Đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Ca trù phổ biến là hát nói, bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Lê, sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ (hay do Đinh Dự) sáng chế ra, từng được giới trí thức yêu thích ở kinh thành Thăng Long. Nhưng phải đến thế kỷ thứ 18,19 khi tiếng Việt xuất hiện, ca trù mới thực sự phát triển và có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến...
Dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh, nét đặc sắc nhất của ca trù là chuyển chữ thành nốt nhạc để lan toả, gìn giữ thanh âm của dân tộc: "Mình chỉ có tiếng nói riêng, ngôn ngữ Việt là cái trường tồn nhất lâu dài nhất trong lịch sử của người Việt. Còn văn tự đi vay mượn. Nên công năng chính của ca trù là truyền bá thanh âm của tiếng việt, bản sắn của người việt qua thanh âm của tiếng việt, thông điệp tiếng Việt của người Việt".
Trải qua thời kỳ nửa thực dân nửa phong kiến rồi đến hai cuộc chiến tranh, công năng xã hội đó của ca trù đã mất dần trong đời sống. Thay vì cần tiếng hát để dưỡng chí dưỡng tâm, mở đầu cho một nghi lễ ở đình như xã hội phong kiến, thì họ chỉ cần văn bản và những tràng pháo tay để bắt đầu. Ca trù mất hẳn sau năm 1954.
Đến năm 1991, NSUT Bạch Vân thành lập câu lạc bộ ca trù đầu tiên ở Hà Nội sau gần 40 năm vắng bóng. Dù năm 2009, UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, nhưng ở danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, nghĩa là ca trù có thể thất truyền di sản phi vật thể cần được bảo vệ khấp cấp của UNESCO, trong khi quan họ Bắc Ninh hay hát xoan đang là những di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại:
"Chẻ sợi tóc làm tư, làm năm thì anh mới có thể có những cái đau đáu cho đất nước nếu mà chúng ta đau đáu cho ngành nghệ thuật của quốc gia này. Tôi nghĩ rằng cần phải quan tâm tới lớp trẻ. Chứ để như này là quá trôi nổi mặc dù chúng ta có tổ chức những liên hoan. Mà phải đi đến tận cùng, chứ không lớp trẻ hiện nay thì nói thật còn lại có nghề hiếm lắm", NSUT Bạch Vân cho biết.
Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt. Theo các nghệ nhân dân gian, ca trù có 56 thể thức hoặc giai điệu khác nhau, mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, trau chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hoà tấu.
Ngày nay ca trù đã được đầu tư công sức và tiền bạc để bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người Việt. Nhưng liệu giá trị của nó có đơn thuần chỉ nằm ở những nốt nhạc không?
"Nó không đơn giản như thế đâu. Nó là cả một bề dày của người Việt từ khi có nước, dựng nước và khẳng định nước mình bằng ngôn ngữ của chính mình đấy. Nên việc sáng tạo từ ngôn ngữ tạo ra bài thơ rồi thành một bản nhạc để khẳng định chủ quyền văn hóa về thanh âm về ca nhạc về sáng tạo của riêng mình là công lao vô cùng to lớn của tiền nhân. Từ đó mới thấy rõ hơn về ý thức bản sắc trong sáng tạo văn hóa mà người xưa đã dày công để làm ra tiếng hát ca trù", nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh chia sẻ.
Từ đó, nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh cho rằng, nếu muốn bảo tồn ca trù vững chãi và quy củ thì hãy đưa nó trở lại vị trí văn hóa bản sắc và sáng tạo trong những tấm lòng của chính người dân Việt:
"Hãy đưa vào môi trường phát triển văn hóa lịch sử của người Việt thì mới thấy công năng sáng tạo hữu dụng của bộ môn này trong đời sống. Ngày hôm nay, mình cần nó như là một ền quê văn hóa để mình nghĩ về tương lai trong thời đại tiếp cận ồ ạt như thế này. Từ đó cách ứng phó để giữ bản sắc của các cụ là một điều mà mình nên học hỏi; nhưng phải kiên nhẫn và phải đúng trình tự của văn hóa".
Hà Nội cùng các địa phương vẫn đang nỗ lực đưa ca trù tới đích “di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”, và bỏ lại “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của ngày hôm nay. Đó là một hành trình ệt mài và cần nhiều tâm sức. Hẳn nhiên, ca trù cũng cần một đời sống mới trong lòng những thế hệ trẻ hôm nay.
SỐNG Ở HÀ NỘI: Hai điểm giải trí lừng danh xưa
Thăng Long - mảnh đất ngàn năm văn hiến, người Thăng Long tài hoa, thanh lịch với những nghệ thuật giao tiếp, những nghệ thuật ẩm thực, thú vui tao nhã. Vui chơi của người Hà Nội xưa cũng trở thành một nét đẹp riêng có tạo thành một đặc trưng của người Hà Nội.
Thế kỷ 17, Thăng Long có một chốn giải trí vang lừng thiên hạ là các quán rượu có hát ca trù ở làng Võng Thị, làng nằm kẹp giữa hồ Tây và sông Tô Lịch chuyên trồng hoa các loại nên dân Thăng Long gọi là “Võng Thị điền hoa”.
