Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Mức phạt vi phạm môi trường quá nhẹ, không đủ sức răn đe

Phóng viên - 25/10/2021 | 16:02 (GTM + 7)

Những gì đáng phạt thì phạt thật nặng, không chẻ nhỏ ra, thanh tra xử phạt phải có căn cứ và cũng nên tham khảo một số biện pháp xử phạt của một số nước.

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm có 3 chương, 75 điều, hướng tới mục tiêu hoàn thiện, thống nhất với các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, các vi phạm bao gồm: Hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường; các hành vi gây ô nhiễm môi trường; Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất; Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản...

Ảnh minh họa (Quang Hùng-VOVGT)

Dự thảo cũng quy định sẽ xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kết quả thẩm định giấy phép môi trường, kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, kết quả quan trắc chất thải của chủ dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu sản xuất kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp trong việc cung cấp công khai thông tin về môi trường.

Dự thảo đã quy định các hành vi vi phạm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ôzôn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà VN đã cam kết khi tham gia thỏa ước Paris về biến đổi khí hậu. Dự thảo cũng quy định mức xử phạt cụ thể cho từng đối tượng hoạt động kinh doanh xăng dầu, lưu kho, tổng kho cảng, thay vì một mức xử phạt chung cho nhiều đối tượng như trước đây.

Đồng thời dự thảo đã bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phục hồi, bảo vệ di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ sinh thái tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường.

Các nhóm hành vi xả thải lén lút, xả trộm, xả không qua xử lý, dự thảo đã nâng mức xử phạt tăng lên 3 lần và tăng 2,5 lần đối với hành vi không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình với các công trình xử lý chất thải, xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng. Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi này dựa trên nguyên tắc vi phạm càng lớn, mức xử phạt càng cao, đảm bảo tính răn đe.

Ảnh minh họa (Quang Hùng - VOVGT)

TĂNG MỨC XỬ PHẠT GẤP 3 LẦN

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có những điểm nổi bật nào? PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường - đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Nghị định này:

PV. Thưa ông, những mục tiêu nào được đặt ra khi xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?

Ông Lê Vũ Tuấn Anh: Có 3 mục tiêu, thứ nhất là bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) cũng như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đa dạng sinh học và các quy định pháp luật khác.

Thứ hai, phù hợp với thực tế, có tính khoa học, khả thi và kế thừa.

Thứ ba, nghị định quy định cụ thể, không bỏ sót các hành vi vi phạm; phân định cụ thể, rõ thẩm quyền của các chức danh xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo tính răn đe, thống nhất, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, DN.

PV: Ông có thể chia sẻ những điểm nổi bật của Dự thảo Nghị định lần này?

Ông Lê Vũ Tuấn Anh: Về hành vi vi phạm, dự thảo đã cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức cá nhân bằng các quy định hành vi vi phạm theo trình tự thực hiện đánh giá tác động môi trường, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, giấy phép môi trường, đăng kí môi trường và bảo vệ môi trường trong triển khai xây dựng dự án hoặc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giấy phép môi trường là một trong những quy định rất mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, dự thảo đã quy định mức xử phạt đối với 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp bộ, tương tự đối với các dự án do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp phép cũng được phân theo các tiêu chí tương đương, đảm bảo thống nhất và công bằng trong mức xử phạt. Và xác lập lại đúng vai trò trong hoạt động quan trắc chất thải của DN.

Liên quan đến các hành vi vi phạm về quản lý chất thải, dự thảo nghị định đã bổ sung một số điều quy định về thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời cũng quy định các hành vi trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chuyển giao, bán chất thải sinh hoạt cho các đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn lấp, đổ thải, đốt chất thải rắn sinh hoạt trái quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Việc bảo đảm vệ sinh nơi công cộng, dự thảo đã bổ sung hành vi, quy định về việc thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào ao hồ, kênh rạch, sông biển và đại dương; hành vi đốt ngoài trời về phụ phẩm cây trồng gần khu vực dân cư, sân bay và các tuyến giao thông chính. Dự thảo cũng quy định các hành vi phạm về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ôzôn; các hành vi về ứng phó với sự cố tràn dầu.

Để tăng cường tính răn đe, nhóm hành vi xả thải lén lút, xả trộm, xả không qua xử lý, dự thảo nghị định đã nâng mức xử phạt tăng lên 3 lần so với nghị định cũ, đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường. Và tăng 2,5 lần đối với hành vi không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình với các công trình xử lý chất thải, xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng.

Về thẩm quyền xử phạt, dự thảo đã quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng chức danh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ảnh minh họa (Quang Hùng - VOVGT)

MỨC XỬ PHẠT CÒN NHẸ

Những quy định trong Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã đủ sức răn đe hay cần phải điều chỉnh theo hướng nào? Phóng viên VOV Giao thông phỏng vấn TS. Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường xung quanh nội dung này:

PV: Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã bổ sung sửa đổi khá nhiều nội dung, những quy định này liệu đã đủ sức răn đe?

TS. Hoàng Dương Tùng: Dự thảo nghị định này đã bám sát Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, kế thừa nghị định 55 mới ban hành đầu năm 2021 và có bổ sung một số hành vi mới.

Tuy nhiên, nghị định này cũng cần thêm thời gian để bổ sung cho đầy đủ. Một số điều khoản đã cập nhật, thế nhưng mức xử phạt tôi thấy không đủ sức răn đe, vẫn còn nhẹ quá đối với một số hành vi. Ví dụ hành vi có thể gây hiệu quả rất nghiêm trọng nhưng chỉ bị phạt ở mức 10-20 triệu đồng nên người ta sẵn sàng nộp phạt, tôi nghĩ cái đấy chúng ta phải sửa đổi.

