, khó quan sát với người điều khiển xe ô tô.

Biển cảnh báo chỉ được đặt duy nhất một vị trí ở giữa cầu, tại lan can bên phải, khó quan sát với người điều khiển xe ô tô (Ảnh - Minh Hiếu)

Sớm sửa chữa, khắc phục triệt để những hư hỏng tại cầu Phù Đổng là mong mỏi của tất cả người tham gia giao thông, trong đó có anh Nguyễn Đặng Xuân Quý, ở Gia Lâm: "Mình thấy đường chỗ đấy xấu gần một năm nay rồi chứ không phải vài tháng đâu. Mình mong muốn trên tất cả các tuyến đường, đặc biệt là đường cao tốc, các cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát để xử lý những hiện tượng như ổ gà và các vấn đề khác phát sinh để cho các xe được lưu thông an toàn"./.