Các quán rượu mở trong những căn nhà lá xinh xinh kế bên những vườn nhài thoang thoảng mùi hương vào ban đêm gợi cảm xúc cho du khách. Khi mặt trời lặn xuống bên kia hồ là lúc Võng Thị bắt đầu nhộn nhịp. Đàn ông khắp nơi trong thành đổ về. Các quán rượu ở Võng Thị bán thứ rượu vô cùng đặc biệt là rượu sen do làng Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) bên cạnh nấu với nhụy của giống sen Bách Diệp chỉ có ở hồ Tây.
Rượu nức tiếng kinh thành nên có Nho sĩ làm bài thơ là “Thụy Chương liên tửu” ca ngợi thứ rượu quí có mùi hương nồng nàn này. Rượu ở đây ngon đến mức người ta thêu dệt nên câu chuyện Phật dù giới tửu song cũng uống nên ở chùa Đõ có bức tượng Phật say. Tiếc là chùa Đõ không còn nên tượng cũng mất vì binh đao thời Lê - Mạc.
Khách vừa uống rượu vừa thưởng thức giọng hát, tiếng đàn, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chát tom thưởng những câu hát hay. Khách cũng kín đáo bỏ vào đấu gỗ chút tiền. Và cứ thế cuộc chơi kéo dài đến sáng. Trong bài thơ “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng, ông đã nhắc đến ngôi làng này: “Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.”
Thế kỷ 18, Thăng Long bắt đầu xuất hiện nhiều ca quán tập trung ở phường Hòe Nhai. Nhà Nho Ninh Tốn đỗ tiến sĩ đời vua Lê Hiển Tông có bài thơ ca ngợi phường hát này:
“Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp
Phong lưu vành chiếm một Hòe Nhai
Nõn nà trăm vẻ khoe xuân sắc
Uyển chuyển lời ca ghẹo khách hoài
Hoa rụng bên đền ghen má phấn
Oanh hào tiếng phách rộn bên ngoài
Kẻ thường đâu dám chi nghìn lạng
Phải đợi vương tôn quảy rượu sài”.
Năm 1799, Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn, em rể của thi hào Nguyễn Du, làm quan triều Tây Sơn, trước khi nghỉ hưu ra Thăng Long thăm thú thưởng ngoạn. Ông đến phường Hòe Nhai hát cô đầu và bị mê hoặc, sau đó ông làm bài thơ chữ Hán có tên là “Ca nữ phố Hòe Nhai”. Nghĩa tạm dịch là:
“Giọng oanh trăm chiều khéo lựa lời ca
Mắt đẹp đáng yêu thường gợn sóng sông thu
Nhà cửa thanh nhã, tay nâng đàn sáo
Dáng đẹp yêu kiều gượng mang gấm vóc
Tình xuân trăn trở buồn bã đêm trăng
Điệu cổ thê lương nghẹn ngào sáo trúc
Rung động lòng người nhất là những chốn phong lưu
Một khúc Nam âm thảnh thơi xướng họa”.
Các phong lưu thi sĩ thời đó có thú vui tao nhã là làm thơ, họp các bạn thơ cùng xướng họa, rồi nhờ các cô đầu đàn hát để cùng thưởng thức. Sau trăm năm ở Hòe Nhai các ca quán lại chuyển xuống phố Hàng Giấy. Khi Pháp xâm lược Hà Nội, thành phố xuất hiện các tụ điểm sinh hoạt theo kiểu châu Âu như tiệm nhảy đầm, cà phê âm nhạc. Ca quán ở Hàng Giấy vẫn nhộn nhịp nhưng tiền thuê nhà đắt lên nên họ chuyển xuống ấp Thái Hà.
Rồi một số nhà hát lại chuyển qua Khâm Thiên. Năm 1938, Khâm Thiên là phố giải trí lớn nhất Việt Nam có 40 nhà hát cô đầu, các tiệm rượu và 5 tiệm khiêu vũ. Trong thời gian dài những nhà hát cô đầu ở phố này bị mang tiếng xấu, sự thực không như người ta nghĩ
Sau năm 1954, do quan niệm hát cô đầu là sản phẩm của chế độ phong kiến còn nhẩy đầm là lối sống tư sản cần phải bỏ nên các điểm giải trí ở Khâm Thiên bị đóng cửa.
TIN YÊU
# Theo Sở Văn hoá và thể thao Hà Nội, tất cả các ngày trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các di tích thuộc Sở quản lý sẽ mở cửa đón khách tham quan, du lịch và nhân dân Thủ đô.
# Quận Đống Đa vừa xây dựng trang thông tin điện tử website "Godongda" cung cấp các thông tin giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa theo hướng phát triển du lịch bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và Tiếng Anh, đồng thời có liên kết với trang thông tin điện tử Dongda 360, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
# Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tổ chức trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt" nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt" giúp công chúng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh và những đóng góp của các vị tướng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.mTrưng bày diễn ra đến hết ngày 28/2/2025 tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
# Từ ngày 1/12/2024 - 1/1/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu Xuân với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán truyền thống, đặc trưng của các dân tộc...
Từ 1/1/2025, mức thu phí các di tích 22 Hàng Buồm và Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây là 20.000 đồng/lượt/khách; với Bảo tàng Hà Nội, mức thu phí 30.000 đồng/lượt/khách (giai đoạn 1), 50.000 đồng/lượt/khách (giai đoạn 2).