Dự thảo cũng đã quy định thêm việc sử dụng một số thiết bị đo nhanh để phạt, tôi hết sức lưu ý vấn đề này. Bởi trong môi trường rất khác, xử phạt phải dựa vào các phương pháp tiêu chuẩn, một số thiết bị đo nhanh hiện nay không có phương pháp tiêu chuẩn, nếu ghi như dự thảo thì rất nguy hiểm và không đúng với luật.

PV: Như ông vừa cho biết thì còn khá nhiều nội dung cần phải xem xét lại và bổ sung, ông có thể phân tích rõ hơn một số vấn đề?

TS. Hoàng Dương Tùng: Nhiều năm qua tác dụng của thanh tra xử phạt còn hạn chế, nhiều người cho rằng chúng ta đưa ra quy định nhưng cũng không phạt được ai.

Một số hành vi phạt cho có tồn tại, nó nhẹ quá. Và chúng ta chẻ nhỏ các hành vi, như thế không hiệu quả. Và có một số lỗi chúng ta kế thừa từ trước nhưng không đúng trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Để đảm bảo luật có hiệu lực có lẽ chúng ta phải sửa đổi căn bản nghị định theo hướng đổi mới tư duy.

Những gì đáng phạt thì phạt thật nặng, không chẻ nhỏ ra, thanh tra xử phạt phải có căn cứ và cũng nên tham khảo một số biện pháp thanh tra xử phạt của một số nước.

PV: Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, vậy dự thảo nghị định này đã cụ thể hóa tình thần hậu kiểm hay chưa?

TS. Hoàng Dương Tùng: Trong này tôi thấy một số điều vẫn còn tư tưởng tiền kiểm còn rơi rớt lại, cái đấy không phù hợp với Luật, tinh thần hậu kiểm tức là nâng cao trách nhiệm của DN.

Bây giờ đã ban hành giấy phép bảo vệ môi trường, tức là sau khi cấp phép hoàn toàn có thể thanh tra kiểm tra, khi DN vận hành thử nghiệm hay vận hành thực tế mà vi phạm các điều kiện của giấy phép, vi phạm quy chuẩn thì hoàn toàn có thể xử phạt rất nặng, có thể đóng cửa. Cái đấy mới thể hiện tinh thần hậu kiểm, tôi nghĩ nên đổi mới ngay từ khi chúng ta xây dựng nghị định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ảnh minh họa (Quang Hùng - VOVGT)

Mặc dù có hiệu lực chưa dầy 1 năm nhưng một số quy định trong Nghị định số 55 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không còn phù hợp với thực tiễn và nhiều bộ luật mới ban hành. Để bảo đảm tính tương thích, phù hợp và đồng bộ, việc sửa đổi và ban hành Nghị định mới là vô cùng cấp thiết.

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang hướng đến tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này.

--

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, vovgiaothong.vov.vn hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Đẩy nhanh tiến độ thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Đẩy nhanh tiến độ thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Sau khi được Thành ủy và UBND TP.HCM tập trung tháo gỡ, đến nay dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã chính thức bước sang giai đoạn mới, đó là thi công đồng bộ cả hai nhánh hầm HC2 và HC1, với mục tiêu phấn đấu đến trước ngày 31/7 .

Đề xuất hạn chế nuôi chó dữ, nuôi chó mèo phải đăng ký kê khai

Đề xuất hạn chế nuôi chó dữ, nuôi chó mèo phải đăng ký kê khai

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM vừa xin ý kiến xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố.

Hết cửa “chặt chém” khi thu phí gửi xe qua QR code

Hết cửa “chặt chém” khi thu phí gửi xe qua QR code

Những tấm vé gửi xe máy mệnh giá 5 nghìn nhưng bị thu 10 nghìn đồng, gửi ô tô dưới 1 tiếng, nhưng bị “tính tròn” thành 50 nghìn đồng mỗi block 2 giờ. Đây là cách “chặt chém” giá vé phổ biến. Hầu hết các giao dịch này đều là thanh toán tiền mặt, không thể truy vết dòng tiền.

Tận dụng đất đá dôi dư, cần đáp ứng các điều kiện gì?

Tận dụng đất đá dôi dư, cần đáp ứng các điều kiện gì?

Mới đây Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương tận dụng đất, đá dư thừa để đắp nền đường mở rộng một số đoạn tuyến theo giai đoạn hoàn chỉnh của cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh. Điều này mang lại ý nghĩa thế nào trong bối cảnh vật liệu đang thiếu hụt hiện nay?

Trước trận Việt Nam-Indonesia: “Chợ đen” trầm lắng, cơ hội cho người hâm mộ “săn vé” giá tốt

Trước trận Việt Nam-Indonesia: “Chợ đen” trầm lắng, cơ hội cho người hâm mộ “săn vé” giá tốt

Hôm nay (26/3) sẽ diễn ra trận đấu tâm điểm giữa đội tuyển bóng đá quốc gia nam Việt Nam với đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 (Wolrd Cup 2026) khu vực châu Á. Đây là trận đấu mang tính chất quyết định. Dù vậy, không khí “săn vé” không quá sôi nổi trước thềm trận đấu.

Nơi thời gian ngưng đọng

Nơi thời gian ngưng đọng

Làng Cự Đà, ở ngoại thành Hà Nội, chỉ cách trung tâm chừng hơn 10km. Nơi đây, người dân vẫn giữ được nghề làm miến truyền thống cũng như nếp sinh hoạt xưa cũ, cùng lối kiến trúc độc đáo... Ở Cự Đà, người ta sẽ có cảm giác như thời gian ngưng đọng, với những dấu vết xưa cũ đầy hấp dẫn

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

// //