Biệt thự cổ, lắng giọt cafe ngày chớm đông

Những ngày đầu đông Hà Nội có chút có chút se lạnh, hẳn là ai cũng muốn chậm lại một nhịp để cảm nhận cái không khí mùa về qua phố. Giữa thành phố hối hả, bận rộn, vẫn có những chỗ nhỏ nhắn, ấm cúng là nơi để chúng ta thưởng thức một tách cafe và ngắm nhìn phố xá, dòng người.

Bên dòng thời gian hôm nay sẽ đưa các bạn tới một không gian còn lưu giữ được những nét xưa của Hà Thành để sống chậm lại cùng cái se lạnh đầu đông.

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, theo học ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị, và từ đó say mê lang thang phố phường và lê la các quán cà phê. Những năm 2000, khi làm nghiên cứu sinh về bảo tồn nhà cổ, tôi có dịp tìm hiểu sâu về khu phố cổ Hà Nội, thuộc lòng từng ngóc ngách và quán xá nơi đây.

Là người xa quê hương chẵn 2 thập kỷ, mỗi lần có dịp về mảnh đất thân thương, KTS Tô Kiên lại ghé tới những góc quán quen ở phố cổ… Theo chân anh, tôi dạo bước dưới cái nắng hanh đầu đông, ngắm nhìn phố cũ và lạc vào một con phố nhỏ - chỉ dài 136 mét nhưng lại có rất nhiều hàng quán. Phố Chân Cầm – đi từ Lý Quốc Sư tới Phủ Doãn. Phố rất nhỏ và chính thức có tên vào năm 1919 là La-ghít-kê – tên của một kiến trúc sư người Pháp.

Ngôi nhà số 8 nằm trên con phố Chân Cầm, nối từ phố Lý Quốc Sư rẽ vào thông ra Phủ Doãn có 3 tầng với những nét kiến trúc cực kỳ hoàn hảo và bề thế, khiến cho những người dù chỉ vô tình đi qua đều phải ngước nhìn (Ảnh: Bất động sản Việt Nam)

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, con phố này vào thời Nguyễn triều vua Tự Đức gồm có hai thôn là Chân Tiên và Minh Cầm. Ông cũng lý giải lại sao từ tên Pháp, con phố lại về thành cái tên Chân Cầm cho tới ngày nay:

"Tại sao từ tên phố đó lại đổi sang phố Chân Cầm. Vì năm 1945 khi mà Thị trưởng Trần Văn Lai làm trong vài tháng thì một trong những việc đầu tiên ông đổi teen phố, chuyển hết các tên người Pháp thành tên Tiếng Việt, thì phố La-ghit ông đổi thành phố Chân Cầm và lấy lại đúng tên thôn ghép lại từ thời Nguyễn. Từ năm 1945 sau đó đến năm 1951 có 3 lần đổi tên phố nhưng tên phố này vẫn giữ nguyên cho tới ngày hôm nay".

Phố Chân Cầm xưa không có quá nhiều điều đặc biệt, nhưng ngày nay, nó lại thu hút nhiều người bởi căn biệt thự ở số nhà 8. Căn biệt thự mang dáng dáp của kiến trúc Đông Dương, tức là kết hợp giữa kiến trúc bản địa Việt Nam với kiến trúc Châu Âu.

Căn nhà cổ với nước sơn vàng đặc trưng, ban công nhuốm màu rêu phong. Những bậc thềm xi măng đã cũ dẫn lối lên tầng 2, xung quanh được bài trí vài chậu cây nhỏ xinh. Tầng 2 của căn biệt thự là một quán cafe nhỏ xinh, vẫn giữ nguyên vẹn mọi thứ mang một cảm giác như quay ngược thời gian trở về thời kỳ cổ điển. Chị Hồng Trang – quản lý quán cafe Loading T bộc bạch:

"Hiện tại mình vẫn cố gắng hết sức để giữ gìn không gian này cho nguyên vẹn, mang cái hoài cổ và để mọi người nhớ về Hà Nội ngày xưa, cái nếp sống và không gian cũ. Ngoài đồ uống có lẽ mình rất thích cái sàn nhà và trần nhà vì nó vẫn còn nguyên vẹn hoa văn từ năm 1931 khi xây nhà này.

Cái sàn nhà vẫn nguyên từ ngày xưa khi cụ chủ nhà chuyển những viên gạch từ Pháp về thì nó vẫn nguyên vẹn, mặc dù qua thời gian có mờ đi chút nhưng hoa văn rất đẹp. Không hiểu sao cứ nhìn thấy hoa văn đấy là nghĩ ngay đến những ngôi nhà Hà Nội ngày xưa, từ lúc mình bé đã được nhìn thấy".

Những bức tường bong tróc, cũ kỹ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ điển vẹn nguyên theo năm tháng (Ảnh: Bất động sản Việt Nam)

Trên một con phố nhỏ không mấy gì nổi bật, lại có một không gian rất xưa để con người ta có thể chậm lại cùng tiếng nhạc Pháp du dương, lắng mình trong phố và đông Hà Nội:

"Cô đến quán này nhiều lần rồi và cô rất thích quán này vì phong cách rất nghệ sĩ, chị chủ nhà rất chịu khó cắm hoa cắm quả rồi nhạc Pháp. Ngồi đây cảm nhận một cái gì đấy rất phố cổ Hà Nội, nhẹ nhàng, dịu dàng. Trong rất nhiều quán ở Hà Nội thì quán này cũng là một trong những quán cô rất thích. Đây là quán nằm trên ngôi nhà cổ, một cái gì đấy cổ kính của Hà Nội còn sót lại cùng với nhạc Pháp thì bao giờ mình cũng thấy yêu hơn, thấy một cái gì đấy rất Hà Nội".

"Mọi khi cô hay ngồi cafe Giảng nhưng ngồi ở đây một lần cô lại thích hơn. Không gian rất yên tĩnh, không đông đúc lắm, cafe cũng thích nên cô và các bạn đến đây thưởng thức. Đến đây thì cô rất thích vì không khí, ở ngoài thì nhìn được ra khung cửa sổ đầu đông Hà Nội và lại trung tâm nên cô quay trở lại đây để trò chuyện và gặp nhau".

Nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến đây để cảm nhận một Hà Nội rất khác so với sự nhộn nhịp ngoài phố xá (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Không chỉ người dân phố, mà nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến đây để cảm nhận một Hà Nội rất khác so với sự nhộn nhịp ngoài phố xá:

"Tôi tìm thấy quán này ở trên mạng. Tôi cảm thấy đây là một không gian mang tính hoài cổ, có thể học được nhiều từ lịch sử, từ quá khứ. Tôi thấy cách làm cafe rất là tuyệt vời, hương vị đồ uống cũng rất thơm ngon và là một không gian đẹp đáng để tới".

Hà Nội có nhiều kiểu uống cafe. Cafe vỉa hè, cafe phố mới, cafe mang đi. Nhưng có lẽ với nhiều người – cũng giống như KTS Tô Kiên thì… những ngày đầu đông, họ muốn tìm về một Hà Nội xưa cũ qua tách cafe nhỏ:

"Vì làm nghề quy hoạch thiết kế đô thị, tôi thường lang thang cảm nhận các không gian đô thị khác nhau và chúng cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trong cái rét đầu mùa mà đi cafe giữa một khu đô thị mới hoành tráng hiện đại nhưng lại có phần vô hồn, có lẽ tôi sẽ thấy lạnh và chống chếnh rất nhiều so với khi đắm mình trong không gian nhỏ xinh ấm cúng của phố cổ.

Đây thực sự là nơi thời gian lắng đọng, mang theo cái hồn của nơi chốn, có kỉ niệm, có hương thời gian, có cội nguồn văn hóa lịch sử, có tập quán sống, và đặc biệt có cái gốc văn hóa cafe mà may mắn thay đã được người Pháp mang tới cho nước Việt mình".

Bữa cơm trưa ở nông thôn ền Bắc (Ảnh: Sách Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Món cháo ám từ kinh đô Thăng Long đã lan ra các tỉnh thành. Ở một số tỉnh Nam Bộ người ta cũng gọi là cháo ám. Tại sao gọi là cháo ám? Phải chăng có mắm tôm, thứ nặng mùi bám vào quần áo nên gọi là cháo ám?

Ngoài ăn cơm, thỉnh thoảng người Việt cũng ăn cháo. Mùa hè nóng nực người Việt thướng nấu cháo  trắng với cà muối hay cháo đậu xanh, đậu đen ăn cho mát. Thức đêm đói bụng người ta thường ăn cháo vì dễ tiêu và không đầy bụng. 

Cháo là món dễ nấu nhưng tại sao Hà Nội lại có phố Hàng Cháo? Sử chép thời Lê ở kinh thành Thăng Long có thôn Hàng Cháo. Đến đời Nguyễn, thôn Hàng Cháo đổi thành thôn Cổ Thành thuộc tổng Hữu Nghiêm huyện Thọ Xương.

Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp cải tạo Hà Nội, mở rộng con đường vào thôn Cổ Thành, gọi là ngõ số 206. Năm 1928, chính quyền chuyển ngõ thành phố đặt tên là phố Bảng Nhãn Đôn, (tức là bảng nhãn  Lê Quí Đôn). Năm 1949 phố Bảng Nhãn Đôn được đổi thành phố Hàng Cháo. Sau 1954, thành phố đã đổi lại nhiều tên phố nhưng vẫn giữ nguyên tên Hàng Cháo.

Những ghi chép xưa cho thấy thôn này có người chuyến làm  bánh đúc, nấu cháo  trai, cháo trắng, cháo đậu xanh, đậu đen gánh vào bán ở các chợ trong thành. Nhưng ở thôn Cổ Thành xưa có người chuyên nghề nấu cháo ám. Vì món cháo này rất cầu kỳ, không phải ai cũng có thể nấu ngon nên họ thuê người Cổ Thành đến nấu.

Bà Nguyễn Thục Uyên, người có khá nhiều khảo cứu chi tiết về ẩm  thực Hà Nội xưa có kể một giai thoại về cháo ám. Lê Thế Tôn (niên hiệu là Gia Thái) tiếng làm vua nhưng là phận bù nhìn, chỉ sống bằng bổng lộc chúa Trịnh chu cấp. Biết chúa Trịnh hay đánh bài với các quan đại thần vì thế vua thường sang phủ chúa chầu rìa và chờ ăn công tạo.

Một lần nọ, ngửi mùi cháo thơm, vua Lê bảo hôm nay ăn ám rồi đố chúa, cháo hôm nay nấu bằng cá quả hay cá chuối, chúa chịu không trả lời được. Vua Lê Thế Tôn bảo cá chuối, khi đầu bếp dọn lên thì đúng là cá chuối thật. Qua giai thoại chứng tỏ vua Lê Thế Tôn là người sành ăn.

Món Cháo ám mùa Thu (Ảnh: Check-in Việt Nam)

Cá chuối hiếm, nên người Hà Nội thường dùng cá quả để nấu cháo. Thịt ba chỉ luộc chín thái lát mỏng. Cá để nguyên con đánh vẩy rồi xát muối sau đó rửa lại bằng nước gừng trước khi khía hai bên mình vài nhát. Sau đó luộc bằng nước luộc thịt. Cá chín kỹ gắp ra, bày nguyên trên đĩa con.

Cháo không nấu bằng gạo nguyên hạt mà nấu tấm pha nhiều bột gạo tẻ và chút bột nếp. Điều này lý giải tại sao Hàng Cháo lại kế bên phố Hàng Bột nơi chuyên bán các loại bột xay. Cháo chín tới thì nhúng cả con cá vào, lớp bột như hồ sẽ bao bọc giữ thân cá luôn nóng.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng sẽ xắn một ếng cá vào bát, cho vài ếng thịt ba chỉ, thêm hành chẻ,tìa là thái nhỏ, chút mắm tôm vắt chanh, ít ớt bột và rau mùi sau đó múc cháo nóng phủ kín nhân. Trộn đều cháo với nhân, cháo nóng làm tái hành chẻ rau mùi khi ăn xúc từng thìa một, nhai chạm để cảm nhận hết mùi vị. 

Nếu muốn ăn kèm với rau cần hay cải cúc thì chỉ việc cho rau  vào bát, các bước cũng như ăn không có rau rau. Tại sao gọi là cháo ám? Phải chăng có mắm tôm, thứ nặng mùi bám vào quần áo nên gọi là cháo ám?

Món cháo ám từ kinh đô Thăng Long đã lan ra các tỉnh thành. Ở một số tỉnh Nam Bộ người ta cũng gọi là cháo ám. Dù nguyên liệu chính vẫn là cá chuối, cá quả hay cá lóc, thịt ba chỉ nhưng một số nơi khi nấu cháo đã thay tấm, bột gạo bằng gạo hạt, cho thêm gia vị địa phương đã cho ra mùi vị cũng rất thú vị.

Đông đảo người dân tham gia chương trình Đêm Trúc Bạch vào tối khai mạc 29/11

TIN YÊU

- Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 với chủ đề 'Hà Nội kết nối năm châu' diễn ra từ ngày 29/11 đến 1/12/2024 tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Lễ hội mang đến nhiều hoạt động như trải nghiệm Phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội, trải nghiệm “Phở số” với robot thông nh chế biến phở, cùng với các không gian văn hoá ẩm thực làng nghề truyền thống, không gian ẩm thực quốc tế

- Vào tối ngày 29/11/2024, tại không gian tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) khai mạc chương trình quảng bá sản phẩm du lịch 'Đêm Hà Nội'; công bố Quyết định công nhận 3 điểm du lịch mới của Thủ đô Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và Đảo Ngọc - Trúc Bạch, quận Ba Đình và khai trương Tuyến tàu điện số 6.

- Vừa qua, tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã ra mắt phim 3D mapping 'Sử đá lưu danh' trong chương trình trải nghiệm tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám 'Tinh hoa đạo học'.

- Còn gần 1 tháng nữa tới lễ Giáng sinh nhưng chủ các cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trang hoàng rực rỡ với nhiều sản phẩm đồ trang trí Noel lung linh sắc màu. Năm nay, sản phẩm đồ trang trí cho dịp Noel và đón năm mới 2025 đa dạng về cả mẫu mã lẫn kiểu dáng.